3 Bước để tiết kiệm giữa làn sóng độc thân | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu

3 Bước để tiết kiệm giữa làn sóng độc thân

Nếu không biết quản lý chi tiêu, sự tự do, tự chủ của cuộc sống độc thân cũng có thể khiến bạn thường xuyên “vung tay quá trán.”
3 Bước để tiết kiệm giữa làn sóng độc thân

Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Tính đến năm 2022, trên toàn thế giới có khoảng hơn 2 tỷ người độc thân. Trong khi tỷ lệ kết hôn ngày càng giảm, tỷ lệ người sống một mình ngày càng tăng lên nhanh chóng. Nguyên nhân của việc này có thể đến từ làn sóng đô thị hoá, hiện đại hoá, từ trào lưu độc lập tài chính... khiến người trẻ muốn tập trung vào sự nghiệp nhiều hơn.

Ngày nay, sống độc thân thường bị cho là tốn kém hơn bởi những người này phải tự chi trả toàn bộ sinh hoạt phí, không có điểm tựa tài chính và những trải nghiệm ăn uống, du lịch cũng thường tốn hơn bởi ưu đãi dịch vụ thường chỉ dành cho nhóm hoặc theo cặp. Tuy vậy, những chi phí này hoàn toàn có thể được giảm đi đáng kể nếu bạn biết tính toán và quản lý các khoản chi tiêu hợp lý.

Tự do tài chính khi sống độc thân

Khi độc thân, bạn có thể dành nhiều thời gian hơn để làm những gì bạn muốn, bất kể trong thời điểm nào. Bạn có thể tập trung vào việc chăm sóc và cải thiện bản thân mình chứ không cần nghĩ đến kế hoạch của người khác. Không chỉ dừng lại ở đó, độc thân cũng giúp ích kha khá cho “túi tiền" của bạn!

Khi không có con hoặc sống với bất kỳ người nào khác, bạn chỉ cần chu cấp cho bản thân mình. Chưa nói đến việc có thể cắt giảm bớt những buổi hẹn và những món quà đắt đỏ thì chi phí sinh hoạt hàng ngày có thể được tiết kiệm phần nào, nhất là khi lạm phát đã kéo theo sự gia tăng nhanh chóng của thực phẩm và những mặt hàng cần thiết.

Tất nhiên, nhiều báo cáo tài chính chỉ ra cuộc sống độc thân tốn kém hơn so với lập gia đình, vì một cá nhân phải lo các khoản chi tiêu cơ bản mà không có ai cùng gánh vác. Nhưng xét về khía cạnh độc lập, người độc thân có thể tự chịu trách nhiệm và quyết định các ưu tiên của mình.

Bạn có toàn quyền kiểm soát các mục tiêu tài chính trong cuộc sống của mình. Bây giờ có thể là thời điểm để suy nghĩ về mục tiêu của bạn, từ ngắn hạn - mua điện thoại, mua xe - đến dài hạn - mua nhà hoặc tiết kiệm cho quỹ hưu trí.

Cuối cùng, khi chưa có trách nhiệm với gia đình và con cái, bạn sẽ có quyền được liều lĩnh hơn trong kinh doanh và đầu tư vì bạn có thể chấp nhận rủi ro cao hơn một chút. Tất nhiên, nếu không biết quản lý chi tiêu, sự tự do, tự chủ của cuộc sống độc thân cũng có thể khiến bạn thường xuyên “vung tay quá trán,” tiêu sạch lương của mình vào những trải nghiệm mua sắm, du lịch, ăn uống và không còn một đồng nào cho tiết kiệm.

Dưới đây là 3 bước đơn giản để bạn quản lý chi tiêu tốt hơn khi sống độc thân.

Bước 1: Ghi chép lại các khoản chi tiêu hàng ngày

Ghi chép là bước cơ bản để bắt đầu hành trình quản lý tài chính cá nhân. Ghi chép giúp bạn biết rõ hơn về tình hình tài chính của bản thân và từ đó học cách chi tiêu cũng như quản lý tiền bạc có kế hoạch hơn. Đặc biệt là khi bạn chỉ có một mình và sẽ không có ai hậu thuẫn nếu đột nhiên hết tiền giữa tháng. Ở nhiều trường hợp, việc ghi chép sẽ giúp bạn nhận ra mình đã tiêu đến 60% tiền lương vào những buổi tiệc tùng, từ đó bạn sẽ biết mình phải cắt giảm bớt những gì.

alt
Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Hãy ghi chép cụ thể và phân loại các khoản chi theo hình thức thanh toán - tiền mặt, thẻ tín dụng, thẻ ATM, v.v. Bạn cũng cần ghi lại chi tiết những khoản chi cố định như tiền nhà, tiền điện, nước, Internet... Bạn có thể ghi chép bằng sổ tay, Excel hoặc các phần mềm giúp quản lý chi tiêu như Money Lover hay MISA Money Keeper. Điều quan trọng nhất là bạn phải nhớ ghi lại ngay sau khi chi tiêu.

Đến cuối tháng, bạn sẽ có trong tay một danh sách chi tiêu của bản thân. Đây là giai đoạn bạn tìm hiểu thói quen tiêu dùng của bản thân, vậy nên, bạn chưa cần phải cố gắng kiểm soát chi tiêu khi chưa có thông tin rõ ràng về việc này.

Bước 2: Lập ngân sách và chia nhỏ các khoản chi tiêu

Để tạo ngân sách hiệu quả, trước tiên bạn hãy so sánh các khoản chi hàng tháng với thu nhập của mình từ bản ghi chép cá nhân (bước 1). Từ đó, phân chia ngân sách cho từng khoản mục như ăn uống, tiết kiệm, đầu tư, v.v. phù hợp với điều kiện và nhu cầu của bản thân.

Ví dụ, với thu nhập 10 triệu đồng. Bạn có thể sử dụng 5 triệu cho các chi tiêu thiết yếu, 3 triệu cho chi tiêu cá nhân và 2 triệu cho tiết kiệm và đầu tư. Điều tuyệt vời nhất khi bạn đang độc thân là bạn có thể toàn quyền sử dụng 10 triệu đồng đó cho bản thân mình.

alt
Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Tuỳ vào mục đích sử dụng tiền, bạn có thể tham khảo các nguyên tắc phân chia như 70-10-10-10, 50-20-30, 55-10-10-10-10-5. Phổ biến và đơn giản nhất hiện nay vẫn là quy tắc 50-20-30 với 50% cho chi tiêu tất yếu (ví dụ thuê nhà, ăn uống đi lại, v.v.), 30% cho chi tiêu cá nhân (ví dụ sở thích cá nhân như du lịch, giải trí) và 20% cho tiết kiệm, trả nợ và đầu tư. Tuy nhiên, những con số này có thể thay đổi linh hoạt phù hợp với nhu cầu và mức thu nhập của từng người.

Bước 3: Cắt giảm những khoản chi không cần thiết

Làm một phép tính đơn giản, nếu mỗi ngày bạn tiết kiệm được 40.000 đồng cà phê, mỗi tháng bạn sẽ tiết kiệm được 1.2 triệu đồng, mỗi năm sẽ tiết kiệm được hơn 14 triệu đồng. Tương tự với những khoản chi không cần thiết khác như ăn ngoài, mua sắm quần áo.

Sống tiết kiệm không có nghĩa là bạn phải cắt bỏ hoàn toàn những khoản chi nói trên nhưng nếu bạn biết chi trong mức hợp lý bạn đã đặt ra thì bạn sẽ tiết kiệm được nhiều hơn bạn nghĩ. Đặc biệt, ăn ngoài là thói quen thường thấy của những người độc thân, cũng là nguyên nhân lớn khiến túi tiền của bạn bị ảnh hưởng đáng kể. Bạn có thể học cách tự nấu nướng tại nhà và mang cơm đi làm.

alt
Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Trên thực tế, không chỉ cắt giảm những khoản không cần thiết, bạn cũng nên siết chặt những khoản thiết yếu. Dựa vào quy tắc phân chia ở bước 2, mỗi tháng bạn chỉ nên chi 20 - 30% thu nhập cho việc thuê nhà. Ví dụ một người độc thân có thu nhập 20 triệu đồng/tháng thì chỉ nên dành 4 - 6 triệu thuê nhà. Khi ở một mình, bạn có thể chọn chung cư mini hoặc căn hộ dịch vụ ở xa trung tâm một chút sẽ có mức giá vừa phải hơn.

Tóm lại, việc sống độc thân tốn kém hay tiết kiệm hoàn toàn phụ thuộc vào kỹ năng quản lý tài chính ở bản thân bạn. Không chỉ các cặp đôi, người độc thân hoàn toàn có thể có được cuộc sống đầy đủ và ổn định cùng lúc tận hưởng đặc quyền của cuộc sống một mình.