The impossible task - Khi việc đơn giản trở nên nan giải | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
05 Thg 10, 2021
Tâm Lý Học

The impossible task - Khi việc đơn giản trở nên nan giải

Đối với người bị trầm cảm hoặc lo âu, những việc đơn giản nhiều khi cũng trở nên thật khó khăn.
The impossible task - Khi việc đơn giản trở nên nan giải

Nguồn: Phương Thảo @therabbit.archive cho Vietcetera

Đánh răng, tắm rửa, dọn dẹp hay làm đồ ăn sáng đều là những việc quá quen thuộc với tất cả chúng ta. Nhưng với người bị trầm cảm, họ có thể loay hoay mãi không xong, thậm chí còn chẳng muốn bắt đầu. Họ có thể rất đói và cần ăn sáng, nhưng đến đổ sữa vào ngũ cốc họ cũng không làm nổi.

Điều gì đã khiến họ lực bất tòng tâm với cả những việc đơn giản như vậy? Đó chính là the impossible task, tạm dịch là “nhiệm vụ bất khả thi”.

Nguồn gốc the impossible task

Hiện tượng này được nhà văn Molly Backes nhắc đến lần đầu trên Twitter năm 2018. Cô đã gọi tên một nỗi khổ khó nói của người bị trầm cảm hoặc lo âu.

Khi ở trạng thái u uất, ngay cả những việc rất dễ ta cũng không làm xong nổi. Thời gian trôi qua, công việc vẫn còn đó trong khi áp lực hoàn thành nó tiếp tục tăng lên.

titlenguon goc impossible task nguon goc impossible task
Khi ở trạng thái u uất, ngay cả những việc rât dễ ta cũng không làm xong nổi

Những “nhiệm vụ bất khả thi” này có thể là dọn giường, rửa bát, thậm chí cả đánh răng hay tắm rửa. Đây đều là những việc chúng ta đã làm 7749 lần trong đời, vì vậy mà người ngoài thấy khó hiểu khi người trầm cảm không xong nổi chúng.

Nguyên nhân dẫn đến the impossible task

Nghiên cứu cho thấy “nhiệm vụ bất khả thi” có thể là một biểu hiện của rối loạn chức năng hành vi (executive dysfunction) do tổn thương thùy trán. Đây là nơi chứa vỏ não vận động chính - thứ điều khiển những chuyển động lý trí của cơ thể. Ngoài ra nó còn có hệ thống dopamine có liên hệ với trí nhớ ngắn hạn và thông tin giác quan.

Khi thùy trán bị tổn thương, ta sẽ mất đi khả năng phân tích, lên kế hoạch và bố trí thời gian để hoàn thành công việc. Ta cũng gặp khó khăn trong tập trung, điều chỉnh cảm xúc và lẫn lộn khái niệm thời gian, không gian.

Nguyên nhân chính gây tổn thương thùy trán gồm yếu tố vật lý (chấn thương, u não) hoặc di truyền (chứng tự kỷ, ADHD hay tâm thần phân liệt). Chứng trầm cảm cũng gây ra những hiệu ứng tương tự ở mức độ nhẹ hơn, đặc biệt khi người bệnh gặp biến cố gây xáo trộn trong sinh hoạt hàng ngày.

“Nhiệm vụ bất khả thi” liên quan đến sự thiếu động lực. Nó vừa là triệu chứng, vừa là tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm”, tiến sỹ tâm lý Aimee Daramus chia sẻ.

The impossible task khác lười biếng thế nào?

Theo bà Daramus, khác biệt cơ bản giữa the impossible task và lười biếng nằm ở động lực làm các việc này khi tâm lý ổn định.

“Chúng ta đều có những việc bản thân rất ghét và không muốn làm. The impossible task thì khác - bạn rất muốn làm việc đó, thậm chí bình thường thích làm, nhưng không thể làm nổi lúc tinh thần xuống dốc”. Điểm này tương đồng với một triệu chứng cơ bản của trầm cảm là mất hứng thú với những điều bạn vốn yêu thích.

title01oct2021intext2 The impossible task
Khác với lười biếng, impossible task là những việc bạn rất muốn làm nhưng không thể làm nổi vì tinh thần xuống dốc

Như trong ví dụ làm đồ ăn sáng ở trên, người trầm cảm có thể rất đói và cần ăn. Bình thường họ còn thích nấu ăn, nhưng giờ không thể làm nổi bát ngũ cốc đơn giản. Chứng trầm cảm đã khiến tinh thần họ chạm đáy. Nếu bình thường người đó đã ghét tự nấu và luôn trông đợi người khác giúp chuẩn bị đồ ăn, thì mới là lười biếng.

Làm sao hoàn thành impossible task?

Nếu bản thân bị trầm cảm, đây là 2 điều quan trọng bạn cần nhắn nhủ bản thân:

“Đây không phải lỗi của mình”

The impossible task là một biểu hiện bệnh lý trầm cảm. Vì vậy, nó không phải điều bạn có thể tự can thiệp, mà cần nhờ đến các quy trình trị liệu y học để quay lại trạng thái bình thường.

Trầm cảm cũng ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn không thua gì các bệnh lý về thể chất. Hơn nữa, nó còn ảnh hưởng trực tiếp đến não - cơ quan phức tạp bậc nhất trong cơ thể. Bạn có thể buồn vì điều đó, nhưng không nên tự thao túng chính mình bằng những suy nghĩ như: “Mình là đứa vô dụng, việc đơn giản thế mà cũng không làm xong nổi”, “Người bình thường chẳng ai lại gặp khó khăn trong việc này”

“Điều tệ nhất có thể xảy ra nếu mình không thể làm xong trong hôm nay là gì?”

Hãy thử đặt câu hỏi này khi đối mặt với impossible task. Kết quả có thể không lý tưởng, song nếu chấp nhận được thì bạn có thể cho qua.

Chẳng hạn với “nhiệm vụ bất khả thi” là giặt đồ, kết quả tệ nhất có thể là bạn hết đồ mới để thay. Nếu quần áo mặc dở còn dùng được thêm 1-2 ngày nữa thì vẫn có thể chấp nhận.

Nhưng nếu kết quả gây ảnh hưởng nghiêm trọng, bạn sẽ cần can thiệp ngay lập tức. Ví dụ với “nhiệm vụ” thanh toán tiền điện, nếu không làm luôn thì hôm sau bạn sẽ bị cắt điện. Trong trường hợp này, bạn cần nhờ sự giúp đỡ từ bên ngoài nếu không thể tự mình hoàn thành.

Nếu có người thân hoặc bạn bè gặp phải the impossible task, đây là một số cách bạn có thể tham khảo để giúp đỡ:

Chia nhỏ nhiệm vụ để tạo động lực hoàn thành

Theo giáo sư tâm lý Robert L. Leahy, đặc trưng tâm lý của người bệnh trầm cảm là thiếu động lực thậm chí là với hoạt động hằng ngày. Để tránh công việc mãi bỏ ngỏ, ta cần giúp họ tự tạo ra động lực để hoàn thành công việc.

Nếu sống chung với người trầm cảm, bạn hãy thử giúp họ chia nhỏ và căn thời gian hoàn thành cho từng việc. Ví dụ dọn phòng có thể chia thành gấp chăn gối 2 phút, quét phòng 5 phút và lau phòng 5 phút. Sau đó bạn bấm đồng hồ thử thách họ hoàn thành trong thời gian ấn định trên.

Có “phần thưởng” khích lệ

Cũng theo giáo sư Leahy, người trầm cảm ít khi công nhận nỗ lực của bản thân, vì vậy bạn có thể thay họ làm điều đó.

Nếu “nhiệm vụ bất khả thi” là điều họ vốn thích làm, bạn nên động viên giúp họ nhớ về điều đó. Ví dụ nếu người đó nấu ăn ngon, bạn khen những món ăn họ từng làm và bày tỏ mong muốn được ăn sáng cùng họ. Đây sẽ là phần thưởng tinh thần ý nghĩa đối với họ.

Thỉnh thoảng khi họ hoàn thành nhiệm vụ, phần thưởng vật chất cũng phát huy tác dụng. Bạn có thể “treo thưởng” cốc trà sữa, món ăn vặt họ thích hoặc một món quà nhỏ.

title01oct2021intext3jpg phan thuong khich le
Phần thưởng có thể giúp người trầm cảm công nhận nỗ lực của bản thân

Chủ động chia sẻ

Khi họ rất cố gắng mà vẫn lực bất tòng tâm, bạn có thể giúp họ hoàn thành công việc. Bản thân bạn có thể giúp đỡ việc nhà, mua đồ ăn, thuốc men...trong những thời điểm này.

Nếu đang giãn cách xã hội, bạn thử gọi điện trò chuyện, khích lệ họ làm việc. Nhưng quan trọng nhất là hãy cư xử với họ bình thường, lắng nghe và trò chuyện thật tâm để tránh tạo cho họ cảm giác mặc cảm và tội lỗi.

Kết

Trầm cảm không đơn giản là nỗi buồn kéo dài dai dẳng. Nó ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống, kể cả những việc nhỏ nhất.

Nếu thấy ai gặp phải the impossible task, nên nhớ rằng đó không phải sự lười biếng. Họ rất muốn làm, thậm chí bình thường thích làm, nhưng chứng trầm cảm đã ngăn cản họ.

Điều quan trọng là bạn thấu hiểu và khuyến khích họ không thao túng chính mình, nó chỉ khiến mọi việc tồi tệ hơn. Kết hợp với áp dụng những tips nói trên, bạn có thể giúp họ vượt qua rào cản tinh thần và hoàn thành mọi việc.