Tại sao Elon Musk mua Bitcoin cũng thành hiện tượng? | Vietcetera
Billboard banner

Tại sao Elon Musk mua Bitcoin cũng thành hiện tượng?

Liệu bitcoin, hay tiền mã hóa sẽ là tương lai của tiền tệ như Elon Musk nói?
Tại sao Elon Musk mua Bitcoin cũng thành hiện tượng?

Nguồn: Bitcoin News

1. Elon Musk đã làm gì?

Elon Musk trước giờ đã có một sự ám ảnh nhất định với Bitcoin khi mà ông đã nhiều lần nói về vấn đề này trên Twitter. Elon cũng bày tỏ sự nuối tiếc vì cách đây 8 năm mình đã không đầu tư vào Bitcoin.

Nói là làm, Tesla vừa qua đã mua 1.5 tỷ USD Bitcoin. Đồng thời công ty này cho biết trong tương lai, các giao dịch của công ty sẽ chuyển qua hẳn Bitcoin.

2. Chuyện gì đã xảy ra sau đó?

Có lẽ Elon Musk thật sự có “ma thuật" khi liên tục làm biến động thị trường với mỗi lần tweet. Lần này, việc Tesla mua Bitcoin đã khiến báo đài một lần nữa tốn ‘mực’ vì nước đi này.

Giá Bitcoin sau một thời gian dài biến động đã tăng vọt lên tới 46,000 USD. Con số này có thể chạm mức cao nhất từ trước tới giờ là 50,000 USD. Đây có thể cho là một ‘khoảng hời' với Tesla khi cổ phiếu của công ty này cũng tăng giá 2%.

Theo như RBC Capital Market, thay vì đầu tư vào ngành phát triển ô tô thì Apple hãy nên cân nhắc về Bitcoin cũng như một số loại tiền điện tử khác. Chuyên gia phân tích Mitch Steves cho rằng, việc thêm giao dịch tiền ảo vào ứng dụng Apple Wallet có khả năng cao sẽ đem đến hàng tỷ đô lợi nhuận cho Apple.

3. Tiền mã hóa là gì?

Bitcoin được xem như là loại tiền mã hóa (cryptocurrency/ crypto) đầu tiên xuất hiện từ năm 2009. Nói đơn giản về cách hoạt động của Bitcoin thì khi chuyển tiền cho một ai đó, tiền sẽ được giao dịch trực tiếp với người đó mà không cần một bên trung gian (như là ngân hàng) và không mất phí. Hình thức này được gọi là peer-to-peer (mạng đồng đẳng). Bitcoin làm được điều này vì nó được tạo ra bởi một chuỗi các hệ thống máy tính, thay vì một quốc gia cụ thể.

Image result for peer to peer bitcoin
Nguồn: ThinkStock

Satoshi Nakamoto là cái tên được dùng cho người hoặc tổ chức đã tạo ra Bitcoin. Theo như Nakamoto thì số lượng Bitcoin là có hạn với con số được tính ra là 21 triệu nên Bitcoin thường được so sánh với vàng. Bên cạnh đó tương tự với vàng phải đào để tìm thì Bitcoin cũng được ‘đào’ bởi các thợ mỏ và các máy tính chuyên giải thuật toán.

4. Công nghệ đằng sau crypto?

Công nghệ blockchain (chuỗi khối) là thứ đằng sau sau Bitcoin. Công nghệ này tạo ra mạng lưới tiền điện tử cho phép thực hiện các giao dịch ẩn danh. Tất cả các thông tin giao dịch sẽ được lưu trữ lại trong một khối.

alt
Nguồn: Simply Explained Youtube

Điểm làm cho blockchain an toàn nằm ở việc thông tin được lưu giữ trong khối không thể được thay đổi. Việc bổ sung thêm ‘khối' chỉ xảy ra khi có sự đồng thuận (consensus) của tất cả các nút khác trong hệ thống. Nên nếu một phần của hệ thống này bị ‘hack' hay gặp vấn đề thì các máy tính khác vẫn sẽ tiếp tục hoạt động để bảo vệ thông tin.

Điều này giúp xây dựng lòng tin cho Bitcoin khi nó có độ an toàn cao và rành mạch trong các thông tin giao dịch. Công nghệ đột phá này có rất nhiều tiềm năng để áp dụng cho các ngành nghề như tài chính, giao thông và nhiều lĩnh vực khác.

5. Còn các loại crypto nào đang trên đà phát triển?

Có 3 loại crypto chính nhưng nổi bật nhất phải kể tới Altcoin. Được ghép từ chữ alternative và coin ta có thể hiểu đây là một loại tiền mã hóa 'khác'. Hiện có hơn trên 5000 Altcoin đàn em sinh sau đẻ muộn của Bitcoin. Hiện tại Altcoin "xịn" nhất là Ethereum (ETH).

Image result for ethereum and ffounder
Vitalik Buterin - người tạo ra ethereum | Nguồn: crypto.com

Được tạo ra bởi Vitail Buterin khi mới 24 tuổi, ETH nhanh chóng được cho là một trong những loại crypto được các nhà đâu tư yêu thích chỉ sau Bitcoin. Khả năng xử lý nhanh cộng với việc có thể đáp ứng nhiều nhu cầu khác của lập trình viên biến ETH thành đối thủ 'nặng ký' cho Bitcoin. Đơn giản hơn có thể nói “Nếu Bitcoin được so sánh như email, thì Ethereum được coi như mạng Internet.”

6. Tại sao crypto ngày càng phổ biến?

Thứ đầu tiên khiến Bitcoin được 'yêu mến' chính là vì Bitcoin chính là một hàng rào chống lạm phát. Điều này dễ thấy nhất khi giá Bitcoin tăng cao trong năm vừa qua. Người dân các nước bị ảnh bởi COVID tìm tới Bitcoin như một sự lựa chọn an toàn, 'khó' bị mất giá như vàng hay USD.

Lý do thứ hai là vì hiệu ứng FOMO (Hội chứng sợ bị bỏ lỡ). Truyền thông liên tục tác động bằng câu chuyện giàu từ Bitcoin, người nổi tiếng mua Bitcoin,... đã thúc đẩy việc tìm tới Bitcoin. Bên cạnh đó, sức ảnh hưởng của những người như Elon Musk cũng đã góp phần thay đổi hành vi của những nhà đầu tư (chỉ với một "cú Tweet").

Image result for elon musk dogecoin tweet
Elon đã từng giúp tiền Dogecoin 'gặp thời' | Nguồn: Daily Mail

7. Crypto chính là tương lai?

Vẫn là Elon Musk đã nói (không phải tweet): "Crypto chính là tiền tệ của tương lai." Điều này khiến không ít lần người ta tự hỏi liệu Bitcoin sẽ thay thế hệ thống ngân hàng và tạo ra một thế giới chỉ dùng một loại tiền tệ? Jack Dorsey, CEO Twitter cũng đã mong chờ:

“Thế giới rồi sẽ chỉ có một loại tiền tệ duy nhất, trên Internet cũng vậy. Và tôi nghĩ rằng đó sẽ là Bitcoin".

Cho tới hiện nay Bitcoin được cho là có thể thay thế được vàng nhưng USD thì chưa chắc! Tuy nhiên câu chuyện về Bitcoin luôn đầy những diễn biến bất ngờ, chúng ta chưa biết được liệu sẽ còn cú twist gì đang chờ!