Biopic - Phim về nhân vật thật, cần thật đến đâu là đủ? | Vietcetera
Billboard banner
25 Thg 06, 2022
Điện ẢnhBóc Phim

Biopic - Phim về nhân vật thật, cần thật đến đâu là đủ?

Cuộc đối thoại về thể loại tiểu sử hư cấu cần phải đi xa hơn câu chuyện "phim có giống hệt sự thật khách quan?"
Biopic - Phim về nhân vật thật, cần thật đến đâu là đủ?

Nguồn: Em Và Trịnh

Dù sử dụng tên tuổi thật sự của những nhân vật có thật, kịch bản của một bộ phim biopic không được kì vọng phải đúng với sự thật.

Cũng chính vì lý do này, thể loại phim biopic đã gây ra hàng ngàn những cuộc tranh cãi, thậm chí kiện tụng xoay quanh lằn ranh mờ nhạt giữa hiện thực và hư cấu mà những bộ phim thuộc thể loại này tạo ra.

1. Biopic là gì?

Là viết tắt cho thể loại phim tiểu sử hư cấu (biographical film), biopic là những bộ phim với cốt truyện xoay quanh cuộc đời của một, hoặc một nhóm nhân vật có thật trong lịch sử.

2. Biopic có bắt nguồn từ đâu?

Ghép nối giữa hai từ biographic (tiểu sử) và picture (cách gọi “phim” vào thời xưa), thể loại biopic thật sự không có một khởi nguồn cụ thể. Lời giải thích hợp lý nhất cho sự ra đời của thể loại này có lẽ đến từ nhu cầu của khán giả.

Khi khán giả đã không còn hứng thú với những cảnh phim nhàm chán về cuộc sống thường ngày như giờ tan làm của một nhà máy hay một chiếc xe lửa dừng trạm,... họ yêu cầu những câu chuyện mang tính giật gân. Từ đó, thể loại biopic nói về cuộc đời của những con người phi thường/tai tiếng ra đời.

Phát hành vào năm 1906, The Story of the Kelly Gang được xem là bộ phim biopic dài đầu tiên trên thế giới. Với nội dung xoay quanh Ned Kelly, một tên tội phạm khét tiếng tại Úc, The Story Of Kelly Gang bị một số nhà chức trách Úc xem là mang thông điệp ủng hộ bạo lực và tội phạm. Bộ phim sau đó đã bị cấm chiếu tại một số vùng tại Úc.

Sau đó vào thời chiến, biopic phát triển thành một thể loại rất được ưa chuộng. Lấy đề tài là những người vị lãnh tụ, những anh hùng dân tộc, thể loại biopic trở thành một liều thuốc hiệu quả để khích lệ tinh thần của các binh sĩ.

3. Vì sao biopic phổ biến?

Vào những năm gần đây, thể loại phim tiểu sử hư cấu trở thành một món ăn cực kì được ưa chuộng bởi cả khán giả đại chúng và giới chuyên môn tại Hollywood.

Thể loại này trở nên phổ biến có lẽ vì hai lý do chính.

Thứ nhất, khi một bộ phim sử dụng chất liệu là cuộc đời của những con người mang tầm ảnh hưởng đến lịch sử, bối cảnh xã hội và những rối ren thời cuộc chắc chắn sẽ là yếu tố trọng yếu ảnh hưởng đến cả bộ phim.

Như cách mà Spotlight, bộ phim đoạt giải Oscars cho Bộ phim xuất sắc nhất, nói về sự sụp đổ lòng tin của công chúng đến với nhà thờ Công Giáo vào năm 2002, hay The Trial Of The Chicago 7 vẽ lên một xã hội Mỹ đầy biến động với làn sóng phản văn hóa và phản chiến. Một bộ phim biopic có được một vẻ huy hoàng và tính quan trọng chỉ đơn giản từ chính đối tượng mà bộ phim đó nói về.

alt
Nguồn: The Trial of The Chicago 7

Thứ hai, nhờ vào tính hư cấu của thể loại, một bộ phim biopic có khả năng cho khán giả thấy bất kỳ điều gì mà họ muốn được thấy.

Nếu như một bộ phim về Queen hiểu rằng khán giả muốn xem những lục đục xảy ra trong nhóm nhạc và sự chuyển mình của Freddie Mercury, hãy tạo ra những tình huống và nhân vật giả tưởng để Freddie Mercury có thể đi theo một lộ trình trở thành ngôi sao nhạc rock cực kì cliché và kết thúc bằng một màn trình diễn để đời dài 20 phút như cách mà Bohemian Rhapsody đã làm.

Hai lý do chính yếu cho sự phổ biến của biopic cũng chính là hai yếu tố chính tạo ra những tranh cãi đạo đức xoay quanh tính hiện thực và hư cấu của thể loại này.

4. Phim về nhân vật thật, cần thật đến đâu là đủ?

Tại Việt Nam, thể loại tiểu sử hư cấu là một thể loại còn khá lạ lẫm với số đông khán giả đại chúng. Ngay từ những ý tưởng ban đầu, Em và Trịnh đã đặt ra một ván cược lớn khi chọn một trong những hình tượng nghệ sĩ “bất khả xâm phạm” của Việt Nam là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để làm đề tài.

Ván cược ấy có lẽ đã không thật sự đem về cho Em và Trịnh những gì mà bộ phim mong đợi. Ngay sau khi bộ phim ra mắt, những bài viết, bài phê bình chỉ trích cách Em và Trịnh xây dựng hình tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn liên tục được đăng tải.

Để có thể trả lời câu hỏi “Một bộ phim về nhân vật thật thì cần thật đến đâu?” có lẽ điều đầu tiên mà mọi khán giả cần hiểu là mỗi cá nhân đều sẽ có một hình tượng về nhân vật có thật ấy rất khác nhau.

Trịnh Công Sơn của bộ phim Em và Trịnh chắc chắn không phải là Trịnh Công Sơn của đời thật. Cuộc đời của Trịnh Công Sơn và những nhạc phẩm của ông được chúng ta tiếp nhận và cảm nhận theo những cách rất riêng. Vì thế, hãy xem những hình tượng Trịnh Công Sơn khác như một phản chiếu tâm trí không hoàn hảo của người làm nên chúng và tôn trọng sự khác biệt ấy.

Thế nếu hình tượng nhân vật trong phim bị chỉ trích bởi chính nhân vật trong đời thật thì sao? Đoàn làm phim hồi đáp sự phê bình ấy như thế nào? Câu hỏi này đặc biệt quan trọng khi danh ca Khánh Ly lên tiếng về nhân vật Khánh Ly được xây dựng trong Em và Trịnh.

Tất nhiên, bất kì ai cũng có quyền lên tiếng và đánh giá một bộ phim, đặc biệt nếu như họ là một nhân vật được khắc họa trên bộ phim ấy. Những lời chỉ trích mà danh ca Khánh Ly dành cho Em và Trịnh là hoàn toàn hợp lý vì đó chính là những cảm xúc mà cô có dành cho bộ phim.

Nhưng cũng cần khẳng định rằng một bộ phim biopic không có nghĩa vụ theo sát một sự thật khách quan tuyệt đối. Các yếu tố hư cấu luôn tồn tại trong phim tiểu sử để câu chuyện được dẫn dắt. Đây là không gian cho phép xã hội cùng phản hồi khi so sánh nhân vật họ mong muốn và nhân vật nhà làm phim sáng tạo ra. Tranh luận cần dựa vào tinh thần xây dựng.

Không thể phủ nhận rằng hình tượng Trịnh Công Sơn và những nàng thơ trong Em và Trịnh được xây dựng với một mục đích rất rõ ràng nhằm thể hiện câu chuyện và thông điệp mà bộ phim muốn truyền tải. Tất cả khán giả, nhà phê bình, người được lấy cảm hứng, nhà làm phim, đều sẽ có những ý kiến để bảo vệ hay chỉ trích cách xây dựng hình tượng ấy.

Những cuộc bàn luận được tạo ra từ đây nên được cổ vũ nếu chúng dựa trên sự tôn trọng và ham muốn lắng nghe, học hỏi lẫn nhau. Chúng ta không thể bác bỏ ý kiến của một nhân vật khi họ cảm thấy bị xúc phạm bằng lý do “điện ảnh là hư cấu.” Mặt khác, chúng ta cũng không thể quên mất rằng cuộc sống của mỗi người là muôn màu muôn vẻ, và điện ảnh không thể và không bao giờ có thể truyền tải trọn vẹn điều đó.

5. Những bộ phim biopic tiêu biểu

The King's Speech

The King's Speech là một bộ phim tiểu sử hư cấu nói về vua George VI. Là một người có chứng nói lắp, ông phải tìm kiếm sự giúp đỡ của Lionel Loge, một nhà tâm lý học, để có thể dẫn dắt đất nước Anh đi qua Chiến tranh Thế giới II. Bộ phim ngay khi ra mắt đã nhận được rất nhiều lời khen từ giới phê bình và khán giả nhờ vào cách kể chuyện độc đáo của đạo diễn Tom Hooper.

alt
Nguồn: The King's Speech

Spotlight

Spotlight đưa ánh sáng tâm điểm đến những cây bút của tờ Boston Globe, những người đã đưa những hành vi ấu dâm và quấy rối tình dục của các mục sư nhà thờ Công Giáo. Đạt được giải Oscar cho bộ phim xuất sắc nhất, bộ phim khai thác trận chiến giữa niềm tin tôn giáo và lí trí con người.

The Eyes of Tammy Faye

Nhận về khá nhiều đề cử cho các giải thưởng điện ảnh khác nhau, The Eyes of Tammy Faye theo chân nhà hoạt động Tammy Faye. Với chương trình TV và tính cách "lỗng lẫy" của mình, bà đã không ngừng đấu tranh cho những cộng đồng yếu thế như cộng đồng LGBTQ+ và những nạn nhân của căn bệnh HIV/AIDS.

alt
Nguồn: The Eyes Of Tammy Faye