Crab mentality - Thà đạp đổ còn hơn để người khác ăn được | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Crab mentality - Thà đạp đổ còn hơn để người khác ăn được

Khi bị thả vào chiếc xô, thay vì cùng giúp nhau thoát nạn, những chú cua lại tìm cách kéo nhau xuống.
Crab mentality - Thà đạp đổ còn hơn để người khác ăn được

Nguồn: Rod Long @ Unsplash

1. Crab mentality là gì?

Crab mentality (/kræb mɛnˈtælɪti/, tạm dịch “tư duy con cua”) là phép ẩn dụ thể hiện sự ích kỷ, thiển cận ở hành vi con người khi thấy người khác thành công hơn mình. Theo đó, trong một nhóm xã hội, những người mang tư duy con cua sẽ cố gắng làm giảm sự tự tin của bất kỳ ai đạt được thành công vượt trội so với những người khác do ghen tị hoặc oán giận.

Trong tiếng Việt cũng có thành ngữ “không ăn được thì đạp đổ” mang ý nghĩa tương tự được áp dụng trong nhiều ngữ cảnh khác nhau. Chẳng hạn khi chia tay, một người có thể tìm cách hủy hoại, nói xấu người yêu cũ vì không đạt được tình cảm của họ.

2. Nguồn gốc của crab mentality

Thuật ngữ này được nhà văn Philippines Ninotchka Rosca phát minh khi bà quan sát hành vi của những con cua được thả vào một cái xô. Ninotchka nhận thấy nếu bà thả một con cua vào xô hoặc chậu, nó sẽ dễ dàng bò lên được.

Nhưng nếu thả vài con cua vào đó, không con nào bò lên được vì sẽ bị các con khác kéo xuống. Kết cục tất yếu là cả bầy cua sẽ cùng mắc cạn mà chết, do chúng cản trở lẫn nhau trong việc tìm cách thoát khỏi cái xô.

3. Vì sao crab mentality phổ biến

Trên thực tế, lối tư duy “không ăn được thì đạp đổ” xuất phát từ bản năng con người.

Theo chia sẻ của chuyên gia thần kinh Loretta G.Breuning trên Psychology Today, não bộ tiết ra oxytocin và serotonin khi ta ở thế mạnh, được nhiều người ủng hộ. Ngược lại, não sẽ ra tín hiệu cảnh báo bằng cortisol khi ta ở thế yếu. Nếu gặp những yếu tố không thuận lợi từ bên ngoài, lượng cortisol đủ lớn sẽ kích hoạt bản năng phòng vệ, dẫn đến suy nghĩ kéo người khác xuống để “loại bỏ” mối nguy.

Chính vì vậy, tư duy con cua khá phổ biến trong môi trường công sở, đặc biệt ở những nơi có tiêu chí thăng tiến không rõ ràng, văn hóa công ty bảo thủ và mang tính cạnh tranh cao. Trong những môi trường này, người được thăng chức hoặc có kinh tế khá hơn dễ bị các đồng nghiệp khác soi mói, ganh ghét. Nếu phát hiện khuyết điểm của đồng nghiệp, nhân viên cũng có xu hướng lợi dụng nó để “hạ bệ” lẫn nhau thay vì chỉ ra để giúp nhau cùng tiến bộ.

Hình tượng những chú cua cũng đã được Chris Freund, Tổng giám đốc Mekong Capital, đưa vào cuốn truyện ngụ ngôn Chuyện lẩu cua về đề tài văn hóa công sở. Lấy bối cảnh một bầy cua bị bắt thả vào nồi lẩu sôi, câu chuyện đã khắc họa quá trình từng chú cua - đại diện cho những kiểu tính cách khác nhau trong công sở - đi từ giẫm đạp lên nhau đến học cách hợp tác cùng kéo nhau thoát nạn.

24may2022cuajpg
Thay vì cùng nghĩ cách thoát khỏi nồi lẩu, những chú cua lại đạp lên mai hoặc chỉ trích lẫn nhau. | Nguồn: Chuyện Lẩu Cua

Một nghiên cứu ở Đại học Waikato (New Zealand) năm 2015 cũng đã chứng minh tác hại của tư duy con cua lên thành tích tập thể. Theo đó, sinh viên liên tục có thành tích kém hơn trong một hệ thống công khai và xếp hạng điểm của họ. Nguyên nhân là trong các bài tập đánh giá lẫn nhau (peer-review assessment), họ thường thông đồng chấm hạ điểm cho nhau để không ai có điểm cao nổi bật, từ đó tránh được việc bị bắt nạt.

Tuy nhiên khi nhà trường đổi sang một hệ thống báo điểm riêng cho từng người, các sinh viên đã cố gắng hơn và đánh giá bạn khác một cách khách quan hơn. Điều này khiến kết quả điểm trung bình cao hơn tới 18% so với những kỳ học trước.

4. Sử dụng crab mentality như thế nào?

Tiếng Anh

A: That guy kept saying I don’t deserve the promotion, and kept attacking me in office meetings these days.

B: Such crab mentality. If he wants to achieve more, he should work harder instead of dragging others down.

Tiếng Việt

A: Thằng đó cứ nói tôi không xứng được thăng chức, xong tìm đủ cách công kích tôi trong mấy buổi họp gần đây.

B: Đúng là tư duy con cua. Nếu muốn thành công hơn, nó nên cố gắng hơn thay vì kéo người khác xuống như vậy.