Tóm Lại Là: Người châu Á bị thù ghét vì COVID-19? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Tóm Lại Là: Người châu Á bị thù ghét vì COVID-19?

Chuyện gì đang xảy ra với cộng đồng người Mỹ gốc Á?
Tóm Lại Là: Người châu Á bị thù ghét vì COVID-19?

Nguồn: Dia Dipasupil/ Getty Images

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Nước Mỹ tiếp tục chứng kiến những vụ bạo lực nghiêm trọng, trong đó nạn nhân chủ yếu là người gốc Á. Ngày 16/03, Robert Aaron Long đã nổ súng ở tiệm massage Youngs Asian tại quận Cherokee khiến 4 người thiệt mạng, trong đó có 2 phụ nữ châu Á, 1 phụ nữ da trắng và 1 nam giới da trắng, 1 người gốc Tây Ban Nha bị thương.

Cũng ngay trong buổi chiều hôm đó, tại tiệm Spa Gold tại khu Atlanta, nghi phạm tiếp tục nổ súng khiến ba phụ nữ chết trong tiệm. Một phụ nữ khác chết trong một tiệm spa gần đó. Bốn nạn nhân tại Atlanta đều là người châu Á.

Vào ngày 28/1/2021, ông Vicha Ratanapakdee, 84 tuổi, một người Thái Lan sống cùng gia đình con gái tại San Francisco đang đi dạo và bị một thanh niên lao tới xô ngã xuống đất. Ông được đưa đến bệnh viện trong tình trạng bị xuất huyết não và qua đời hai ngày sau đó.

Tin tức về cái chết của ông nhanh chóng tạo nên một làn sóng phẫn nộ và phản đối sự kỳ thị nhằm vào cộng đồng người Mỹ gốc Á. Mặc dù vậy, các vụ tấn công vẫn không hề giảm.

Ngày 8/2, một người đàn ông 91 tuổi cũng đã bị đẩy ngã một cách thô bạo khi đang đi trên vỉa hè ở khu Chinatown, Oakland, California. Trước đó, Noel Quintana, người Mỹ gốc Philippines phải khâu 100 mũi sau khi bị một kẻ lạ rạch mặt ở New York vào ngày 3/2.

2. Năm 2020, người châu Á bị thù ghét hơn?

Đây không phải lần đầu tiên những vụ tấn công như thế này xảy ra. Ghi chép của Sở Cảnh sát New York cho thấy số lượng các vụ tấn công vì thù ghét nhắm vào người châu Á ở đây đã tăng từ 3 vụ (năm 2019) lên đến 29 vụ (năm 2020), trong số đó có tới 24 vụ có liên quan đến sự thù ghét khi một bộ phận cho rằng người châu Á là nguyên nhân gây ra đại dịch COVID-19.

Steven SenneAP
Nguồn: Steven Senne/AP

Theo Reuters, trong vụ xả súng tại Atlanta, mặc dù nghi phạm khai nhận mình có xu hướng nghiện tình dục, nhưng các nhà điều tra cũng không loại trừ khả năng vụ tấn công có liên quan đến tâm lý chống người nhập cư và người châu Á, vốn trở nên nghiêm trọng hơn tại Mỹ sau đại dịch COVID-19.

Tổ chức Ngăn chặn sự căm thù đối với người Mỹ gốc Á và Đảo Thái Bình Dương (Stop Asian American and Pacific Islander Hate) cũng đã ghi nhận gần 3.000 báo cáo về các vụ việc chống lại người châu Á vào năm 2020.

3. Vì sao dư luận phẫn nộ hơn?

Các vụ tấn công lần này nâng cảnh báo về mức độ nghiêm trọng lên một cấp cao hơn, đồng thời sự phản đối cũng mạnh mẽ hơn. Lý do nằm ở việc người bị tấn công là những người cao tuổi, không có khả năng chống cự - nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Trong khi đó, việc 6 nạn nhân trong vụ xả súng lần này là phụ nữ khiến cho cả tiếng chuông về phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính được gióng lên cùng lúc.

Sự phẫn nộ đi kèm với lo sợ, bởi không ai biết điều kinh khủng tương tự có thể xảy ra với ông bà và người thân của mình hay không, ngay cả khi họ chỉ đang... đi chợ.

4. COVID-19 là nguyên nhân thực sự hay chỉ là cái cớ?

Thế giới vốn đã dễ bị tổn thương hơn rất nhiều kể từ đại dịch, nhưng mức độ tổn thương đó trở nên nghiêm trọng hơn đối với những người vốn là đối tượng sẵn có của một ẩn ức sâu xa hơn đã tồn tại từ rất lâu trong lòng nước Mỹ - nạn phân biệt chủng tộc.

Mặc dù không có bất cứ nghiên cứu hay công bố chính thức nào cho thấy người châu Á là nguyên nhân của đại dịch, một bộ phận người dân Mỹ vẫn cho rằng người châu Á là nguồn cơn của những điều tệ hại họ đang gánh chịu: mất người thân, mất việc làm, kinh tế lao dốc, mất tự do... Và trút giận lên bất cứ người Á nào họ gặp là điều họ làm để giải tỏa sự ẩn ức.

5. #StopAsianHate là gì?

Hashtag #StopAsianHate đã ra đời từ năm 2011, nhưng cho đến tháng 2/2020, hashtag này mới được sử dụng nhiều hơn nhằm đòi lại quyền được đối xử bình đẳng và bảo vệ người châu Á, cùng với đó là #StopAsianHateCrimes, #AsiansAreHuman hay #StopAAPIHate. Đối với cộng đồng nói tiếng Pháp, #JeNeSuisPasUnVirus (Tôi không phải virus) cũng mang ý nghĩa tương tự.

alt
Nguồn: Dia Dipasupil/ Getty Images

6. Những ai lên tiếng với #StopAsianHate?

Tổng thống Mỹ Joe Biden ký sắc lệnh chỉ thị các cơ quan chính quyền liên bang phải ngăn chặn tình trạng kỳ thị nhắm vào cộng đồng người Mỹ gốc Á cũng như người gốc đảo Thái Bình Dương (AAPI), trong đó California - Bang có số lượng người gốc Á lớn nhất ở Mỹ đã chi 1.4 triệu USD. Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton cũng thể hiện sự ủng hộ của mình trên Twitter.

Trái ngược với sự im lặng có phần rón rén của báo chí Mỹ, tiếng nói tự do từ cộng đồng mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Hơn 1.000 người đã xuống đường để phản đối bạo lực chống lại người châu Á và kêu gọi công bằng chủng tộc sau khi các video quay các vụ hành hung được chia sẻ trên mạng xã hội.

Hàng loạt các thương hiệu lớn như Valentino, Versace, Oscar de la Renta, Nike, Adidas, Converse, Tommy Hilfiger, Benefit Cosmetics, M.A.C… hay HBO và ESPN đã thể hiện sự đoàn kết và ủng hộ đối với cộng đồng người châu Á thông qua các kênh Instagram. Những nhân vật có tầm ảnh hưởng như Daniel Dae Kim, Gemma Chan, Chrissy Teigen, Olivia Munn, nhà thiết kế thời trang Philip Lim cũng sử dụng các kênh cá nhân để thể hiện quan điểm của mình.

Sau #BlackLivesMatter, #StopAsianHate tiếp tục là một cú đấm mạnh mẽ vào nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ. Và đây cũng là lần đầu tiên, gạt bỏ những chia rẽ đã tồn tại bấy lâu, cộng đồng người Mỹ gốc Phi và gốc Á sát cánh bên nhau để tiếng nói có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn, đồng thời đòi hỏi hành động quyết liệt hơn từ chính phủ Mỹ.

7. Bạn cũng có thể hành động

Thể hiện sự ủng hộ và sát cánh với những nạn nhân của sự thù ghét bằng những cách sau:

  • Gửi những lời động viên đến các nạn nhân của sự tấn công và thù ghét thông qua trang to www.StopAAPIHate.org được thể hiện dưới 11 ngôn ngữ.
  • Chia sẻ các nguồn thông tin để bạn bè và người thân biết phải làm gì nếu họ là nạn nhân hoặc chứng kiến các vụ tấn công
  • Thông báo cho các cơ quan chức năng về các vụ việc
  • Sử dụng các hashtag #StopAsianHate #StopAsianHateCrimes, #AsiansAreHuman hay #StopAAPIHate để những tiếng nói đc lắng nghe nhiều hơn.

Bài viết được đăng tải lần đầu vào ngày 27/02/2021, và được cập nhật vào ngày 18/03/2021.