"Về nguồn" qua những câu chuyện của bà | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

"Về nguồn" qua những câu chuyện của bà

“Lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật tầm thường nhất.”
"Về nguồn" qua những câu chuyện của bà

Nguồn: Thịnh Trần @ orkaboi cho Vietcetera

Yêu những điều tầm thường nhất

Trong những ngày đầu tiên qua Canada học tiến sĩ, tôi cứ nghĩ về một đoạn trích trong sách giáo khoa Ngữ văn mà hồi lớp 6 chúng tôi đã thuộc lòng dù không bắt buộc: "Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào dải trường giang Volga, con sông Volga đi ra bể. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc."

Thời đi học, tôi không có nhiều ấn tượng về đoạn trích trên. Nó hay được cô giáo nhắc đến cùng nhiều câu nói nổi tiếng khác như những dẫn chứng kinh điển mà chúng tôi phải dùng để trả lời một số đề văn nghị luận. Tôi không nhớ mình đã trích dẫn câu từ của nhà báo Soviet Ilya Ehrenburg bao nhiêu lần thời đi học mà không cần biết tới hoàn cảnh khiến ông viết những dòng này.

Lòng tôi chỉ được thúc giục tìm đọc nguyên văn bài báo của Ehrenburg khi ngôi nhà của gia đình tôi, tổ dân phố nơi tôi lớn lên, cùng Hà Nội yêu dấu đã lùi xa vào đường chân trời. Tôi đi tìm xứ sở của mình khi nó không còn bao bọc lấy tôi như khi tôi ở nhà. Tôi hỏi về những gì làm nên một "người Việt" khi bạn bè và đồng nghiệp tôi có ở hải ngoại không chia sẻ chung với tôi một dòng lịch sử.

Ít người hiểu cảm giác ăn bát phở nóng hôi hổi giữa trời giá lạnh, nhưng tôi nhận ra những người bạn Đông Âu sẽ chia sẻ phần nào kỷ niệm tuổi thơ với mình, vì chúng tôi từng cùng đứng dưới một màu cờ tư tưởng. Anya, cô gái Ukraine tôi quen ở câu lạc bộ Nga học giúp tôi tìm lại bài báo có tựa đề Thử lửa của Ehrenburg, đăng ngày 27 tháng 6 năm 1942 trên tờ Sao Đỏ (Krasnaya Zvezda), được lưu trữ tại một thư viện trực tuyến.

27aug20249268e9db999f4fad84cd444757f787e1jpeg
Đoạn trích nổi tiếng ở bài báo “Thử lửa” của Ilya Ehrenburg từng được đưa vào sách Ngữ văn 6 (chương trình cũ).

Bài báo có đoạn cả hai chúng tôi đều rất thích: “Lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh…” Ngẫm, những điều tầm thường ấy vẫn luôn ở trong con người chúng tôi.

Du học là dịp được tung cánh ra khỏi vòng tay của gia đình, nhưng hoá ra gia đình vẫn luôn ở trong từng lời ăn tiếng nói của chúng tôi hàng ngày. Phép xã giao là di sản rõ rệt nhất của gia đình trong tôi. Tôi vẫn lễ phép chào người lớn theo cách bố mẹ dạy thời thơ ấu trong một xã hội mà tuổi tác không phải yếu tố được cân nhắc quá nhiều.

Khi đã thân nhau hơn ở xứ người, tôi và chúng bạn cùng mô tả cảm giác nhớ nhà. Tôi không có cách nào dịch trọn vẹn ý nghĩa lời ru của bà nội mà tôi đã từng được nghe hàng đêm trước khi chìm vào giấc ngủ: "Anh đi anh nhớ quê nhà - Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương." Hay vào những ngày tuyết ngập sân trường, tôi cùng chúng bạn ngó nghiêng ở cửa lớp, sao tôi có thể thốt lên câu Kiều tôi học từ bà trước khi biết đến sách giáo khoa, "Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng."

Tình yêu giúp kẻ si tình có những quan sát kỹ lưỡng. Gia đình tôi từng ở cùng con phố với nhà văn Vũ Tú Nam, người viết bài tập đọc mang tên Cây Gạo. Tôi nhớ khi tôi nắn nót chép đoạn "Hàng ngàn bông hoa là hàng ngàn ngọn lửa hồng tươi" vào vở luyện chữ, bố tôi kể, cuối phố nhà mình đoạn cắt với phố Hàng Bột từng có hai cây gạo như vậy. Bộ đội chặt đi để làm đường tàu điện, nên sinh ra nhiều giai thoại trong khu phố. Tôi hỏi vì sao thì bố đáp, "Cây gạo có ma, cây đa có thần, ông bà hồi xưa dạy thế.”

Dông dài để thấy, nhà văn Vũ Tú Nam, tôi và bố đều yêu con phố nhà mình, dù tình yêu ấy bộc phát thành ngôn từ theo những cách rất khác nhau. Tình yêu được đóng gói thành kỷ vật, truyền tay qua nhiều thế hệ.

23aug2024240823chuyenbake1jpg
Lòng yêu nước bắt đầu từ tình yêu những điều thân thuộc nhất, như ngôi nhà của mình.

Căn nhà, dãy phố, và đất nước đều thuộc về lịch sử. Tôi có hình dung sơ khai nhất về lịch sử xứ sở mình qua những câu chuyện đêm khuya bà nội kể, chứ không phải từ sách lịch sử lớp 4. Bức tranh ký ức của bà tôi được neo vào những sự kiện tôi tìm thấy trong sách vở và internet mãi tận sau này: "Năm ấy đói to," "năm đó Pháp càn quét," "năm đó bắn địa chủ Muối,"...

Mỗi đêm xa nhà tĩnh mịch, tôi nhắm mắt lại và nhận ra lời dạy của ông bà, của bố mẹ không hề mờ nhạt. Bà tôi đựng hơn 80 năm cuộc đời vào những chuyện kể súc tích. Thật khó để tưởng tượng 80 năm đó chỉ là một cái chớp mắt của lịch sử. Vậy lịch sử là gì? Là tập hợp của hằng hà sa số những câu chuyện đời, có những thứ đã được kể ra và có những thứ vĩnh viễn trôi vào quên lãng.

Anya bảo, lúc đi tìm bài viết của Ehrenburg cho tôi, bạn ấy cảm thấy như được chạm vào lịch sử. Tôi đáp, từng ngày sống với bà, được bà chăm sóc, là từng ngày tôi được sống trong lịch sử. Tôi đến Canada để học triết học, lịch sử, chính trị. Đối với nhiều người, đó là những câu từ khô khan. Còn tôi thì nhìn thấy cuộc đời của những thân phận có thật. Họ là ruột thịt của tôi.

“Người yêu nước chân chính yêu cả nhân loại”

Trong Thử lửa, Ilya Ehrenburg không viết về một thứ tình cảm chung chung. Lòng yêu nước được Ehrenburg đặt trong cuộc chiến tranh vệ quốc của người dân Liên Xô trước quân phát xít Đức. Ehrenburg viết, cuộc chiến tranh do Hitler phát động là cuộc chiến không có linh hồn. Đằng sau cuộc chiến đó là niềm tin rằng dòng máu của dân tộc này là cao cả hơn của dân tộc khác.

Với Ehrenburg, cuộc chiến vệ quốc của người dân Soviet là để chống lại triết thuyết phân biệt sắc tộc/chủng tộc thô thiển này. 13 ngày trước khi đăng Thử lửa, Ehrenburg viết bài Về lòng yêu nước, trong đó có đoạn:

“Chúng tôi không chuyển sự thù hận của mình đối với chủ nghĩa phát xít sang chủng tộc, dân tộc, ngôn ngữ. Không có hành động xấu xa nào của Hitler có thể khiến tôi quên đi ngôi nhà khiêm tốn ở Weimar, nơi Goethe sống và làm việc. Và tôi không thể tin rằng tên diễn viên hài khốn khổ Mussolini lại nói ngôn ngữ của Petrarch và Garibaldi.”

Năm 1944, trong tác phẩm The Tempering of Russia in ở Mỹ nhằm tuyên truyền về tinh thần chiến đấu của người Liên Xô, Ehrenburg viết: "Giống như mọi tình yêu vĩ đại, lòng yêu nước mở rộng lương tâm của một người. Người yêu nước chân chính yêu cả thế giới. Khi đã khám phá ra sự vĩ đại của mảnh đất quê hương, người ấy không thể hình dung được sự thù hận đối với thế giới. Những người không có tình yêu này là những nhà ái quốc nghèo nàn. Chủ nghĩa ái quốc giả tạo của phát xít dựa trên sự khinh miệt đối với các dân tộc khác. Nó thu hẹp thế giới đến giới hạn của một ngôn ngữ, một loại người, một giống."

23aug2024240823chuyenbake2jpg
Người yêu nước chân chính biết yêu thương và tôn trọng những dân tộc khác.

Tinh thần của nhiều tác phẩm Ehrenburg viết cô đọng trong câu: "Lòng yêu nước thổi phồng trong ta tình yêu đối với thế giới và nhân loại." Đó cũng là tinh thần của Anya, một người Ukraine học văn hoá Nga. Với cô, Dostoevsky và Tchaikovsky không phải kẻ thù.

Tôi nhớ đến nhiều câu chuyện vụn vặt bà nội tôi kể về bố chồng bà, tức là cụ nội tôi. Cụ là một nhà cách mạng cộng sản đóng vai trò truyền tin và tổ chức cuộc đình công của 30 vạn thợ mỏ người Việt ở mỏ than Quảng Ninh vào tháng 11 năm 1936. Sau đó cụ bị thực dân Pháp truy nã trong suốt nhiều năm. Ông bà nội tôi quen nhau từ thơ ấu, vì gia đình bà giúp che giấu cụ và các cán bộ cách mạng khác trong những năm 1930, 1940.

Cụ nội tôi là một nhà yêu nước, và trên tất thảy, lý tưởng cộng sản cụ theo đuổi là tình yêu với tất thảy nhân loại. Đó là tình yêu và tinh thần hi sinh vì đồng bào mình và những người lao động trên toàn thế giới đang bị áp bức. Đích đến của cuộc chiến cụ theo đuổi là xoá bỏ bất công, là hướng đến một thứ hạnh phúc phổ quát. Lý tưởng đó hoàn toàn đối lập với những tinh thần dân tộc hẹp hòi, bài ngoại, luôn cho mình là cao cả hơn các dân tộc khác.

Yêu quê hương không cần khẩu hiệu

Giống cụ nội, cuộc đời bà tôi gắn liền với các bổn phận quốc gia, "giỏi việc nước, đảm việc nhà" như Bác Hồ dạy. Bà nội chẳng bao giờ tuyên ngôn về những tình cảm lớn lao. Mỗi lần nhớ về quá khứ, bà chỉ biết ơn hàng xóm, đồng nghiệp vì đã đồng cam cộng khổ qua giai đoạn khó khăn của cuộc đời.

Bà nhớ lại năm 1976, khi đất nước hoàn toàn độc lập, bà đi công tác Sài Gòn lâu ngày để nối đường viễn thông Nam-Bắc. Lúc đó, ông nội tôi vẫn đi làm biền biệt ở Quảng Ninh chứ không ở Hà Nội cùng bố và các cô tôi. Mãi tới khi ba đứa trẻ đã lớn, ông mới về Hà Nội.

Ba đứa con, ông bà gửi gắm cho tập thể trông nom hộ. Hồi ấy, mấy anh em mỗi ngày luộc một quả trứng chia làm ba. "Thời đó nghèo, không ai có gì cả, nên bà con xóm phố biết sống vì nhau" - bà kể rằng mình yên tâm để lại con cho các đồng nghiệp tập thể bưu điện trông nom mấy tuần.

23aug2024240823chuyenbake3jpg
Yêu nước là sự đồng cảm lẫn nhau, vượt ra ngoài những khẩu hiệu thường thấy.

"Con người biết yêu thương nhau" là điều người hi sinh cả cuộc đời cho cách mạng mong muốn. Nên khi nói về tình yêu, bà chỉ nói ngắn gọn rằng bà yêu ông, bà yêu các con và các cháu của bà. Có lẽ hiện thân của Việt Nam của bà là những giọng nói, gương mặt, hơi thở thân quen hàng ngày đó.

Trước ngày tôi lên xe ra sân bay, bà ôm tôi khóc. Bà nói bà yêu tôi. Tôi nói mình sẽ quay trở về với bà, rồi nhanh chóng lên xe để taxi lăn bánh. Tôi sợ hai chân mình sẽ không thể rời bước khỏi Việt Nam, khỏi bà.

Ở Canada, tôi có bạn bè từ mọi nơi trên thế giới. Có những nơi được sống trong hoà bình, có nơi bom rơi đạn lạc. Chúng tôi thuộc về những phần nhân loại thật khác biệt. Nhưng chúng tôi có thể cùng đến bên nhau và yêu thương nhau, vì sâu thẳm những xứ sở bên trong chúng tôi là tình cảm gia đình thơ ấu, là những điều tầm thường nhất.

Bà nội là hiện thân của Việt Nam của tôi. Và gia đình tôi cũng vậy. Khi nói tôi yêu quê hương, yêu danh tính Việt Nam của mình, tôi yêu những người đã sinh thành và chăm sóc tôi, những người đấu tranh hàng ngày vì thế hệ tương lai dù lịch sử họ trải qua khó nhọc đến nhường nào.