Thuốc tránh thai thời 2000: giáo dục giới tính để sinh đẻ có kế hoạch | Vietcetera
Billboard banner

Thuốc tránh thai thời 2000: giáo dục giới tính để sinh đẻ có kế hoạch

Đằng sau sự “cởi mở” trên báo chí Việt Nam đầu thế kỷ về thuốc tránh thai, bao cao su… là chương trình kế hoạch hoá gia đình, không phải giáo dục giới tính.
Thuốc tránh thai thời 2000: giáo dục giới tính để sinh đẻ có kế hoạch

Nguồn: Sức Khoẻ và Đời Sống, số 98 (990), 14/11/2000

Đi chơi qua đêm thời đầu 2000

Câu chuyện nam nữ “gây sốc” được đăng trên báo Việt đầu năm 2000 có liên quan đến thuốc tránh thai. Bài báo đưa con số thống kê chính xác, rằng có 117 bạn trẻ đi chơi qua 1h30 sáng mới về vào dịp tết dương lịch năm đó, và có tới 49 bạn đến 8h sáng hôm sau mới về nhà. Từ đó đặt giả thuyết: chuyện đụng chạm nam nữ đã xảy ra.

httpsvietceteracomuploadsimages15aug2022201912281622331jpg
Nguồn: Hoa học trò, số 319-320-321, 20/1/2000

Bài trích dẫn thư của một bạn gái:

“Hà Nội, ngày 6-1-2000

Con chào bác sĩ!

Thưa bác sĩ, con viết bức thư này sau nhiều lần đắn đo suy nghĩ nhưng hôm nay con đánh bạo viết thư tới bác sĩ mong bác sĩ một lời khuyên, một lời chỉ bảo.

Bác sĩ ơi, con sợ lắm con đã trót dại rồi. Chuyện đó xảy ra vào hôm 31-12-1999, vì một phút yếu lòng mà con đã làm những việc mà một cô gái chưa lập gia đình không nên làm…

…con đã mua Postinor theo lời bác sĩ và uống nhưng liệu con có tránh bị có thai được không?

L. (phường Vĩnh Tuy, Q. HBT-HN)”

Chuyện những cặp tình nhân đi chơi với nhau và làm tình ngày nay là không hiếm, với số lượt đặt phòng trên AirBnb khổng lồ hơn rất nhiều so với con số 49 mà bài báo đã nêu. Năm 2000, chuyện tình dục chủ yếu được nhắc đến dưới dạng minh hoạ cho những bài học đạo đức truyền thống và công dụng của các biện pháp tránh thai cùng thời kỳ.

Thật vậy, phòng tránh thai như thế nào là một trong hai chủ đề được nhắc tới nhiều nhất khi nói về giáo dục giới tính ở Việt Nam, bên cạnh tình dục đồng thuận. Trong thực tế, khi sự đồng thuận mới được nhắc đến rất gần đây nhờ việc xã hội ngày càng cởi mở hơn trong chuyện tình dục và chú ý nhiều hơn tới quyền con người, thì các phương pháp phòng tránh thai đã được dư luận Việt Nam quan tâm từ tập niên 70 của thế kỷ trước.

Chất lượng dân số

Trái ngược với mục tiêu hiện nay là giải phóng tình dục và đáp ứng nhu cầu cá nhân, vào những năm 1970-1980, các nhà quản lý quan tâm nhiều hơn tới chất lượng dân số. Tình dục lúc đó gắn chặt với sinh sản, nhằm gia tăng lực lượng lao động thời hậu chiến. Nhưng đẻ xong thì nuôi thế nào? Đó cũng là câu hỏi nhà nước cố gắng giải quyết vào thời điểm lương thực và cơ sở y tế, giáo dục còn nhiều hạn chế. Phòng tránh thai là giải pháp kiểm soát chất lượng sinh đẻ hữu hiệu thời kỳ đó.

httpsvietceteracomuploadsimages15aug2022202007081104351jpg
Nguồn: Báo Sức Khoẻ, số tết Kỷ Mùi, 16/1/1979

Từ năm 1979, câu chuyện đặt vòng cho phụ nữ đã được nhắc đến qua bài báo trong hình minh hoạ, được đăng trên báo Sức khoẻ, số tết Kỷ Mùi, 16/1/1979. Bài báo không nhắc tới tình dục như một vấn đề cá nhân, mà quan tâm tới sinh sản như một vấn đề xã hội hệ trọng cần phải được nói từ đầu xuân năm mới - “sinh đẻ có kế hoạch.”

Bài báo giới thiệu về các biện pháp tránh thai tồn tại ở thời điểm đó - “túi cao su, mũ tử cung, xuất tinh ngoài âm đạo, áp dụng phương pháp Ô-gi-nô, dùng thuốc tránh thai…” Đặt vòng, kỹ thuật được sử dụng phổ biến nhất ở đất nước ta thời kỳ đó, không thể được thực hiện một mình dễ dàng như dùng bao hoặc uống thuốc, mà phải được lắp đặt tại cơ sở y tế. Điều này cho thấy nhu cầu cá nhân trong chuyện chăn gối không quá được đề cao vào ngày trước.

Cho tới tận những năm 1990, tức là sau thời Đổi Mới, mở cửa quốc tế năm 1986, tình dục ở Việt Nam mới được coi như một yêu cầu cá nhân. Ngày đó, Uỷ ban Quốc gia dân số và kế hoạch hoá gia đình (tiền thân là Uỷ ban Quốc gia dân số và sinh đẻ có kế hoạch) từng xây dựng chương trình bán trợ giá nhà nước cho các mặt hàng phòng tránh thai. Điển hình, năm 1993, bao cao su được giới thiệu và bán trợ giá, còn năm 1998 là thuốc tránh thai.

Từ những năm 2001-2002, thuốc tránh thai thương mại đã được quảng cáo công khai trên mặt báo. Bao cao su, do hình dáng quá trực quan, phải đợi thêm một thời gian mới có dịp xuất hiện trước công chúng dù có nhu cầu sử dụng phổ biến.

httpsvietceteracomuploadsimages15aug2022202007201642011jpg
Nguồn: Sức Khoẻ và Đời Sống, số 108, 8/9/2001

Quảng cáo công khai không có nghĩa là cổ vũ

Thế kỷ 21 đánh dấu mốc cho việc thuốc tránh thai được buôn bán như một mặt hàng tiêu dùng đại trà. Nhưng không vì thế mà người ta nói công khai rằng nó được sử dụng khi cặp tình nhân quan hệ để giải phóng nhu cầu thể xác ở nhau.

httpsvietceteracomuploadsimages15aug2022202007151629551jpg
Nguồn: Sức Khoẻ và Đời Sống, số 98, 14/11/2000

Sức Khoẻ và Đời Sống, khi ấy là tờ báo tích cực đưa tin và đăng quảng cáo về các biện pháp ngừa thai. Không đề cập trực tiếp tới chuyện chăn gối, tờ báo cổ vũ việc sử dụng thuốc vì chủ động trong việc mang thai và có con là “nghĩa vụ và quyền lợi” của người dân. Khi chữ “nghĩa vụ” vẫn được đặt lên hàng đầu, thì sinh sản và tình dục vẫn được gộp chung nhằm phục vụ cho lợi ích quốc gia.

Việc thuốc được sử dụng thay thế cho biện pháp đặt vòng một cách phổ biến hơn cả là nhờ việc các nhà khoa học trên thế giới lúc đó đã chứng minh được việc sử dụng viên tránh thai hàng ngày không có liên quan đến việc ra tăng tỉ lệ ung thư ở nữ giới như nhiều quan sát trước đó đã chỉ ra. Thậm chí, thuốc tránh thai còn được chứng minh rằng có thể “giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư.”

Thật vậy, khi tình dục là một thị trường tiềm năng, báo chí đầu thế kỷ 21 không thể có lý do quảng cáo cho các bản phẩm liên quan nếu chúng chỉ phục vụ chuyện… chăn gối. Những bài báo đầu tiên viết về ưu điểm của thuốc tránh thai vào năm 2001 tập trung vào chuyện nó có những lợi ích tới sức khoẻ nhiều hơn là lợi ích tình dục.

Cụ thể, số báo 101, ra mắt ngày 23 tháng 8 năm 2001 của Sức Khoẻ và Đời Sống nhấn mạnh:

  • Thuốc tránh thai có thể cải thiện tinh thần: Thuốc khiến người sử dụng cảm thấy tâm lý phấn chấn hơn, cảm thấy thoải mái lạc quan không chỉ trong thời kỳ kinh nguyệt, mà còn trong những ngày khác của tháng.
  • Thuốc tránh thai có thể trì hoãn lão hoá: Thuốc giúp kiểm soát sự bất ổn về sức khoẻ khi công năng buồng trứng suy giảm và khả năng sản xuất kích tố sinh dục nam ngày càng bất ổn định khi người phụ nữ bước vào độ tuổi 40. Nó thậm chí còn ngăn ngừa khả năng mắc bệnh loãng xương ở phụ nữ ngoài 30.

Chức năng cải thiện đời sống tình dục chỉ được nhắc đến rất ngắn gọn. Tác giả chỉ ra, không như một số lầm tưởng rằng thuốc có thể làm giảm ham muốn, nhiều nghiên cứu chỉ ra phụ nữ sau khi uống thuốc tránh thai hàng ngày có thể duy trì đều đặn khả năng ham muốn tình dục.

Kết luận

Có thể nói, nếu như xã hội Việt Nam thực sự cởi mở hơn qua thời gian, thì những nước đi đã diễn ra mang tính chất rón rén. Các nhà quản lý, các công ty dược, báo chí truyền thông và quảng cáo phải dựa vào những diễn ngôn chính sách lớn như sinh đẻ có kế hoạch hay kế hoạch hoá gia đình để nhắc tới ngừa thai và nhiều chủ đề tình dục khác. Như vậy, tình dục mới dần được chấp nhận trong một xã hội tương đối bảo thủ.

Đứng ở thời đại có thể nói về giới tính một cách đỡ ngần ngại hơn, ta cần nhìn vào quá khứ và hiểu để có sự thay đổi, cần nhiều nỗ lực và sự chuẩn bị về tư tưởng và cơ sở vật chất. Nếu thế hệ kế tiếp được trang bị đầy đủ hơn kiến thức giới tính, chúng hẳn sẽ bớt bỡ ngỡ như ta đã từng trước ngưỡng cửa của thời gian.