Xem One Piece live action nghĩ về chuyện phát triển sự nghiệp | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
06 Thg 09, 2023
Điện Ảnh

Xem One Piece live action nghĩ về chuyện phát triển sự nghiệp

Không chỉ là bản chuyển thể từ manga, anime thú vị và gần với kỳ vọng, One Piece còn mang đến nhiều khía cạnh khác khiến người xem thích thú. 
Xem One Piece live action nghĩ về chuyện phát triển sự nghiệp

Từ trái sang, các diễn viên Taz Skylar, Mackenyu Arata, Inaki Godoy, Emily Rudd và Jacob Remero Gibson trong One Piece bản live action | Nguồn: Netflix

"10 điểm không có nhưng" là một trong những phản ứng của khán giả và người hâm mộ sau khi xem One Piece bản người đóng mùa đầu tiên do Netflix sản xuất. Series không chỉ khá tròn trịa mà còn mang đến nhiều cảm xúc khác nhau cho từng đối tượng người xem. Phần đầu tiên này cũng là một dẫn nhập hấp dẫn để khán giả bước vào hành trình của Luffy và Băng Mũ Rơm.

Và đáng lẽ tôi cũng nên giống như bạn, chỉ tận hưởng mùa phim đầu tiên này để "ố á," cười và mếu. Nhưng vì xem anime One Piece khi đã trưởng thành và nay là bản người đóng, tôi lại tiếp tục nghĩ đến nó, ngoài niềm vui còn là những bài học sự nghiệp rất riêng.

Ghi chú: Đây không phải là một bài review thông thường; nó nói về cách chúng ta nhận được “bài học sự nghiệp" gì từ bộ phim này.

Đam mê dẫn bạn đến sự nghiệp (nhưng nếu không có cũng chẳng sao, hãy đi tìm nó)

Chúng ta đều biết chắc chắn như chính Luffy biết rõ ngay từ bé, cậu sẽ trở thành vua hải tặc. Zoro muốn trở thành tay kiếm “nếu số 2 không có ai là số 1” và Chân Đen Sanji muốn đến vùng biển huyền bí All Blue, nơi có đủ mọi nguyên liệu và gia vị để thoả chí bếp núc. Nami là một cô gái đặc biệt và Nami muốn trở thành người vẽ lại bản đồ thế giới.

Người còn lại trong Băng Mũ Rơm thời kỳ đầu này còn có thêm Usopp. Ước mơ và định hình về cuộc đời của cậu ấy như thế nào? Dù đến cuối season 1, Usopp vẫn chưa thực sự biết đam mê hay "sự nghiệp" của mình là gì.

Nhưng còn ai phù hợp hơn Usopp để trở thành một người kể chuyện tài ba bởi ngay từ bé, cậu đã có năng khiếu và thiên hướng này. Và liệu sẽ có ai hợp lý hơn để trở thành Homer khi lao vào hành trình đầy hấp dẫn bên cạnh những người bạn rồi kể lại trường ca đó cho con cháu mình?

Trong chúng ta hẳn sẽ có những người xác định đam mê và sự nghiệp từ khi còn bé. Nhưng cũng có những người phải lao vào hành trình mới thực sự biết được đam mê và quyết tâm theo đuổi.

Là Luffy hay Usopp không quan trọng bằng việc bạn tự tạo ra sự hứng thú trong hành trình của mình. Đôi khi chúng ta hoang mang (như phút bối rối của Usopp cuối mùa 1 vậy) nhưng vẫn vững tin đang trên cuộc phiêu lưu đến nơi mà mình muốn trong đời.

Đừng lơi là và cũng đừng đánh mất sự hào hứng, trước khi bạn tìm ra đam mê và chinh phục nó. Đó là kho báu One Piece trong sự nghiệp của bạn. Và cũng đừng nản lòng nếu bạn vẫn chưa thể xác định được công việc mơ ước hay phù hợp với năng khiếu cũng như tài năng của mình. Cứ đi... sẽ đến.

Trên “thuyền” luôn có việc phù hợp cho bạn

Đam mê là một chuyện, sự nghiệp mà bạn xây dựng lại là chuyện khác. Băng Mũ Rơm chứng minh cho ta thấy điều đó một cách rõ ràng nhất.

Như đã nói ở trên, mỗi thành viên của Băng Mũ Rơm đều có đam mê và ước mơ riêng. Họ “lên thuyền” là để thực hiện lý tưởng riêng của mình nhưng vẫn là những người bạn, những cộng sự của nhau. Họ làm việc tốt nhất của họ và không cố ép bản thân trở thành một ai khác ngoài “thiên chức" của mình.

Luffy muốn giong buồm ra khơi là vì muốn trở thành vua hải tặc. Hay chính xác hơn, cậu muốn trở thành người phiêu diêu tự do khám phá.

alt
Cuộc đời đưa đẩy lập băng hải tặc. | Nguồn: Netflix

Còn cách nào để vẽ bản đồ thế giới bằng cách ra khơi? - Đó mới thực sự là điều Nami giỏi nhất, một nhà địa lý thay vì một cô nhóc giỏi "thó" đồ đạc người khác. Còn cách nào tuyệt vời hơn để trở thành một đầu bếp tài ba, tới vùng đất có đủ mọi nguyên liệu trong gian bếp bằng cách… ra khơi? Sanji trở thành hải tặc là bởi ước mơ này.

Điều rút ra được ở đây là, mục tiêu có thể khác nhau nhưng không đồng nghĩa những người chung một công ty không thể đi cùng nhau. Mục tiêu của sếp là kiếm thật nhiều tiền nhưng đó không nhất thiết phải là mục tiêu của bạn.

Bạn có thể kiếm tiền nhưng cũng có thể trau dồi kỹ năng, kinh nghiệm, và có nhiều trải nghiệm mới mẻ. Bạn chọn "lên thuyền" có thể vì bạn làm công việc đó giỏi nhất, hoặc cũng có thể nó tiệm cận với ước mơ của bạn.

Hãy làm tốt nhất việc của bạn, trước hết là vì chính bạn. Bạn là một mắt xích quan trọng và đừng để một ai khác nói rằng bạn không thể làm được, hay tự hạ thấp tiêu chuẩn công việc của mình.

Người chống đối bạn không phải lúc nào cũng thực sự… chống đối bạn

Trong One Piece có rất nhiều "cặp" nhân vật thú vị mà mối quan hệ giữa họ chứa nhiều câu chuyện thú vị không kém. Chỉ nói riêng ở mùa đầu tiên của One Piece bản người đóng, chúng ta thấy ba cặp nhân vật như vậy. Và nó cũng nói cho ta về bài học sự nghiệp không ít như cách họ thể hiện tình cảm, sự trân trọng với nhau một cách thành thực.

Cặp đầu tiên phải kể đến là Shanks và Luffy. Shanks luôn không đồng ý cho Luffy trở thành hải tặc với lý do cậu còn quá bé hay đúng hơn là "chưa sẵn sàng." Anh có thể dùng sinh mệnh để bảo vệ Luffy nhưng kiên quyết "chống đối" ước mơ của cậu nhóc này. Nhưng còn ai hiểu cuộc đời của một cướp biển hơn Shanks nữa đây? Và còn lời khuyên sự nghiệp nào tốt hơn từ một chuyên gia như Shanks?

alt
Shanks trao cho Luffy chiếc mũ rơm huyền thoại | Nguồn: Netflix

Cặp nhân vật thứ hai phải kể đến Luffy và ông nội, Phó Đô Đốc Monkey D Garp. Ngay từ đầu Garp luôn muốn Luffy trở thành lính hải quân; và khi không thể thuyết phục được cậu bé, Garp luôn tìm cách bắt giữ cháu trai hải tặc của mình (là để bảo vệ cậu ấy.)

Nhưng chính Shanks đã ăn mừng khi Luffy có lệnh truy nã đầu tiên; và Garp cũng đã thừa nhận rằng Luffy sẽ trở thành hải tặc như điều cậu mơ ước từ bé.

Vì thế, người chống đối đam mê và công việc của bạn không phải lúc nào cũng chỉ chống đối bạn. Những người như thế có rất nhiều ở trên đời. Họ có thể là cha mẹ và người thân của bạn; những thần tượng hay "ông chủ" của bạn.

Ở góc độ tích cực, họ có thể là động lực giúp bạn trở thành phiên bản tốt hơn. Tất nhiên, nếu chỉ thấy sự độc hại và không có động lực để phát triển, bạn cũng có thể chọn cách rời đi.

Một cố vấn giỏi giúp sự nghiệp của bạn đúng hướng vào đúng lúc

Cặp đôi thứ 3 chưa kể ở phía trên chính là Chân Đỏ Zeff và Chân Đen Sanji. Chắc chắn bạn sẽ nhớ đến những cảnh cảm động của hai nhân vật này, cùng mối quan hệ giữa họ trong mùa đầu tiên của One Piece sau khi xem.

Ví dụ như cảnh Zeff tự ăn chân mình và nhường toàn bộ thức ăn cho Sanji khi cả hai gặp nạn trên biển. Zeff cũng tin vào niềm tin của Sanji về All Blue (ngầm ý ủng hộ ước mơ của Sanji.) Hay cảnh Zeff chào tạm biệt Sanji khi cậu lên con tàu Merry để đi theo giấc mơ của mình.

alt
Nam diễn viên Craig Fairbrass vào vai "Chân Đỏ" Zeff trong One Pice live action | Nguồn: Netflix

Tuyến truyện của Zeff và Sanji thực sự đặc biệt, và cũng rất cảm động. Kể cả khi cả hai luôn cãi vã nhưng Zeff luôn muốn điều tốt nhất với Sanji và luôn ủng hộ giấc mơ của cậu. Không ai khác, Zeff là người cố vấn và đưa Sanji đến những khía cảnh thực tế nhất của cuộc đời (kể cả khi có nhiều người sẽ cho rằng Zeff khó tính, nguyên tắc và cổ hủ.)

Câu chuyện của Zeff và Sanji cho chúng ta thấy vai trò quan trọng của một người cố vấn, nhất là ở thời kỳ đầu của sự nghiệp như thế nào. Tất nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng làm theo lời của của cố vấn. Khi đã đủ trưởng thành bạn có thể đi trên con đường riêng của mình, như Sanji mạnh mẽ rời đi để theo đuổi hành trình sự nghiệp của riêng cậu ấy.

Ứng xử như thuyền trưởng, bạn sẽ là… trưởng thuyền

Có một chi tiết trong mùa đầu tiên của One Piece bản người đóng gây chia rẽ những người hâm mộ series này. Đó chính là cảnh Zoro sau khi tỉnh dậy từ cuộc đấu kiếm sinh tử với Mihawk và thừa nhận rằng Luffy là thuyền trưởng còn anh là thuyền phó. Trong nguyên tác không xác định Zoro là thuyền phó, và có thể bản dịch… có vấn đề.

Nhưng lùi về trước đó một vài cảnh, chúng ta sẽ khám phá những điều cảm động và thú vị hơn. Đó là sự bối rối của Luffy khi cậu nhận ra sự cổ vũ của mình lại là một phần dẫn đến cảnh sống dở chết dở của Zoro. Và trong khi bối rối và dằn vặt bản thân, chính Sanji ngầm nhận định Luffy cư xử như một người thuyền trưởng đích thực. Và khi Zoro tỉnh lại, anh cũng chính thức gọi Luffy là thuyền trưởng.

alt
Inaki Godoy vào vai Monkey D Luffy trong bản One Piece người đóng | Nguồn: Netflix

One Piece bản người đóng được yêu thích có lẽ bởi nhiều cảnh phim đặc biệt, gợi những cảm xúc rất tinh tế như vậy. Và ở góc độ phát triển sự nghiệp, nó cũng cho ta thấy nhiều điều để học hỏi.

Cách “dẫn dắt" của Luffy có nhiều bất cập nhưng lại là một người dẫn đường đầy cảm hứng, một thuyền trưởng tài ba. Luffy có tài thuyết phục/đàm phán (bằng sự chân thành); cậu tin tưởng đồng đội; nhìn ra điểm mạnh của mỗi người… Đó đều là dấu hiệu của một người đứng đầu, lãnh đạo xuất sắc.

Hãy cư xử như một senior nếu muốn trở thành một senior nhưng quan trọng hơn, chọn đúng cách ứng xử với cộng sự, đối tác sẽ định nghĩa bạn là ai và vị trí của bạn là gì?

Bạn không thể ép ai đó nghĩ rằng mình là "đỉnh" nếu bạn không ứng xử “ngầu.” Dù ở vị trí nào, sếp hay nhân viên, hãy trở thành phiên bản uy tín nhất và người khác sẽ công nhận bạn. Từ đó, bạn cũng đã tự tạo ra bước đà để thăng tiến trong sự nghiệp.

Bonus: Mô hình kiểu mẫu thì tốt, nhưng chung chí hướng thì tốt hơn

Khép lại 8 tập của One Piece mùa đầu tiên là nhiều cảm xúc trái ngược, có hạnh phúc và có cả những kỳ vọng chưa đạt được (dù rất nhỏ.) Nhưng không thể phủ nhận rằng, đây là một trong những live action thành công nhất khi chuyển thể từ anime, manga đến thời điểm hiện tại.

Bối cảnh, diễn viên, cốt truyện đều phẩn nào biến One Piece trở nên chân thực và sống động theo kiểu… thế giới con người. Cái miệng không ngừng của Luffy, vẻ điển trai của Zoro, nét duyên dáng Nami… đều đã ghim vào người xem bằng những cảm xúc chân thành nhất.

alt
Nguồn: Netflix

Nhưng để kết thúc cho bài viết không chỉ nói về mùa đầu tiên One Piece phiên bản người đóng mà là bài học sự nghiệp rút ra của bộ phim, thì đó chính là cách mà họ tập hợp và kề vai sát cánh với nhau.

Tương tự như việc bạn chọn mô hình công việc (công ty) nào không quan trọng bằng cách chọn đi cùng những người chung chí hướng. Hãy xem cái cách mà Băng Mũ Rơm vận hành để thấy được rằng, mỗi người đều có ước mơ riêng nhưng đều có chung một chí hướng và kho giá trị gốc.

Con tàu mà bạn và đồng đội đang ở trên đó có thể từ nhỏ bé đến to lớn và hiện đại như Merry. Tất nhiên, đừng quên ước mơ và sứ mệnh nơi bạn đang làm việc, nếu đủ tầm nhìn và đúng giá trị mà bạn theo đuổi, đừng ngần ngại cống hiến hết mình.