Vì sao thương hiệu thời trang bán đĩa ăn, giường ngủ?  | Vietcetera
Billboard banner
02 Thg 08, 2022
Thời TrangFashion Forum

Vì sao thương hiệu thời trang bán đĩa ăn, giường ngủ? 

Các tên tuổi như Dior, LV, Versace đang lắp đầy mọi mét vuông nhà bạn bởi các dòng đồ nội thất. Phải chăng thời trang không còn sinh lời hay đây lại là một chiến lược chọc thủng túi tiền mới?
Vì sao thương hiệu thời trang bán đĩa ăn, giường ngủ? 

Thời trang đang có bước tiến mạnh mẽ vào đồ nội thất | Nguồn: LV, Versace, Dior

Ngày nay, nhiều thương hiệu thời trang có mặt trong các lĩnh vực khác như nội thất và đồ gia dụng mà không đi lạc khỏi các giá trị thiết kế cốt lõi. Hợp tác với các công ty thiết kế nội thất hoặc nhà phát triển bất động sản đang là xu hướng phát triển nhanh chóng trong ngành.

Một báo cáo gần đây của Mordor Intelligence ước tính rằng thị trường đồ nội thất cao cấp trên thế giới có khả năng tăng trưởng 4,7% từ năm 2018 đến năm 2023.

Tuy nhiên, lý do các nhà mốt lấn sân nội thất không chỉ vì lợi nhuận mà còn nằm ở việc củng cố địa vị, lan truyền quan điểm thẩm mỹ và đôi lúc là “gaslight” người dùng về những thứ họ mua sắm.

Nhà mốt thời trang bành trướng sang lĩnh vực nội thất

Sân chơi nội thất hiện nay tề tựu những tên tuổi thời trang lâu đời. Đầu tiên phải kể đến Louis Vuitton khi nhà mốt Pháp này có hẳn một nhánh riêng chuyên bán đồ nội thất như đèn du mục, thảm, bàn ghế, khăn tắm, nến thơm với những giá tiền choáng ngợp. Ngoài LV, Dior cũng có một nơi mang tên Dior Maison chuyên bán chén dĩa được tạo tác tinh xảo.

Trong khi đó, nhà mốt quen mặt của giới siêu giàu - Elie Saab dấn thân sang lĩnh vực này khi cho ra đời những sản phẩm nội thất được làm thủ công theo tiêu chuẩn haute couture… Mới nhất, tháng 5/2022, D&G cũng gia nhập vào ngành nội thất qua việc mở cửa hàng đầu tiên chuyên kinh doanh mặt hàng này tại Milan.

alt
Nhiều đồ nội thất được thiết kế bởi các thương hiệu thời trang | Nguồn: Bagaholic

Ngoài những sản phẩm thân thuộc, một số nhà mốt còn cho ra mắt nhiều sản phẩm có phần khá kỳ lạ để tạo nên sự tò mò. Cây nhang thơm hiệu Gucci hay gạch xây nhà từ Supreme là một trong số các ví dụ. Tuy nhiên, bên cạnh các sản phẩm để “vui đùa” thì cách truyền tải gu thẩm mỹ của nhà mốt vào nội thất là một sự kết hợp mang tính “ngang hàng, phải lứa.”

alt
Thời trang và nội thất là sự kết hợp giúp nâng tầm các thiết kế và không gian sống | Nguồn: Elie Saab

Lí do vì đồ nội thất cũng là mặt hàng thuộc về phong cách sống, và trở nên xa xỉ khi được tạo tác tinh xảo, cầu kì. Tại các nước Châu Âu, ngoài các nhà mốt thời trang thì những nhà nghề làm đồ nội thất, trang trí thủ công, gốm sứ, pha lê cũng có lịch sử nổi tiếng từ lâu đời và có chỗ đứng trong sự lựa chọn của giới siêu giàu.

Vì sao họ làm vậy?

Thỏa mãn sở thích “nghiện nhà” của người dùng

Hơn cả việc tăng doanh số cho thương hiệu, việc các nhà mốt ra mắt các dòng sản phẩm dành cho không gian sống phản ánh sự dịch chuyển của xã hội.

Nhà thiết kế thời trang (NTK) Nicole Miller cho biết: “Tôi nghĩ thế giới đã có quá nhiều quần áo. Mọi người đang có một sự thay đổi khi tận hưởng, nghỉ ngơi tại nhà nhiều hơn. Đối với họ, trải nghiệm không gian sống quan trọng hơn quần áo."

alt
Người dùng ngày càng muốn đầu tư cho không gian sống hơn là quần áo | Nguồn: HomeStoreAtoZ

Theo cách này, một chiếc ghế dài, chăn ấm nệm êm hoặc những bộ chén đĩa đẹp là những thứ khiến cuộc sống vui vẻ mỗi ngày. Nó thậm chí còn tạo điều kiện cho những hoạt động chung như ăn tối cùng bạn bè, Netflix & chill. Đây quả thật là những trải nghiệm cảm xúc mà trang phục không làm được.

Đồ gia dụng tạo cảm giác sống lành mạnh

Việc mua sắm đồ nội thất mang đến cảm giác cổ vũ lối sống lành mạnh. Khi mua hàng cho ngôi nhà của mình hay các thành viên gia đình, bạn cảm thấy có trách nhiệm hơn với bản thân và cộng đồng.

Điều này bắt nguồn từ việc chạy theo các xu hướng thời trang với tốc độ đào thải cực nhanh được xem là những đầu tư kém giá trị. Trong khi bạn có thể sống với một món đồ gia dụng trong một thời gian rất dài.

Vậy nên, khi thời trang nhanh bị lên án thì cần một thứ gì đó “trầm tính” hơn để “hợp thức hóa” việc mua sắm của người tiêu dùng.

Tham vọng hình thành hệ sinh thái thẩm mỹ

Các NTK thời trang dường như có mong muốn áp dụng tầm nhìn, gu thẩm mỹ của họ vào nhiều không gian nhất có thể. NTK Jason Wu cho biết: “Khi tôi làm việc, tôi nghĩ về thiết kế một cách tổng thể. Làm thế nào để những thứ tôi làm ra phù hợp với cả một phong cách sống của khách hàng.”

alt
Các NTK thời trang luôn muốn truyền bá thẩm mỹ của mình đến nhiều lĩnh vực khác | Nguồn: Versace

Vì lẽ đó, các nhà mốt quyết tâm lắp đầy không gian sống của khách hàng bằng sự hiện diện mang tính thẩm mỹ của mình. Không những thế, các nhà mốt còn có sự hợp tác với những NTK nội thất chuyên nghiệp, nghệ sĩ trong nhiều lĩnh vực để làm mới các BST mỗi năm.

Thời trang và nội thất “nâng đỡ” nhau thế nào?

Thời trang và nội thất là sự kết hợp có thể bổ trợ lẫn nhau. Sản phẩm nội thất và thời trang có một số điểm tương đồng trong việc chia sẻ chung một quan điểm thẩm mỹ tuy nhiên có chút độ lệch về thời gian.

Trong đó, thời trang là phản ánh tình hình kinh tế, xã hội và lịch sử, văn hóa. Còn xu hướng thiết kế nội thất sẽ theo sau các xu hướng thời trang. Vậy nên, chỉ cần nhìn thời trang có gì thì chúng ta có thể đoán những gì tiếp theo trong nội thất.

alt
Thời trang và nội thất luôn nâng đỡ nhau | Nguồn: Dior

Tuy nhiên, điểm khác biệt lại nằm ở bản chất phù du của các xu hướng thời trang. Xu hướng quần áo nhanh qua nhưng các thiết kế nội thất thì có “tuổi thọ” lâu hơn. Vì vậy, “thẩm mỹ” của một NKT có thể tồn tại lâu hơn thông qua các đồ nội thất mà người đó tạo ra.

“Nội thất nhanh” có trở thành thời trang nhanh thứ 2?

Trong thế giới thời trang luôn có sự xuất hiện của những phiên bản “giống và rẻ hơn” của các thiết kế nổi tiếng trong những cửa hiệu thời trang nhanh. Gần đây, khái niệm nội thất nhanh (fast-homeware) cũng đang xuất hiện nhiều hơn.

Giống như thời trang nhanh bình thường hóa việc đăng một bộ trang phục mới hàng ngày, đồ gia dụng nhanh bình thường hóa việc liên tục điều chỉnh, cập nhật và thiết kế lại không gian sống.

Việc mua bán đồ nội thất từ các thương hiệu mới nổi như Boohoo, Pretty Little Thing, Missguided đã trở thành nội dung “viral” trên YouTube và TikTok. Những xu hướng nổi bật như khăn trải bàn vải dệt caro, bàn uống cafe lát gạch, gương lượn sóng…được giới trẻ rất yêu thích.

alt
Không chỉ có thời trang nhanh gây tác động tiêu cực, đồ nội thất nhanh cũng có thể tạo ảnh hưởng không tốt | Nguồn: Pinterest

Tuy nhiên, đồ nội thất nhanh có phải là một mối nguy tương tự như thời trang nhanh?

Nội thất nhanh xuất hiện ở thời điểm mà nhiều người đã biết đến tác hại của thời trang nhanh. Vì vậy, dù khách hàng có thích những món đồ gia dụng mới nhưng họ vẫn quan tâm nhiều đến tính bền vững hơn.

Dữ liệu do eBay công bố cho thấy rằng các tìm kiếm về “nội thất sinh thái” và “bền vững đồ nội thất ”tăng lần lượt 123% và 171% trong giai đoạn 2019 và 2020. Những dấu hiệu này cho thấy những món đồ nội thất đẹp mắt, đầy tính thời trang có thể sẽ tồn tại lâu hơn trong căn nhà của bạn.

Tuy nhiên, nếu chẳng may fast-homeware vẫn tổn hại môi trường hệt như fast-fashion thì có lẽ lỗi lầm không chỉ ở các công ty sản xuất mà còn ở người tiêu dùng. Những người luôn hô hào, khởi xướng nhiều chiến dịch nhân văn nhưng hóa ra chưa bao giờ có thể ngăn mình mua sắm những món đồ giá rẻ đầy mời gọi.