Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư cho startup - Chia sẻ bởi Mai Ho, nhà đầu tư tại quỹ Hustle | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
07 Thg 07, 2020

Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư cho startup - Chia sẻ bởi Mai Ho, nhà đầu tư tại quỹ Hustle

Nhà đầu tư quỹ Hustle - Mai Ho - chia sẻ 4 bí quyết lựa chọn nhà đầu tư để startup bảo vệ quyền lợi của mình.

Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư cho startup - Chia sẻ bởi Mai Ho, nhà đầu tư tại quỹ Hustle

Đúng vậy, bạn không đọc nhầm tiêu đề. 

Đa phần, những người khởi nghiệp thường muốn tìm hiểu tiêu chí lựa chọn startup của nhà đầu tư. Tuy nhiên bài viết này chú trọng góc nhìn ngược lại: cách lựa chọn nhà đầu tư cho những người sáng lập. 

Bạn sẽ biết mình cần lưu ý gì từ giai đoạn tìm hiểu cho đến khi chấp nhận điều kiện đầu tư (term sheet). Đặc biệt điều này càng quan trọng nếu công ty bạn may mắn nhận được lời mời từ nhiều quỹ. 

Trước khi vào chủ đề chính, tôi muốn chia sẻ lý do mình viết đề tài này. Tất cả đều xuất phát từ những cuộc trò chuyện giữa tôi và một vài công ty khởi nghiệp tại Việt Nam. 

Câu chuyện thứ nhất xoay quanh vấn đề các nhà sáng lập đã lỡ bán đi quá nhiều cổ phần ngay vòng gọi vốn đầu từ nhà đầu tư thiên thần. 

Có lẽ bạn sẽ thắc mắc: “Thế nào là bán quá nhiều?”. Xin đáp là: Nếu đến vòng gọi vốn thứ hai mà công ty chỉ còn sở hữu 50% cổ phần thì đây đồng nghĩa là bạn đã bán đi quá nhiều

Câu chuyện thứ hai xoay quanh một công ty tôi có đầu tư. Họ chia sẻ về term sheet của một quỹ khác cho tôi nghe và đó là những điều kiện vô cùng rối ren, cũng như bất lợi cho nhà sáng lập. Hơn nữa, trong đó bao gồm cả ý định mua lại từ 30-49% cổ phần ngay từ vòng đầu tiên.

Ngoài ra, quỹ này còn đòi hỏi thêm đặc quyền về bảo vệ lợi ích. Cụ thể là sau này nếu công ty có huy động vốn bao nhiêu đi chăng nữa, thì quỹ vẫn giữ được ít nhất 20% cổ phần.

Những điều kiện này không những gián tiếp biến nhà sáng lập thành người làm thuê cho quỹ, mà có thể tạo rất nhiều khó khăn cho công ty trong những vòng gọi vốn tiếp theo.

Sau đây là những điều nhà sáng lập cần tìm hiểu trước khi nói chuyện với các nhà đầu tư để bảo vệ quyền lợi cho mình:

1. Quỹ đầu tư vào mảng nào? 

Đa phần có 2 loại quỹ đầu tư: một là generalist, tức là ngành nào họ cũng sẽ đầu tư; hai là specialist, tức họ có thể chỉ tập trung vào một chuyên ngành hoặc một mảng nhất định.

Như tại Hustle Fund chúng tôi đầu tư vào những công ty phần mềm công nghệ, bất kể lĩnh vực nào, tại thị trường Bắc Mỹ và Đông Nam Á, tức chúng tôi thuộc loại quỹ đầu tư generalist.

Bạn có thể tìm hiểu thông tin về loại quỹ đầu tư ở trang “Về chúng tôi” trên các website và những công ty mà quỹ đã đầu tư vào. 

2. Quỹ đầu tư vào giai đoạn nào? Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư cho startup Chia sẻ bởi Mai Ho nhà đầu tư tại quỹ Hustle0

Quỹ đầu tư tài chính có nhiều giai đoạn khác nhau, và nhiều khi các bạn cũng có thể thấy rối ren và không phân biệt được thế nào là pre-seed, seed, series A… Tuy nhiên, nếu đọc kỹ trên trang web của họ, bạn sẽ nhận thấy đa phần các quỹ đầu tư đều chia làm 3 loại: 

  1. Early-stage (angel investment, pre-seed, seed)
  2. Growth-stage (series A & B)
  3. Late-stage/venture (series C+)

Tại Hustle Fund, chúng tôi đầu tư vào giai đoạn pre-seed/seed. Điều này đồng nghĩa chúng tôi là những nhà đầu tư ở vòng đầu tiên hoặc vòng thứ hai sau khi bạn đã kêu gọi vốn với nhà đầu tư thiên thần.  

3. Điều kiện đầu tư là gì?

Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư cho startup Chia sẻ bởi Mai Ho nhà đầu tư tại quỹ Hustle1 Điều quan trọng nhất khi tham khảo và thương lượng term sheet với nhà đầu tư là những điều kiện đưa ra cần hỗ trợ để cả hai bên cùng phát triển, chứ không phải chỉ đem lại lợi ích hoặc bảo vệ rủi ro cho nhà đầu tư.

Nhà đầu tư Eric Bahn của quỹ Hustle đã có một video chia sẻ về vấn đề kêu gọi vốn trong giai đoạn dịch COVID-19

Một trong những điểm anh nhấn mạnh chính là dù có thế nào chăng nữa, bạn cũng không nên bán hơn 25% cổ phần trong những vòng gọi vốn đầu tiên. Nếu trên mức này, những nhà sáng lập sẽ bị pha loãng cổ phần và các nhà đầu tư ở vòng sau cũng không còn nhiều hứng thú tham dự vào.

Ngoài ra, ở giai đoạn khởi đầu, điều kiện đầu tư nên càng tối giản càng tốt. Vì thế YC SAFE (“YCombinator Simple Agreement for Future Equity” - tạm dịch là “Thỏa thuận Đơn Giản cho Cổ Phần trong Tương Lai") là hình thức nhiều nhà đầu tư thiên thần và các quỹ đầu tư giai đoạn early-stage tại Silicon Valley ngày càng ưa chuộng sử dụng. 

Ngoài ra, YC SAFE với Post-Money Valuation (giá trị công ty sau khi gọi vốn) cũng giúp nhà đầu tư và những người khởi nghiệp hiểu là mình đã trao đổi bao nhiêu % cổ phần công ty để nhận tiền đầu tư.

Tại Hustle Fund, chúng tôi cũng ưa chuộng hình thức này vì không những nó bỏ bớt chi phí luật sư cho startup, mà còn giảm thiểu những điều kiện rối ren đối với nhà sáng lập. 

4. Những nhà đầu tư của quỹ là ai? 

Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư cho startup Chia sẻ bởi Mai Ho nhà đầu tư tại quỹ Hustle2 Mối quan hệ giữa người sáng lập và nhà đầu tư là một liên kết dài hạn. Vì vậy bạn cần xem xét là nhà đầu tư có thấu hiểu, quan tâm, tôn trọng và sẵn sàng giúp đỡ khi công ty của bạn gặp khó khăn hay không.

Với những nhà đầu tư đã từng khởi nghiệp hay quản lý một công ty (như đa số trường hợp ở Hustle Fund), họ sẽ hiểu rõ những khó khăn trở ngại mà bạn phải đối mặt, và vì thế sẽ có khả năng hỗ trợ sáng lập viên nhiều hơn so với những nhà đầu tư chỉ phát triển sự nghiệp trong ngành tài chính. 

Vì thế tối ưu nhất là bạn liên hệ và tìm đến những sáng lập viên của các công ty mà quỹ đã đầu tư để cùng trò chuyện nhằm thấu tỏ về cách làm việc thực tế giữa các bên. 

 

Webinar của nhà đầu tư Eric Bahn thuộc quỹ Hustle về kêu gọi vốn trong giai đoạn COVID-19.

Lời cuối cùng, xin chúc các bạn sáng suốt lựa chọn được nhà đầu tư phù hợp cho lần huy động vốn tiếp theo.

Mai Ho là nhà đầu tư tại quỹ Hustle, phụ trách thị trường Việt Nam và Đông Nam Á. Cô sinh ra và lớn lên tại Việt Nam và được đào tạo bậc đại học tại Mỹ chuyên ngành Tài Chính & Kế Toán.

Mai sở hữu gần 10 năm kinh nghiệm làm việc tại London, Singapore và San Francisco, trải rộng từ nghiên cứu thị trường tài chính tại Goldman Sachs cho đến lãnh đạo mảng phát triển thị trường cho các công ty công nghệ và startup tại thung lũng Silicon. Mai cũng từng là nhà đồng sáng lập & CEO công ty khởi nghiệp BigBalo trong mảng thương mại điện tử.