Vì sao D.P mùa 2 xứng đáng với 2 năm chờ đợi? | Vietcetera
Billboard banner
03 Thg 08, 2023
Sáng TạoĐiện Ảnh

Vì sao D.P mùa 2 xứng đáng với 2 năm chờ đợi?

Yếu tố nhân văn được đề cao hơn sự kích thích gay cấn, khiến mùa 2 trở nên trọn vẹn hơn theo một cách khác.
Vì sao D.P mùa 2 xứng đáng với 2 năm chờ đợi?

Nguồn: Netflix

Bài viết có tiết lộ nội dung phim

Lên sóng năm 2021, D.P từng gây sốt trên toàn cầu. Bộ phim còn được The Korea Herald đánh giá là một trong những series phim mang tính biểu tượng của Netflix Hàn Quốc vì phơi bày chân thực mặt tối của văn hóa quân đội nước này.

Trở lại sau 2 năm, tác phẩm của đạo diễn Han Jun Hee tiếp nối câu chuyện còn dang dở sau sự cố của Cho Suk Bong. Cùng với đó là việc bạn thân của Cho - binh nhất Kim Ru Ri dùng súng trường bắn đồng đội dẫn đến việc 2 người tử vong, 11 người bị thương nặng và hiện đang bỏ trốn.

Sau khi ra mắt với 6 tập, D.P mùa 2 được nhiều khán giả nhận xét rằng: "Xứng đáng với sự chờ đợi gần 2 năm." Vậy sự xứng đáng này đến từ đâu?

Kịch bản và diễn xuất được “nâng cấp” hơn mùa đầu tiên

Xứng đáng đầu tiên phải kể đến đó là kịch bản và diễn xuất của các nhân vật cùng những câu chuyện đằng sau cuộc đời của họ. Những gương mặt quen thuộc như Jung Hae In - Koo Kyo Hwan - Son Seok Gu tiếp tục giữ vững phong độ của mình qua màn thể hiện cả hành động lẫn nội dung không thể xuất sắc hơn.

Hẳn chúng ta vẫn chưa quên nội dung của mùa 1, 6 tập phim là 6 câu chuyện của những người lính đào ngũ khác nhau. Có người trốn khỏi trại vì bị bắt nạt, bạo hành về mặt thể xác, tinh thần bởi cấp trên do thể trạng yếu ớt. Có người trốn trại vì ham chơi, ham tự do, không chịu nổi môi trường quân đội hà khắc và kỉ luật, những người khác vì hoàn cảnh cá nhân vô cùng đáng thương.

Sang đến mùa 2, khán giả lại chỉ cần tập trung vào hai cuộc đào ngũ. Dù số lượng ít nhưng kịch bản lại xoáy sâu vào nỗi đau của từng nạn nhân, khơi gợi sự đồng cảm ở An Jun Ho - Ho Yul và cả khán giả. Để khi xem một tập phim đầy tàn khốc, người xem có thể rơi nước mắt ở tất cả những cái kết của mỗi nhân vật khác nhau.

alt
Bộ đôi Jun Ho - Ho Yul tiếp tục đồng hành cùng nhau trong mùa 2 | Nguồn: Netflix

Với những khán giả lâu năm của điện ảnh Hàn Quốc, đây có thể là một kịch bản dễ đoán và không hề mới, nhưng cách dựng phim, màu phim, âm nhạc, hình tượng nhân vật lại đem tới những cảm xúc hoàn toàn khác biệt.

Kịch bản mùa 2 ghi dấu ấn bằng diễn biến cùng tốc độ tăng dần ở nửa cuối, cốt truyện dày dặn hơn, những khía cạnh khó tưởng tượng của các nhân vật và những tình tiết hấp dẫn đã được tiết lộ. Các nhân vật phụ xuất hiện trong phần 1 như đội trưởng Im Ji-seop, và nhân vật một lính đào ngũ khác cũng được xây dựng và khắc họa chi tiết hơn trong mùa thứ 2.

Bi kịch và xung đột được đẩy lên căng thẳng nhất

Ở mùa 1, mỗi tập phim là bi kịch của những người lính đào ngũ với những hoàn cảnh và tính cách khác nhau. Nhưng tất cả đều phơi bày ra bản chất không mong muốn của quân đội, cùng với đó là chế độ chuyên chế, chuyên quyền, kỷ luật hà khắc và cả “luật rừng” cá lớn nuốt cá bé, cấp trên bắt nạt cấp dưới.

Những người quân nhân được cho là “yếu đuối nhất” sẽ bị ném xuống đáy, trở thành “món đồ chơi” phục vụ các mục đích của cấp trên.

Sang đến mùa 2, chúng ta vẫn bắt gặp những bi kịch xuyên suốt 6 tập phim nhưng đa dạng hơn với câu chuyện đằng sau, bao gồm cả việc một số thanh niên bị bắt nạt vì ngoại hình và lựa chọn của họ.

Bất chấp sự cố Suk-Bong (nhân vật tự sát ở cuối phim mùa 1), những người đàn ông nắm quyền vẫn không thay đổi và trở nên tàn bạo hơn với những hành vi bắt nạt và lạm dụng của mình.

Đi qua những bi kịch của mùa 2, người xem có thêm cả sự đồng cảm, góc nhìn về tâm lý không chỉ về người lính mà còn là người nhà, người mẹ của họ. Rất nhiều phân cảnh trong mùa 2 của D.P xoay quanh yếu tố gia đình với những bậc cảm xúc khác nhau khiến khán giả rùng mình.

Yếu tố nhân văn được đề cao hơn sự kích thích gay cấn, khiến mùa 2 trở nên trọn vẹn hơn theo một cách khác. Tuy có nói về cái chết, về những cuộc bắt nạt, truy đuổi dã man, nhưng đâu đó, tình yêu gia đình, đồng đội và cả những cuộc tranh luận đều cho thấy tình người.

Nhân vật để lại nhiều ấn tượng nhất và mang bi kịch cao trào nhất với người xem có lẽ là Nina ở tập 3. Chàng trai có năng khiếu nghệ thuật thiên bẩm, giọng hát xuất sắc nhưng chưa bao giờ được đối xử công bằng.

Sau khi nhập ngũ, Nina bị hành hạ tàn bạo, sống không bằng chết, chịu những lời miệt thị và những hành động xâm hại từ đồng đội nên quyết tâm đào ngũ. Chỉ một tập ngắn ngủi dõi theo hành trình chạy trốn bất tận của nhân vật Nina cùng nỗi đau của giới tính, khán giả đã thấy ước mơ, nhân quyền và tự do dễ đổ nát thế nào dưới sự tàn ác của kỳ thị và bạo lực.

Bên cạnh đó còn là chàng trai bị hen, chỉ vì mập mà bị bắt nạt để rồi không kiểm soát được mà xả súng giết chết đồng đội. Dĩ nhiên, không thể lấy bạo lực để trấn áp bạo lực, giết người khó có thể biện minh. Nhưng chính sự phân biệt, bắt nạt âm ỉ trở thành nguyên do cho những xung đột và bi kịch giữa con người và con người bị đẩy lên cao trào nhất. Vậy, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm cho những điều đó?

Không có một ai bị điểm mặt chỉ tên, nhưng ở tập cuối phim, đạo diễn và biên kịch đã khéo léo trả lời cho câu hỏi đó bằng phần mở đầu được trích dẫn trong điều 34 hiến pháp Hàn Quốc: “Mọi công dân đều có quyền sống một cuộc sống xứng đáng với con người. Nhà nước phải nỗ lực ngăn ngừa thảm hoạ và bảo vệ công dân khỏi tổn hại do thảm hoạ gây ra.”

Cái kết tương phản nhưng đậm đặc gam màu hiện thực

Ở tập cuối khi khán giả đang mong đợi một cái kết viên mãn, kẻ xấu bị trừng trị đích đáng hay ít nhất có thể lật mặt những người đứng đầu điều khiển cả một hệ thống, thì biên kịch lại khiến người xem bất ngờ.

Không có một cái kết hoàn hảo hay trắng đen rõ ràng, giống như những gam màu tối âm u xuyên suốt 6 tập phim, cái kết cũng làm khán giả mơ hồ không kém. Phiên toà được ví như một xã hội Hàn Quốc thu nhỏ. Tại đó có nhiều giai cấp, tầng lớp, mang nhiều quan điểm, tư tưởng khác nhau, cùng đấu tranh để bảo vệ cái bản thân họ cho là đúng.

Người tốt không chiến thắng hoàn toàn và cái ác chưa chắc đã bị trừng trị. Tiếng nói và sự phản công của kẻ yếu thế, những người đấu tranh cho cái tốt đẹp luôn phải đánh đổi bằng sự hi sinh và rất nhiều thiệt thòi. Quyền lực trong rất nhiều hoàn cảnh, vẫn là vũ khí tối thượng để thao túng và áp đặt con người.

Nhưng như vậy không có nghĩa là chúng ta không có quyền mơ về một thế giới tốt đẹp hơn hay một xã hội với công lý được thực thi. Giống như những nhân vật chính đã nói với nhau khi phiên toà kết thúc, rằng “ngày mai quan trọng hơn” hay “lần sau chúng ta sẽ thắng.”

Điều này lại nhen nhóm lên trong khán giả hy vọng vào một đại kết cục hoành tráng và mãn nhãn hơn nữa ở mùa 3 (biết đâu đấy).

alt
Cái kết khiến khán giả hy vọng có thêm mùa 3 thật bùng nổ | Nguồn: Netflix

Bên cạnh đó, cũng không thể không nhắc đến cảnh phim đầy ẩn dụ để hạ màn là khi An Jun Ho đối diện với kẻ bắt nạt của mùa 1 Hwang Jang Soo qua cửa sổ xe buýt, trong một khoảnh khắc vui vẻ đời thường và hạnh phúc của hắn sau khi xuất ngũ.

Hai ánh mắt nhìn nhau và chiếc xe buýt chờ Jun Ho đi về phía khác giống như cảnh kết mùa 1 Jun Ho chạy ngược lại với cả tiểu đội. Khán giả dễ dàng nhìn thấy sự liên kết chặt chẽ với mùa 1 và biên kịch cũng thành công khi đã xâu chuỗi chỉn chu, ấn tượng cả tình tiết lẫn cảm xúc hai mùa với nhau.

Cuối cùng, qua 2 mùa với 12 tập, có thể khẳng định, D.P. của Netflix chính là một lời kêu gọi chính trị chống lại nạn bắt nạt trong các đơn vị thực hiện nghĩa vụ quân sự, bằng thông điệp được viết và dệt thành kịch bản phim. Và đó là điều làm nên sức mạnh độc đáo của bộ phim này. Nó khiến thông điệp trở nên sống động, dễ gây sự chú ý, lôi kéo sự đồng cảm và sức lan tỏa lớn hơn.