Đọc tiểu thuyết nào để có những góc nhìn mới về chiến tranh? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Đọc tiểu thuyết nào để có những góc nhìn mới về chiến tranh?

Khi thế giới nín thở dõi theo diễn tiến của cuộc chiến tranh, thì cũng là khi sách phản chiến trở lại.
Đọc tiểu thuyết nào để có những góc nhìn mới về chiến tranh?

Nguồn: Minh Hồng cho Vietcetera.

Nếu bạn từng nghĩ “sách chiến tranh” trăm cuốn như một với chủ nghĩa anh hùng hệt phim Siêu nhân, thì những cuốn sách sau đây rất có thể sẽ thay đổi cách nhìn của bạn.

Từ hình tượng phụ nữ kẹt giữa hai cuộc đại chiến cho đến lối viết khai thác một cách triệt để sự tổn thương tinh thần; những tác phẩm nổi bật vừa được ra mắt hoặc sắp chuyển thể tới đây có thể giúp bạn hiểu thêm về bầu không khí chúng ta đang sống.

Tiền từ Hitler - Radka Denemarková

Kể về Gita, cô gái 16 tuổi người Séc có gia đình bị bắt vào Trại diệt chủng vì là người Do Thái. Đến khi trốn thoát về lại Puklice – mảnh đất quê hương, cô lại bị những người Séc mới lấy hết gia sản vì nghi ngờ theo phe của Đức Quốc xã.

Đoạt giải Magnesia Litera – giải thưởng văn chương danh giá nhất của Séc năm 2007, Tiền từ Hitler là một nỗ lực làm dày thêm việc khắc họa những tổn thương tinh thần thời kì hậu chiến.

Trải qua những sự hành hạ đến độ gần như mất đi mạng sống, 60 năm sau khi đã là một bà lão, Gita quay lại Puklice với mục đích duy nhất là giành lại công lý cho gia đình mình, khi giờ đây đã được Tòa án giải trừ hết mọi oan sai. Thế nhưng hậu duệ của những người từng hành hạ bà lại một lần nữa chối từ.

Được viết bằng một bút lực vô cùng mạnh mẽ với các hình tượng nặng nề không được gọt giũa, tác giả Radka Denemarková một cách tài tình đã bổ sung vào trong văn chương nỗi đau của những thương tổn tâm lý thời kì hậu chiến mà nhiều tác phẩm đương thời chưa đề cập đến.

Pachinko - Min Jin Lee

Là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất năm 2017, Pachinko hướng vào thời kì Nhật Bản chiếm đóng Hàn Quốc, chuẩn bị khơi mào Đệ nhị Thế chiến.

Trải qua 80 năm và 4 thế hệ gia đình, nhà văn Min Jin Lee đã xây dựng được tình thế mong manh của người di cư, khi số mệnh họ cũng như trò pachinko hoàn toàn may rủi, không thấy bến bờ.

Pachinko một cách toàn diện đã khơi gợi được số phận của những con người bị bứt khỏi nguồn cội, để rồi chơ vơ, lạc lõng với sự mất kết nối cũng như như tình thế chông chênh trong một tương lai không có gì đảm bảo.

Nằm trong danh sách đọc yêu thích của cựu tổng thống Barack Obama, cũng như vào đến chung khảo giải thưởng Sách Quốc Gia Mỹ; cuối tháng 3 này bản chuyển thể của Pachinko sẽ được ra mắt, với sự góp mặt của nam tài tử Lee Min-ho cũng như nữ diễn viên gạo cội Youn Yuh-jung sau thành công lớn ở Minari.

Trái tim mù lòa – Julia Franck

Là một trong số ít tác phẩm khắc họa được hình tượng phụ nữ giữa hai cuộc Đại chiến Thế giới, Trái tim mù lòa của Julia Franck là một “nghiên cứu” sâu rộng vào những vấn đề mà phụ nữ thập niên 30, 40, 50 đã phải hứng chịu, với sự kìm nén giáo dục, tính nam độc hại… cũng như vai trò làm vợ, làm mẹ; đặt trong chiếc lồng “bí ẩn nữ tính”.

Đoạt giải sách Đức 2007, tác phẩm này là nét chấm phá vô cùng đặc biệt vào bức tranh chung của chiến tranh, nơi phụ nữ dường như chìm hẳn và không có nhiều vị trí vững chắc từ trước đến nay

Kể về Helene và đi suốt thời gian trưởng thành của cô, Trái tim mù lòa là câu chuyện của những người phụ nữ khác nhau, có người suy tàn về việc mất đi từng thành viên một trong gia đình mình trong chiến tranh; thế nhưng cũng có người mục ruỗng vì sự phù hoa của một xã hội rộng mở đón chờ tiến bộ.

Người đến từ Mariupol – Natascha Wodin

Được viết dựa trên những sự kiện có thật trong gia đình nhà văn người Đức gốc Ukraine – Natascha Wodin, Người đến từ Mariupol không chỉ mang đến giá trị văn chương, mà còn là chứng nhân cho một thế hệ người Ukraine bị cưỡng bức lao động trong thời Đệ nhị Thế chiến.

Người đến từ Mariupol tuy tập trung vào một nhánh nhỏ nạn nhân, nhưng là cần thiết để lịch sử không lãng quên họ, những người vô tội bị giày xéo bởi chiến tranh mù lòa.

Bám theo cuộc đời mẹ mình, bà Jevgina; Natascha Wodin đi suốt gần 4 thế hệ của cây gia phả dòng tộc, để cho thấy bối cảnh lịch sử đã tàn phá họ ra sao với sự cưỡng ép phi nhân tính, sự tham tàn quyền lực cũng như những mất mát điên loạn buổi đầu chiến tranh.

Thế giới những ngày qua – Stefan Zweig

Là tác phẩm tự truyện trước khi nhà văn người Áo Stefan Zweig – bậc thầy trong việc nắm bắt tâm lý nhân vật của tiểu thuyết thế kỷ XX, tự sát cùng vợ ở Brazil vào năm 1942, vì một thời đoạn đảo điên không thể thấy tương lai phía trước, khi Đệ nhị Thế chiến đang đến gần.

Thế giới những ngày qua là trang viết ghi lại những cảm xúc của Zweig, nhưng cũng đồng thời là một khảo cứu thú vị về lớp tri thức năng động trong một đế chế có phần già cỗi những năm đầu thế kỷ XX.

Sinh thời là một nhà văn cũng đồng thời là một nhà nhân văn, Zweig nhạy cảm trước thời cuộc, và những đau đớn mà một dân tộc với truyền thống nghệ thuật lâu đời như đế quốc Áo – Hung phải gánh chịu.

Những trang sách của ông thấm đẫm niềm tự hào của những nghệ sĩ lớn, của nền nghệ thuật lớn mạnh; nhưng cũng không thiếu sự chán chường dành cho thời cuộc trước mắt.