Tâm lý để dành “của ngon” đến cuối từ đâu mà có? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
03 Thg 11, 2022
Tâm Lý HọcBổ Não

Tâm lý để dành “của ngon” đến cuối từ đâu mà có?

Việc chúng ta ăn bánh bao chừa trứng cút thật ra là một màn “ảo thuật” của não bộ.
Tâm lý để dành “của ngon” đến cuối từ đâu mà có?

Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

“Bạn thuộc team ‘ăn liền cho nóng’ hay để dành rồi mới ăn?”

Đây là câu hỏi mà Đại học Pennsylvania (Mỹ) sử dụng để khảo sát thói quen ăn uống nơi công cộng. Kết quả chỉ có 5% số người trả lời chọn thưởng thức miếng ngon nhất đầu tiên, và có tới 35% muốn giữ nó đến cuối mới nhâm nhi.

Hội “để dành” đông đảo như vậy bởi ta đặc biệt ưu ái những khoảnh khắc cuối cùng của một trải nghiệm. Trong tiếng Anh, hiện tượng này đã được đúc kết thành câu “save the best for last”.

Bên cạnh việc ăn uống, tâm lý này còn xuất hiện ở nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống. Chẳng hạn các buổi bắn pháo hoa luôn để dành khoảnh khắc bùng nổ nhất đến cuối màn. Trong thể thao, thường phải đến cuối một trận đấu, các vận động viên mới phô bày kỹ năng lợi hại nhất của họ. Vậy có gì ở những phút cuối mà ta đành lòng chấp nhận “khổ trước sướng sau”?

Não bộ ưu tiên cái kết viên mãn

Não ta luôn biết cách tìm “lối tắt” để lưu trữ thông tin hiệu quả. Thay vì ghi trọn từng giây phút đã qua, trong nhiều trường hợp, não bộ chỉ giữ lại những thông tin ở điểm “đỉnh” và điểm “kết” của một sự kiện. Đây là hai thời điểm sản sinh những cảm xúc mãnh liệt nhất, kích hoạt các vùng não có chức năng ghi nhớ như hồi hải mã và vỏ não trước trán. Từ đó, ký ức của cả một quá trình chỉ được gói gọn trong vài cột mốc quan trọng.

Thiên kiến nhận thức này được nhà tâm lý học Daniel Kahneman đặt tên là quy tắc đỉnh-kết (peak-end rule). Ông cùng cộng sự cũng đã tiến hành thí nghiệm chứng minh nó vào năm 2008.

Trong thí nghiệm, 5 nhóm trẻ em đi xin kẹo (trick-or-treat) trong đêm Halloween. Những người lớn trong khu vực đưa kẹo cao su và chocolate cho từng nhóm theo thứ tự khác nhau. Kết thúc buổi lễ, các em được yêu cầu chọn một số emoji thể hiện cảm xúc sau mỗi lần nhận kẹo. Kết quả tổ nghiên cứu thu được như sau:

03nov202212jpg

Nhìn chung 3 nhóm đầu đều thấy vui vẻ dần lên, đặc biệt nhóm 3 ghi nhận phản ứng tích cực nhất vì được nhận chocolate sau cùng. Còn 2 nhóm sau nhận kẹo cao su cuối cùng lại ghi nhận sự vui vẻ giảm xuống, thậm chí nhóm 5 còn tỏ ra thất vọng (vì được nhận chocolate đầu tiên).

Với công thức “cái kết hấp dẫn = một quá trình hấp dẫn”, ta có thể tối ưu hóa trải nghiệm bằng cách giữ lại điều tốt đẹp nhất đến sau cùng. Đây là chiến lược phổ biến ở các buổi biểu diễn âm nhạc, khi các ca sĩ nổi nhất thường được xếp diễn sau cùng. “Chiêu bài” này vừa giúp giữ chân fan, vừa ghi điểm trong mắt họ. Các fan chỉ cần thấy thần tượng của mình thì đợi bao lâu cũng đáng, thậm chí bỏ qua những lỗi trì trệ trước đó của ban tổ chức.

Công thức đỉnh-kết cũng được áp dụng rộng rãi trong marketing. Chẳng hạn các cửa hàng mỹ phẩm thường đợi đến khi khách rút hầu bao mới tung ra loạt mã giảm giá, tích điểm và quà tặng (thường là sample nhỏ của sản phẩm). Điều này tạo cho khách ấn tượng “siêu hời” khi mua sắm ở đây, từ đó đánh giá cao dịch vụ và quay lại trong tương lai.

Sự thỏa mãn kéo dài khi ta chờ đợi

Nếu trước mặt bạn là một miếng kẹo dẻo và chỉ có hai lựa chọn: ăn luôn hoặc chờ 15 phút để được miếng kẹo nữa, bạn sẽ chọn cách nào? Đây là thí nghiệm kẹo dẻo kinh điển của Đại học Stanford (Mỹ) về khả năng trì hoãn sự thỏa mãn (delayed gratification).

Theo đó, khi ta cưỡng lại sự thỏa mãn trước mắt để có được lợi ích lớn hơn, cảm giác hài lòng cũng tăng lên đáng kể. Trong nhiều trường hợp, điều thực sự khiến ta hạnh phúc không phải là điểm kết của trải nghiệm, mà là quá trình chờ đợi để đi tới điểm kết đó.

03nov2022intext1jpg
“Đợi chờ là hạnh phúc” không đơn thuần là câu thả thính - nó đã được khoa học chứng minh.

Đây chính là nguyên nhân ta thường thích ngày thứ Sáu hơn là thứ Bảy và Chủ Nhật, bởi thứ Sáu là thời điểm ta mong đợi đến cuối tuần. Sự háo hức trước một chuyến đi xa cũng là một ví dụ như vậy. Khoảng thời gian này mang lại cảm giác tương tự như khi ta phấn đấu để đạt một mục tiêu. Vì vậy, nó kích thích não bộ sản sinh ra dopamine - hormone của động lực và hạnh phúc.

Ta chờ thời cơ chín muồi để “tung chiêu”

Nhiều khi chúng ta “để dành” không phải để gây ấn tượng với người khác, mà để tạo lợi thế cạnh tranh cho chính mình. Trong trường hợp này, ta cố tình đánh lạc hướng khiến đối phương đánh giá thấp khả năng của ta so với thực tế.

Một ví dụ điển hình là các môn thể thao đối kháng như võ thuật hay đấu kiếm. Không ít võ sĩ tấn công ở mức bình thường trong suốt trận đấu, rồi tung chiêu lợi hại nhất để “knock out” đối thủ ở cuối hiệp. Chiến lược này cốt để “tung hỏa mù” đối phương, làm họ lơ là việc phòng thủ.

03nov2022intext2jpg
Việc “để dành” là một chiêu bài hiệu quả giúp ta đánh lạc hướng đối thủ.

Việc chơi bài cũng là một ví dụ như vậy. Chúng ta hay ém những lá bài mạnh đến gần cuối ván mới “xuất chiêu”, vừa để đánh lạc đối phương vừa để chừa đường phòng thân.

Khi nào thì việc để dành sẽ “phản pháo”?

Không phải lúc nào việc “để dành” cũng mang đến cho bạn cái kết hoàn hảo. Chẳng hạn khi bạn để dành món ngon, nó có thể nguội ngắt ở cuối bữa ăn và không còn ngon nữa. Hoặc trong một kỳ nghỉ, bạn để dành điểm đến thú vị nhất đến ngày gần cuối, để rồi gặp trời mưa đúng hôm đó.

Tâm lý “khổ tận cam lai” cũng là điều không ít người lựa chọn trong sự nghiệp. Họ dành những năm tháng tuổi trẻ cắm mặt vào làm việc, kiếm thật nhiều tiền để nghỉ hưu sớm và tận hưởng cuộc sống.

Nhưng khi thực sự đạt tự do tài chính, họ lại không còn sức khỏe do lối sống mất cân bằng trước kia. Họ cũng bỏ lỡ nhiều thời khắc quan trọng của cuộc đời (như chứng kiến con cái trưởng thành), mà khi nhìn lại họ mới thấy tiếc nuối.

Vì vậy, có những lúc chúng ta không nên trì hoãn mà hãy tận hưởng trái ngọt ở hiện tại. Bởi chính trong những giây phút này, ta dễ có được những kỷ niệm đẹp nhất cuộc đời.