Công dân Việt thắng kiện tại Hàn Quốc về thảm sát trong chiến tranh | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Công dân Việt thắng kiện tại Hàn Quốc về thảm sát trong chiến tranh

Các trang tin lớn như Arirang hay The Korea Times đồng loạt trích dẫn những mô tả chi tiết của tòa án về vụ thảm sát cùng với lời khẳng định: "Đây rõ ràng là một hành động phi pháp."
Công dân Việt thắng kiện tại Hàn Quốc về thảm sát trong chiến tranh

Nguồn: Báo Quảng Nam

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Vào ngày 7/2, Tòa án Trung ương quận Seoul đưa ra phán quyết yêu cầu chính phủ Hàn Quốc chi trả 30 triệu won (tương đương gần 24 ngàn đô) cộng thêm lãi suất do chậm bồi thường cho bà Nguyễn Thị Thanh - nạn nhân sống sót trong vụ thảm sát do lính Hàn Quốc gây ra tại Quảng Nam vào năm 1968.

Phát biểu sau buổi xét xử, bà Thanh xúc động nói: "74 linh hồn nạn nhân thảm sát Phong Nhị đã theo phù hộ cho tôi trong vụ kiện này, bây giờ họ đã được an ủi. Xin cảm ơn các luật sư và những người dân Hàn Quốc đã đồng hành cùng tôi suốt ba năm qua. Tôi rất vui mừng."

Bà Thanh kiện chính phủ Hàn Quốc vì tội ác chiến tranh từ tháng 4/2020, nhưng do đại dịch nên phải tới giữa năm 2022 vụ kiện mới có tiến triển. Bà là nạn nhân đầu tiên chính thức yêu cầu bồi thường và một lời xin lỗi chính thức từ giới chức Hàn.

2. Sự kiện này có ý nghĩa thế nào?

Phán quyết của Tòa án Trung ương quận Seoul đánh dấu lần đầu tiên một tòa án tại Hàn Quốc thừa nhận trách nhiệm pháp lý của nhà nước với sự kiện thảm sát trong quá khứ. Yêu cầu bồi thường của tòa án giống tương đương với sự công nhận những tổn thương mà nạn nhân phải trải qua, đồng thời thừa nhận sự cần thiết của việc bù đắp những vết thương đó.

08feb202320230207000725011jpg
Bà Thanh phát biểu trực tuyến trước truyền thông Hàn Quốc sau phiên xử. | Nguồn: Yonhap

Cho tới nay, chính phủ Hàn Quốc không công nhận những cáo buộc nhắm vào quân đội của họ trong giai đoạn tham chiến ở nước ta. Vì thế, ta có thể coi quyết định của tòa như một lời thừa nhận không chính thức.

3. Chính phủ Hàn Quốc biện hộ trước tòa thế nào?

Trong quá trình xét xử, với tư cách là bị đơn, chính quyền xứ sở kim chi đã đưa ra một số lập luận chính để bác bỏ tính chính danh của vụ kiện cũng như của sự kiện thảm sát. Những lập luận này sau đó đã bị tòa án bác bỏ.

Trước tiên, chính phủ Hàn Quốc cho rằng họ không thể chịu trách nhiệm pháp lý bởi những ràng buộc từ một hiệp ước mà Mỹ, Hàn Quốc, và chính quyền Sài Gòn ký kết vào thời điểm chiến tranh đang diễn ra. Tuy nhiên, Tòa án quận Seoul quyết định rằng những thỏa thuận ở cấp độ nhà nước không thể cản trở nỗ lực pháp lý của một công dân.

17aug2022171atdnjpg
Bức thư của tướng Westmoreland gửi lãnh đạo quân đội Hàn Quốc tại miền Nam Việt Nam về vụ thảm sát Phong Nhất - Phong Nhị. | Nguồn: Báo Thanh niên

Tới đây, phía Hàn Quốc viện dẫn luật nước này, trong đó nêu rằng các hành động pháp lý của nguyên đơn phải diễn ra trong khoảng thời gian 5 năm kể từ sự việc.

Luận điểm này không xác đáng do tòa án xác định bà Thanh không có năng lực thực hiện bất cứ hành động pháp lý nào từ thời điểm diễn ra vụ việc vào năm 1968, tới khi hết thời hạn kiện vào năm 1973. Vì thế, tính pháp lý của vụ việc không thể bị bãi bỏ.

4. Liệu vụ việc có khích lệ các nạn nhân khác đòi bồi thường?

Sau thông tin về phán quyết có lợi cho bà Thanh, nhiều người suy đoán rằng sự việc này sẽ cổ vũ nhiều nạn nhân của tội ác chiến tranh tại Việt Nam lên tiếng và đòi bồi thường. Với tư cách là nạn nhân Việt đầu tiên thắng kiện, bà Thanh có thể trở thành tấm gương cho nhiều bị hại khác.

Luật sư Lim Jae-sung - người đại diện của bà Thanh trong vụ kiện - không cho rằng vụ việc sẽ kích hoạt một phản ứng dây chuyền từ phía các nạn nhân Việt Nam. Theo ông, bên nguyên đơn phải có nghĩa vụ chứng minh cáo buộc của mình, và không phải nạn nhân nào cũng có thể làm được việc này.

08feb2023img12251jpg
Luật sư Lim Jae-sung (ngoài cùng bên phải) phát biểu trong buổi họp báo sau phiên xử. | Nguồn: Yonhap

Sở dĩ bà Thanh có thể thắng kiện là bởi vụ kiện tập hợp được nhiều nhân chứng, bao gồm cả bản thân bà với tư cách nạn nhân và một người thân từng phục vụ trong chế độ Sài Gòn. Chiến thắng của bà Thanh cũng là kết quả của nhiều cá nhân và tổ chức từ cả phía Việt Nam lẫn Hàn Quốc.

5. Truyền thông và công chúng Hàn Quốc tiếp nhận vụ việc ra sao?

Truyền thông Hàn rất quan tâm tới vụ việc này. Trong khi một số kênh như Arirang, Yonhap hay Korea Joongang Daily dừng lại ở việc tường thuật, một số đơn vị khác như KBS hay Korea Herald quan tâm tới các khía cạnh như quan hệ Hàn-Việt sau vụ việc, hay là lời khai chi tiết của các nhân chứng tại tòa.

Về phía công chúng Hàn Quốc, nhiều người bày tỏ sự ủng hộ với quyết định của tòa án và với bà Thanh. Sự đồng cảm của một bộ phận công chúng và truyền thông Hàn là một sự khích lệ lớn với những nạn nhân chiến tranh tại nước ta.

Bên cạnh đó, một đạo luật có tên "Đạo luật đặc biệt về điều tra các nạn nhân dân sự của quân đội Hàn Quốc trong chiến tranh Việt Nam" hiện đang chờ Quốc hội Hàn thảo luận và thông qua. Sự việc này cho thấy những thay đổi chậm nhưng chắc trong nhận thức của người Hàn về các vấn đề trong quá khứ như thảm sát, bạo lực tình dục thời chiến,...

Điều này không có nghĩa là không có những tiếng nói phản đối, đặc biệt là từ các cựu binh từng tham chiến ở Việt Nam. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc và chính phủ nước này vẫn chưa đưa ra phát ngôn chính thức nào.