Turning Red: Đừng đỏ mặt khi đối diện với những thay đổi tuổi trưởng thành | Vietcetera
Billboard banner
17 Thg 03, 2022
Sáng TạoĐiện Ảnh

Turning Red: Đừng đỏ mặt khi đối diện với những thay đổi tuổi trưởng thành

Turning Red không chỉ là lá thư gửi cho tuổi dậy thì, cho cộng đồng người Á Đông mà còn gửi cho những "đứa trẻ lớn đầu" đang loay hoay để được sống là chính mình.
Turning Red: Đừng đỏ mặt khi đối diện với những thay đổi tuổi trưởng thành

Nguồn: Variety

*Lưu ý: bài viết có tiết lộ nội dung phim

Năm 2018, phim ngắn Bao của nữ đạo diễn Domee Shi ra mắt và đạt giải Phim hoạt hình ngắn xuất sắc nhất tại Lễ trao giải Oscar lần thứ 91. Lấy hình ảnh chiếc bánh bao đại diện cho đứa con bảo bối của bà mẹ Á Đông, phim kể về nỗi đau đớn của mẹ khi thấy con rời xa vòng tay mình.

Nguồn Pinterest
Nguồn: Pinterest

Sau đó 4 năm, Domee Shi dường như đã phát triển ý tưởng này thành một tác phẩm điện ảnh cho Pixar, với bộ phim Turning Red.

Câu chuyện kể về Mei Lee, cô bé 13 tuổi thức dậy một buổi sáng và bỗng phát hiện ra mình trở thành một con gấu đỏ khổng lồ và không còn là cô bé hoàn hảo trong mắt mẹ. Sau Soul (2020) đầy tham vọng với những triết lý hiện sinh sâu sắc về sự tồn tại và lẽ sống, Pixar trở về một câu chuyện tuổi mới lớn (coming of age).

Dẫu khó có thể sánh ngang với Soul về mặt ý tưởng, Turning Red lại là một tác phẩm táo bạo về cách kể chuyện và về cả những vấn đề khó nói của tuổi dậy thì, của nữ giới, của các bậc cha mẹ Á Đông.

Chỉ với hình ảnh "gấu đỏ", Turning Red khai thác ẩn ức và phức cảm trong quá trình trưởng thành, vấn đề nuôi dạy con cái của những gia đình gốc Á và cả những sang chấn thế hệ khó nói nên lời.

Gấu trúc đỏ: biểu tượng của những phức cảm trưởng thành

Nếu chỉ xem trailer của Turning Red, bạn sẽ thấy hình ảnh "hoá thân thành gấu trúc đỏ" của một cô bé là ẩn dụ quá rõ ràng của tuổi dậy thì, đặc biệt là những thay đổi về cơ thể.

Màu đỏ là màu của của kì kinh nguyệt đầu tiên. Chú gấu “lông lá” là biểu tượng của lông vùng kín. Cơ thể có mùi vì tuyến mồ hôi bắt đầu hoạt động mạnh. Nỗi xấu hổ của Mei Lee xuất phát từ những bối rối với các thay đổi này, và có vẻ như mọi thứ đều đang đi theo hướng một bộ phim đậm màu giáo dục giới tính.

Như để bổ trợ cho những gì được thể hiện trong trailer, nhà sản xuất Lindsey Collins cũng cho biết: “Đề tài kinh nguyệt là điều đầu tiên được đưa ra bàn luận trong quá trình phát triển ý tưởng, và cả đoàn phim không ai cảm thấy hổ thẹn khi chạm đến đề tài này cùng những khoảnh khắc tương tự trong đời bé gái."

Tuy nhiên, “gấu trúc đỏ” trong Turning Red là một biểu tượng lớn hơn và giàu ý nghĩa hơn thế.

Trong phim, giây phút Mei còn khoá cửa nhà tắm và bối rối với bộ dạng mới của mình, bà Ming, mẹ cô bé có hỏi rằng: “Hoa mẫu đơn đỏ nở rồi hở con?”. Ngay sau đó, người mẹ đã chạy đi chuẩn bị băng vệ sinh cho con gái mình.

Lần đầu tiên, một bộ phim hoạt hình đưa đề tài kinh nguyệt vào câu chuyện một cách không ngại ngùng như thế. Việc hai mẹ con Ming và Mei đề cập đến kì kinh nguyệt lần đầu cũng khẳng định giả thuyết trước đó rằng hình hài gấu trúc đỏ là ẩn dụ của vấn đề này.

Nhưng nếu không đơn thuần chỉ là những thay đổi về cơ thể, gấu trúc đỏ là biểu tượng ẩn dụ cho điều gì?

Thật ra, màu đỏ không chỉ là màu của kinh nguyệt mà còn là màu của sự phản kháng và nổi loạn, cũng như khi nhận ra rằng thứ kích hoạt năng lực “gấu đỏ biến hình” của Mei là những cảm xúc mãnh liệt dù là tích cực hay tiêu cực. Mei không chỉ bối rối với những thay đổi này mà còn muốn cắt đứt nó để mãi là một “bé ngoan” của mẹ.

Nguồn Pixar
Nguồn: Pixar

Gấu đỏ là biểu tượng của những phức cảm tuổi trưởng thành! Đó không chỉ là những bối rối mà còn là những tò mò, những cuộc cãi vã mẹ con, và trên hết là những loay hoay tìm cách chấp nhận bản thân mình trong vòng xoáy của sự thay đổi.

Xem Turning Red, tôi nhìn thấy gia đình mình và nhiều gia đình Việt Nam.

Tuyến truyện về việc Mei và hội bạn tìm mọi cách để đến concert của nhóm nhạc nam mặc cho sự chống đối của mẹ Ming không khác gì những cuộc cãi vã của em gái tôi và mẹ mình.

Mẹ tôi, cũng giống Ming, cho rằng lũ trai trong các boyband là hư hỏng và là một nguồn tác động xấu (bad influence). Em gái tôi, cũng như Mei, luôn phải chịu đựng những lời đó trong im lặng vì được dạy là không cãi mẹ.

Những cãi vã này không chỉ là khoảng cách thế hệ mà còn là sự khác nhau về thẩm mỹ, văn hoá, cộng với cảm giác muốn tự do của tuổi mới lớn. Tất cả đều được khắc hoạ rất hoài niệm và cũng rất hài hước qua cách kể kết hợp giữa hoạt hoạ 3D phương Tây và phong cách phóng đại của anime Nhật Bản mà đạo diễn Domee Shee đưa vào phim.

Cũng từ những mâu thuẫn mẹ con ở lứa tuổi ẩm ương, phim khai thác đề tài nuôi dạy con cái trong nhiều gia đình châu Á. Turning Red không chỉ là một phim dành cho trẻ em, mà người lớn cũng rất cần xem để nhìn thấy hành trình làm cha mẹ của mình.

Muốn con khôn lớn, hãy chấp nhận những thay đổi của con

Lớn lên trong một gia đình Á Đông thật sự không dễ, đặc biệt là một gia đình Á Đông quy củ, có kỳ vọng cao và vẫn bấu chặt lấy cách hành xử lẫn cách nhìn nhận vấn đề của thế hệ cũ.

Cách đây vài ngày, một người mẹ gây xôn xao mạng xã hội khi đăng tải những nội dung riêng tư 18+ của cậu con trai 13 tuổi lên Facebook, kèm theo đó là những lời chỉ trích nặng nề. Mẹ cậu bé cho rằng chính những thành phần trên mạng xã hội đã lôi kéo cậu con trai vốn rất ngoan của mình vào “cám dỗ”. Dẫu nhiều người (trong đó có chuyên gia) đã lên tiếng, người mẹ vẫn không thấy hành động này là sai.

Nguồn Pixar
Nguồn: Pixar

Câu chuyện này, một cách trùng hợp, xảy ra chỉ sau 2 ngày Turning Red được công chiếu, với những tình tiết y hệt trong phim.

Cũng giống cậu bé nói trên, Mei Lee trong phim đã đến tuổi tò mò và có những xúc cảm tính dục đầu đời. Ở một phân cảnh gần đầu phim, Mei vô thức nghĩ về Devon, một chàng trai chỉ mới gặp qua đường, và vẽ nguệch ngoạc vào sổ những hình ảnh có phần thân mật.

Khi bà Ming phát hiện ra việc này, bà đã nắm tay Mei đến gặp Devon và chỉ trích cậu quyến rũ con gái mình. Người lãnh hết màn làm nhục công khai (public humiliation) đó chính là Mei, bởi Devon còn không biết chuyện gì đang xảy ra.

Đây cũng là sự kiện đánh dấu vết rạn nứt đầu tiên trong mối quan hệ mẹ con Mei và bà Ming.

Cả đêm hôm đó, cô bé đỏ mặt, tía tai và sáng hôm sau “turn red” - hoá thành một con gấu trúc đỏ. Với cách Mei chối bỏ bản thân mình khi được biết đây là một “lời nguyền gia tộc”, phim gieo đến kỳ vọng giả cho người xem rằng tới cuối phim, Mei sẽ hoá giải lời nguyền.

Thực tế không phải vậy, bởi cách nhìn nhận của bà Ming trong câu chuyện này mới chính là vấn đề Mei cần phải thay đổi.

Nguồn Pixar
Nguồn: Pixar

Xuyên suốt phim, bà Ming có nhiều hành động thái quá lấy danh nghĩa tình thương: khiến con xấu hổ giữa nơi công cộng, đánh giá bạn bè con qua vẻ ngoài. Bà cũng thể hiện rõ quan điểm gấu trúc đỏ là sinh vật xấu xa và không thể nhìn con gái trong hình hài đó.

Vì mãi muốn Mei là con gái yêu của mẹ, bà luôn giữ con mình thật chặt, như cách mẹ tôi không ít lần nói với con mình trong suốt mấy chục năm qua “mẹ chỉ muốn hai con nhỏ hoài”.

Vậy nên, Turning Red chuyển từ hành trình tuổi mới lớn sang hành trình chữa lành khoảng cách thế hệ của hai mẹ con. Và nó cũng chữa lành những thương tổn quá khứ của bà Ming, để bà bắt đầu thoát khỏi kỳ vọng và chấp nhận những thay đổi trong hành trình trưởng thành của con.

Sang chấn thế hệ và sự chữa lành đầy thấu cảm

Ở một nút thắt quan trọng trong phim, Mei biết được sự thật rằng bởi vì lời nguyền gấu trúc ám lên tất cả những người phụ nữ trong gia tộc, mẹ Ming cũng đã trải qua một giai đoạn khó khăn.

Nguồn Pixar
Nguồn: Pixar

Qua nhiều thế hệ, những người phụ nữ nhà Lee đều tìm cách cắt đứt khỏi cái mà họ xem là “lời nguyền gấu trúc” để luôn là người con gái hoàn hảo trong mắt mẹ mình.

Nếu Mei chỉ mới dành ra 13 năm cuộc đời mình để làm con ngoan, mẹ Ming đã dành cả đời mình để làm vui lòng bà Wu, bà ngoại của Mei. Ming chọn cách chôn giấu gấu trúc của mình và đến khi lập gia đình, bà vẫn sống trong nỗi khắc khoải sợ mẹ mình phiền lòng.

Khi quyết định không cắt đứt với gấu trúc mà sẽ ôm ấp nó như một phần của mình, Mei đã nhìn thấy một cô gái trẻ trong không gian hư ảo của năng lực gấu trúc. Cô gái đó chính là Ming ở tuổi mới lớn, đang khóc nức nở vì không thể trở thành đứa con gái ngoan mà mẹ mình kỳ vọng. Đó cũng là giây phút Mei thấu cảm được nỗi đau của mẹ.

Nguồn Pixar
Nguồn: Pixar

Khi Mei và bà Ming chào tạm biệt nhau, bà Ming đã nói: “Dù con đi đâu, mẹ sẽ luôn tự hào về con." Một lời chia tay đầy xúc động của người mẹ cuối cùng cũng được chữa lành khỏi thương tổn. Và bà chấp nhận rằng con đường trưởng thành mà con chọn không giống mình, nhưng miễn là con hạnh phúc.

Turning Red mang đến một thông điệp cực kỳ nhân văn về việc chấp nhận bản thân mình, chấp nhận những thay đổi có thể khiến ta thấy mình không còn như trước.

Nhưng dù có ra sao, cũng đừng bao giờ dồn nén những thay đổi đó. Đừng đỏ mặt, tía tai nếu một ngày mai ta không còn ngoan ngoãn, không còn là trẻ con, hay nhìn cuộc đời qua những lăng kính tối màu hơn.

Nếu chẳng may sự thay đổi đó khiến ai đó thấy phiền lòng, hãy đối xử với họ tử tế nhưng không quên ngẩng cao đầu như Mei khi cô bé tuyên bố dõng dạc cuối phim: “My panda, my choice” - gấu trúc của con, cuộc đời con.