Bước ra khỏi cổng làng và đi xa nhất có thể | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Bước ra khỏi cổng làng và đi xa nhất có thể

Mình tự hào là nhân viên người dân tộc thiểu số duy nhất tại nơi làm việc. Nhưng hơn cả, mình tự hào vì đã khác biệt trong nỗ lực trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình mỗi ngày. 
Bước ra khỏi cổng làng và đi xa nhất có thể

Nguồn ảnh: Lồ Thị Sáy

Với nhiều người, có lẽ phải bước ra khỏi Việt Nam thì mới thấy được thế giới rộng lớn. Riêng với mình, việc chuyển tới Hà Nội và trở thành sinh viên của trường Đại học Ngoại ngữ đã là một trải nghiệm choáng ngợp.

“Sao bạn lại có cái tên này? Quê bạn ở đâu?” - Đó là những câu hỏi mà các bạn cùng lớp thường xuyên hỏi mình khi mới nhập học. Mới đầu, mình rất sợ phải trả lời những câu hỏi như vậy. Nhưng dần dần mình nhận ra rằng, khi mình chia sẻ một cách cởi mở thì mọi người xung quanh cũng đón nhận một cách nồng nhiệt.

Mình tên là Lồ Thị Sáy, một cái tên phổ biến ở nơi mình sinh ra và lớn lên – một bản miền núi ở Lào Cai. Ở ngôi làng nhỏ của mình khoảng 10 năm trước, trẻ em gái hầu như không có cơ hội học hành đến nơi đến chốn. Nhưng mình là người may mắn trong số họ.

Từ một đứa rụt rè mình đã trở thành trưởng nhóm sinh viên người Mông thực hiện các dự án tình nguyện nhỏ vì cộng đồng dân tộc thiểu sổ từ năm 2019. Cũng trong năm đó, mình tổ chức lớp học tiếng Anh miễn phí cho trẻ em ở làng mình và những ngôi làng xung quanh. Số trẻ em đến lớp tăng đều đặn, rồi vượt qua con số 100.

Mở lớp dạy như vậy, mình như được gặp lại bản thân của ngày bé - đứng ở cổng làng mà mơ về thế giới ngoài kia.

Năm 7 tuổi, mình từng bắt đầu bập bẹ nói tiếng Anh qua tiếp xúc với khách du lịch nước ngoài. Nhưng cũng như đối với nhiều trẻ em ở bản, việc học ngoại ngữ bài bản, có trường lớp vẫn luôn là một giấc mơ xa xỉ. Sẽ thật tốt nếu các em bây giờ không còn phải đi bán hàng, phụ giúp gia đình từng đồng bằng thứ tiếng Anh bồi, mà thay vào đó là sử dụng ngoại ngữ lưu loát, giới thiệu những nét văn hoá độc đáo của dân tộc mình với thế giới bên ngoài.

Nhưng mình biết sẽ thật khó để thay đổi được thực tế lớn lao như thế. Với mình lúc này, sự thay đổi đến từ những điều nhỏ nhất, như nét mặt của những người thân, bè bạn, những người hàng xóm xung quanh khi mình trở về nhà. Đó là nụ cười, những lời hỏi han, chào đón của họ dù mình đã chọn đi xa làng.

Hiện tại mình đang làm trợ giảng tại một trường tiểu học quốc tế tại Hà Nội. Mình tự hào là nhân viên người dân tộc thiểu số duy nhất ở đó. Nhưng hơn cả, mình tự hào vì đã khác biệt trong nỗ lực trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình mỗi ngày.

Nguồn NVCC
Nguồn ảnh: NVCC

Mong ước được làm nhiều điều hơn nữa đã kết nối mình với Liên Hợp Quốc tại Việt Nam vào năm 2020. Kể từ đó, mình là người thường xuyên tham gia tham vấn, với tư cách là người đại diện cho tiếng nói của thanh niên dân tộc thiểu số.

Mình mong ước rằng trẻ em dân tộc thiểu số và những người trẻ như mình sẽ được sống trong một thế giới hòa nhập, nơi những ước mơ bước ra khỏi cổng làng và đi tới những nơi xa nhất có thể. Và mình tin rằng điều đó bắt đầu từ sự công bằng trong khả năng tiếp cận các cơ hội ngay tại những cánh cổng làng rộng mở!

(Bài viết được chấp bút từ chia sẻ của bạn Lồ Thị Sáy)

Lồ Thị Sáy là một trong những bạn trẻ nổi bật được UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam) vinh danh trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng ngày Trẻ em Thế giới năm 2022 vì có những đóng góp tích cực cho cộng đồng.

Ngày Trẻ em thế giới (World Children’s Day) 20/11 được tổ chức mỗi năm để đánh dấu sự kiện Công ước Liên Hiệp Quốc về Quyền trẻ em được thông qua vào năm 1989. Đây là ngày UNICEF kêu gọi các Chính Phủ và toàn xã hội cùng chung tay để nâng cao nhận thức và thực hiện các công việc thiết thực để bảo vệ quyền trẻ em.

Tìm hiểu thêm thông tin tại UNICEF website.