Crammer - Muốn đạt điểm cao, phải lao vào lò luyện | Vietcetera
Billboard banner

Crammer - Muốn đạt điểm cao, phải lao vào lò luyện

Ấy thế mà vẫn cứ "học tài thi phận" bao phen!
Crammer - Muốn đạt điểm cao, phải lao vào lò luyện

Nguồn: BBC

1. Crammer là gì?

Crammer là từ lóng của cram school, chỉ các “lò luyện thi” chuyên dạy nhồi nhét giúp học sinh nhanh chóng đạt mục tiêu điểm số. Đây là mô hình dạy thêm ngoài hệ thống trường phổ thông, thường phục vụ cho các kỳ thi chuyển cấp hoặc các chứng chỉ quốc tế như IELTS hay SAT. Cam kết đầu ra chắc ăn, giáo viên có tên tuổi cùng những bộ đề luyện “bách phát bách trúng” là những chiến lược giúp các lò luyện thu hút người học.

Crammer tồn tại ở nhiều quốc gia, nhưng phổ biến nhất ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Chỉ tính riêng tại Nhật Bản, có khoảng hơn 5000 lò luyện thi đang hoạt động. Ở Hàn Quốc, cứ 5 học sinh tiểu học thì có 4 em đi học thêm để nâng cao điểm số. Còn ở Trung Quốc, dạy thêm là một ngành công nghiệp trị giá hơn 2 nghìn tỷ Nhân dân tệ (khoảng 675 tỷ đồng).

Ở Việt Nam, tình trạng ngày học chính, tối học thêm cũng đã là chuyện như “cơm bữa”. Hiện nay thậm chí còn có các lò luyện trực tuyến với học phí từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng.

19sep2022bmjpg
Những hình ảnh chen chúc trong lò luyện đã không còn xa lạ mỗi mùa thi Đại học. | Nguồn: BM

2. Nguồn gốc của crammer?

Từ thế kỷ 14, gốc từ “cram” đã được sử dụng với nghĩa nhồi nhét vượt sức chứa. Đến khoảng năm 1865-70, cram được ghi nhận với nghĩa là học gạo, học nhồi lượng lớn kiến thức chỉ trong thời gian ngắn.

Ở nhiều trường đại học tại Anh và các nước Khối thịnh vượng chung (Commonwealth), sinh viên có một tuần tự học trước thềm các bài thi cuối kỳ (còn gọi là tuần swotvac). Cramming trở thành hình thức ôn luyện được nhiều sinh viên áp dụng thời điểm này. Nhiều trung tâm chuyên phục vụ cho mục đích ôn thi ở các cấp học khác nhau cũng từ đó mà ra đời.

Crammer là tiếng lóng, còn cram school thường được dùng trong văn cảnh chính thống hơn. Ngoài ra, phiên bản “lò luyện” ở Trung Quốc được gọi là bổ tập ban (补习班), còn ở Hàn Quốc là hagwon (학원).

3. Vì sao crammer phổ biến?

Mô hình học phổ biến trong các lò luyện thi là giáo viên giảng và giao bài, còn học sinh nghe chép, “cày” đề thi. Đặc biệt với các lớp gần chục đến trăm người, chuyện giơ tay phản biện hay đặt câu hỏi gần như là không thể. Vì vậy, các bài học ở đây hầu như thiên về việc luyện chiến lược và bí quyết đạt điểm cao hơn là trau dồi kiến thức và truyền cảm hứng.

Tuy lò luyện thi gây tranh cãi về cách học một chiều, khuôn mẫu nhưng nó vẫn là một phần quen thuộc của nhiều đời học sinh. Sự ăn sâu này có thể xuất phát từ ba nguyên nhân chính:

Áp lực vào đại học để đổi đời

Ở hầu hết các nước Á Đông, nền giáo dục khoa bảng đã phát triển cùng với văn hóa, lịch sử. Từ thời Hậu Lê ở Việt Nam, các kỳ thi hương, thi hội và thi đình đã được tổ chức quy củ nhằm chọn ra người tài phụng sự đất nước. “Một người làm quan, cả họ được nhờ”, những người đỗ đạt cao trong các kỳ thi này thường được xã hội tôn vinh, người thân nở mày nở mặt.

Ngày nay nhiều người vẫn quan niệm để làm to thì cần học cao. Tấm bằng đại học dần trở thành tấm vé duy nhất để đổi đời. Nhiều gia đình không ngại chi nhiều tiền bạc và thời gian cho con em học thêm để đỗ vào các trường chuyên, lớp chọn hoặc đại học top đầu.

19sep20224044306260572ad848fabhjpg
Một kỳ thi Hương ở Nam Định năm 1901. | Nguồn: Vietnamplus

Hiện nay đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công. Dù vậy, hiện tượng phân biệt bằng cấp vẫn xảy ra phổ biến trong đời sống. Theo một khảo sát của Đại học Harvard, khoảng 61% nhà tuyển dụng đã từ chối những ứng viên có kỹ năng và kinh nghiệm chỉ vì họ không có bằng đại học.

Ở Hàn Quốc thậm chí có câu nói nổi tiếng “Nếu ngủ 3 tiếng mỗi đêm, bạn có thể mơ tới việc trở thành một phần của S.K.Y (tên gọi tắt của 3 trường đại học hàng đầu nước này). Nếu ngủ 4 tiếng, bạn có thể đỗ vào các trường khác. Còn ngủ 5 tiếng hoặc hơn, thì hãy quên ngay ý định bước chân vào cánh cổng đại học”.

Học trên trường là chưa đủ

Trong đề thi tốt nghiệp THPT, kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa thường chiếm xấp xỉ một nửa dung lượng bài thi. Phần còn lại là kiến thức mở rộng, nâng cao và ứng dụng bên ngoài. Ngoài kỳ thi tốt nghiệp, nhiều học sinh còn phải tham gia các bài đánh giá năng lực và các kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ.

Trong khi đó, thời gian trên lớp quá ít ỏi để giáo viên dạy trọn vẹn và chi tiết nội dung học. Chưa kể, họ không thể bao quát hết một lớp đông đúc học sinh. Do đó, nếu học sinh không đi học ngoài thì sẽ khó đạt được điểm cao.

Giáo viên cần thêm thu nhập

Theo nghiên cứu của Value Champion năm 2019, Việt Nam đứng cuối bảng ở hạng mục thu nhập của giáo viên trung học cơ sở-phổ thông. Lương giáo viên chỉ đạt trung bình gần 1800 USD/năm, tương đương 70% GDP bình quân đầu người cả nước.

Dù đã có nhiều chính sách nâng mức lương tối thiểu của giáo viên, nó vẫn không đáp ứng được các nhu cầu tối thiểu trong thời buổi bão giá. Trong khi đó, việc dạy thêm có thể mang lại cho giáo viên nguồn thu từ vài triệu đến vài chục triệu mỗi tháng. Ưu thế kiếm tiền sẽ càng lớn nếu họ giảng dạy các môn học có nhu cầu cao, liên quan đến thi cử. Thậm chí, nhiều thầy cô còn chọn “bao xô”, dạy nhiều môn học tích hợp vì kế sinh nhai.

4. Cách dùng crammer?

Tiếng Anh

A: Back in year 12, I had to study until 10pm every day to prepare for the university entrance exam.

B: Me too. I had to go to the crammers all weekend. It still haunts me to this day.

Tiếng Việt

A: Hồi lớp 12, ngày nào tớ cũng phải học đến 10 giờ tối để chuẩn bị cho kỳ thi đại học.

B: Tớ cũng thế, phải đi học “lò” vào cả mấy ngày cuối tuần. Giờ nghĩ lại vẫn còn sợ.