Tôi học được gì khi không còn độc thân? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Tôi học được gì khi không còn độc thân?

“Nếu may mắn gặp được một nửa của mình thì chắc chắn ta sẽ nhận ra trước đây mình đã cô đơn đến nhường nào.”
Tôi học được gì khi không còn độc thân?

Nguồn: Chi Nguyễn

Càng lớn lên, càng hiểu thêm về tình yêu, tôi càng trở nên tò mò về đối tượng kết hôn của mình. Bởi vì, thành thật mà nói, tôi không thể tưởng tượng được việc sống chung với một người suốt đời sẽ như thế nào.

Hàng trăm lần tôi ước mình có thể du hành thời gian để đi thẳng đến buổi sáng sau lễ cưới. Tôi sẽ nhìn thấy chồng mình nằm bên cạnh, sau đó quay về hiện tại và uống viên thuốc quên đi trí nhớ về chuyến du hành — để tôi vẫn tiếp tục gặp được người ấy một cách tự nhiên nhất.

Tất cả những mơ ước này chỉ để thỏa mãn sự tò mò và làm dịu đi cảm giác bồn chồn của tôi khi đó. Tôi chỉ muốn biết rằng liệu cuối cùng tôi có tìm được ai đó cho riêng mình hay không.

Tua nhanh đến 15 năm sau, hiện tại tôi đã kết hôn được gần sáu năm. Thật không thể tin được!

Một buổi sáng, tôi tỉnh dậy bên cạnh chồng mình và tự hỏi: Nếu phải viết cho mình của 15 năm trước vài lời khuyên về chọn bạn đời, tôi sẽ viết gì? Những dòng gõ máy ban đầu chỉ cho tôi, sau đó mở rộng ra cho cả những người bạn, và rồi cho cả những người tôi không quen biết – những người còn đang băn khoăn về “người ấy.”

Tự do trải nghiệm, nhưng đừng phí phạm thời gian của mình và người khác

Khi còn trẻ, tôi không phải là người hay yêu đương rồi hẹn hò trai gái như các bạn cùng lứa. Nhưng tôi từng rất kém trong khoản từ chối người khác. Cũng vì thế, tôi không làm rõ được mối quan hệ nào “chỉ là bạn bè” và mối quan hệ nào là “trên mức bạn bè.”

Ví dụ, khi có anh chàng nào đó rủ đi chơi, mặc dù không có tình cảm gì đặc biệt nhưng tôi cũng ngại từ chối vì nghĩ người ta sẽ xem mình là “chảnh”, là “nhận vơ.” Tôi cũng sợ mất đi mối quan hệ tốt đẹp nữa. Chính vì tính cách này mà khi mới lớn, tôi đã gặp không ít những tình huống kỳ cục, dở khóc dở cười.

theone1
Càng cố gắng vượt qua sự ngượng ngùng, lúng túng để làm mọi người vui thì bản thân tôi lại càng không vui chút nào. | Nguồn: Vjapratama/Pexels

Người con trai đầu tiên từ chối lời mời “làm bạn trước” của tôi chính là chồng tôi bây giờ. Lý do của anh là “Anh đã có nhiều bạn rồi, không cần thêm một người bạn nữa.” Có lẽ phải cần đến một người “phũ phàng” như vậy thì mới trị được cái tính cách do dự, dĩ hòa vi quý của tôi thời đó.

Trong quá trình trưởng thành, hầu như ai cũng từng trải qua những mối quan hệ không rõ ràng. Nhưng những mối quan hệ này không nên dùng dằng quá lâu vì tuổi thanh xuân của mỗi người là có hạn. Sẽ không công bằng nếu chúng ta dành ra hoặc lấy đi quá nhiều thời gian của người khác vào những mối quan hệ không có tương lai. Chọn lựa được chắc chắn từ ban đầu sẽ tốt hơn cho cả hai. Hãy nói “không” với những mối quan hệ mà bạn biết chắc sẽ không thành.

Thiết lập ranh giới, làm rõ những điểm mình có thể và không thể chấp nhận

Bản chất của con người rất khó để thay đổi. Dù nghe có vẻ rất lý trí, tôi vẫn tin rằng ai cũng nên bước vào một mối quan hệ với một danh sách những điểm mình có thể và không thể chấp nhận.

Những điểm có thể chấp nhận là những nét thiếu hụt, chưa thực sự hòa hợp của cả hai mà bạn có thể bỏ qua. Còn những điểm không thể chấp nhận (deal-breakers) là những thứ bạn xem là “dấu hiệu nguy hiểm” để rời bỏ mối quan hệ ngay lập tức.

Trước đây tôi nghĩ mình sẽ yêu ai đó trưởng thành, chín chắn, am hiểu về lịch sử, hàn lâm. Ấy thế mà cuối cùng tôi lại lấy một anh chàng người Mỹ trẻ trung, nghịch ngợm, đến bánh chưng còn không biết là hình vuông hay hình tròn.

Đây là những điểm khác biệt tôi có thể chấp nhận được. Vì càng học cao hơn, tôi càng hiểu rằng sự hiểu biết của con người không chỉ tồn tại ở sách vở. Cũng nhờ sự trẻ trung của anh, tôi cảm thấy mình tươi vui hơn thay vì lúc nào cũng vùi đầu vào công việc với sách vở như trước đây. Đây có thể là điểm không-thể-chấp-nhận đối với những người có ý định tìm bạn đời chín chắn, có học hàm học vị.

theonec
Ai cũng nên bước vào một mối quan hệ với một danh sách những điểm mình có thể và không thể chấp nhận. | Trần Long/Pexels

Tương tự, phải thú thật rằng deal-breaker lớn nhất của tôi là những người đàn ông gia trưởng. Vì là mẫu phụ nữ hiện đại, tự do, tôi khó hợp với những ai đưa ra chỉ đạo cho cuộc sống của mình. Bởi thế, mặc dù tôi vẫn thân thiết và trân trọng những người bạn nam có đôi nét gia trưởng, tôi chưa bao giờ yêu và cũng sẽ không bao giờ lấy những người này.

Mặt khác, tôi có những người bạn gái thích được yêu chiều, thích mẫu người đàn ông che chở, chỉ cho mình đường đi nước bước, thích có người quyết định hộ cho mình. Rất ít người hội đủ những nét tính cách này mà lại không-gia-trưởng. Vì thế, với những người bạn này của tôi, gia trưởng lại là điểm mà họ có thể chấp nhận được.

Để cân bằng giữa những điểm mình có thể và không thể chấp nhận được ở “người ấy”, tất cả đều quy lại trong cách ta nhìn nhận về sự giống và khác nhau giữa người với người. Trong một mối quan hệ nghiêm túc, cả hai cần đồng điệu ở những điểm cốt lõi, ví dụ như nền tảng đạo đức, kế hoạch tương lai, quan niệm về gia đình, định hướng giáo dục con cái, quan điểm về vị trí của người phụ nữ và người đàn ông trong gia đình…

Nhưng hai người cũng nên khác nhau ở những chi tiết ngoài lề như tính cách cá nhân, sở thích đặc biệt, thói quen riêng… để cuộc sống nhiều màu sắc hơn và bổ trợ tốt hơn cho nhau. Những điểm có thể hay không thể chấp nhận hoàn toàn là quyết định của cá nhân từng người.

Những thứ bé nhỏ sẽ bao hàm ý nghĩa lớn

Khi mới yêu, con người thường nhìn vào những điểm lớn của đối phương như hình thức, địa vị, học hàm học vị, tài chính, gia thế. Nhưng một người có học vị cao chưa chắc đã cư xử “có học”, một người giàu có chưa chắc đã hào phóng. Bởi thế, trong một mối quan hệ nghiêm túc, hãy để ý đến những chi tiết nhỏ.

Có lần tôi tình cờ xem được video phỏng vấn “nữ hoàng quần vợt” Serena Williams. Serena lúc đó đang chuẩn bị kết hôn với Alexis Ohanian, người đồng sáng lập trang web nổi tiếng Reddit. Trong buổi phỏng vấn, Serena nói rằng cô biết Alexis đúng là “người ấy” của mình vì có những chi tiết rất nhỏ nhặt trong cuộc sống làm cô tin là Alexis quan tâm đến mình thật lòng.

Serena kể lại chuyện Alexis giúp cô mang một cái áo trong buổi trình diễn thời trang. Nhưng càng kể, cô càng cảm thấy câu chuyện có phần tủn mủn, đứt quãng, và khó hiểu nên phải lúng túng xin lỗi và đùa rằng: chuyện này trong thực tế nghe hay hơn nhiều.

theoneb
Trong một mối quan hệ nghiêm túc, hãy để ý đến những chi tiết nhỏ. | Nguồn: The HK photo company/Unsplash

Đó, theo tôi, là một ví dụ điển hình và chân thật về ý nghĩa của những hành động bé nhỏ! Những hành động này chỉ có hai người mới có thể cảm nhận được một cách trừu tượng và vô thức. Chúng rất khó để kể cho người khác rõ ràng như kiểu: “Anh ấy mua cho tôi một căn nhà 8 tỷ” hay “Anh ấy ngày nào cũng chở tôi đi làm.” Nhưng cũng chính vì thế, những thứ bé nhỏ như thế này lại in dấu vào tư tưởng của ta nhiều hơn bất kể thứ lớn lao nào khác.

Khi tôi và chồng mới quen nhau, tôi đã nhận ra anh có tình cảm thực sự với mình sau một lần anh ấy gọi điện và khóc “tu tu” vì chú mèo nhà nuôi mới qua đời. Tôi không thể lý giải tại sao một hành động nhỏ như vậy lại có ý nghĩa về niềm tin lớn như thế đối với tôi.

Sau này, mỗi lần có ai hỏi tại sao tôi biết chồng tôi là “người ấy,” tôi không nghĩ về 4 năm anh chờ đợi tôi, tôi không nghĩ về những lời có cánh anh đã dành cho tôi, cũng không nhớ về những món quà anh tặng. Tôi chỉ nhớ một buổi chiều lạ lùng, có một cậu con trai gọi cho tôi và khóc vì mèo mất. Chỉ vậy thôi. Hệt như cách Serena nhớ về Alexis.

Tình yêu rất quan trọng, nhưng chưa đủ cho một cuộc hôn nhân tốt

Mẹ tôi thường nói: “Hôn nhân không chỉ là tình yêu. Hôn nhân là tình yêu và cộng… cộng…” Càng trưởng thành hơn, và đến khi kết hôn, tôi thấy mẹ nói rất đúng. Hôn nhân tốt không thể tồn tại nếu không có tình yêu, nhưng chỉ có tình yêu thôi thì chưa đủ để có một cuộc hôn nhân tốt.

Yêu là một trạng thái cảm xúc, nó chắc chắn sẽ thay đổi – khi nhiều, khi ít; khi tồn tại, khi không tồn tại; khi ở trạng thái này, khi lại ở trạng thái khác. Khi đó, những thứ ngoài tình yêu sẽ giữ chúng ta ở lại bên nhau dài lâu hơn là tình yêu đơn thuần.

Nhưng phải cộng cái gì, và cộng cái gì vào tình yêu để có một cuộc hôn nhân tốt? Tôi nghĩ câu trả lời chính là nằm ở lời khuyên thứ 2. Đối với nhiều người, ngoài tình yêu cần phải cộng thêm tiền bạc, thêm nhà cửa, thêm hình thức. Đối với những người khác, ngoài tình yêu lại cần phải cộng thêm sự đồng điệu về tâm hồn, tri thức, thủy chung, và tôn trọng lẫn nhau. Những điểm “cộng… cộng…” này hoàn toàn là do ta tự quyết định.

theone4
Hôn nhân tốt không thể tồn tại nếu không có tình yêu, nhưng chỉ có tình yêu thôi thì chưa đủ để có một cuộc hôn nhân tốt. | Nguồn: Jasmine Carter/Unsplash

Một lần, tôi chia sẻ lời khuyên này với một người em gái còn độc thân. Em nhíu mày: “Sao em nghe cứ ‘thực dụng’ như thế nào ấy! Vậy có nghĩa là mình phải tính toán khi yêu, rồi phải tìm xem đâu là chỗ ‘môn đăng hộ đối’?”

Không! Hoàn toàn không phải là như vậy!

Thứ nhất, tôi nghĩ không ai trong chúng ta nên làm bất kỳ điều gì mà không đầu tư suy nghĩ, đặc biệt với những chuyện lớn cả đời như kết hôn. Không thể gọi việc tìm những điểm ngoài tình yêu là “tính toán thực dụng” được, vì bạn còn cộng cả đến những yếu tố phi vật chất nữa.

Thứ hai, bản thân tôi cũng không đồng ý rằng cứ phải “môn đăng hộ đối” mới có thể kết hôn. Nhưng phải khẳng định rằng phông nền giáo dục, văn hóa của con người có ý nghĩa rất lớn đối với sự trưởng thành của họ.

Sự trưởng thành của con người chịu ảnh hưởng rất lớn từ nền tảng gia đình— những ảnh hưởng này in hằn và rất khó để thay đổi về sau này. Hai người có hoàn cảnh trưởng thành quá khác biệt không phải không thể lấy nhau, mà khi sống với nhau rồi chắc chắn sẽ gặp nhiều điều va vấp hơn những người có xuất phát điểm tương đồng.

Bởi vậy, tôi nghĩ cha mẹ kỳ vọng con cái chọn được người “môn đăng hộ đối” không phải vì họ tham cho con có cuộc sống nhung lụa; mà vì họ mong con cái tránh được những va chạm khó có thể dung hòa ở cuộc sống sau này.

Nhưng tất nhiên, chỉ nhìn vào quá khứ mà đánh giá con người hiện tại thì lại quá cứng nhắc. Bởi vậy, quan trọng là ta cần phải tập quan sát, suy nghĩ, và đánh giá rõ bản chất của từng con người. Hãy bắt đầu bằng việc thiết lập ranh giới (#2) và để ý những điều nhỏ bé mà bao hàm ý nghĩa lớn (#3).

Điều Suzue Muichi nói là sự thật

“Nếu may mắn gặp được một nửa của mình thì chắc chắn ta sẽ nhận ra trước đây mình đã cô đơn đến nhường nào.” — Suzue Muichi, “Mặt nạ thủy tinh” (Garasu no Kamen)

Tôi đọc được câu thoại này năm 17 tuổi và nghĩ đó là cách miêu tả về tình yêu đặc biệt nhất tôi từng biết. Đối với tôi, đây có lẽ là điều tuyệt vời nhất và kỳ diệu nhất của tình yêu chân chính — khi mà hai bạn nhận ra mình sống tốt hơn nhiều khi có nhau.

Ngày trước, kể cả khi độc thân lẫn khi đang hẹn hò, tôi chưa bao giờ cảm thấy thực sự cần một ai đó ở bên mình. Tôi thích ở một mình, thích tự làm những gì mình thích, và luôn cảm thấy hạnh phúc với những người bạn gái thân, với gia đình, với những mối quan hệ không phải tình yêu.

Có những giai đoạn, tôi cảm thấy thoải mái với cuộc sống một mình đến mức tôi từng nghĩ lấy một ai đó cũng chỉ để có người đi đi, về về nhìn thấy mặt nhau mà thôi. Tôi từng mất niềm tin rằng một ngày nào đó mình sẽ gặp được một ai đó khiến mình nhận ra sự cô đơn ở ẩn khuất trong mình.

Nhưng đến khi tôi chính thức hẹn hò với chồng hiện tại, tôi mới thấy sự khác biệt rõ như ngày và đêm. Mặc dù ban đầu yêu xa, chúng tôi có một sự gắn kết rất đặc biệt. Ngày nào cũng gọi điện cho nhau; bật webcam hàng giờ đồng hồ chỉ để nhìn thấy nhau ăn uống, đánh răng, đi ngủ; chuyện gì cũng kể cho nhau và hỏi ý kiến của nhau. Đến bây giờ, khi ở cùng nhau rồi, chúng tôi hầu như đi đâu cũng có nhau.

theonea
Nhưng đến gặp chồng hiện tại, tôi mới thấy sự khác biệt rõ như ngày và đêm. | Nguồn: Chi Nguyễn

Có rất nhiều điều trước đây tôi chỉ nghĩ trong đầu và không dám nói ra nhưng từ khi có người đặc biệt để chia sẻ, tôi cởi mở hơn rất nhiều về những điều thầm kín và những ý định còn chưa thành hình của mình. Tôi vẫn thích có những lúc được ở một mình, nhưng cuộc sống rộng lớn hơn của tôi thì đã thay đổi rất nhiều.

Không phải cặp đôi nào cũng giống nhau. Mối quan hệ của bạn có thể hoàn toàn khác so với tôi. Bạn có thể hay đi cùng “người ấy” hoặc thường xuyên đi riêng lẻ bóng; Bạn có thể không giấu “người ấy” một điều gì hoặc vẫn thích giữ bí mật cho riêng cho mình; Hai bạn có thể thích phụ thuộc vào nhau hoặc thích độc lập tách rời nhau — những điều này không nói lên gì hết.

Nhưng sự gắn kết về tình cảm và ý chí, dù là vô hình hay vô thức, nhất thiết cần phải tồn tại. Sự gắn kết này có thể xuất hiện một cách tự nhiên, cũng có thể do hai bạn tự vun đắp qua tình yêu, sự quan tâm, chia sẻ, đồng cảm, thủy chung.

Bạn có thể đọc bản đầy đủ tại đây.