Truyền thông về từ thiện: Ảnh và những chiến địa cảm xúc | Vietcetera
Billboard banner

Truyền thông về từ thiện: Ảnh và những chiến địa cảm xúc

Liệu những hình ảnh về người nghèo, người trong hoàn cảnh khó khăn có giúp ta trở nên đồng cảm hơn, hay lại xoáy sâu vào những thiên kiến giữa ta và kẻ khác?
Truyền thông về từ thiện: Ảnh và những chiến địa cảm xúc

Trà nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Hàng năm, giai đoạn trước và sau Tết là thời điểm các doanh nghiệp, các nhãn hàng, cũng như những đoàn thiện nguyện nô nức làm từ thiện. Bên cạnh thiện chí giúp đỡ và thực hiện trách nhiệm xã hội, nhiều người cho rằng các nhãn hàng đang từ thiện sai cách, hoặc làm vậy để đánh bóng hình ảnh của mình.

Từ thiện ngày nay không chỉ gói gọn trong quan hệ một chiều cho-nhận. Quá trình từ thiện còn có sự tham gia của người làm truyền thông - những người đứng giữa với vai trò tường thuật. Ngoài câu chữ, một câu chuyện khó có thể khơi gợi cảm xúc hay thôi thúc hành động nếu thiếu một bức ảnh ấn tượng.

Chúng ta đã chứng kiến nhiều bức ảnh chụp với mục đích tốt nhưng sau đó lại đào sâu khoảng cách giữa người với người. Như vậy người làm công việc truyền thông cho các hoạt động thiện nguyện có thể làm gì khi đối diện với tình thế lưỡng nan ấy?

Để bước đầu tìm cách trả lời câu hỏi đó, cùng Viện iSEE gặp gỡ và trò chuyện với thạc sĩ truyền thông Nguyễn Minh về hình ảnh và mối quan hệ giữa hình ảnh với cảm xúc của con người.

16feb202315194426101547656835872646609588569901283836ojpg
Thạc sĩ truyền thông Nguyễn Minh. | Nguồn: Ảnh do nhân vật cung cấp

Câu trả lời của nhân vật không nhất thiết phải trùng khớp với quan điểm của Viện iSEE.

Tại sao nghèo đói lại có thể mang đến khoái cảm?

Trong cuốn Trước Nỗi Đau Của Người Khác: Về tính phổ biến, ý nghĩa và tác động của bạo lực, tác giả Susan Sontag đã phát triển khái niệm khoái cảm đói nghèo để nó không chỉ dừng lại ở vấn đề thẩm mỹ của ảnh: khoái cảm gắn liền với sự phân biệt và tách biệt ta - kẻ khác, chúng ta - bọn họ.

Trong những bức ảnh mang “khoái cảm đói nghèo,” sự phân biệt không chỉ đơn giản là chia ra rạch ròi mà còn ngầm ý rằng “ta” đang đứng ở vị thế cao hơn và an toàn hơn. Một thứ đem đến cho chúng ta khoái cảm là khi nó ngầm khiến ta yên tâm về vị trí của mình.

Mặt khác, khái niệm “khoái cảm đói nghèo” bắt nguồn từ phương Tây. Bấy lâu nay chúng ta vẫn nhìn nhận nó bằng những ví dụ cũng rất Tây phương, như những bức ảnh trên truyền thông phương Tây khắc họa con người và xã hội ở các nước châu Phi như một vùng đất nghèo khổ và lạc hậu.

16feb2023intext011jpg
Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Quan sát những bức ảnh đó, chúng ta dễ dàng thấy sự phân biệt ta và kẻ khác, giữa một “ta” văn minh, an toàn và sạch sẽ và “họ,” những người cần được cứu rỗi. Giữa “ta” và “họ” là khoảng cách địa lý và văn hóa xa xôi mà đa phần những người trong nhóm “ta” thậm chí không có cơ hội để tận mắt xác thực những điều mà truyền thông bảo họ tin.

Từ góc độ này, những bức ảnh về sự nghèo không thực sự làm ta đồng cảm. Sự cảm động mà ta cảm thấy khi nhìn chúng là sự an ủi mà ta nói với bản thân mình, rằng vị thế văn hóa, kinh tế và xã hội của mình vẫn hơn một số người khác. Dường như việc chụp ảnh sự nghèo chỉ đào sâu thêm khoảng cách và sự khác biệt.

Sự lảng tránh cảm xúc trong thời đại bão hòa hình ảnh

Theo tôi, khi đứng trước một hình ảnh, một người có thể cùng lúc có rất nhiều cảm xúc và suy nghĩ phức tạp. Đi cùng với nó, một cách dễ hiểu, là sự bối rối vì không biết nên hành xử thế nào và đối diện ra sao với những bức ảnh khắc họa nỗi đau của người khác. Hệ quả là nhiều người có xu hướng lảng tránh những bức ảnh, và cả những hoàn cảnh khổ đau ngay trước mắt họ.

Giờ thì hãy thử nghĩ về một quả táo. Với tôi, hình ảnh đó sẽ làm xuất hiện đồng thời hai thứ trong tâm trí, một là thứ quả mà khi còn nhỏ, khi nào gia đình có dịp gì quan trọng lắm mẹ tôi mới dám đi mua một ít vì chúng đắt đỏ và quý giá.

Hình ảnh quả táo là lãnh địa rất cá nhân vì khi nhìn thấy nó, trên thế giới này chỉ có mình tôi có khả năng nhớ đến gương mặt mẹ tôi, chiếc túi nilon màu xanh đựng táo và vị giòn, ngọt của quả táo mà tôi hồi bé chỉ dám cắn từng miếng bé xíu.

Đồng thời, nó cũng là lãnh địa vĩ mô hơn, nơi chủ nghĩa tư bản muốn chiếm lấy để kiểm soát và quản lý các cá nhân. Nghĩ đến quả táo, tôi nghĩ đến logo thiết kế theo phong cách châu Âu của nó ở các siêu thị, đến giá tiền cao ngất ngưởng của nó ở trên các sàn thương mại điện tử.

16feb2023pexelsatccommphoto306763jpg
Cũng là táo, nhưng là... táo khuyết. | Nguồn: Pexels

Khi nhìn ảnh một đứa trẻ nghèo, tôi nhớ đến những người bạn thơ ấu nơi vùng quê nghèo. Trong kí ức đó, cái nghèo không phải thứ gì quá ghê gớm vì khi ấy ai cũng khổ, cũng không có gì liên quan tới “khoái cảm đói nghèo.”

Là một người bố, hình ảnh đó cũng khiến tôi xúc động, vì con tôi với đứa trẻ kia có vẻ gần bằng tuổi nhau. Là một người nghiên cứu truyền thông, tôi có vẻ cần phải lý trí, khi ngay lập tức trong đầu đặt ra câu hỏi về bối cảnh và mục đích của bức ảnh đó.

Với tôi, tất cả những cảm xúc và suy nghĩ ấy đến cùng một lúc. Đó là cả một cuộc chiến trong nội tâm của mỗi người. Như vậy, việc một người tảng lờ trước những hình ảnh như vậy là điều có thể hiểu được. Khi lựa chọn làm điều đó, họ không chỉ lảng tránh hình ảnh mà còn lảng tránh cuộc chiến cảm xúc và suy nghĩ trong mình.

Với người làm truyền thông, một người liên tục phải đóng vai trò ở giữa thì những cuộc chiến và xung đột trong bản thân cũng là một điều thường thấy và có thể hiểu. Câu hỏi đặt ra là, họ có thể làm gì để dẫn dắt bản thân và độc giả thoát khỏi sự đóng khung của hình ảnh?

Vượt qua sự đóng khung của hình ảnh và vai trò của người làm truyền thông

Những thông điệp truyền thông mang nặng tính hình ảnh khiến ta chú tâm vào câu chuyện của một cá nhân mà quên đi những bối cảnh kinh tế, chính trị, văn hóa dẫn tới hoàn cảnh của họ. Nói như Susan Sontag, ta chỉ đang nhớ bức ảnh chứ không chạm được tới câu chuyện rộng lớn hơn của hàng nghìn hoàn cảnh tương tự ở sau bức ảnh đó.

Một mặt, rất khó để con người tiếp nhận một điều gì đó mà không nằm dưới dạng thức kể chuyện. Rất nhiều bài báo đặt ra các vấn đề xã hội nhức nhối xuất sắc nhất cũng bắt đầu bằng những câu chuyện cá nhân. Như vậy, xu hướng cá nhân hóa thông tin không nằm ở bản thân câu chuyện đó mà nằm ở cách người làm truyền thông lựa chọn và sắp đặt thông tin ở trong và đằng sau nó.

Người viết tốt sẽ nỗ lực bày ra một đường dây thông tin ở sau câu chuyện, ví dụ kết quả của các nghiên cứu khoa học, những cuốn sách cung cấp thêm tri thức về chủ đề đó, những bên có thẩm quyền nắm giữ thông tin… để người đọc nếu có nhu cầu vượt xa hơn câu chuyện đó có thể lần tìm một cách thuận lợi nhất có thể.

Mặt khác, chúng ta cũng cần đặt ra những câu hỏi khác về sức mạnh của hình ảnh. Nếu không phải là ảnh thì có thứ gì khác có thể ghi lại những hoàn cảnh đau khổ và đáng thương? Nếu không có hình ảnh liệu người ta có tin và đứng lên đấu tranh để dừng điều ác?

16feb2023pexelskaiquerocha90368jpg
Hình ảnh vẫn là phương tiện truyền tải có hiệu quả cao. | Nguồn: Pexels

Nếu không có hình ảnh nhắc nhở, chúng ta khó mà ghi nhớ một trải nghiệm nào đó. Lại có những hình ảnh dù chân thực đến mấy, đẹp đẽ đến mấy cũng không thể gợi lại cho chúng ta cái cảm giác trong ký ức của mình.

Vậy nếu người làm nội dung và độc giả muốn dùng sức mạnh từ cảm giác cá nhân để thắng được áp lực đến từ sự đóng khung trên truyền thông, thì cảm giác đó phải là cảm giác đến tận nơi, chạm tận tay, đối thoại tận mặt, trực tiếp cảm nhận bằng toàn bộ giác quan trên cơ thể. Trong xã hội hiện đại, điều này sẽ ngày càng trở nên xa xỉ.

Đây chính là lúc vai trò của người làm truyền thông - những người ở giữa - trở nên quan trọng nhất. Họ phải tìm cách để có thể “truyền” sao cho cả hai bên cùng “thông.” “Thông” ở đây vừa là thông hiểu, vừa là thông cảm với nhau, chứ không phải tiếp tục đào sâu vào sự cách biệt và cảm giác vô can trước nỗi đau của người khác.

Ví dụ, thay vì để một người xa lạ chụp hình một cộng đồng dựa trên những thiên kiến mà người đó có, chúng ta có thể đưa máy ảnh cho những những người trong cộng đồng đó. Ta sẽ có cơ hội ngắm nhìn cuộc sống của họ qua đôi mắt của họ. Từ đó, ta hiểu phần nào về hoàn cảnh sống ấy như chính ta trực tiếp trải qua, chứ không phải qua ống kính thô bạo của một người lạ.

Tạm kết

Bên cạnh những công việc vốn đã rất có quy trình và bài bản của những người làm truyền thông khi đến với những dự án phúc thiện, chúng ta cần phải nỗ lực để những câu chuyện của nhiều bên, từ nhiều chiều cạnh được lắng nghe hơn, đặc biệt là những người trong cuộc.

Một khả năng khác, có thể thực hiện những thước phim hay bài viết về những nhóm thiểu số nhưng ở đó, khung hình chính có thể là trăn trở của chính những người sản xuất thay vì nỗ lực bằng mọi cách giảm sự hiện diện của mình và chứng minh rằng tác phẩm là hoàn toàn khách quan. Nhìn chung, hãy nỗ lực tạo ra những khả năng khác, khai thác những câu chuyện và góc nhìn thay thế.

Bài viết là phần mở rộng nội dung của Podcast Bàn Chữ S, episode 3: “Truyền” khó mà “thông”: Thế lưỡng nan của người đứng giữa