Chính phủ tăng cường rà soát các phiên livestream doanh thu trăm tỷ | Vietcetera
Billboard banner

Chính phủ tăng cường rà soát các phiên livestream doanh thu trăm tỷ

Ồn ào giờ vẫn chưa qua, livestream trăm tỷ đã là thành công?
Chính phủ tăng cường rà soát các phiên livestream doanh thu trăm tỷ

Nguồn: VNEXPRESS

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Ngày 6/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 56/CĐ-TTg với các nội dung chính như sau:

  • Tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính trong việc phát hiện và xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử, livestream bán hàng theo quy định của pháp luật đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân không kê khai, nộp thuế theo quy định.
  • Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động livestream bán hàng, trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, nhận hoa hồng từ việc quảng cáo, bán hàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Trước đó, kênh TikTok Quyền Leo Daily vừa ‘flex’ phiên livestream lên đến 100 tỷ trong vòng 17 tiếng. Cũng có những phiên doanh thu tuy thấp hơn, nhưng vẫn dao động từ vài trăm triệu đến vài chục tỷ… mỗi ngày. Điều này dấy lên nhiều nghi ngờ về tính xác thực của con số “khủng” này, kéo theo các nghi vấn về vấn đề trốn thuế, doanh thu ảo hay lo ngại nguồn gốc, xuất xứ của hàng hoá.

alt
Trước đó, Quyền Leo Daily cũng có những phiên livestream hàng chục tỷ đồng | Nguồn: VNINDEX

2. Doanh thu trăm tỷ có phải là con số thật?

Nhiều người nhanh chóng lên tiếng chỉ ra rằng, thực chất đây chỉ là con số ảo. Những con số nhảy trên màn hình đều chưa trừ đi những đơn hoàn, huỷ. Bên cạnh đó còn có các kỹ xảo để gian lận như mua ‘mắt’ xem, bình luận, đặt đơn hàng ảo nhằm mục đích truyền thông cho người bán, nhãn hàng.

Các bên tham gia livestream còn phải chịu các chi phí khác như: Tiền thuế, thuê mặt bằng/studio để quay, thuê đội ngũ vận hành phiên live, thuê người mẫu/host…

Như vậy, con số mà các bên bán hàng flex trên mạng xã hội chưa phải là con số cuối cùng, mà còn phải khấu trừ các chi phí cố định và biến động, mới ra được doanh thu thực nhận của nhãn hàng/người bán.

3. Người tham gia livestream phải đóng bao nhiêu tiền thuế?

Tuỳ vào đối tượng tham gia livestream mà họ phải kê khai thuế khác nhau, chia thành hai đối tượng chính phổ biến nhất như sau:

  • Nhãn hàng tự livestream bán hàng: Nộp thuế như đăng ký kinh doanh bình thường, thực hiện theo thuế khoán hoặc kê khai thuế định kỳ.
  • KOC/ KOL/ Host livestream: Nộp thuế thu nhập cá nhân cho những ai có thu nhập từ 100tr đồng/năm trở lên. Nếu không đăng ký kinh doanh mà chỉ bán hàng hưởng hoa hồng thì phải nộp thuế theo biểu thuế luỹ tiến từng phần.

Beauty blogger An Phương (Letsplaymakeup) cũng từng đã chia sẻ về số tiền cô thực nhận sau một phiên livestream cho nhãn hàng. Cụ thể, nếu một buổi live tiền tỷ, nhãn hàng sẽ trả cho cô 15-20% tiền hoa hồng, tức số tiền rơi vào khoảng trên 100 triệu.

Số tiền này sau đó phải trừ đi thêm nhiều chi phí nữa, như thuế thu nhập cá nhân (10-35%), phí thuê nhân lực, sản xuất (thuê nơi quay, máy quay…), phí hậu cần (thức ăn, nước uống), tiền chạy quảng cáo cho livestream/ teaser livestream…

@anphuongtruong Chưa kể để đi được đến mức doanh thu 1T cho mỗi buổi live thì công sức bỏ ra trước đó nhiều không tưởng… #anphuongtruong #xuhuong #foryoupage #livestream ♬ original sound - An Phương

4. Để hạn chế tiêu cực, Trung Quốc quản lý lĩnh vực livestream như thế nào?

Trung Quốc từ lâu đã là một gã khổng lồ trong lĩnh vực livestream, với doanh thu lên đến 480 tỷ trong năm 2023. Để quản lý và xử phạt các hành vi gian lận, trốn thuế, Chính phủ Trung Quốc đã triển khai hình thức giao dịch toàn bộ qua chuyển khoản ngân hàng. Người tiêu dùng mua hàng trên các nền tảng Taobao, Douyin và giao dịch bằng cách quét mã QR Code, không thanh toán tiền mặt.

Điều này khiến các cơ quan chức năng phát hiện hành vi trốn thuế rất nhanh. Những ai gian lận đều bị xử phạt nghiêm khắc, bị đưa vào danh sách đen trong ngành, hay thậm chí còn bị cấm sử dụng phương tiện giao thông như máy bay, tàu hoả…

Vấn đề hàng nhái, hàng giả cũng được xử lý triệt để. Các chủ tài khoản livestream phải cam kết chấp hành bán hàng có nguồn gốc, xuất xứ và thương hiệu. Họ cũng phải ghim các loại giấy tờ kiểm định trên kênh bán để người mua nghiên cứu.

5. Người tiêu dùng nên làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình khi mua hàng qua livestream?

Kiểm tra thông tin sản phẩm

Tên của nhà phân phối: Thông thường, các nhà phân phối sản phẩm chính hãng sẽ thường có từ ‘Mall’ ở dưới tên shop, để chứng minh đây là kênh là kênh đã được xác thực, là nơi cung cấp 100% hàng chính hãng đến từ các thương hiệu nổi tiếng, với nhiều mức giá ưu đãi.

alt
Nếu là nhà phân phối chính hãng, bên dưới logo của nhãn hàng sẽ có chữ 'LazMall'/ 'Shopee Mall'/ Mall (TikTok) | Nguồn: Rachel Võ cho Vietcetera

Mô tả sản phẩm: Kiểm tra kích thước, nguồn gốc, xuất xứ và thành phần để tránh tình trạng ‘hình ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ’.

Tham khảo lượt mua và đánh giá: Đây là phần người mua sẽ xem được những nhận xét chân thật nhất đến từ nhiều bên và có tính xác thực khá cao. Bởi những tài khoản nhận xét đa số là những tài khoản thật đã được định danh.

Báo cáo sai phạm cho bên thứ ba để xử lý

Khi nhận hàng, khách hàng có quyền khiếu nại, tạo đơn hoàn trả khi phát hiện có dấu hiệu sai phạm. Người bán cũng khuyến cáo nhãn hàng nên quay clip ‘unbox’ sản phẩm để được xử lý nhanh chóng trong trường hợp nhận sản phẩm không đúng hàng đặt, size số, mẫu mã…

Đối chiếu, so sánh giá từ nhiều kênh trước khi mua

Việc đối chiếu này giúp người mua nhận ra được những điểm bất hợp lý khi mua hàng, tại sao cùng một sản phẩm, nhưng lại đến từ hai nhà cung cấp khác nhau và có sự chênh lệch khá lớn. Đồng thời, so sánh giữa các kênh bán hàng khác nhau cũng giúp khách hàng săn được những sản phẩm có giá ưu đãi và giá mềm hơn, giúp tiết kiệm chi phí mua sắm.