Cởi Mở: Lần đầu quan hệ không dùng bao | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
19 Thg 11, 2021
LGBT+

Cởi Mở: Lần đầu quan hệ không dùng bao

5 năm trước, tôi phát hiện mình nhiễm HIV. 2 năm sau đó, tôi quyết định chơi trần. Đố bạn biết chuyện gì đã xảy ra?
Cởi Mở: Lần đầu quan hệ không dùng bao

Cởi Mở: Lần đầu quan hệ không dùng bao Featured Image

prep

Từng theo học ngành Y, tôi sớm đi theo con đường giáo dục cho người trẻ và các công tác xã hội về HIV. Tôi làm mọi thứ từ tổ chức sự kiện, kêu gọi xét nghiệm, và tìm hiểu về bối cảnh xã hội khi bệnh dần trở nên phổ biến.

Cuối năm 2016, Việt Nam bắt đầu công bố loại kit test bệnh nhanh; tôi khi ấy vẫn là một tình nguyện viên. Trong một lần chụp hình quảng bá, tôi đóng vai một người đang sử dụng que test tại nhà.

Tạo dáng được tầm 20 phút thì que hiện hai vạch. Thợ vẫn bấm máy, nhưng tôi thì không còn diễn nữa.

“Tại sao lại là mình?”

“Cái gì đây? Sao lại hai vạch? Ai lây? Mọi người có thấy kết quả chưa? Tại sao lại là lúc này? Tại sao lại là mình?”

Hàng vạn câu hỏi dấy lên trong tôi. Lúc này xung quanh là những người biết rất rõ về tôi và hiểu rất rõ về bệnh. Còn tôi là một con virus khổng lồ. Trong phút chốc, tôi cảm thấy như một chú nhện vừa rơi vào chính chiếc bẫy tơ mà nó cần mẫn giăng lên.

Trong sự lúng túng, tôi vội bẻ chiếc que test và giấu nhẹm mảnh giấy hai vạch. Xin ra về sớm. Thu gom đồ đạc. Chạy thẳng về nhà.

Đâu đó trong mớ đồ lỉnh kỉnh sau ba lô, tôi vô tình gom thêm một sự mặc cảm, tuy vô hình nhưng nặng trĩu.

Khi phát hiện mình mắc bệnh xã hội, bạn sẽ bắt đầu nghĩ xa hơn sự an nguy của bản thân. Hình ảnh của gia đình hiện ra trong đầu tôi liên tục. Tôi không thể nhìn thấy mình trong một hình hài nguyên vẹn khi ở bên họ trong những lần gặp tiếp theo.

Tôi cũng nghĩ về Khương, bạn trai tôi. Trước khi quen nhau, chúng tôi cũng đôi lần phạm sai lầm trong tình dục. Vì vậy từ lúc bắt đầu quan hệ, tôi luôn bắt Khương sử dụng bao cao su để phòng ngừa. Ai có ngờ, không gieo nhân vẫn gặt quả chín.

Khi sự bối rối càng trở nên nhàu nhĩ, tôi quyết định xoá đi toàn bộ ký ức về buổi chiều ấy và từ chối nghĩ về căn bệnh của mình.

Có một căn bệnh khác đáng sợ hơn HIV rất nhiều

Sự cứng đầu bám theo tôi ròng rã một năm trời. Tôi lao đầu vào công việc và các dự án. Tôi dùng sự bận rộn để giảm đi những lần quan hệ với Khương. Tôi không dám nghĩ tới việc đi điều trị; tất cả các bác sĩ, phòng khám trong thành phố gần như ai cũng biết mặt tôi.

Tiếp xúc với bác sĩ và người bệnh mỗi ngày, đôi lúc tôi thấy mình ngồi ở cả hai bên bàn tư vấn. Tôi làm việc với vẻ ngoài của một nhà hoạt động, trong tâm thế của một bệnh nhân.

Nhiều lúc bối rối, tôi chỉ biết lấy nick ảo nhắn tin cho một anh đồng nghiệp. Tôi muốn nghe thấy những lời chính tôi nói với người khác mỗi ngày.

Căn bệnh nào cũng vậy, sẽ luôn tốt hơn khi bạn có người đồng hành. Nhưng sĩ diện của tôi quá lớn để cho phép mình tìm đến ai đó.

Tôi sợ những ánh mắt bủa vây, dèm pha tôi như một thành phần dơ bẩn của xã hội. Ý nghĩ này va đập với sự tự trấn an, khi tôi cũng chính là người kêu gọi sự bình đẳng cho cộng đồng này.

Ở một mức độ nào đó, tôi kỳ thị chính mình. Tôi tự tách mình ra khỏi phần bình thường của xã hội, và xem mình như một người cá biệt cần những lối sống và sự quan tâm cá biệt.

Hoá ra khi mang một căn bệnh mãn tính, bạn còn mang thêm căn bệnh tự kỳ thị đáng sợ hơn gấp nhiều lần. Sự kỳ thị giống như một con dao; đôi lúc chúng ta vô tình đâm người khác bằng ánh mắt, lời miệt thị. Nhưng đôi lúc, kì thị sinh ra tự kì thị. Nói cách khác, họ bị hai con dao đâm vào người một lúc: một từ người khác, một từ chính mình.

Người đứng ngoài “góc chết”

Hệ miễn dịch của tôi chạm đáy khi tôi phát hiện mình bị ung thư bao tử. Lúc này, trông tôi hốc hác và gầy gò kinh khủng; tôi đã thật sự nghĩ mình không thể vượt qua. Đó cũng là lúc tôi công khai tình trạng của mình với Khương.

Nếu bạn không nhớ thì 20 năm về trước, người ta gọi HIV là căn bệnh thế kỷ. Truyền thông kêu gào một cách bất lực vì y học chưa tìm ra cách chữa. Họ chỉ biết ngăn ngừa bằng cách đào thải. Thế là người nhiễm HIV bị đẩy vào một “góc chết,” khiến họ lại càng mặc cảm hơn về mình.

Tuy giờ đã khác, dư âm của những nỗi sợ ấy vẫn âm thầm tồn tại. Người ta cởi mở hơn về tình dục, nhưng vẫn ngần ngại khi nghe đến cụm từ HIV. Tôi vẫn nghe vô vàn câu chuyện về ai đó trở nên sợ hãi rồi tháo chạy khi biết bạn tình của mình dương tính.

Nhưng tôi cũng nghe những câu chuyện một người hết mình ở lại vì người kia. Khương là một trong những người như thế.

Hành trình chữa trị của tôi chỉ thật sự bắt đầu khi có Khương bên cạnh. Cũng là người hiểu biết về bệnh, việc đầu tiên anh làm là đi xét nghiệm ngay. Anh âm tính. Tôi thầm cảm ơn tất cả những lần làm tình trước đó, chúng tôi luôn nhắc nhau dùng bao.

Căn bệnh nào cũng vậy, sẽ luôn tốt hơn khi bạn có người đồng hành. Và nó sẽ tốt hơn gấp bội khi người ấy không nhìn bạn khác đi. Khương là người đứng ngoài “góc chết” của chúng tôi, nhưng anh vẫn hiểu và chọn cùng tôi đi tiếp.

Chúng ta đang cởi mở trong tình dục. Vậy sẽ ra sao nếu chúng ta cũng cởi mở trò chuyện về HIV, để những người trong cuộc như tôi không cảm thấy hổ thẹn và xấu xí?

Tôi đã quyết định chơi trần thế nào?

Sau một thời gian nỗ lực điều trị, tôi khỏi ung thư. Lúc này, thế giới ra đời một thông điệp mới trong trận chiến HIV: Không phát hiện = Không lây truyền (K=K). Đó là khi tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện và không còn khả năng lây truyền.

Trạng thái này chỉ đạt được khi người bệnh điều trị nghiêm túc bằng thuốc ARV, và bạn tình âm tính sử dụng PrEP. ARV cũng miễn phí, nên tôi nhận và uống thuốc đều đặn; K=K cũng đến với chúng tôi không lâu sau.

Điều này cũng đồng nghĩa là chúng tôi hoàn toàn có thể quan hệ tình dục không cần bao. Và cũng là điều khiến tôi vừa lo sợ vừa hào hứng. Vốn là một người tuyên truyền tình dục an toàn, tôi vẫn khư khư câu nói “tình dục an toàn là có bao cao su.”

Lúc này, Khương và tôi cũng đã kết hôn. Khi tình yêu và sự gắn kết đã vô cùng bền chặt, anh bắt đầu thuyết phục tôi. Anh đưa tôi đến gặp người đầu tiên truyền đi thông điệp K=K. Anh cùng tôi đọc những tài liệu nghiên cứu trên những cặp đôi trái dấu, những kết quả thu về để biết chắc rằng chúng tôi cũng có thể trở thành họ.

Đêm đặc biệt ấy, chúng tôi thuê hẳn một căn hộ riêng. Lần đầu nằm cạnh Khương sau một thời gian điều trị, sự mặc cảm trong tối biến mất. Khi anh vào trong, có gì đó trong tôi rất khác. Lần đầu tiên trong đời, tôi không còn thấy sợ. Thay vào đó, tôi cảm nhận tình yêu chạy dọc cơ thể mình.

Căn bệnh nào cũng vậy, sẽ luôn tốt hơn khi bạn có người đồng hành. Và nó sẽ tốt hơn gấp bội khi người ấy cũng yêu bạn. Bởi yêu và tìm thấy tình yêu chưa bao giờ dễ; chỉ vào những lúc thật sự nguy khốn, ta mới thấy ai là người thật sự chấp nhận mình.

Sau ba năm kể từ lần đầu ấy, đời sống tình dục của chúng tôi cải thiện rất nhiều. Hiện tại, Khương vẫn âm tính và cuộc hôn nhân của chúng tôi không thể hạnh phúc hơn.

Được chấp bút bởi Cà Chua

“Yêu Mới Khó” do VAAC/Bộ Y Tế, PEPFAR/US. CDC tại Việt Nam, HAIVN và các tổ chức cộng đồng phối hợp thực hiện, là một chiến dịch y tế cộng đồng cấp quốc gia nhằm nâng cao nhận thức về phòng ngừa và điều trị HIV tại Việt Nam.

Bằng cách đặt những nỗi khó khăn trong tình yêu tương phản với sự dễ dàng, an toàn và hiệu quả của những phương pháp phòng ngừa HIV, chiến dịch mong muốn truyền đi thông điệp: khi được điều trị hiệu quả, HIV sẽ không thể lây truyền, và ai cũng có thể duy trì đời sống khỏe mạnh, dù kết quả xét nghiệm âm hay dương tính.

Chiến dịch cũng là một cái nhìn lạc quan về thời đại, khi HIV không còn là một rào cản trong các mối quan hệ, tình yêu và lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nữa.

Đồng hành cùng chiến dịch bằng cách theo dõi và chia sẻ các hoạt động sắp tới trên fanpage K=K, bạn nhé.

Để tìm hiểu thêm về chiến dịch, truy cập yeumoikho.com