“Cả năm được ba ngày Tết" là câu mẹ tôi thường nói, một người đã 60 tuổi, luôn tiết kiệm quanh năm nhưng sẵn sàng “vung tay hơi quá trán" mỗi dịp xuân về. Mẹ tôi là người sẵn sàng “đổi cả năm" làm việc vất vả để lấy “ba ngày Tết" thật sung túc, rộn ràng.
Mẹ tôi mua sắm đủ cả; bắt buộc phải tự gói bánh chưng, phải có cây đào trong nhà; mâm ngũ quả phải đẹp mắt; nồi thịt kho phải đủ đầy ít nhất trong 3 ngày Tết.
Có lẽ mẹ tôi sẽ bị không ít người (trong đó có cả tôi) chỉ trích vì “ăn Tết tốn kém”, thậm chí “bận rộn quá”. Tôi đưa ra lý do hết sức thuyết phục, dịp Tết là để thảnh thơi chứ không phải mệt bở hơi tai dọn dẹp, lau chùi, trang hoàng, nấu nướng. Mẹ tôi vẫn điệp khúc - “Tết mà.”
Dù những năm gần đây, gia đình tôi đã “đơn giản" hơn trong công cuộc đón Tết nhưng mẹ vẫn khẳng định: “Đó là nhịp của Tết, mẹ chỉ sợ chưa kịp thực hiện đã hết từ bao giờ; lại lao vào công việc, lại quên đi niềm vui làm thứ bản thân mình thích.”
Không phải cứ “cầu kỳ" là mệt, Tết “nhàn" là thảnh thơi
Cầu kỳ - đơn giản; lãng phí - tiết kiệm; bận rộn - thảnh thơi… luôn là những cụm từ đối lập của những “phe" khác nhau khi nói về Tết. Và bao giờ cũng thế, nếu chuẩn bị Tết một cách cầu kỳ sẽ đi kèm với lãng phí, bận rộn, mệt mỏi. Ở phía ngược lại, nếu ăn Tết đơn giản thì sẽ là tiết kiệm, nhàn tản, thảnh thơi.
Nhưng trên thực tế, quan niệm và thực tế chuẩn bị đón Tết không bao giờ nằm ở một phía như vậy. Mẹ tôi bảo rằng, bận rộn là vui; có việc làm thì đỡ “nhàn cư vi bất thiện.”
Mua sắm một vài món đồ mới là một cách giải khuây, mẹ nói. Nếu bình thường tiết kiệm không dám mua thì nay “nhân dịp tết mà vung tay một thể.” Tôi nghĩ cũng đúng thật, chẳng phải người trẻ vẫn xem shopping therapy như một cách khuây khỏa hay sao?!
Mẹ tôi bảo, điều quan trọng nhất chính là việc “thuận theo" ví tiền và điều mà mình mong muốn nhận lại trong dịp Tết. Vì vậy, mua sắm không phải lúc nào cũng là biểu hiện của sự hoang phí. Và chuẩn bị một cái Tết cầu kỳ không phải là dấu hiệu của sự mệt mỏi đến mức phải áp lực (nếu bạn không thực sự muốn.)
Quan trọng hơn cả là tìm thấy niềm vui, cảm giác thân thuộc trong những hoạt động cận Tết (quãng thời gian thường khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi nhất.)
Chỉ khi nào bạn “all in" vào những quyết định của mình, thì lúc đó bạn sẽ tìm thấy những thử thách cần vượt qua, những kết quả tốt đẹp có thể đến.
Vì thế dù chuẩn bị Tết cầu kỳ mà vui hay đơn giản mà hạnh phúc đều là ở quyết định của bạn và gia đình bạn. Nhưng ngay cả thế, chúng cũng không thể triệt tiêu nhau và trở nên tuyệt đối trong lựa chọn của mỗi người, mỗi gia đình.
Cảm nhận nhịp Tết để giữ trọn hương vị Tết
Khi vừa lúi húi nấu nồi thịt đông trong bếp, vừa thử mẻ dưa món mới làm, mẹ tôi cảm thấy mọi vất vả dọn dẹp, nấu nướng cũng sắp qua rồi. Đó là đêm 28, 29 Tết, khi mọi thứ đã bắt đầu hoàn tất (những vất vả trong tưởng tượng và thực tế) để cảm nhận Tết đã thực sự đến.
Nếu nhìn thấy một nụ cười hạnh phúc thực sự nào đó của mẹ trong những ngày Tết, thì ngay chính khoảnh khắc đó, mẹ ưng ý với mái tóc mới được làm xoăn rất “retro".
Còn với tôi, nhịp Tết là bắt đầu khi nhà hàng xóm mở một vài bài hát nhạc vàng nghe hơi “buồn thương" nhưng lại rất Tết. Tôi thì quần quật lau dọn nhà cửa trong khi ba tôi đang gói những chiếc bánh chưng cuối cùng.
Điều đó khiến tôi nhớ về những kỷ niệm ấu thơ, đêm tối thức sang canh trông nồi bánh chưng, chèn vào than những củ khoai, củ sắn.
Nhịp của Tết còn là con đường trước nhà rộn ràng tấp nập những lời chào hỏi, cười nói. Ba Tôi quyết lại vôi cho bờ tường trước nhà, hóa vàng những thứ cũ kỹ của một năm còn sót lại trên bàn thờ.
Nhịp của Tết còn là mẹ hỏi món ăn mẹ nấu thế nào? Ba chờ lời khen cành đào vừa mới mua về có gắn những món trang trí đỏ tươi. Nhịp Tết là những đứa em, đứa cháu khoe bộ đồ vừa được mới mua cho và chờ đợi những phong bao lì xì đỏ tươi.
Nhịp của Tết, thường là những ngày cận Tết, bận rộn hớt hải mà trôi qua rất nhanh. Đêm 30 ăn bữa cơm Tất nhiên, xem chương trình hài Táo quân và đón chờ phút giao thừa với tiếng pháo hoa đì đùng ở đâu đó. Tết là những nhịp như vậy, 1,2,3,...5 tôi không muốn đánh rơi một nhịp nào hết.
Tết theo ý mình là dịp Tết ý nghĩa nhất
Dù với tâm thế nào, ăn Tết truyền thống hay hiện đại, cầu kỳ hay đơn giản, điều quan trọng nhất: Tết theo ý mình là Tết quan trọng nhất. Tôi có một người bạn đã quyết định du lịch đến Ấn Độ vào dịp Tết và nhận lại nhiều lời phàn nàn, chỉ trích.
Bởi đơn giản, Tết thay vì là dịp gia đình đoàn tụ lại là khoảng thời gian gợi lại những chấn thương về đổ vỡ gia đình. Cậu chọn đi đến một đất nước xa lạ, để thử tránh xa những tổn thương. Vì thế, ăn Tết ở một nơi xa là quyết định dũng cảm của cậu ấy.
Hay như, ăn Tết cầu kỳ hay giản tiện cũng có thể là “đích ngắm" để ca bài ca phân tích Tết nên thế này, Tết nên thế kia. Tết là một dịp vui, là khởi đầu một năm mới với hy vọng mới (hơi văn mẫu.)
Chọn cách ăn mừng Tết theo cách nào là tuỳ thuộc vào mỗi người, mỗi gia đình. Nhưng bạn cũng đừng quên rằng Tết là dịp để nhớ về nguồn cội, và còn là dịp hiếm hoi để gia đình đoàn tụ.
Tết là dịp vui, nhớ nhé!