5 Thuật ngữ chính trị để hiểu về cuộc khủng hoảng tại Sri Lanka | Vietcetera
Billboard banner

5 Thuật ngữ chính trị để hiểu về cuộc khủng hoảng tại Sri Lanka

Khi "hòn ngọc Ấn Độ Dương" trở thành quốc đảo vô chính phủ.
5 Thuật ngữ chính trị để hiểu về cuộc khủng hoảng tại Sri Lanka

Nguồn: Reuters

Kinh tế kiệt quệ, đất nước vỡ nợ, người dân tràn vào phủ Tổng thống - đó là những gì đang diễn ra tại Sri Lanka. Trong ba tháng gần đây, các cuộc biểu tình đã nổ ra xuyên suốt đất nước Nam Á này. Nguyên do cho khủng hoảng là tình trạng lạm phát 54.6%, thiếu hụt lương thực, điện, và nhiên liệu trầm trọng,... Cuộc khủng hoảng khiến Tổng thống đương nhiệm tháo chạy khỏi đất nước.

httpsvietceteracomuploadsimages14jul2022plka0335jpg1280x720jpeg
Người dân vùng biển Sri Lanka | Nguồn: IFRC

Từ một quốc đảo xinh đẹp với những bãi biển xanh rì và rừng già hùng vĩ mà ta hay được nhìn thấy trên catalog du lịch, trong vòng chưa đầy một năm, Sri Lanka chìm trong bạo loạn và rơi vào tình trạng vô chính phủ. Vậy chính xác sự thật nào đang diễn ra đằng sau lớp quảng cáo thiên đường du lịch? Cùng Vietcetera tìm hiểu về nguyên nhân của cuộc khủng hoảng thông qua 5 thuật ngữ tiếng Anh sau đây.

1. Cronyism

Cronyism, hay từ đồng nghĩa là nepotism, ám chỉ một hệ thống cầm quyền theo mô hình “công ty gia đình,” tức người đứng đầu sử dụng ảnh hưởng của mình để bổ nhiệm những thành viên trong gia đình vào các vị trí quan trọng.

Thuật ngữ này miêu tả chính xác chính quyền hiện tại của Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa và gia đình của ông. Bước ra từ cuộc nội chiến kéo dài hơn 20 năm cho tới 2009, gia đình Rajapaksa đã từng bước lên nắm quyền lực và đưa các thành viên trong gia tộc vào nắm giữ các chức vụ Bộ trưởng hay Phát ngôn viên Quốc hội.

httpsvietceteracomuploadsimages14jul2022gotabayarajapaksa15715836521649216652737jpeg
Nguồn: Sun.mv

Chính điều này đã làm nảy sinh những nghi hoặc về tham nhũng và sự minh bạch của quá trình hoạch định chính sách. Hệ quả là người dân dần mất niềm tin vào “công ty gia đình” của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và yêu cầu chính phủ từ chức hàng loạt.

Trong lịch sử, rất nhiều cuộc bạo loạn và nội chiến đã diễn ra tại các đất nước theo mô hình cronyism. Một ví dụ điển hình là Syria - đất nước với truyền thống lãnh đạo “cha truyền con nối” - vẫn đang chìm trong cuộc nội chiến kéo dài hơn 11 năm.

2. Foreign exchange reserves

Foreign exchange reserves, hay forex reserve tức dự trữ ngoại hối, là một thuật ngữ tài chính ám chỉ tổng tài sản ngoại hối mà ngân hàng trung ương của một quốc gia đang nắm giữ. Các tài sản này có thể bao gồm ngoại tệ, các loại séc và trái phiếu của ngân hàng và chính phủ,...

Việc dự trữ tài sản ngoại hối có hai mục đích: chi trả các khoản thanh toán quốc tế, bao gồm cả lương thực và nguyên nhiên liệu, và giúp nền tài chính chống chọi khi tỉ lệ quy đổi ngoại tệ ở mức bất lợi. Nếu lượng dự trữ tài sản ngoại hối của một quốc gia cạn kiệt có nghĩa là quốc gia đó sẽ không thể mua thêm hàng hóa từ nước ngoài và dễ bị tổn thương trước các biến động tài chính toàn cầu.

Trong quá khứ, trữ lượng ngoại hối của Sri Lanka được bù đắp bởi lượng ngoại tệ mà ngành du lịch mang lại. Thế nhưng trước sự càn quét của dịch COVID-19, ngành công nghiệp không khói tại Sri Lanka đã rơi vào đình trệ trong một thời gian dài.

Từ vài ngày trước, chính phủ Sri Lanka đã tuyên bố rằng đất nước đã vỡ nợ và trữ lượng tài sản ngoại hối gần như bằng không. Đây chính là hệ quả của những chính sách kinh tế mà người dân Sri Lanka gọi là “ngu xuẩn” và là chất xúc tác làm sự thiếu hụt lương thực và nhiên liệu tại nước này trầm trọng hơn.

3. State of emergency

State of emergency, hay tình trạng khẩn cấp, là một trạng thái trong đó một chính phủ được trao quyền để đưa ra những quyết định mà trong trạng thái bình thường họ không được phép. Lý do thường là để bảo vệ sự an toàn của dân chúng.

Tình huống này thường được các chính phủ ban hành khi đất nước trải qua thảm hoạ tự nhiên, tình trạng bất ổn dân sự, xung đột vũ trang, hay đại dịch bệnh. Họ được quyền thiết lập giờ giới nghiêm, kiểm soát sự di chuyển của người dân, truy cập vào thông tin cá nhân, và thậm chí sử dụng quyền lực cứng để kiểm soát tình hình.

Vào ngày 13/7 theo giờ Việt Nam, chính phủ Sri Lanka đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia sau khi không quân Sri Lanka xác nhận Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã rời khỏi quốc đảo trên một máy bay quân sự để đến Maldives.

httpsvietceteracomuploadsimages14jul2022ap221922991031520b7dbcc44a4e7cd9180bbf6c0c5566369f323524s1100c50jpeg
Người biểu tình tràn vào Phủ Tổng Thống | Nguồn: NPR

Sau khi chuyến bay của ông Rajapaksa được xác nhận, hàng nghìn người biểu tình đã tập trung tại những điểm nóng ở thủ đô Colombo của nước này, hô vang khẩu hiệu “Gota trộm cắp” nhằm ám chỉ tên của vị tổng thống bỏ chạy. Hàng trăm người cũng xông vào văn phòng thủ tướng và yêu cầu ông Wickremesinghe, người kế nhiệm tạm thời, phải từ chức.

Để cứu vãn tình hình, ông Wickremesinghe đã yêu cầu quân đội nước này "làm mọi điều cần thiết" để vãn hồi trật tự sau khi người biểu tình xông vào các tòa nhà chính phủ. Quân lệnh này có vẻ không đạt được nhiều giá trị khi người biểu tình phớt lờ yêu cầu rời khỏi cơ quan chính quyền. Họ chụp ảnh, nằm dài trên ghế sofa và đứng lên bàn ghế vẫy cờ Sri Lanka.

Các lực lượng quân đội vẫn có mặt tại Phủ Tổng thống nhưng hoàn toàn không có phản ứng ngăn chặn người dân ra vào địa điểm này. Như vậy, có lẽ các quân lệnh và chỉ dẫn từ chính phủ nước này đã không còn giá trị hay được coi trọng bởi người dân cũng như các lực lượng.

4. Line of succession

Line of succession là quy trình quyết định người tiếp quản vị trí lãnh đạo đất nước trong trường hợp người lãnh đạo đột ngột từ chức, từ trần, hoặc không thể tiếp tục nhiệm vụ. Tất cả các chính phủ trên thế giới đều có một line of succession để đề phòng tình huống xấu.Quy trình này tất nhiên khác nhau ở mỗi nước.

Lịch sử đã nhiều lần ghi nhận những trường hợp kích hoạt line of succession, và bạo loạn tại Sri Lanka cũng không phải ngoại lệ. Sau khi có thông tin về việc Tổng thống nước này từ chức, những người tiếp theo trong line of succession là Phó Tổng thống và Chủ tịch Quốc hội cũng đưa ra tuyên bố rằng họ sẽ từ chức không nhận ghế Tổng thống.

Về lý thuyết, việc từ chức của Tổng thống Sri Lanka chưa diễn ra về mặt luật pháp do một số quy trình cần thực hiện để chính thức hóa việc này. Nhưng trên thực tế, trước tình trạng Tổng thống tháo chạy khỏi đất nước và các quan chức chính phủ không phản ứng trước tình hình, có thể coi Sri Lanka đã rơi vào tình trạng vô chính phủ.

5. Religious conflict

Religious conflict mô tả tình trạng căng thẳng giữa hai hoặc nhiều nhóm tôn giáo trong cùng một quốc gia hoặc một khu vực. Tình trạng này diễn ra phổ biến ở các đất nước Nam Á và Trung Đông, Sri Lanka không phải một ngoại lệ.

Trong nhiều thập kỷ, Sri Lanka đã chứng kiến nhiều vụ bạo lực liên quan đến chia rẽ sắc tộc và tôn giáo, đặc biệt là giữa những người theo đạo Phật và những người thiểu số Tamil theo đạo Hindu, đạo Hồi và Thiên Chúa Giáo. Căng thẳng này là một trong số những lý do cản trở tiến trình hoạch định xã hội của chính phủ. Vụ đánh bom ngày Chủ Nhật Phục Sinh rung chuyển quốc đảo vào năm 2019 là biểu hiện rõ nét nhất của xung đột tôn giáo.

httpsvietceteracomuploadsimages14jul202219042211401408srilankablasts0422colombojpeg
Vụ đánh bom ở Colombo - Sri Lanka năm 2019 | Nguồn: CNN

Thế nhưng, một điều trớ trêu là tình trạng căng thẳng sắc tộc và tôn giáo tại Sri Lanka hiện nay đang thuyên giảm, bởi người dân đang hướng sự tập trung vào sự yếu kém của chính phủ. Nói cách khác, chính cuộc bạo loạn này đã thống nhất một xã hội vốn đa sắc tộc, đa tôn giáo, và nhiều bất đồng.