MET Gala là sự kiện thường niên được tổ chức tại New York. Mục đích lớn nhất của MET Gala chính là gây quỹ thường niên cho Viện trang phục của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan.
Sự kiện quy tụ đông đảo những gương mặt nổi tiếng nhất hành tinh. Năm nay, những ai không phải là ngôi sao nếu muốn tham gia phải chi số tiền từ 35.000 USD. Vẫn có rất nhiều người khao khát có được tấm vé bước chân vào MET vì đây là nơi quy tụ những nhân vật máu mặt mà khi có networking tốt sẽ mở ra rất nhiều cơ hội.
MET Gala cũng không phải sự kiện duy nhất mà giới giàu sang, tinh hoa hội tụ mà còn có những đêm hội đấu giá, tiệc doanh nhân, hội tỉ phú, CLB các quý bà sành điệu,…
Thực tế, tham gia những buổi tiệc dạng này luôn đòi hỏi chúng ta phải biết thể hiện bản thân đúng cách. Mỗi buổi tiệc tuy có những tính chất khác nhau nhưng điểm chung là tụ họp những con người sành sỏi trong một lĩnh vực nào đó. Chỉ một cái liếc nhìn họ cũng biết mong muốn của bạn là gì.
Vậy nên, để không trở nên lúng túng, tự làm giảm giá trị bản thân, bạn cần chuẩn bị để thể hiện thật chuyên nghiệp trong thời gian sự kiện diễn ra. Chúng ta có thể bắt đầu bằng việc hiểu đúng về dresscode.
Học cách giải mã…dresscode!
Yêu cầu trang phục cho từng buổi tiệc là khác nhau và chúng không đơn giản như những gì trên thiệp đã ghi. Dresscode đôi lúc chỉ là một màu sắc cụ thể hoặc chỉ chung chung là ăn mặc trang trọng. Bạn cần nhìn rộng hơn và giải mã thông điệp này chuẩn xác.
Bạn nên nghiên cứu kỹ chủ đề và mục đích của tiệc. Đơn cử như MET Gala là nơi để phô trương, làm quá một chút với những trang phục. Tuy nhiên, MET là một trường hợp đặc biệt của thời trang, còn hầu hết chúng ta sẽ chỉ tham gia những sự kiện mà ở đó đòi hỏi ăn mặc trang trọng, lịch sự.
Nhà phê bình thời trang của The New York Times Vanessa Friedman gợi ý rằng nếu bạn được mời đến những buổi tiệc mang tính chất kết nối, doanh nhân, bàn chuyện làm ăn thì nên chọn suit sẫm màu cho nam, váy bút chì dành cho nữ.
Những buổi tiệc lớn, trang trọng thường có dresscode theo hai phong cách là White Tie và Black Tie. Với Black-Tie, nam giới nên chú ý chọn tuxedo với chất liệu tốt (thay vì suit thông thường) với các màu tối như đen, hoặc xanh đậm.
Kế đến, đừng quên quần Âu, giày Tây và tránh xa quần jean, giày sneaker. Với nữ, bạn có thể chọn đa dạng về màu sắc váy hơn nhưng nhớ độ dài không được ngắn quá gối.
Với White-Tie thì có phần khó hơn bởi nó thường là dresscode cho những buổi tiệc siêu xa hoa. Với phong cách này, bạn cần tuân thủ một số yêu cầu như áo đuôi tôm cho nam giới, đi kèm với áo gile trắng, áo sơ mi. Trong khi đó nữ cần chú ý đến các kiểu đầm dài chấm gót và giày cao gót là lựa chọn phù hợp.
Những “chiếc bẫy” bên trong thức uống
Trong bộ phim Startup về đề tài khởi nghiệp, nhân vật nữ chính lần đầu tham gia tiệc doanh nhân nên đã rất lúng túng khi chọn nước. Hậu quả là cô đã uống phải một món uống không phù hợp và liên tục nhăn mặt.
Bạn cũng có thể chính là cô gái hậu đậu ấy khi tham gia những buổi tiệc sang trọng. Bởi thức uống được phục vụ không phải là trà sữa hay nước ngọt mà thường là các loại rượu, cocktail.
Vậy nên, để an toàn, bạn có thể hỏi nhỏ nhân viên phục vụ về các loại đồ uống trong tiệc. Họ sẽ là những người hăng hái hướng dẫn bạn. Khi trên tay bạn đã có nước, bạn sẽ thoải mái đi ngoại giao và không ngại bị ai đó bất ngờ mời loại nước mà mình không uống được.
Còn nếu đứng cùng một đám đông, ai cũng nhanh tay chọn lấy một ly nước, bạn thường sẽ FOMO và làm theo.
Nhưng ngay sau đó, bạn có thể cầm ly nhưng không uống hoặc thay đổi loại nước khác bằng một vài câu chống chế như “tôi đã dành cơ hội cho loại nước này nhiều lần nhưng mãi vẫn chưa thể quen được với nó.”
Tiệc cao cấp không thích nghe chuyện “nhạt”
Debra Fine, diễn giả và tác giả của sách Nghệ thuật nói chuyện nhỏ (The fine art of small talk) cho biết đừng bao giờ đi đến một buổi tiệc nếu bạn không có hai hoặc ba câu chuyện để nói. Những chủ đề này có thể là mọi thứ mà bạn cảm thấy thú vị và có thể chia sẻ cho người đối diện.
Nếu đã xem bộ phim về đời sống tài phiệt Inventing Anna, bạn sẽ biết Anna từng “hạ gục” một con mồi khi đưa ra một nhận xét trái chiều về một bức tranh mà chủ tiệc yêu thích.
Điểm khác biệt của những buổi tiệc cao cấp, thượng lưu là những thứ được nói ra thường lạ lùng, hấp dẫn. Những chủ đề quá bình dân, đời thường hiếm khi tạo ra ấn tượng.
Vậy nên, bạn có thể tham khảo chủ đề của tiệc và tìm một chủ đề, đào sâu nó một chút để những gì bạn nói ra thật mới mẻ, thú vị. Tuy nhiên, bạn cũng cần phải để ý đến những chủ đề nào nên và không nên nói.
Daniel Post Senning, chuyên gia về phép xã giao chia sẻ với tờ The New York Times về các tầng chủ đề mà bạn có thể chia sẻ khi tham gia bất kì một buổi tiệc nào. Tầng đầu tiên là khu vực an toàn, những chủ đề bạn có thể nói là thể thao, văn hóa đại chúng, về một nhân vật nổi tiếng nào đó đang được bàn tán,...
Đến tầng thứ hai được gọi là những chủ đề có khả năng gây tranh cãi chẳng hạn như tôn giáo, chính trị,… Ở tầng này, hãy sử dụng thủ thuật thăm dò để xem mức độ tiếp nhận của đối phương. Và tầng cuối cùng bao gồm những chủ đề riêng tư, cá nhân nhất như gia đình, tài chính, các mối quan hệ,…
Đối nhân xử thế với những đề nghị khiếm nhã
Những buổi tiệc cao cấp, sang chảnh không đồng nghĩa với việc tất cả khách mời đều cư xử lịch thiệp. Với những cặp mắt cáo già, họ hoàn toàn có thể nhận ra đâu là người mới và có những cách tiếp cận khác nhau.
Cụ thể hơn, trong bộ phim về cuộc sống của cô nàng Emily tại Paris (Emily in Paris) cũng có một cảnh cô tham gia một buổi tiệc xa xỉ. Cô nhanh chóng lọt vào tầm ngắm và nhận lời mời gọi của Antoine, một người đàn ông trăng hoa.
Vấn đề là chúng ta phải cư xử thế nào để không làm mất mặt người còn lại. Người chịu trách nhiệm nội dung cao cấp tại Vox Rachel Wilkerson Miller cho biết từ chối lời mời có thể khiến bạn cảm thấy căng thẳng hoặc cảm thấy tội lỗi vào lúc đó, nhưng bạn không nhất thiết phải như vậy.
Việc này chỉ đơn giản là bạn thấy không phù hợp và từ chối. Dần dần bạn sẽ nhận ra việc khước từ cũng chẳng ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ của bạn. Thông thường, chúng ta sẽ đưa ra lời từ chối một cách lịch sự, lờ đi nơi khác và hòa vào một cuộc nói chuyện mới.
Có một quy tắc trong ngành hàng xa xỉ có thể giúp ích cho bạn khi nhận những đề nghị khiếm nhã. Đó là giới siêu giàu thích sưu tầm những gì ngoài tầm với, càng khó họ lại càng có mong muốn chinh phục. Không phải ngẫu nhiên mà túi Hermes Birkin lại được săn lùng vì đơn giản không phải ai cũng được Hermes cấp cho quyền mua chiếc túi này.
Tương tự với các mối quan hệ cũng vậy, sức hấp dẫn bởi những thử thách để sở hữu chứ không nằm ở một cái gật đầu quá nhanh chóng. Vì vậy, bạn từ chối những đề nghị khiếm nhã không chỉ giúp bạn thoát khỏi những tình huống không tốt mà còn giúp bạn trở nên có sức hút hơn.
Cẩn thận với chiếc điện thoại
Những buổi tiệc riêng tư hay sự kiện khách mời giới hạn có một quy tắc ngầm trong việc sử dụng điện thoại. Yếu tố kín đáo, bí mật tạo nên danh tiếng cũng như giá trị cho những buổi tiệc dạng này.
Vậy nên, livestream, liên tục đăng tải hình ảnh của người nổi tiếng với những khoảnh khắc riêng tư là điều không nên làm. Tại MET Gala 2022, những quy định về việc cấm sử dụng điện thoại bên trong buổi tiệc thậm chí còn được thông báo rộng rãi cho khách mời.
Có thể nói, những gì xảy ra ở tiệc hãy để nó mãi ở đó. Bạn có quyền đăng ảnh mình trên thảm đỏ, tại khu vực chụp hình nhưng có những khoảnh khắc riêng tư, những chia sẻ cần được giữ kín thì nên cẩn trọng. Điều này không chỉ giúp giữ hình ảnh của sự kiện bạn tham gia mà nó còn là dấu hiệu cho thấy bạn là một người đáng tin, kín đáo.
Điều cuối cùng, bạn không cần che giấu những lần đầu tham gia tiệc xa hoa của mình. Chúng ta đừng nên gồng mình lên để trở thành một người có nhiều kinh nghiệm đi tiệc.
Bởi ai cũng cần một khoảng thời gian để học hỏi và hoàn thiện các quy tắc ứng xử khó nhằn, tiểu tiết mà các buổi tiệc xa xỉ hay sự kiện dành riêng đề ra. Bạn chỉ cần giữ tâm thế thoải mái, một thái độ cởi mở để trải nghiệm những điều thú vị lẫn bất ngờ mình sẽ trải nghiệm.