Tôi dạy bố mẹ học tiếng Anh | Vietcetera
Billboard banner
29 Thg 07, 2021
Cuộc SốngThươngThế ____ Hệ

Tôi dạy bố mẹ học tiếng Anh

Ai nói bố mẹ đã có tuổi thì không học được ngoại ngữ?

Tôi dạy bố mẹ học tiếng Anh

Nguồn: Shutterstock

Nhà tôi có truyền thống “mê ngoại ngữ”. Mẹ từng sống ở Thái nên biết chút tiếng Thái bồi. Bố hồi bé không có điều kiện học tiếng Anh, chỉ dám đứng núp ở lớp học thêm nghe lén, mượn tập của bạn chép lại từ vựng, thế mà nhớ suốt tới giờ.

Sau này, mẹ đưa tư tưởng “học ngoại ngữ để đổi đời” vào đầu hai chị em tôi. Chị tôi du học ở Trung rồi lấy luôn tấm chồng bên đó. Còn tôi, với vốn tiếng Anh đủ xài, từng làm gia sư tiếng Anh và hướng dẫn viên du lịch. Ngoại ngữ cho tôi nhiều trải nghiệm quý. 

Một ngày, tôi dắt mấy người bạn Tây về nhà, bố mẹ tôi mến họ lắm, nhưng không biết nói sao để thể hiện tình cảm, thế là bố lôi hết vốn liếng ra để diễn đạt, còn mẹ thì trung thành với ngôn ngữ cơ thể. Khoảnh khắc đó, tôi nhận ra niềm yêu thích ngoại ngữ trong mắt họ. Vì vậy, tôi quyết định mở lớp học tại gia để hai vị phụ huynh tìm lại đam mê.

Bố mẹ đã lớn tuổi thì không học được?

Tôi hay nghe người ta nói, trẻ thơ có khả năng học ngoại ngữ vượt trội hơn người lớn, càng có tuổi con người càng khó học thứ mới. Chắc tin này đã làm chùn bước không ít người ngoài 30 nuôi ý định học ngoại ngữ.

Đúng là bộ não trẻ nhỏ được thiết kế để tiếp nhận thông tin, kiến thức mới nhanh hơn người trưởng thành, nhưng các thông tin này còn ở dạng tiềm thức. Người lớn thì xử lý, tiếp nhận thông tin phức tạp tốt hơn và biết chọn lọc một cách chủ động. Nghiên cứu của MIT chỉ ra, dường như không có sự khác biệt giữa người học ngoại ngữ trước 20 và sau 20 tuổi, nhiều người lớn tuổi vẫn có khả năng học tập vượt trội.

Nhìn bố mẹ tôi, với cái khiếu ngoại ngữ sẵn có, tôi tin họ học được. 

Bố mẹ tôi tuy đã có tuổi nhưng rất chịu khó học hỏi điều mới | Nguồn: Freepik

Khi học sinh làm giáo viên

Cần hiểu được nhu cầu và năng lực ngôn ngữ của bố mẹ

Bố mẹ sẽ không tự nhiên yêu cầu: “Mày dạy tiếng Anh cho bố mẹ đi!”, mà tôi phải chủ động mở lời trước, giống nhân viên telesale hay hỏi khách: “Không biết anh chị có nhu cầu cho con học tiếng Anh không ạ?”, rồi mới bước tiếp.

Do đã làm ở hai trung tâm giáo dục, tôi học lỏm được nhiều thứ khác từ các nhân viên sale. Trước khi tư vấn khóa học cụ thể, nhân viên phải nắm được năng lực ngoại ngữ và nhu cầu học viên: du học, thi chứng chỉ hay chỉ giao tiếp?

Mọi thứ khá rõ ràng với bố mẹ, họ biết một vài từ vựng cơ bản, chỉ cần học thêm từ để biết cách ghép thành câu, đủ để người nghe nắm được ý chính. Bố mẹ bảo không cần đọc, viết thành thạo, học tiếng bồi là đủ. Do đó, hai thứ quan trọng nhất giai đoạn đầu là vốn từ vựng và kỹ năng phát âm

Để bố mẹ học chủ động và bị động

Không biết từ bao giờ, bố tôi tích trữ hàng tá sách học tiếng Nhật, tiếng Trung, tiếng Pháp cấp tốc, nhưng lại không có cuốn tiếng Anh nào. Thế là tôi bưng về ngay 3 cuốn cho bố mẹ đọc. Điểm cộng của sách cấp tốc là chúng cung cấp nhiều mẫu câu cần thiết, phù hợp với từng bối cảnh riêng biệt. Điểm yếu là sách dạy kiểu mì ăn liền, với phiên âm phong cách tiếng Việt nửa vời. Tất nhiên, nếu ai muốn học ngôn ngữ bài bản, hãy tránh xa sách tự học cấp tốc. 

Tôi nỗ lực tạo điều kiện để bố mẹ tiếp thu kiến thức mới bằng nhiều cách | Nguồn: Shutterstock

Hồi cấp hai, tôi hay dán công thức Toán, từ vựng tiếng Anh khắp phòng để kiến thức lúc nào cũng xuất hiện trước mặt. Tôi xài lại chiêu này với bố mẹ: dán từ vựng ở cửa tủ lạnh, mỗi tuần dán 10 từ mới. Trong vòng 7 ngày, ngày nào cũng nhìn thấy từ mới ít nhất 3-4 lần. Thường người ta hay học nghe, nói qua phim ảnh, nhưng bố mẹ tôi không đọc phụ đề được, chỉ xem phim lồng tiếng, nên tôi “nhồi” ngoại ngữ theo cách này.

Tôi gọi đọc sách là học chủ động, học từ vựng khi mở tủ lạnh là học thụ động. 

Phần vui nhất của quá trình là giai đoạn trả bài. Tuần một lần, cả nhà tôi dành một buổi chơi trò chơi từ vựng. Hoặc là đuổi hình bắt chữ, một người vẽ, một người đoán từ, hoặc chơi trò chơi trí nhớ kiểu truyền thống, bố đọc từ mới, còn mẹ giải nghĩa.

Mọi thứ diễn ra hào hứng đến mức chúng tôi cười không ngừng nghỉ trong suốt quá trình. Bố mẹ mắc lỗi, tôi động viên. Bố mẹ đoán đúng, tôi nhảy dựng lên như đứa trẻ. Cứ thế, chúng tôi trở nên thân thiết hơn. Tôi cảm giác, chúng tôi xích lại gần nhau hơn nhờ những khuyết điểm. 

Nhờ thực hiện nhiều hoạt động khác nhau, gia đình tôi trở nên gắn kết với nhau hơn | Nguồn: Shutterstock

Có vốn từ rồi, giờ nói chuyện với ai?

Dù học bất kỳ ngôn ngữ nào, bạn cũng phải có môi trường để tập luyện. Bố mẹ tôi không thể tham gia câu lạc bộ ngôn ngữ do trình độ giao tiếp chưa ổn. Thế là tôi nảy ra ý, thay vì lao ra ngoài tìm môi trường, sao không đem môi trường về nhà.

Bạn nghe đến Couchsurfing bao giờ chưa? Đây là một nền tảng cho phép người du lịch trên khắp thế giới kết nối với các chủ nhà người bản địa. Bạn có thể đến sống cùng chủ nhà (miễn phí), trò chuyện, nấu ăn cùng họ. Mục đích chính tôi dùng Couchsurfing là cho bản thân trước, tôi muốn tìm kiếm những trải nghiệm mới. Mục đích phụ là, nhân tiện, cho bố mẹ học tiếng luôn. 

Hành động này cũng tiềm tàng rủi ro. Trước khi đồng ý cho khách nước ngoài ở lại nhà, tôi sẽ kiểm tra kỹ profile cá nhân của họ. Sau lần đầu tiên đưa bạn về nhà chơi, bố mẹ tôi cũng tin tưởng vào khả năng “chọn bạn mà chơi” của tôi hơn.

Ba khách mời đầu tiên gồm có hai người New Zealand và một Brazil, sang Việt Nam với ý định kinh doanh võng đi phượt. Cả nhà tôi lúc này bị ném vào môi trường bắt buộc phải xài tiếng Anh. Bố tôi lôi quyển sách ra để nói. Mẹ tôi thì code-switching, nói một câu pha cả Anh lẫn Việt: “Đưa cô ly nước cô đem rửa, gờ lát (glass), đúng rồi, gờ lát”. Trong một tuần, bố mẹ tiến bộ trông thấy.

Được cái là bố mẹ tôi rất mến khách | Nguồn: Shutterstock

Sáu tháng tiếp theo, có thêm ba gia đình nữa đến sống cùng chúng tôi, không nhiều nhưng đủ để thổi một luồng gió mới vào không khí tẻ nhạt hằng ngày. Hơi xấu hổ khi phải thừa nhận là bố mẹ, thậm chí cả tôi, có đôi chút sính ngoại, học tiếng Anh chỉ là phụ với họ, cái quan trọng là được đón người nước ngoài về nhà, thỉnh thoảng được dịp xổ vài từ, vài câu tiếng Anh cho hàng xóm trầm trồ.

Niềm vui những ngày về hưu của bố mẹ cũng chỉ cần như vậy, khoe khoang tí cũng chẳng sao. 

Dạy bố mẹ là học yêu bố mẹ  

Về sau, do chuyển nhà mới, bận công việc, tôi không còn tạo môi trường để bố mẹ nói tiếng Anh như trước, nhưng qua những lần nghe bố mẹ cố gắng bắt chuyện với đứa cháu họ ở Canada, tôi biết có những từ vựng đã theo họ đến mãi về sau.

Tôi chưa bao giờ hỏi học tiếng Anh có phải mong ước hồi trẻ của bố mẹ hay không, nhưng mẹ tôi hay nói: “Chúng mày học giỏi ngoại ngữ là ước mơ của mẹ”. Thì đây, hành trình vừa qua là món quà nhỏ tôi có thể tặng lại cho họ.

Những trải nghiệm vui vẻ trong những năm tháng về hưu là món quà tôi muốn dành tặng bố mẹ | Nguồn: Pexel

Gọi là dạy bố mẹ, nhưng thực ra tôi chỉ hướng dẫn bố mẹ những kiến thức, từ vựng, cấu trúc câu cơ bản nhất, không có lộ trình bài bản. Sau cùng vẫn là tạo điều kiện để bố mẹ tiếp xúc với nền văn hóa mới, để hiểu thêm về tâm tư của họ, và để cả nhà gắn kết hơn.

Bố mẹ đã không ngại phơi bày khuyết điểm của họ, cho phép bản thân được sai trước mặt con, cho phép đứa con được lên mặt chỉ dẫn. Ngay cả khi chẳng dùng đến chút quyền lực phụ huynh nào, họ vẫn dạy tôi bài học về sự bao dung và nhẫn nại của đấng sinh thành.

“Cứ để con!” là chuỗi nội dung của Vietcetera, song hành cùng dự án Học Yêu By Prudential, với thông điệp: Trong gia đình, tình yêu chảy xuôi, và cũng chảy ngược; hãy học yêu để trở thành điểm tựa của nhau.