Cẩm nang "giữ lửa" khi sống chung cùng bạn thân | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Cẩm nang "giữ lửa" khi sống chung cùng bạn thân

Nếu đã hiểu và hợp tính nhau, ở chung có thực sự dễ dàng?
Cẩm nang "giữ lửa" khi sống chung cùng bạn thân

Nguồn: Bích Thủy @salted.evian cho Vietcetera

Chắc hẳn không ít những đôi bạn khi cùng nhau đi du học hoặc đến một thành phố khác sinh sống đã có ý định sống chung một nhà. Không chỉ để tiết kiệm chi phí, có một người bạn cùng chia sẻ những vui, buồn, khó khăn trong cuộc sống xa nhà là điều khá lý tưởng. Đặc biệt những đôi bạn thân không chỉ gặp nhau trong những buổi hẹn ngắn ngủi nữa, khi sống chung, hai người có thể dành nhiều thời gian với nhau hơn.

Nhưng việc là bạn có khiến chuyện ở chung dễ dàng hơn không? Liệu những khác biệt trong lối sống, phong cách sinh hoạt hàng ngày có thể có cách dung hòa hay trở thành nguồn cơn khiến tình bạn “toang"? Làm sao để ngày càng thân hơn khi ở cùng nhau chứ không phải "cạch mặt" nhau?

Nên hay không ở với bạn?

Xa nhà từ năm 17 tuổi, tôi đã trải qua cuộc sống với 20 người bạn cùng nhà ở 3 thành phố khác nhau, trong đó có những người là bạn thân của tôi. Có những tình bạn “đổ bể” sau khi ở với nhau nhưng ngược lại, có những người đã thân lại càng thân hơn.

Xét về bài toán kinh tế, khi mọi chi phí trong nhà như internet, điện, nước, đồ gia dụng… được chia nhỏ, cuộc sống xa nhà đã dễ thở hơn rất nhiều. Chưa kể, bạn cùng nhà có thể chia sẻ chung đồ dùng với nhau để tiết kiệm hơn. Ví dụ, nếu bạn cùng nhà đã có sẵn nồi cơm và dụng cụ bếp, bạn có thể dùng chung, tất nhiên là có sự đồng ý của người kia và phải có ý thức giữ gìn khi dùng.

Bạn cùng nhà sẽ là người ở bên, dành thời gian với bạn nhiều hơn bố mẹ. Mỗi khi ốm đau hoặc có việc gì đó, bạn đều có người giúp đỡ mình. Đặc biệt trong những thời điểm khó khăn như khi cả thành phố giãn cách vì đại dịch Covid-19 suốt 4 tháng trời, tôi không dám tưởng tượng cuộc sống sẽ thế nào nếu chỉ có một mình.

Nhiều người khuyên không nên sống chung cùng bạn bè vì “kiểu gì cũng nghỉ chơi” nhưng với tôi, đó là trải nghiệm nên có. Không chỉ thử thách tình bạn, việc sống chung còn cho bạn nhiều bài học đáng giá để trưởng thành.

Tài chính phân minh, nhưng đừng quá tính toán

Tiền bạc là vấn đề nhạy cảm, nếu không thể thỏa thuận tài chính khi sống chung thì rất khó để duy trì tình bạn. Sự rõ ràng trong tiền bạc không chỉ dành cho những khoản lớn như tiền nhà, điện, nước mà những món lặt vặt trong nhà như túi nước giặt, chai nước mắm cũng cần phân chia rạch ròi.

Hãy tin tôi, bạn không thể vui vẻ mãi khi người kia thoải mái dùng chai nước mắm mà bạn một mình bỏ tiền mua.

Tài chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mâu thuẫn giữa những người bạn cùng nhà.

Sống chung với bạn khác với người yêu ở chỗ những người bạn không cần mục tiêu tài chính chung dài hạn, không cần những tài khoản tiết kiệm cũng như những khoản đầu tư cho tương lai chung. Bởi vậy, vấn đề tài chính khi ở chung với bạn chỉ đơn giản là “cưa đôi" sòng phẳng.

  • Thỏa thuận về khả năng tài chính trước khi sống chung: Thoả thuận bao gồm việc công khai về mức chi trả cho từng khoản phí. Điều này sẽ tránh trường hợp những khoản phí trong nhà trở nên quá sức chi trả hoặc trường hợp bạn cùng nhà chậm trễ trong vấn đề trả tiền.
  • Thống nhất về cách chia tiền: Ai sẽ có trách nhiệm trả tiền nhà? Ai sẽ đứng ra trả những khoản phí khác? Những đồ dùng chung sẽ chia như thế nào? Đó là những câu hỏi mà những người bạn cùng nhà sẽ cần thống nhất. Những khoản cần chia hàng tháng thường có: tiền nhà, tiện ích (internet, điện, nước), chi phí sửa chữa/bảo trì, đồ ăn/đồ vệ sinh/đồ bếp.

    Với những khoản lớn, thường trong nhà nên có một người đứng ra làm “đầu mối" trực tiếp chuyển trả tiền cho các đơn vị thu tiền và những người bạn còn lại sẽ chuyển tiền cho người đó. Những khoản đó cũng thường có những ngày cố định trong tháng để thanh toán, vậy nên, điều đầu tiên cần lưu ý là hãy chuyển tiền đủ và đúng hạn, tránh để bạn mình phải giục.

    Bên cạnh đó, ai chịu trách nhiệm đứng ra trả khoản phí nào sẽ đi kèm trách nhiệm chia hoá đơn. Ví dụ, bạn cùng nhà tôi thường đứng ra trả tiền điện vào ngày 5 hàng tháng vậy nên bạn ấy cũng xem report từ đơn vị cung cấp điện và chia tiền dựa trên những ngày ở nhà/đi du lịch của cả hai.

    Với những khoản phát sinh như đồ dùng sinh hoạt thường sẽ không có quy định ai phải đứng ra mua, ai thấy hết thì sẽ tự mua và nhắn những người còn lại chuyển tiền. Lưu ý với những đồ dùng chung, bạn sẽ cần hỏi ý kiến bạn cùng nhà trước khi mua, tránh trường hợp bạn cùng nhà không muốn dùng chung với bạn.

Tuy vậy, không phải cái gì cũng có thể chia 50-50. Bạn không thể cưa đôi một cái giường hoặc nồi chiên không dầu. Nếu chia tiền, nên thống nhất sau này khi không còn ở với nhau, bạn sẽ bỏ lại món đồ đó hay bán lại. Thông thường, với những món đồ nội thất hoặc gia dụng, tôi sẽ trả cho những món mà sau này tôi muốn mang đi và cho bạn cùng nhà sử dụng chung.

Một điều nhịn chưa chắc chín điều lành

Những con người khác biệt về tính cách, phong cách sống, sinh hoạt, chi tiêu không tránh khỏi những khi xảy ra mâu thuẫn. Và đây là lúc bạn nên chia sẻ thẳng thắn với bạn cùng nhà.

Một phần của việc trưởng thành là học cách giải quyết vấn đề một cách cởi mở và trực tiếp, ngay cả trong những vấn đề khó xử. Điểm cộng lớn nhất của những người bạn là chúng ta đã phần nào hiểu cũng như biết cách nói chuyện với nhau. Vậy nên, không khó để nhắc bạn cùng nhà rửa bát sau khi ăn hoặc dọn tóc sau khi gội đầu.

Tất nhiên, hãy nhắc nhở nhau với sự vui vẻ và làm quen với giao tiếp quyết đoán. Thay vì chì chiết “sao cậu luôn quên tắt đèn khi ra khỏi nhà", hãy nói “tớ thấy để đèn rất tốn điện, cậu nhớ tắt đèn nhé".

Một sai lầm trước đây của tôi là nếu thấy những điều tôi chưa hài lòng, tôi thường nhắm mắt và làm hộ luôn bạn cùng nhà của mình. Ví dụ bạn quên rửa bát, tôi sẽ rửa hộ luôn. Khi làm vậy, tôi vừa ôm cái tức vào người mà bạn cùng nhà thì không có ý thức về vấn đề đó nên nó sẽ liên tục lặp lại. Bây giờ thi thoảng bạn cùng nhà quên rửa bát, tôi sẽ nhắc nhẹ và yên tâm đi nghỉ ngơi, khi bạn về nhà bạn sẽ rửa sau.

Tôn trọng lối sống của nhau

Có người ngủ sớm, có người ngủ muộn, có người thích nghe nhạc khi tắm, có người đề cao sự yên tĩnh. Việc tôn trọng ở đây không có nghĩa bạn phải giữ im lặng tuyệt đối khi ở nhà hay đi ngủ sớm vì bạn cùng nhà như vậy. Đừng ngại đặt ra những nguyên tắc để tìm ra điểm cân bằng, giúp đôi bên đều vui.

Tôi là người vô cùng sạch sẽ, đôi lúc còn "hơi OCD". Nhiều lần cãi vã với những người bạn khác nhau đã giúp tôi học được một điều: tôi không thể ép họ sạch sẽ như tôi nhưng tôi có thể “bớt" sạch đi còn họ có thể học cách gọn gàng hơn một chút. Tôi dần quen với chuyện đôi khi những lọ gia vị có thể không quá thẳng hàng còn bạn cùng nhà tôi dần có ý thức lau bếp sau khi nấu.

Nếu bạn đang tự hỏi vì sao tôi không cho mẹo phân chia việc nhà thì tôi nghĩ mỗi người có một lối sống, một sở thích, hãy thả lỏng, đừng quá ép buộc. Khác với tài chính cần phân chia sòng phẳng, nếu bạn là người thích sạch sẽ, đừng ngại làm nhiều hơn một chút và để bạn cùng nhà làm những việc người đó thích. Tương tự như việc tôi thích nấu ăn thì tôi sẽ nấu còn bạn cùng nhà sẽ dọn.

Bạn cùng nhà cũng là bạn, hãy tận hưởng thời gian sống chung nhé.

Tôn trọng nhau cũng bao gồm học cách tôn trọng và cho nhau không gian cá nhân. Nếu bạn cùng nhà vào phòng ngủ của họ và đóng cửa lại, bạn nên để họ có thời gian ở một mình thay vì vào tâm sự.

Dành thời gian với nhau vì bạn cùng nhà cũng là bạn

Đôi khi tình bạn có thể thay đổi sau khi chuyển đến sống cùng nhau vì các cuộc trò chuyện có xu hướng liên quan đến những việc trong nhà hoặc các bạn quá mệt mỏi để bắt chuyện sau một ngày dài làm việc.

Tuy vậy, việc ở cùng nhà với nhau hàng ngày không có nghĩa là bạn không thể có những thêm hoạt động “vui cửa vui nhà" để vừa vun đắp tình bạn, vừa khiến cuộc sống cùng nhà thú vị hơn.

Một hoạt động mà tôi đã từng (và vẫn còn) làm với bạn cùng nhà đó là chuẩn bị một chiếc hộp có những mảnh giấy ghi các chữ cái A, B, C… Z. Mỗi cuối tuần chúng tôi sẽ bốc một chữ và cùng nhau nghĩ ra những hoạt động để làm bắt đầu từ chữ cái đó. Ví dụ nếu bốc vào chữ C, chúng tôi sẽ cùng đi ăn cơm curry và làm bánh quế (cinnamon roll).

Kết

Sau nhiều sai lầm và đánh mất một vài người bạn vì ở chung, tôi nghĩ rằng khi ở cùng nhà, hãy xây dựng và chăm sóc cho mối quan hệ đó trên cơ sở tình yêu thương. Nếu bạn quý người bạn đó từ trước, khi về chung một nhà hãy vẫn ghi nhớ những điểm mình yêu quý ở người đó, bạn sẽ nhận ra mình bao dung hơn và mọi vấn đề đều trở nên nhẹ nhàng hơn.

Tất nhiên, vì việc sống chung cũng là một phép thử, biết đâu bạn sẽ nhận ra mình và một vài người bạn không hợp nhau như bạn nghĩ.