6 Từ tiếng Anh giúp bạn bớt ngơ ngác khi đu lễ hội âm nhạc | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

6 Từ tiếng Anh giúp bạn bớt ngơ ngác khi đu lễ hội âm nhạc

FOH là gì? Vì sao sound check lại đóng vai trò quan trọng trong một lễ hội âm nhạc?
6 Từ tiếng Anh giúp bạn bớt ngơ ngác khi đu lễ hội âm nhạc

Nguồn: Hanny Naibaho @ Unsplash

Trong tháng 9 và tháng 10/2023, nhiều lễ hội âm nhạc quy mô lớn được tổ chức tại Việt Nam như HAY Glamping Music Festival, Monsoon Music Festival (Hà Nội) và WOW K-Music Festival (TP. HCM). Đây có thể nói là thời điểm hiếm hoi mà Việt Nam quy tụ các lễ hội âm nhạc đáp ứng mọi “khẩu vị”, thu hút nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước.

Nếu thường xuyên theo dõi các lễ hội âm nhạc (cả trực tiếp và trực tuyến), chắc hẳn bạn đã nghe những thuật ngữ như headliner, sound check hay FOH ít nhất một lần. Bạn có từng thắc mắc ý nghĩa của chúng là gì, và vì sao người ta lại trực tiếp sử dụng chúng thay vì dịch ra tiếng Việt? Cùng “giải mã” từng từ qua bài viết dưới đây.

1. Lineup

Lineup, hay danh sách nghệ sĩ là toàn bộ những nghệ sĩ sẽ biểu diễn trong một lễ hội âm nhạc. Nếu lễ hội diễn ra trong vài ngày, lineup từng ngày có thể khác nhau. Lineup thường được công bố dần dần, từ vài tuần cho tới vài ngày trước khi diễn ra lễ hội.

Trong một lễ hội âm nhạc, nghệ sĩ có thể tương tác với lượng lớn người hâm mộ, thu hút sự quan tâm của truyền thông và các tên tuổi lớn khác trong ngành. Vì vậy, việc được “chọn” vào “bảng vàng” lineup được coi là cơ hội vàng giúp nghệ sĩ có bước tiến lớn trong sự nghiệp. Theo Billboard, họ có thể được “chọn mặt gửi vàng” theo nhiều cách:

Mạng lưới quan hệ: Ở Việt Nam, chỉ một số ít nghệ sĩ trực thuộc một công ty quản lý, số còn lại chủ yếu hoạt động độc lập với quản lý riêng. Vì vậy, các nghệ sĩ thường dựa vào mạng lưới quan hệ của người quản lý để được chọn biểu diễn tại lễ hội âm nhạc.

Ban tổ chức thường bắt đầu lựa chọn lineup từ 12-18 tháng trước khi lễ hội diễn ra. Vì vậy, người quản lý có quan hệ càng rộng, thì càng dễ “chốt sổ” cho nghệ sĩ biểu diễn. Nghệ sĩ cũng có thể làm dày mạng lưới quan hệ bằng cách tham gia các sự kiện âm nhạc, hoặc hợp tác với những tên tuổi khác trong cộng đồng làm nhạc.

Xây dựng portfolio: Đây thường là trang web lưu trữ những sản phẩm của họ, các thông số về lượng album bán ra hay lượng stream trên các trang âm nhạc. Một số nghệ sĩ cũng làm đẹp portfolio bằng những bản cover - một cách chứng minh họ có thể hát nhiều thể loại khác nhau, hoặc thể hiện cá tính riêng cho những ca khúc phổ biến quen thuộc.

Cần lưu ý không phải cứ portfolio “dày”, nhiều sản phẩm mới được cân nhắc. Có những trường hợp nghệ sĩ chưa ra nhiều bài hát, song sở hữu hit lớn hoặc đang thịnh hành vẫn được mời biểu diễn, thậm chí cân nhắc làm headliner tầm trung.

Kinh nghiệm: Nếu từng biểu diễn ở những lễ hội âm nhạc khác, họ đã chứng minh được khả năng hát live của mình. Đây sẽ là điểm cộng cho họ trong trường hợp ban tổ chức có nhiều lựa chọn cần cân nhắc.

Tên tuổi: Điều này được chứng minh bởi độ phủ sóng trên truyền thông/mạng xã hội và tần suất ra nhạc mới cho fan. Đây có thể là tiêu chuẩn “cứu cánh” nếu nghệ sĩ chưa có nhiều kinh nghiệm hát live trên sân khấu lớn.

2. Headliner

Headliner là những nghệ sĩ thuộc hàng “top” trong một lineup. Đây thường là những nghệ sĩ hoạt động lâu nhất, có sản phẩm âm nhạc được đánh giá cao nhất hoặc có độ phủ sóng lớn nhất. Tên và hình ảnh của họ cũng thường nổi bật nhất trên các poster quảng bá lễ hội. Tùy theo quy mô và thời lượng, một lễ hội âm nhạc có thể có từ 1-4 headliner.

Headliner thường được xếp trình diễn ở cuối đêm nhạc, bởi theo quy tắc đỉnh-kết, chúng ta chỉ ghi nhớ rõ nhất thông tin ở điểm “đỉnh” và lúc kết thúc sự kiện. Đây cũng là hai thời điểm não bộ sản sinh cảm xúc mãnh liệt nhất. Do đó, việc headliner trình diễn cuối cùng không chỉ giúp “níu chân” fan của họ cho các nhóm nhạc trước đó, mà còn để mang lại cho mọi khán giả một trải nghiệm âm nhạc toàn vẹn.

08sep2023hayjpg
Ronan Keating, Epik High, JustaTee và Suboi là headliner tại HAY Glamping Music Festival 2023.

3. FOH

FOH là viết tắt của front of house - bộ phận quản lý âm thanh, ánh sáng, hiệu ứng hình ảnh và sân khấu của một buổi diễn trực tiếp. Đây là nơi tổng đạo diễn, giám đốc âm nhạc cùng các kỹ sư tập hợp để vận hành các thiết bị chuyên dụng, đảm bảo những gì bạn nghe và nhìn thấy luôn ở chất lượng tốt nhất.

Hiểu một cách đơn giản, FOH quản lý mọi thứ khán giả nghe và thấy. Ngược với nó là BOH (back of house), chịu trách nhiệm về những phần chúng ta không thấy như kịch bản hay đạo cụ.

FOH thường nằm ở khu vực có tầm nhìn tốt nhất, bởi đội ngũ chuyên môn cần nhìn bao quát lên sân khấu để phối hợp điều chỉnh âm thanh và ánh sáng hợp lý. Tuy nhiên kích cỡ của phòng FOH có thể khiến tầm nhìn của một số khu vực phía sau nó bị hạn chế. Trong trường hợp này ban tổ chức sẽ ghi chú rõ, để khán giả cân nhắc kỹ trước khi mua vé.

21sep2023screenshot20230921163758jpg
Sơ đồ ghế ngồi của concert Born Pink tại Hà Nội có ghi rõ, khu vực CAT5 bị hạn chế tầm nhìn do thẳng hướng FOH. | Nguồn: Ticketbox

4. Sound check

Đúng như cái tên, sound check là quá trình kiểm tra âm thanh cho từng nghệ sĩ trình diễn tại lễ hội âm nhạc. Bước này rất quan trọng nếu nghệ sĩ tự mang mic và tai nghe IEM (loại tai nghe kiểm âm giúp nghệ sĩ nghe rõ giọng mình và tiếng nhạc), bởi họ cần đảm bảo các thiết bị này đồng bộ tốt với toàn bộ hệ thống.

Ở những chương trình quy mô nhỏ, phần này thường được gộp với rehearsal (tổng duyệt chung âm thanh, ánh sáng và hiệu ứng sân khấu). Song ở các lễ hội âm nhạc quy mô lớn, sound check sẽ được tách riêng.

20sep2023soundchecklagi2193200jpg
Nhóm nhạc Black Pink trong sound check trước một show diễn. | Nguồn: CM

Sound check còn được xem là khoảng thời gian tương tác chất lượng giữa fan và nghệ sĩ, bởi số lượng fan tham gia rất ít. Để hạn chế lượng fan vào sound check, lễ hội thường bán vé kèm hạng mục này với mức giá khá cao, hoặc quay số/bốc thăm để chọn ngẫu nhiên các fan được tham gia.

5. Backing track

Backing track là bản ghi âm tiếng nhạc đệm hoặc tiếng hát thu trong studio, được nghệ sĩ sử dụng để hỗ trợ cho phần trình diễn của mình. Phương pháp này giúp đảm bảo những phần âm thanh khó tái hiện trực tiếp trên sân khấu (như tiếng dàn đồng ca hoặc một số loại nhạc cụ), hoặc giúp nghệ sĩ tiết kiệm chi phí thuê thêm những nhạc công khác cho khoản này.

Hiểu một cách đơn giản, khi sản xuất một ca khúc trong phòng thu, producer có thể ghi âm giọng của ca sĩ, tiếng hát từ dàn đồng ca và tiếng đàn violin riêng biệt rồi kết hợp lại với nhau. Nhưng khi ca sĩ lên sân khấu hát live thì không thể gọi cả dàn nhạc hay nhạc công đến biểu diễn cùng họ, nên phải sử dụng backing track để tái hiện những âm thanh trên.

6. After show

After show là những show diễn nhỏ hơn, được nghệ sĩ thực hiện ở các địa điểm lân cận (thường là quán bar hay khách sạn lớn) sau phần biểu diễn chính ở lễ hội âm nhạc. Chúng thường diễn ra vào đêm muộn ngay sau khi chương trình kết thúc, hoặc rải rác trong một vài ngày tiếp theo. Các thuật ngữ khác có ý nghĩa tương tự là after dark, after party hay late night.

20sep2023screenshot20230920144712jpg
Lịch after show được công bố trên trang web chính thức của Pitchfork Music Festival 2023.

After show là cơ hội khá tốt cho những nghệ sĩ mới nổi xây dựng tên tuổi, và cũng là cơ hội cho các fan không thể tới lễ hội vẫn có thể thưởng thức âm nhạc của thần tượng. Trong đa số trường hợp, fan có thể mua vé các show diễn nhỏ này trên cùng trang web với lễ hội chính.