5 Thuật ngữ về biến đổi khí hậu trước thềm “El Nino 2023" | Vietcetera
Billboard banner

5 Thuật ngữ về biến đổi khí hậu trước thềm “El Nino 2023"

Mới đây, các nhà khoa học khí hậu cảnh báo nhiệt độ năm 2023 hoặc 2024 có thể phá kỷ lục do hiện tượng El Nino.
5 Thuật ngữ về biến đổi khí hậu trước thềm “El Nino 2023"

Nguồn: Unsplash

Raise x VCT

Bạn có nhận ra, mùa hè năm sau cứ luôn nóng hơn năm trước? Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) chỉ ra rằng nhiệt độ trung bình toàn cầu hiện đã cao hơn 1.2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Tại Việt Nam, trong chiều ngày 6/5 vừa qua, trạm đo tại Hồi Xuân (Thanh Hóa) ghi nhận mức nhiệt là 44.1 độ. Theo tờ Washington Post, mức nhiệt này có thể làm tan chảy bút sáp màu, hóa lỏng sô cô la và khiến nhiệt độ bên trong một chiếc xe hơi đang đỗ vượt quá 60 độ C.

Năm nay, hiện tượng El Nino được dự báo sẽ xuất hiện vào đầu tháng 6 và có thể kéo dài sang đầu năm 2024. Cộng hưởng cùng biến đổi khí hậu, chúng ta có thể sắp phải trải qua viễn cảnh nóng nực cực điểm.

Dưới đây là 5 thuật ngữ giúp bạn hiểu hơn về biến đổi khí hậu, cụ thể là những ảnh hưởng xung quanh hiện tượng này.

Climate Risk - Rủi ro (liên quan đến) khí hậu

Rủi ro khí hậu là khả năng biến đổi khí hậu tạo ra những tác động tiêu cực đến con người hoặc các hệ sinh thái. Rủi ro được chia thành hai loại: rủi ro chuyển đổirủi ro vật chất.

Rủi ro chuyển đổi bao gồm tác động của việc thay đổi chính sách, tác động đến doanh thu, uy tín doanh nghiệp hay nhu cầu, sở thích của thị trường… chẳng hạn như doanh nghiệp mất thị phần do ngừng sử dụng các sản phẩm làm từ nhiên liệu hóa thạch.

alt
Nguồn: Unsplash

Rủi ro vật chất liên quan đến tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu đối với các mô hình kinh doanh như giảm năng suất nông nghiệp, mất đa dạng sinh học, bệnh tật do nắng nóng…

Climate Mitigation - Giảm thiểu biến đổi khí hậu

Giảm thiểu biến đổi khí hậu là quá trình giảm phát thải khí nhà kính giữ nhiệt vào bầu khí quyển để ngăn hành tinh nóng lên đến nhiệt độ khắc nghiệt hơn. Ví dụ cho hiện tượng này có thể kể đến giảm đốt nhiên liệu hóa thạch bằng cách sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.

Mục tiêu của giảm thiểu biến đổi khí hậu là tránh sự can thiệp đáng kể của con người vào khí hậu Trái đất, ổn định mức khí nhà kính trong một khoảng thời gian đủ để cho phép hệ sinh thái thích ứng một cách tự nhiên với biến đổi khí hậu.

Climate Adaptation - Thích nghi với biến đổi khí hậu

Thuật ngữ này nói về hành động chuẩn bị và thích ứng với các hậu quả hiện tại và dự kiến của biến đổi khí hậu. Ví dụ, các thành phố có thể xây dựng tường chắn sóng để bảo vệ khỏi mực nước biển dâng cao.

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến nguồn lương thực, nguồn nước và nơi ở của tất cả chúng ta. Và đây là lúc những giải pháp thích ứng như đa dạng hóa cây trồng, đảm bảo cơ sở hạ tầng chịu được thời tiết khắc nghiệt hơn, giúp cộng đồng giảm thiểu rủi ro do nước biển dâng… cần được đưa ra để giúp chúng ta tồn tại.

alt
Hiện tượng nóng lên toàn cầu khiến băng tan nhanh hơn, từ đó làm nước biển dâng, tăng nguy cơ lũ lụt cho các cộng đồng ven biển và đe dọa xóa sổ các môi trường sống tự nhiên của động vật hoang dã | Nguồn: Unsplash

Một số loại hình thích ứng với biến đổi khí hậu có thể kể đến thích ứng phòng ngừa (quá trình thích ứng diễn ra trước khi cảm nhận được các tác động của biến đổi khí hậu), thích ứng phản ứng (quá trình thích ứng diễn ra sau khi nhìn thấy các tác động của biến đổi khí hậu), tự thích ứng (quá trình thích ứng không xuất phát từ sự ứng phó có ý thức trước các tác nhân kích thích của khí hậu mà bắt nguồn từ những thay đổi về sinh thái trong các hệ thống tự nhiên).

Climate Resilience - Khả năng phục hồi khí hậu

“Climate Resilience" nói về khả năng hỗ trợ cộng đồng hoặc môi trường tự nhiên trước, trong và sau một sự kiện khí hậu một cách kịp thời và hiệu quả.

Những sự kiện thời tiết cực đoan như đợt nóng chết người ở châu Âu, cháy rừng diện rộng ở Úc, hay hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long đã chỉ ra rằng khả năng phục hồi là một yếu tố thiết yếu của bất kỳ chương trình hành động vì biến đổi khí hậu nào vì biến đổi khí hậu vừa là vấn đề toàn cầu vừa là vấn đề thuộc địa phương.

Tuy vậy, lý do vì sao nhiều tổ chức và cá nhân vẫn chưa đầu tư vào khả năng phục hồi khí hậu nằm ở việc không thể đánh giá rủi ro khí hậu và thiếu kiến thức về cách thức quản lý rủi ro. Điều kiện thị trường, dòng tiền, nợ tồn đọng, nghĩa vụ hợp đồng, quan điểm chính trị về biến đổi khí hậu và khả năng lãnh đạo cũng có thể tạo ra các rào cản đối với hoạt động đầu tư.

Climate Change - Biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu đề cập đến sự thay đổi dài hạn về nhiệt độ. Những thay đổi như vậy có thể đến từ những thay đổi trong hoạt động của mặt trời hoặc các vụ phun trào núi lửa lớn. Nhưng kể từ những năm 1800, các hoạt động của con người là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu, chủ yếu từ việc khai thác và sử dụng dầu, than và các nhiên liệu hóa thạch khác.

Các chỉ số biến đổi khí hậu bao gồm mực nước biển dâng cao, sự hao hụt băng ở các cực của trái đất, sự gia tăng và mức độ nghiêm trọng của những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như hạn hán và lũ lụt.

Theo nghiên cứu từ cơ quan phát triển Pháp, tới năm 2020, Việt Nam có thể thiệt hại 8% GDP do tác động của biến đổi khí hậu và gần 1/3 khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ chìm dưới mực nước biển.

alt
Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước nguy cơ bị nhấn chìm | Nguồn: WWF

Nhìn về tương lai, khoa học khí hậu cho chúng ta biết rằng sự nóng lên là không thể tránh khỏi, ít nhất là trong thập kỷ tới và những năm tiếp theo. Sự nóng lên toàn cầu sẽ tiếp tục làm tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của các hiểm họa khí hậu. Xã hội đã và đang thích ứng với biến đổi khí hậu, nhưng tốc độ và quy mô thích ứng có thể sẽ cần phải tăng đáng kể.

Mặc dù vậy, khoa học khí hậu chỉ ra rằng cách hiệu quả nhất để ngăn chặn nguy cơ do sự nóng lên là đạt được mức phát thải khí nhà kính bằng không. Các khoản đầu tư khử cacbon sẽ cần được xem xét song song với các khoản đầu tư thích ứng, đặc biệt là trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

Tổ chức Tài chính Quốc tế đã ước tính cơ hội đầu tư trong lĩnh vực khí hậu tại Việt Nam có thể lên đến 753 tỷ USD trong giai đoạn 2016-2030, từ đó mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp khai thác nguồn vốn tiềm năng, hướng tới phát triển bền vững.

Tại Việt Nam, ngày càng nhiều doanh nghiệp tư nhân đề cao tính bền vững trong hoạt động sản xuất và kinh doanh. Tuy vậy, để đạt mức phát thải ròng bằng 0, Việt Nam sẽ phải trải qua một cuộc chuyển đổi lớn về kinh tế và xã hội, ảnh hưởng tới hàng triệu người dân và các ngành công nghiệp. Theo ông Don Lam, Partner của quỹ đầu tư VinaCapital Group, "chuyển đổi theo hướng xanh hoá không còn là lựa chọn, mà là xu hướng bắt buộc của Việt Nam".

Buổi gặp gỡ 50 doanh nghiệp đầu tư ESG 2023 nhằm giúp các doanh nghiệp kết nối và khám phá những cơ hội kinh doanh bền vững tại Việt Nam, đồng thời hỗ trợ họ đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) quốc tế và mang đến cơ hội tài chính bền vững.

Thời gian: 31/5/2023 - 1/6/ 2023
Địa điểm: New World Saigon Hotel

Mua vé tại đây. Nhập mã ESG20 để được giảm 20%.

Chân thành cảm ơn các nhà tài trợ: Dynam Capital, Vietnam Holding (Nhà tài trợ Vàng), KPMG Vietnam, HSBC Vietnam (Nhà Tài trợ Bạc), Australian DFAT, The Kingdom of the Netherlands Consulate, Raise Partners (Đối tác), New World Saigon Hotel (Nhà tài trợ địa điểm) cùng các Đối tác truyền thông: AmCham, AusCham, EuroCham