Công thức nào dẫn đến thất bại? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
16 Thg 04, 2023
Chất Lượng Sống

Công thức nào dẫn đến thất bại?

Theo Mark Manson, khi có những hành vi và suy nghĩ mang tính phá hoại, chúng sẽ đeo bám bạn trong mọi lĩnh vực cuộc sống. Đây chính là nguyên tắc của sự thất bại.
Công thức nào dẫn đến thất bại?

Nguồn: Francisco Gonzal @ Unsplash

Được chuyển ngữ từ bài viết “10 Reasons Why You Fail” đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Hãy thử nghĩ về một điều bạn rất muốn đạt được, nhưng chưa thể thực hiện. Có thể bạn chưa hiểu rõ về nó, quá ngại để thử nó, hoặc đã thử và thất bại. Và có thể ngay bây giờ bạn đang mắc kẹt trong nó.

Chúng ta đều từng thất bại trong đời - cái này chắc tôi không cần giải thích thêm. Một số người thất bại ít hơn số còn lại, nhưng không có nghĩa họ chưa từng thất bại bao giờ. Số khác thì lặp lại một kiểu thất bại nhiều lần, đến mức trông như thể họ cố tình.

Hồi còn làm tư vấn cho người khác, tôi thường được hỏi về nguyên nhân thất bại phổ biến nhất tôi gặp phải. Một số người gặp vấn đề trong các mối quan hệ, số khác về tài chính hoặc lo âu. Nhưng vấn đề lớn nhất tôi gặp ở phần đông trong số họ lại không liên quan cụ thể đến mối quan hệ, tiền bạc hay sự tự tin.

Thực ra việc tìm ra cách mời ai đó đi hẹn hò thì không khó. Tìm cách bắt đầu kinh doanh, hoặc làm điều bạn ngần ngại cũng vậy. Nhưng để đối mặt với nỗi sợ bị bỏ rơi, thói quen độc hại về tiền bạc hoặc niềm tin hạn chế của bạn lại là một câu chuyện khác.

Khả năng cao là nếu bạn gặp vấn đề trong một khía cạnh của cuộc sống, nó sẽ lan sang các khía cạnh khác. Đây là nguyên tắc của sự thất bại: một khi bạn có những hành vi và suy nghĩ mang tính phá hoại, chúng sẽ “đeo bám” bạn từ khía cạnh này sang khía cạnh khác.

Sự ngần ngại hẹn người khác đi hẹn hò có thể “tiến hóa” thành nỗi sợ ngăn cản bạn chuyển sang một thành phố khác. Nó cũng là nguyên nhân bạn không dám chuyển công việc mới, rụt rè trước những đồng nghiệp độc hại hay gây hấn thụ động với người trong gia đình.

Kỳ thực là khi đối mặt với những cơ hội lớn nhất trong đời, hầu hết chúng ta đều run sợ. Vì vậy, chúng ta làm đủ cách để né tránh nỗi đau và áp lực - vốn là những thử thách hiển nhiên trên hành trình tiến tới ước mơ. Dưới đây là một số lý do phổ biến nhất khiến chúng ta thất bại:

Bạn sợ phải khác biệt với đám đông

Nhà triết học Ralph W. Emerson từng nói, “mọi xã hội đều có âm mưu chống lại sự tự lực của từng thành viên”.

Theo bản năng, chúng ta khó chịu khi người khác thay đổi, hay làm điều gì khiến ta thấy khó xử hoặc bất an. Vì vậy, việc thúc đẩy bản thân đạt tới phiên bản tốt nhất sẽ đe dọa sự tự mãn của họ, khiến họ chú ý đến những giấc mơ bị dập tắt của chính mình. Hệ quả thường thấy là họ nổi đóa và “chất vấn” bản thân - một vấn đề khó xử với đa số mọi người.

Tôi từng trò chuyện với một doanh nhân đã bắt đầu nhiều dự án kinh doanh online khác nhau. Một số thất bại, số khác kiếm ra tiền - nhưng tất cả đều là kết quả “mồ hôi nước mắt” của anh. Anh dành thời gian đi khắp thế giới và về nhà vào dịp lễ. Và mỗi lần anh về, bố anh lại bảo rằng anh phải “sống thực tế lên” và “kiếm một công việc bình thường”.

Triết lý đơn giản của cuộc sống là: nếu muốn làm điều gì đó phi thường, bạn phải thoải mái chấp nhận sự khác biệt với số đông.

14apr2023pexelsandreapiacquadio3764164jpg
Muốn làm được điều phi thường, bạn phải thoải mái chấp nhận sự khác biệt với số đông. | Nguồn: Pexels

Người ta sẽ nghĩ bạn kỳ cục, điên rồ, ích kỷ, kiêu ngạo, vô trách nhiệm… (điền nốt tính từ nào tiêu cực bạn nghĩ ra vào đây). Và những ai thân thiết nhất với bạn sẽ trở nên khắc nghiệt nhất. Nếu bạn không có ranh giới cá nhân rõ ràng, hoặc bạn không tự tin với những ý tưởng và mong muốn của chính mình, bạn sẽ khó lòng tiến xa được.

Bạn không đủ kiên trì

Năm 2009, nhà văn Karl Marlantes xuất bản Matterhorn - tiểu thuyết dựa trên trải nghiệm tham chiến của ông ở Việt Nam.

Cuốn sách thành công vang dội và được Thời báo New York gọi là “một trong những tiểu thuyết sâu sắc và tàn khốc nhất ra đời từ bất kỳ cuộc chiến nào”. Thậm chí Mark Bowden, tác giả cuốn Black Hawk Down lọt top bán chạy nhất nước Mỹ, còn tuyên bố đây là cuốn sách hay nhất từng viết về Chiến tranh Việt Nam.

Nhưng đằng sau những hào quang ấy, Marlantes đã mất 35 năm - hơn một nửa cuộc đời ông tính đến thời điểm đó - để xuất bản được Matterhorn. Ông phải viết lại bản thảo đến 6 lần. Và trong suốt 20 năm đầu tiên, nhà xuất bản nào cũng đọc nó rất qua loa rồi từ chối.

Hầu hết chúng ta đều từ bỏ điều mình đam mê quá sớm. Cứ hỏi bất kỳ ai thành công, họ luôn có một câu chuyện về sự đấu tranh và kiên trì để chia sẻ cùng bạn. Như ngạn ngữ cổ đã nói, chẳng điều gì đáng giá lại đến một cách dễ dàng.

Bạn thiếu sự khiêm tốn

Không ít người đạt được chút thành tựu là nghĩ mình đã trở thành chuyên gia. Trong khi đó, khiêm tốn là hiểu được rằng còn nhiều thứ bạn vẫn chưa biết. Đây là xu hướng tôi nhận thấy ở một số chủ doanh nghiệp online tôi gặp cách đây vài năm.

Những người hay khoe mẽ, thường xuyên “nhai lại” các thành tích đạt được và phóng đại chúng để thu hút sự chú ý đều thành công ở mức độ vừa phải. Tôi nói “vừa phải” vì không ít người trong số họ vẫn phải giữ nghề tay phải, hoặc ở nhờ nhà bố mẹ. Tuy nhiên họ luôn rất sẵn lòng chia sẻ sự tinh hoa của mình cho bất kỳ ai chịu lắng nghe.

Còn những người tự thân lập nghiệp và trở thành tỷ phú thực thụ lại thường thừa nhận những điều họ không biết. Họ không đánh giá cao thành công của mình (hoặc thậm chí không đề cập đến chúng). Thay vào đó, họ thường hay nói về các nhược điểm của mình, và cách họ không ngừng học hỏi thêm.

Điều này hoàn toàn không làm tôi ngạc nhiên.

14sep2022georgepakjpg
Khiêm tốn là một tiền đề quan trọng của thành công. | Nguồn: Unsplash

Bạn không xây dựng được các mối quan hệ chất lượng

Tôi là một người cô đơn lâu năm, và kiểm soát hơi chặt các dự án của mình. Dù nguyên nhân là sự bất an, ám ảnh hay chỉ đơn thuần là kiêu ngạo, tôi không muốn để bất kỳ ai tác động đến điều gì tôi đang làm hoặc đam mê.

Kiểu tư duy này phản tác dụng. Tôi từng có ước mơ làm nhạc sĩ chuyên nghiệp - một ngành dựa gần như hoàn toàn vào mạng lưới quan hệ (networking), và dĩ nhiên suy nghĩ này đã đánh chìm nó. Kể cả sau này khi kinh doanh online, tôi cũng đã bỏ lỡ nhiều cơ hội chỉ vì ngần ngại tiếp cận và kết nối với những người có thể giúp đỡ mình.

Khoảng một nửa nhân viên được tuyển mới sẽ quen biết một ai đó trong công ty vừa tuyển họ. Nhưng kể cả trong thế giới ngoài công việc, sự cô lập có thể nhanh chóng hủy hoại bạn.

Không kiếm được việc thì bạn trắng tay, nhưng không có ai chơi thì bạn sẽ trầm cảm. Và để xây dựng các mối quan hệ xã giao và lãng mạn, bạn cần có khả năng gặp gỡ và kết nối với người khác một cách có ý nghĩa. Theo một thống kê nổi tiếng, sự cô đơn có thể làm giảm tuổi thọ của bạn tương đương với việc hút 15 điếu thuốc mỗi ngày.

Bạn cãi lại lời khuyên thay vì thực hiện nó

Một tấm vé chắc chắn dẫn bạn đến thất bại: cố chứng minh mình đúng, thay vì chứng minh mình tốt. Điều này đúng với bất kỳ vấn đề gì.

Nếu bạn tập trung nhiều vào việc cãi lại những ai đang cố gắng giúp bạn hơn là cải thiện bản thân, thì bạn đã bỏ cuộc một cách hiệu quả. Nếu bạn đang tìm cách cãi lại nhận định trên, thì bạn vẫn chưa nhìn thấu vấn đề đâu.

14apr2023anhlefbwybyzq9c0unsplashjpg
Dù người khác góp ý có liên quan hay không, trước hết hãy đón nhận nó đã. | Nguồn: Unsplash

Để thành công trong bất cứ điều gì, bạn phải nắm rõ quy luật góp ý sau: thử một điều gì đó -> nhận kết quả và góp ý -> học từ chúng -> thử điều mới lại lần nữa.

Nếu thích tranh luận vì sao những gì bạn đã tin là đúng (dù thực tế nó không giúp ích gì), bạn sẽ phá vỡ quy luật này và không bao giờ chấp nhận góp ý. Vì vậy, bạn sẽ không bao giờ thay đổi được tình hình hiện tại.

Nói như vậy không có nghĩa bạn luôn phải làm theo lời khuyên của mọi người. Nhưng bạn nên đón nhận góp ý dù nó có liên quan hay không, chứ không nên cố gắng tranh luận để tỏ ra mình luôn đúng.

Những ai gặp vấn đề này thường rất thông minh, và cũng rất bất an. Đây là 1 combo tồi tệ, bởi một người càng thông minh thì càng biết cách hợp lý hóa những lời bào chữa nhảm nhí họ tự nghĩ ra cho chính mình. Họ cũng biết biến trí thông minh sẵn có thành cơ chế phòng thủ để bảo vệ cái tôi mong manh của mình.

Còn tiếp…