Billie Eilish kỳ thị người châu Á: Làm gì bây giờ? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
22 Thg 06, 2021
Âm NhạcChọn

Billie Eilish kỳ thị người châu Á: Làm gì bây giờ?

Lại một ngôi sao vừa "ngã" xuống vì hành động phân biệt chủng tộc.
Billie Eilish kỳ thị người châu Á: Làm gì bây giờ?

Billie Eilish đứng trước bê bối kỳ thị người châu Á | Nguồn: Billie Eilish

Billie Eilish, 19 tuổi, sở hữu 5 tượng vàng Grammy, bán được hàng triệu bản thu âm, tương lai rộng mở trong ngành âm nhạc thế giới. Vẫn là Billie Eilish, 19 tuổi, đối mặt với cơn khủng hoảng lớn nhất trong sự nghiệp từ trước đến nay bởi video kỳ thị chủng tộc.

Video đăng tải trên TikTok là một Billie còn rất trẻ, liên tục chế giễu cách phát âm của người châu Á. Cô còn dùng tiếng lóng (C-Word) tục tĩu để mỉa mai người gốc Trung Quốc. Chưa dừng lại ở đó, Finneas (anh trai và là nhà sản xuất âm nhạc của Billie) còn thêm dầu vào lửa khi nói: Tại sao em lại phát âm giống người da đen?

Billie Eilish
Hình ảnh xấu xí mà Billie Eilish muốn quên | Nguồn: Pedestrian

Video của Billie Eilish như một ngòi nổ, kích động sự giận giữ đến từ công chúng; đặc biệt là khi phong trào chống phân biệt chủng tộc với người da đen (Black Live Matters) và với người châu Á (Stop Asian Hate) vẫn dâng cao. Hashtag #CancelBillieEilish lan nhanh trên mạng xã hội; khán giả Trung Quốc đòi “cấm cửa” nữ ca sĩ Bad Guys.

Dư luận có thể làm gì với trường hợp của Billie Eilish? Và xa hơn, công chúng có lựa chọn nào để phản hồi lại nạn phân biệt chủng tộc đến từ các ngôi sao?

Lựa chọn #1: Im lặng không phải là lựa chọn

Với vấn nạn phân biệt và kỳ thị chủng tộc, im lặng chưa bao giờ là một lựa chọn. Điều này cũng được các nghệ sĩ trong giới giải trí thế giới đồng thuận.

Tháng 8/2020, Rita Ora, Niall Horan (One Direction) và hơn 700 nhân vật trong ngành âm nhạc nước Anh đã cùng nhau kêu gọi chống lại nạn phân biệt chủng tộc.

Phong trào này nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của nghệ sĩ và công chúng. Từ đó mở ra những thay đổi tích cực trong vấn đề chống phân biệt chủng tộc như:

  • Rapper Wiley (Anh) xin lỗi, khẳng định không phải là người phân biệt chủng tộc.
  • Lady Antebellum (Mỹ) đổi tên thành Lady A vì sợ gây hiểu nhầm gợi lại quá khứ đau thương của người da màu ở Mỹ. 
  • DJ Joey Negro bỏ nghệ danh (vì có từ negro) và sử dụng tên thật Dave Lee.

Mới đây, Tom Cruise đã lên tiếng mạnh mẽ về nạn phân biệt chủng tộc đang diễn ra tại Hollywood. Nam diễn viên đã trả lại HFPA 3 cúp Quả cầu vàng mà anh từng nhận được, bao gồm 2 giải Nam chính xuất sắc với các phim Born on the Fourth of July (1990), Jerry Maguire (1997) và giải Nam phụ xuất sắc trong Magnolia (2000). 

Lựa chọn #2: Tẩy chay từ trên mạng ra đời thực 

Nhiều người hâm mộ của Billie Eilish, đặc biệt là người châu Á và Trung Quốc cảm thấy như bị phản bội khi xem video phân biệt chủng tộc của nữ ca sĩ. Họ thể hiện ngay lập tức bằng hành động như hủy theo dõi, lan tỏa hashtag #CancelBillieEilish và sau cùng là tẩy chay. 

Đằng sau chuỗi hành động cụ thể này chính là cancel culture (văn hóa tẩy chay hay văn hóa xóa sổ) và boycott (tẩy chay). Người hâm mộ có thể hủy bỏ theo dõi Billie trên mọi "mặt trận" mạng xã hội.

Billie Eilish
Billie Eilish hứng chịu làn sóng tẩy chay trên Instagram | Nguồn: Instagram

Bên cạnh đó, người hâm mộ đã khiến nữ ca sĩ Billie Eilish phải lên tiếng giải thích về việc làm sai trái của mình (call-out culture). Không chỉ dừng lại ở "xóa sổ" trên mạng, nhiều khán giả cũng đã quyết định tẩy chay nữ ca sĩ. 

Tẩy chay trên mạng chưa đủ vẫn là chưa đủ, nhiều người quyết định tẩy chay nữ ca sĩ Bad Guys bằng cách hướng vào hành động cụ thể như hủy mua album, vé biểu diễn... Tờ Global Times Trung Quốc đã tập hợp ý kiến của nhiều người thâm mộ về điều này. Trong đó, một khán giả nhấn mạnh: "Tôi không chắc là cô ta còn kiếm chác được đồng nào sau vụ việc này."

Lựa chọn #3: Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại

Sau sự cố, Billie Eilish đã chia sẻ rất dài về hành động đáng xấu hổ của mình. Nữ ca sĩ phân trần, video kỳ thị người châu Á của cô được quay khi cô mới chỉ 13 - 14 tuổi. Cô cũng không biết mình đang dùng từ xúc phạm và chống lại cộng đồng người châu Á. 

Nếu những chia sẻ trên của Billie Eilish là thành thực liệu chúng ta có thể tha thứ cho một đứa trẻ/một người vô tình có hành động phân biệt hay kỳ thị chủng tộc? Liệu Billie chỉ làm theo những điều được dạy hay xem từ TV mà không hiểu rõ bối cảnh hay tính chất nguy hại?

Billie Eilish
Video kỳ thị người châu Á là bê bối đầu tiên trong sự nghiệp của Billie Eilish | Nguồn: YN

Không chỉ Billie Eilish bị khui lại video kỳ thị chủng tộc trong quá khứ. Các ngôi sao khác như Chrissy Teigen, Chris Pratt… cũng từng viết trên mạng xã hội hoặc công khai xúc phạm người da màu và châu Á. Sau đó, họ cũng đã có những hành động xin lỗi chân thành.

Trong tư duy phản biện, không chỉ là A đúng, B sai. Tư duy phê phán và phản biện giúp chúng ta vượt qua được “bẫy" của thắng thua để cùng tiếp nhận những tri thức và góc nhìn mới. Tất nhiên, như Billie đã thẳng thắn thừa nhận không gì có thể bào chữa cho sự thật rằng cô đã khiến người khác tổn thương. 

Nữ ca sĩ cũng nói thêm rằng, "chúng ta cần tiếp tục đối thoại, lắng nghe và học tập. Tôi hiểu và yêu các bạn." Vì vậy, liệu công chúng có thể lựa chọn đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại?