The Sandman và "bài kiểm tra mùi" của Neil Gaiman | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu
08 Thg 08, 2022
Điện Ảnh

The Sandman và "bài kiểm tra mùi" của Neil Gaiman

Suýt nữa thì vua cõi mộng không đến được cõi thực.
The Sandman và "bài kiểm tra mùi" của Neil Gaiman

Nguồn: Netflix

Sau 32 năm kể từ khi ra tập truyện tranh đầu tiên, The Sandman đã chính thức đến cõi thực. The Sandman vốn là bộ truyện kinh điển của DC Comics và truyện tranh nói chung, được chắp bút bởi tiểu thuyết gia Neil Gaiman.

The Sandman đã từng được nâng lên đặt xuống nhiều lần trước khi chính thức đi vào sản xuất và ra mắt công chúng trên Netflix, từ ngày 05/08 vừa qua.

The Sandman nói về điều gì? Tại sao nó lại kinh điển và mất nhiều năm để được chuyển thế thành phim?

Sự kết hợp giữa thần thoại, kỳ ảo, siêu nhiên và siêu anh hùng

Sandman (người cát), Morpheus, Lord of Dreams (Chúa tể những giấc mơ), Dream King (Vua cõi mộng) là nhiều tên gọi khác nhau để gọi Dream, nhân vật chính của The Sandman.

Câu chuyện bắt đầu khi Dream (Tom Sturridge) rời vương quốc của mình đến thế giới tỉnh giấc và bị một nhóm pháp sư vô tình triệu hồi và bắt cóc.

Dream bị giam giữ trong lồng kính suốt khoảng 1 thế kỷ, bị đánh cắp các bảo bối. Từ đó, Dream theo đuổi hành trình đi tìm lại báu vật cũng như giấc mơ, ước mơ và cả hy vọng của mình.

The Sandman cũng giới thiệu đến một hệ thống các nhân vật phức tạp có nguồn gốc từ các truyện cổ, thần thoại. Đó cũng là một trong những chất liệu truyền nhiều cảm hứng cho Neil Gaiman, cũng như các truyện tranh và phim siêu anh hùng của DC và Marvel ngày nay.

Bên cạnh đó, các khái niệm về Thiên đàng, địa ngục, quỷ Lucifer, 7 anh em nhà Endless là Destiny (Định mệnh) bao gồm Death (Chết chóc), Dream (Giấc mơ), Desire (Khát khao), Despair (Tuyệt vọng), Delirium (Mê sảng), Destruction (Hủy diệt)... cũng ít nhiều được nhắc đến trong bộ phim này.

Những tên tuổi lớn tạo nên điều khác biệt

Neil Gaiman, tác giả của bộ truyện tranh tham gia vào quá trình sản xuất bộ phim. Ngoài tác giả truyện tranh, Gaiman còn được biết đến như một tiểu thuyết gia, người làm báo, nhà phê bình, nhà sản xuất. Ông đã bắt tay vào chuyển thể chính câu chuyện của mình từ trang giấy lên màn ảnh.

Bên cạnh đó, cái tên quan trọng khác phải kể đến là nhà sản xuất David S. Goyer. David cũng nhiều danh xưng không kém Gaiman nhưng ông nổi tiếng nhất với vai trò biên kịch và nhà sản xuất. Bộ 3 phim Batman của Christopher Nolan, bộ 3 phim Blade hay Call of Duty… đều có sự nhúng tay của ông.

alt
Nhà văn Neil Gaiman và biên kịch, nhà sản xuất David S. Goyer.

Biên kịch, nhà sản xuất phim Allan Heinberg cũng tham gia rất nhiều vào The Sandman.

Dàn diễn viên bộ phim có sự góp mặt của Tom Sturridge (Morpheus/Dream), Boyd Holbrook (Corinthian), Vivienne Acheampong (Lucienne) và Patton Oswalt lồng tiếng cho "con quạ" Matthew the Raven.

Nâng lên đặt xuống nhiều lần để tạo ra “siêu phẩm”

Từ khi ra đời vào năm 1989, The Sandman đã trở thành một hiện tượng trong làng truyện tranh và khán giả đại chúng. Và như nhiều bộ truyện kỳ ảo, siêu nhiên, siêu anh hùng khác... The Sandman chờ đợi được chuyển thể thành phim.

Nhưng hết lần này đến lần khác, Neil Gaiman đã từ chối vì sợ các tác phẩm chuyển thể sẽ đánh mất đi phong vị của những trang truyện tranh gốc, điều mà chính ông và khán giả đều cảm nhận rõ. Neil Gaiman cũng sợ phải nói với khán giả “chạy ngay đi” nếu bộ phim ra đời với chất lượng tồi tệ.

alt
Nguồn: The Sandman.

Cứ thế, 32 năm trôi qua trong chớp mắt và The Sandman vẫn chờ đợi “đúng người, đúng thời điểm.” Đông qua, xuân về mỗi năm đã khiến Neil Gaiman thay đổi. Ông cùng các cộng sự quyết định sẽ bắt tay vào chuyển thể The Sandman lên màn ảnh.

Trong lúc thực hiện bộ phim, Neil Gaiman vẫn hay nói với các cộng sự của ông rằng, liệu bộ phim đã vượt qua "bài kiểm tra mùi" (smell test?) Đây là một phương pháp không chính thức để quyết định xem bộ phim đã thực sự sẵn sàng - và liệu nó có mang đến những trải nghiệm chân thực thông qua cảm giác.

Rõ ràng Gaiman tin vào trực giác, và cảm nhận ngoài các kỹ thuật làm phim như cách kể chuyện, kỹ xảo, ngôn ngữ điện ảnh… Dù thay đổi và thêm thắt, gạt bỏ thứ này thứ nọ nhưng rõ ràng The Sandman vẫn mang lại sự chân thực như cảm giác khi đọc truyện tranh.

Nối dài thế giới thần thoại - kỳ ảo qua tác phẩm của Neil Gaiman

Trước khi The Sandman ra mắt trên Netffix, nhân vật Lucifer trong bộ truyện tranh cùng tên đã từng được làm thành series vào năm 2014. Bộ phim được khán giả khá yêu thích và đã sản xuất được thành 6 mùa với 93 tập phim.

Cuốn tiểu thuyết Những vị thần nước Mỹ (American Gods) cũng từng được dựng thành TV series với 3 mùa được khán giả đặc biệt yêu thích.

alt
Nguồn: American Gods Series.

Ngoài ra, series ngắn Good Omens dựa trên cuốn tiểu thuyết gốc cùng tên của Terry Pratchett và Neil Gaiman cũng ra mắt khán giả vào năm 2019. Neil Gaiman vừa là người sáng tạo đồng thời là biên kịch của series này.

Có thể nói, Neil Gaiman là một nhà văn đặc biệt được các nhà sản xuất bản tại Việt Nam ưa chuộng. Bạn có thể tìm đọc nhiều tác phẩm hay của ông từ Coraline đến Thần thoại Bắc Âu, từ Bụi sao đến Đại dương cuối đường làng... với các ấn bản tiếng Việt.

Tất nhiên Neil Gaiman nổi tiếng với những câu chuyện thần thoại, siêu nhiên, siêu anh hùng khi lung linh kỳ ảo khi kinh dị, đen tối.

Nhưng Neil Gaiman cũng sáng tác truyện thiếu nhi hết sức trong sáng và hồn nhiên. Nếu bạn đang cần một cuốn sách nhẹ nhàng, dịu dàng và đáng yêu thì hãy thử đọc Còn sữa là còn hy vọng của Neil Gaiman.