Định nghĩa lại “Pitch” cho các nhà khởi nghiệp và quỹ đầu tư | Vietcetera
Billboard banner
08 Thg 12, 2022

Định nghĩa lại “Pitch” cho các nhà khởi nghiệp và quỹ đầu tư

Dường như vẫn còn nhiều người chưa hiểu hết ý nghĩa và các hình thức pitch hiện nay. Pitch không còn chỉ nằm trong khuôn khổ các cuộc thi gọi vốn khởi nghiệp nữa.
Định nghĩa lại “Pitch” cho các nhà khởi nghiệp và quỹ đầu tư

Nguồn: Thirdman/Pexels

Pitch là một khái niệm xuất phát từ môn bóng chày, chỉ hành động “ném bóng” của vận động viên. Từ này ban đầu được sử dụng trong giới startup với ý nghĩa là các nhà sáng lập truyền đạt ý tưởng và tiềm năng phát triển startup của mình tới nhà đầu tư trong một khoảng thời gian ngắn. Nói cách khác là họ “ném bóng” nhằm đạt mục đích ghi bàn “homerun,” tức là “nhận được đầu tư.”

Tuy nhiên, sau này mục đích của việc pitching đã được mở rộng hơn.

Startup không chỉ pitch với các nhà đầu tư trong các cuộc thi với mục đích gọi vốn

Họ còn pitch với khách hàng hay các đối tác, nhân viên để họ ủng hộ cho sự phát triển của startup.

Dưới đây mình tổng hợp 3 hình thức pitch phổ biến hiện nay để các bạn hiểu được bức tranh toàn cảnh.

Nguồn Genesis Ventures
3 Hình thức pitch phổ biến trong giới startup. | Nguồn: Genesis Ventures.

Là nhà đầu tư khởi nghiệp, ngoài có mặt tại các cuộc thi khởi nghiệp, mình còn thường nhận pitch deck (tài liệu giới thiệu startup), để từ đó chọn ra đâu là startup mình muốn có buổi họp đầu tiên với nhà sáng lập. Trong một ngày, mình có thể nhận được và đọc không dưới 10 bản pitch. Mình tin là nhiều nhà đầu tư lâu năm hơn còn nhận được nhiều hơn.

Thường để có một buổi họp với nhà đầu tư, các nhà sáng lập sẽ chủ động liên lạc trực tiếp qua các quỹ, hoặc là thông qua giới thiệu từ người quen chung với nhà đầu tư đó. Ngoài ra, họ có thể tiếp cận các nhà đầu tư thông qua các sự kiện, cuộc thi khởi nghiệp, sau đó sẽ gửi pitch deck.

Pitch (qua meeting với nhà đầu tư) không chỉ là giới thiệu startup

Để có được buổi gặp mặt đầu tiên là một chặng đường dài với nhiều nỗ lực, nên mình luôn muốn mỗi buổi gặp với nhà sáng lập họ được nhận lại xứng đáng nhất với thời gian và công sức bỏ ra cho pitch của mình.

Thế nhưng thực tế là trong nhiều buổi gặp mặt kiểu này, cả nhà sáng lập và nhà đầu tư thường lại dành rất nhiều thời gian để giới thiệu tìm hiểu lẫn nhau từ đầu, về những thứ cơ bản có thể trình bày trước trong pitch deck, như vấn đề sản phẩm giải quyết, thị trường, đối thủ,... Mình muốn định nghĩa lại “startup pitch” dành cho nhà sáng lập và nhà đầu tư.

Đó là nếu pitcher (người ném bóng) là nhà sáng lập đã rất nỗ lực để rèn luyện và chuẩn bị cho cú “ném bóng” thì “người bắt bóng” là nhà đầu tư cũng cần phải nỗ lực bằng hoặc hơn để cả hai cùng tung hứng được. Tức là những buổi pitch với nhà đầu tư, không nên chỉ là một buổi “trình bày” – một người nói, một người nghe, mà nên là một buổi thảo luận tung hứng giữa hai bên dựa trên hiểu biết đầy đủ trước đó về startup.

Ví dụ ở quỹ đầu tư của mình, nếu có buổi họp lần đầu tiên với nhà sáng lập, mình sẽ liên lạc trước đó 1 tuần với họ để tự tìm hiểu và nghiên cứu thêm về pitch deck. Tới buổi họp thì thường nội dung họp sẽ như sau:

  1. Nhà đầu tư giới thiệu về quỹ (3 phút).
  2. Nhà sáng lập pitch về startup của mình ( 30 giây ~ 1 phút). Đôi khi bước này được bỏ qua, vì nhà đầu tư đã đọc hết thông tin ở pitch deck trước đó rồi. Nhưng nếu cần “có đà” cho cuộc thảo luận dài phía sau, hai bên vẫn có thể giữ lại phần pitch này.
  3. Hai bên cùng thảo luận sâu về chiến lược phát triển, cách tăng khách hàng và mở rộng thị trường hay cách để thắng đối thủ... (56 phút)

Đương nhiên là không phải lúc nào cũng chặt chẽ từng phút như vậy, nhưng mình luôn muốn dành nhiều nhất thời gian để trao đổi thảo luận sâu về các chiến lược đưa startup đó phát triển.

Việc dành nhiều thời gian này vừa giúp cho nhà sáng lập có thêm nhiều ý tưởng phát triển startup của mình, đồng thời giúp nhà đầu tư kiểm tra được khả năng lĩnh hội, tư duy của nhà sáng lập, và tiềm năng đi lâu dài giữa hai bên.

Kết

Mục đích của pitch gặp mặt nhà đầu tư không chỉ đơn giản là gọi vốn, mà có thể là tìm nhà đồng hành, người hiểu rõ và có thể cùng thảo luận để đóng góp cho sự phát triển của startup. Với mình, đó mới là “định nghĩa” trọn vẹn hơn của pitch.

Ở quỹ đầu tư Genesia Ventures của mình, các nhà sáng lập luôn được chào đón để cùng ngồi xuống thảo luận về khả năng đi cùng với nhau. Nếu bạn có pitch deck muốn gửi thì có thể liên lạc với mình qua website, hoặc gửi booking họp với mình trực tiếp qua Facebook hoặc blog.