Cách người trẻ đối diện với cô đơn quan trọng thế nào? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpLET’s GO

Cách người trẻ đối diện với cô đơn quan trọng thế nào?

Theo nhà văn Khải Đơn, cô đơn là tình trạng thụ động không ai muốn rơi vào. Nhưng ta hoàn toàn có thể biến nó thành cơ hội để đối thoại và hiểu sâu hơn về chính mình.
Cách người trẻ đối diện với cô đơn quan trọng thế nào?

Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

Cô đơn vốn được xem như một “căn bệnh” của xã hội hiện đại. Trên thực tế, nó là hệ quả tất yếu khi kinh tế phát triển, tác động tới cách chúng ta tương tác với nhau. Người trẻ phải trưởng thành và thích nghi với một xã hội thay đổi với tốc độ chóng mặt, hơn hẳn các thế hệ trước.

Có những người xem cô đơn là cơ hội để đối thoại với chính mình, hiểu sâu sắc hơn về những gì mình muốn. Tuy nhiên cũng có người sợ cảm giác này vì sự lạc lõng mà nó mang tới. Song dù nhìn nhận nó theo hướng nào, thì cách người trẻ đối phó với cô đơn đóng vai trò quan trọng tới sức khỏe tinh thần, các mối quan hệ và sự phát triển cá nhân của họ sau này.

Vậy một người đã trải qua nhiều giai đoạn, nhiều kiểu cô đơn khác nhau trong cuộc đời sẽ có những “kinh nghiệm” gì để ứng phó với nó? Đó chính là những gì nhà văn Khải Đơn chia sẻ trong tập 28 của EduStation. Cô đã chắp bút nhiều tác phẩm nổi tiếng về đời sống của người trẻ và hành trình chu du qua nhiều vùng đất, tiêu biểu phải kể đến Đừng tháo xuống nụ cười, Ta có bi quan không, Gập ghềnh tuổi 20Mekong, phù sa phiêu bạt.

“Một mình” và “cô đơn” liệu có giống nhau?

Hai tính từ này nghe có vẻ tương đồng, nhưng miêu tả hai trạng thái hoàn toàn khác nhau. Theo nhà văn Khải Đơn, “cô đơn” là sự đứt gãy kết nối với người khác, bao gồm cả những người ta vốn rất yêu quý, tôn trọng. Nó là điều ta bị rơi vào một cách thụ động. Còn “một mình” chỉ là một trạng thái mà ta có thể chủ động lựa chọn.

Một người có thể ở cạnh rất nhiều người mà vẫn thấy cô đơn, thậm chí cô đơn trong chính gia đình, trong mối quan hệ của mình. Ngược lại, có những người ở một mình mà vẫn thấy vui, vì họ biết tự tìm (hoặc tự tạo nên) niềm vui cho riêng mình, kể cả khi không có ai ở cạnh.

Sở dĩ chúng ta vẫn nhầm hai khái niệm này với nhau một phần vì có giai đoạn, sự cô đơn được tôn vinh trong văn học và nghệ thuật. Tất cả các đầu sách về cô đơn đều bán chạy, và người nghệ sĩ “cô đơn” được cho là có sức sáng tạo tốt nhất, cho ra những tác phẩm tuyệt vời nhất.

Thậm chí ngay cả các tên tuổi lớn trong ngành tâm lý học đầu thế kỷ XX cũng không nhận ra mức độ nghiêm trọng của cô đơn, cho đến khi nó trở thành vấn nạn như hiện nay. Dù vậy nhà văn Khải Đơn nhận định, cô đơn có thể tốt cho một giai đoạn nhất định trong sự nghiệp, song nó có hại cho cuộc sống con người về lâu dài.

13jun2024edustationkhaiioinkhooanguyen08jpg
Theo nhà văn Khải Đơn, cô đơn có thể phần nào tốt cho ta về sự nghiệp, nhưng sẽ có hại cho cuộc sống của ta về lâu dài. | Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

Sự cô đơn “gặm nhấm” chúng ta ở từng lứa tuổi thế nào?

Là người đi đến nhiều vùng đất khác nhau, quan sát trải nghiệm sống của con người ở nhiều giai đoạn, Khải Đơn nhận thấy sự cô đơn là vấn đề mà lứa tuổi nào cũng phải đối mặt.

Với trẻ em, đặc biệt là trẻ em thành phố lớn lên cùng công nghệ, sự cô đơn hiện rõ khi chúng không được chơi điện thoại hay iPad - chúng không biết phải làm gì khác cho hết buồn. Bởi một đứa trẻ sẽ phát triển những kỹ năng khác nhau ở từng độ tuổi riêng biệt, và một chiếc iPad thì không thể “gói gọn” toàn bộ sự phát triển đó.

Đến tuổi thiếu niên, vòng tròn quan hệ của chúng ta bùng nổ rộng hơn ngoài các mối quan hệ trong gia đình, trường lớp. Thời điểm này, sự chấp nhận từ bạn bè đồng trang lứa quan trọng hơn cả từ bố mẹ. Khi không được bố mẹ lắng nghe và thấu hiểu nhu cầu, đứa con sẽ cảm thấy cô đơn. Nó sẽ mất đi sự kết nối với gia đình, thậm chí có biểu hiện gần giống như trầm cảm.

13jun2024edustationkhaiioinkhooanguyen16jpg
Khải Đơn nhận định, khi đứa con mất kết nối với gia đình, nó có thể mang những biểu hiện gần như trầm cảm. | Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

Tới tuổi 20, 30, chúng ta bắt đầu nếm trải sự cô đơn khi bạn bè dần đi học, đi làm, kết hôn hoặc chuyển đi nơi khác, ai cũng có cuộc sống riêng. Chúng ta dường như không ai có đủ thời gian để lắng nghe và kết nối, và sự thay đổi liên tục các mối quan hệ khiến ta “vật lộn” để làm quen.

Đến khi có con, ta lại gặp đúng vấn đề cha mẹ gặp khi xưa - không thể hiểu nổi con mình. Và khi tuổi già đến, bạn đời rời xa và con cái trưởng thành, ta lại vật vã đi tìm ý nghĩa cuộc sống. Bởi trong một thời gian quá dài, họ là mục đích sống duy nhất ta có trên đời.

Hệ quả của cô đơn thể hiện rất rõ trong thời kỳ dịch COVID-19, khi người ta quá buồn chán với việc ở một mình mà lao vào các chất kích thích, hoặc các hành vi liều lĩnh. Chính vì vậy, dù ở độ tuổi nào, chúng ta đều cần học cách tự tìm cho mình niềm vui, kể cả khi không có ai ở bên. Bởi khi lệ thuộc vào bất kỳ ai hay đồ vật nào khác (chẳng hạn smartphone) để mang đến niềm vui, ta sẽ không bao giờ có được sự tự do về mặt cảm xúc.

Người trẻ cần làm gì để vượt qua sự cô đơn?

Như nhà văn Khải Đơn phân tích, sẽ có những thời điểm cô đơn xảy ra như một hệ quả tất yếu của cuộc sống. Nhưng quan trọng là cách chúng ta ứng phó với nó, đặc biệt khi còn trẻ, bởi điều này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và sự phát triển cá nhân của mỗi người.

Với người trẻ, cô khuyến khích họ chủ động mở cánh cửa tâm hồn mình. Bởi trong rất nhiều tình huống, thế giới quanh họ (gia đình, bạn bè hay đồng nghiệp) muốn lắng nghe họ, nhưng hai bên lại không biết cách giao tiếp với nhau. Host Hùng Võ đồng tình rằng, đây là việc cần nỗ lực từ cả 2 phía, ta phải cho người khác cơ hội gần mình thì sự kết nối mới diễn ra.

13jun2024edustationkhaiioinkhooanguyen20jpg
Cả nhà văn Khải Đơn & host Hùng Võ đồng tình rằng, phải có sự nỗ lực từ cả 2 phía thì kết nối mới được hình thành. | Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

Tuy nhiên Khải Đơn cũng hiểu rằng, chúng ta đôi khi tự ý đoán phản hồi của người khác (second-guessing) như một cơ chế tự vệ. Điều này khá phổ biến khi giao tiếp qua mạng, nơi ta đọc bình luận của người khác là có thể đoán được thái độ của họ khi nghe vấn đề của ta. Họ muốn thể hiện, muốn đánh giá ta nhiều hơn là thực sự muốn lắng nghe và giúp đỡ.

Về vấn đề này, chúng ta có thể phải lưu ý tìm đến đúng người trước khi chia sẻ. Chẳng hạn khi gặp vấn đề về tâm lý, thay vì chia sẻ trong một diễn đàn ngẫu nhiên trên mạng, ta nên liên hệ với một chuyên gia tâm lý có chuyên môn. Cuối cùng, những khi ở một mình (dù chủ động hay thụ động), ta có thể coi nó như một cơ hội để thực sự đối thoại với bản thân.