Tin mừng: Từ nay pháp luật sẽ bảo vệ thông tin của chúng ta? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu

Tin mừng: Từ nay pháp luật sẽ bảo vệ thông tin của chúng ta?

Việc để lộ dữ liệu cá nhân có thể mang lại nhiều hệ quả hơn là chút phiền toái từ những cuộc telesale. Đó là một trong nhiều vấn đề về bảo mật thông tin mà Nghị định sẽ giải quyết.
Tin mừng: Từ nay pháp luật sẽ bảo vệ thông tin của chúng ta?

Nguồn: TechCrunch

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Nghiêm cấm mua bán dữ liệu của người khác dưới mọi hình thức là một trong số những điều trong Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân được chính phủ ban hành ngày 17/04.

Nghị định này có thể giải quyết việc thông tin cá nhân của người Việt trôi nổi trên các chợ đen. Ngoài ra, Nghị định cũng giúp đối phó với những chiêu trò lừa đảo thông tin qua điện thoại diễn ra trong thời gian vừa qua.

Một số người dùng nghi ngờ sự phát triển của AI cũng sẽ được giảm bớt nỗi lo nhờ Nghị định này. Vì như chúng ta biết, các ứng dụng trí tuệ nhân tạo vận hành dựa trên dữ liệu cá nhân của tất cả chúng ta.

19apr202313jpg
Việc mua bán dữ liệu diễn ra tràn lan và khá công khai. | Nguồn: Báo Lao động

2. Bạn cần biết gì về Nghị định Bảo vệ thông tin này?

Nghị định liệt kê một số nguyên tắc đảm bảo sự an toàn của dữ liệu cá nhân và nêu rõ rằng không được phép mua bán dữ liệu cá nhân dưới mọi hình thức, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Ngoài ra, điều luật cũng nghiêm cấm thu thập dữ liệu cá nhân khi chưa được cho phép, trừ một số trường hợp nhất định. Ví dụ, khi một cá nhân gặp tai nạn giao thông, thì những thông tin của người đó có thể được thu thập bởi cơ quan chức năng.

Một ngoại lệ khác cho phép thu thập thông tin mà không cần sự cho phép là khi xảy ra thiên tai hoặc dịch bệnh. Đây là tình huống mà ta đã thấy khi dịch Covid-19 diễn biến nghiêm trọng tại Việt Nam trong giai đoạn 2020-2021.

19apr2023thontincanhan16600336456034521571794707971200crop16600336691981948131481jpg
Giờ đây, tất cả những hành vi thu thập hay trao đổi dữ liệu cá nhân như trong hình sẽ là phạm pháp. | Nguồn: Phụ nữ Việt Nam

Nghị định còn liệt kê 11 quyền của người sở hữu dữ liệu. Một số quyền nổi bật là: quyền được biết (về hoạt động xử lý dữ liệu của mình), quyền đồng ý cho phép xử lý, quyền rút lại sự đồng ý, quyền xóa dữ liệu, quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện, v.v.

Dựa vào 11 quyền này, người dân có toàn quyền kiểm soát đối với các dữ liệu cá nhân của mình. Có thể luật chưa hoàn hảo tới độ cho phép ta kiện Meta hay khiếu nại Twitter vì thu thập và lạm dụng thông tin, nhưng nó tạo điều kiện cho người dùng có nhiều quyền kiểm soát hơn đối với dữ liệu của mình.

3. Trí tuệ nhân tạo tác động gì tới việc bảo mật thông tin?

Khi công nghệ phát triển thì những cuộc tấn công mạng càng tinh vi hơn, và dữ liệu của cá nhân hay tổ chức đều không nằm ngoài tầm ngắm của các tin tặc. Không thể phủ nhận rằng AI đã khiến cho việc đánh cắp danh tính của một người trở nên dễ dàng hơn.

Nhiều chiêu trò lừa đảo có sự “giúp sức” của trí tuệ nhân tạo như làm giả giọng nói, giả khuôn mặt đã bị phanh phui. Bên cạnh đó, sự chủ quan và ngây thơ của một bộ phận lớn người dùng mạng xã hội khiến họ dễ trở thành những nạn nhân.

Bản thân sự tồn tại của những ứng dụng trí tuệ nhân tạo gần đây cũng là một dạng ăn cắp, bởi chúng phát triển dựa trên kho dữ liệu khổng lồ mang tên Internet. Khi Midjourney thu thập tranh của một họa sĩ để làm dữ liệu, thì rõ ràng nó không hề hỏi xem họa sĩ ấy có cho phép điều đó hay không.

Chính AI sẽ tạo ra những thách thức đối với luật pháp, bởi luôn có khoảng cách giữa các quy định với tốc độ phát triển của đời sống. Đây là khoảng trống để chúng ta - những người sở hữu và tiêu thụ thông tin trên mạng xã hội - tự suy ngẫm, bồi đắp kiến thức để bảo vệ bản thân.

4. Trong khi đó, Elon Musk muốn tạm ngưng phát triển AI trong ngắn hạn?

Trong khi đó, vào ngày 22/3/2023, một bức thư ngỏ từ tổ chức Future of Life kêu gọi tạm ngưng việc huấn luyện các mô hình trí tuệ nhân tạo lớn hơn GPT-4 trong vòng 6 tháng. Bức thư này đã nhận được hơn 27 ngàn chữ ký từ những tên tuổi lớn như Elon Musk, Steve Wozniak, hay Yuval Noah Harari.

Văn bản này bày tỏ sự lo lắng về những mối nguy mà trí tuệ nhân tạo đang gây ra, và cho rằng nguyên nhân của điều này là bởi chúng được đem vào đời sống khi con người chưa đủ khả năng kiểm soát rủi ro từ AI. Trí tuệ nhân tạo không có lỗi, và người phải nhận trách nhiệm chính là các nhà sản xuất.

Những người đồng quan điểm nghĩ điều này là cần thiết để ngăn ngừa một thảm họa nhân tạo. Gương mặt nổi bật của nhóm này là Elon Musk đã nhiều lần cảnh báo rằng con người đã khiến AI trở nên nguy hiểm, và thảm họa trí tuệ nhân tạo sẽ tác động tới xã hội "như một tảng thiên thạch."

Nhưng những người bất đồng coi bức thư là một tuyên bố ngang ngược. Bill Gates là một trong những người đã phản biện rằng việc ngưng lại sẽ không có tác dụng, thậm chí còn ngăn cản sự phát triển của nhân loại.

5. Liệu AI có đang phát triển quá nhanh?

Những thành tựu mới nhất trong việc nghiên cứu, phát triển trí tuệ nhân tạo khiến ta trầm trồ thán phục, nhưng cũng phải đau đầu vì những vấn đề mà nó mang lại. Không dừng lại ở việc thu thập dữ liệu, giờ đây AI có thể là công cụ của những kẻ lừa đảo hoặc những người thao túng thông tin, gây ra nhiều ảnh hưởng sống với đời sống con người.

Theo Financial Times, tất cả các yếu tố trong ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo đều đã tăng một cách chóng mặt so với cách đây một thập kỷ. Chúng ta có nhiều AI hơn, nhiều công ty nghiên cứu và nhà đầu tư trong lĩnh vực này hơn, nhiều dữ liệu được sử dụng cho việc đào tạo trí tuệ nhân tạo hơn. Và quan trọng nhất, là hàng trăm tỉ USD đổ vào các dự án trí tuệ nhân tạo khác nhau.

19apr2023image20230419174524361png
Biểu đồ thể hiện tổng số tiền đầu tư vào trí tuệ nhân tạo. Các công ty nghiên cứu và phát triển AI đã nhận hơn 21 tỉ USD, trong đó chỉ riêng 3 tháng đầu năm 2023 đã chiếm tới 11 tỉ USD. | Nguồn: Financial Times

Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng những đơn vị phát triển trí tuệ nhân tạo đang thúc đẩy khả năng của AI để cạnh tranh với nhau, dù cho họ có nghĩ và nói với chúng ta rằng họ làm thế vì một đời sống tươi đẹp hơn. Điều đáng quan ngại hơn là có rất ít nhà đầu tư và đơn vị phát triển AI quan tâm tới mảng kiểm soát năng lực của trí tuệ nhân tạo sao cho nó đồng nhất với các giá trị nhân văn của con người.

Ngoài ra, trí tuệ nhân tạo là cuộc chơi của một nhóm nhỏ những tổ chức và cá nhân. Quá trình phát triển, thử nghiệm, và ứng dụng của một phần mềm AI hoàn toàn diễn ra sau những cánh cửa đóng mà không có sự giám sát. Tất cả những yếu tố này khiến cuộc chạy đua AI có thể trở thành một cuộc tranh đua vũ trang như thời Chiến tranh Lạnh, nếu không có sự điều hướng và kiểm soát của các chính phủ.