Festive Anxiety - Mùa lễ hội vui mà lòng mình trái ngang | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Festive Anxiety - Mùa lễ hội vui mà lòng mình trái ngang

Cùng niềm vui và sự phấn khích, mùa lễ hội cuối năm cũng mang đến cảm giác lo âu, buồn bã cho không ít người.
Festive Anxiety - Mùa lễ hội vui mà lòng mình trái ngang

Nguồn: South China Morning Post

1. Festive anxiety là gì?

Đây là thuật ngữ miêu tả cảm giác căng thẳng, lo lắng kèm tâm trạng ủ dột khi mùa lễ hội cuối năm tới gần. Một số triệu chứng phổ biến khác có thể kể đến ăn uống thất thường, cảm xúc lên xuống và xu hướng dùng đồ uống có cồn gia tăng. Theo báo cáo của Đại học UCL (Anh), tình trạng này ảnh hưởng tới khoảng 40% dân số thế giới, chủ yếu tập trung ở Bắc bán cầu.

Tại các quốc gia phương Tây, mùa lễ hội kéo dài từ tháng 11 tới tháng 1 năm sau, khi 3 ngày lễ quan trọng diễn ra: lễ Tạ ơn, Giáng sinh và năm mới. Còn tại Việt Nam, mùa lễ hội tính từ rằm tháng Chạp theo âm lịch cho tới hết “tháng Giêng ăn chơi”.

Dù vậy nhờ ảnh hưởng quá trình toàn cầu hóa, không khí Giáng sinh ở Việt Nam cũng trở nên rõ rệt hơn trong những năm gần đây. Điều này khiến không ít người gặp festive anxiety ngay từ cuối năm dương lịch, kéo dài tới hết Tết.

2. Nguồn gốc của festive anxiety

Theo tác giả Steven Poole chia sẻ trong cuốn sách A Word For Every Day of the Year, festive vốn xuất phát từ tiếng Latin festum, có nghĩa là “lễ hội”. Nhưng khi bắt đầu xuất hiện trong tiếng Anh ở thế kỷ 17, festive lại mang nghĩa là tụ tập ăn uống (vì chúng ta luôn ăn uống trong lễ hội), và cũng là nguồn gốc của từ feast (bữa tiệc).

Từ khoảng thế kỷ 19, festive season dùng để chỉ thời gian từ tháng 11 tới tháng 1 nói trên. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra ở đây là, trong một năm có rất nhiều lễ hội, vì sao chỉ có giai đoạn này được gọi là festive season? Và tại sao cũng chỉ ở giai đoạn này, festive anxiety mới xuất hiện?

30nov2023fdytawouuait3aejpg
Lễ hội thì nhiều, nhưng vì sao chỉ lễ hội cuối năm mới xuất hiện festive anxiety? | Nguồn: Gemma Correll @ X

Theo một nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), mùa lễ hội rơi vào mùa đông khắc nghiệt ở Bắc bán cầu. Vì vậy con người có xu hướng ăn nhiều hơn, và mong muốn ở gần người khác để bù đắp năng lượng và chống chọi cái rét. Việc thiếu đi những điều này bị coi là mối nguy hại với bản năng sinh tồn, từ đó kích thích cảm giác lo âu, sợ hãi.

Thêm vào đó, khoảng cách giữa các ngày lễ ở thời điểm này khá ngắn. Điều này khiến không ít người bị “quá tải” cảm xúc, đặc biệt khi dư âm lễ Giáng sinh chưa qua thì năm mới đã tới.

3. Vì sao festive anxiety phổ biến?

Các dữ liệu của Google Trends về festive anxiety từ năm 2020 đã cho thấy, từ khóa này được tìm kiếm nhiều nhất vào hai tuần đầu tiên của tháng 12. Google cũng gợi ý nhiều cụm từ mang ý nghĩa tương tự, như holiday anxiety hay Christmas blues.

Trên TikTok, hashtag #festiveanxiety đạt tới gần 30 nghìn lượt tương tác. Đa số người dùng chia sẻ trải nghiệm của họ về trạng thái này và tìm kiếm lời khuyên. Video đến từ tài khoản @healingtheanxiousmind đã nhận về gần 700,000 lượt xem, cùng nhiều bình luận đồng cảm về mùa lễ hội mệt mỏi trong một năm kinh tế buồn.

Tài khoản @MohammadHussain lại chia sẻ một góc nhìn hài hước hơn trên X. Vốn là người Hồi giáo, anh chưa từng biết Noel là gì cho tới khi sang Canada, và được “mục sở thị” những đầu việc phải làm để chuẩn bị cho ngày lễ. Anh từng nghĩ Noel chỉ đơn giản là trang trí cây thông, nhưng hóa ra còn đi kèm với trang hoàng nhà cửa, và dành một số tiền rất lớn để mua quà.

30nov2023screenshot20231130143011jpg
Đón Giáng sinh không đơn giản như bạn nghĩ. | Nguồn: Mohammad Hussain @ X

Thực tế việc chi tiêu mùa lễ hội làm không ít người đau đầu, đặc biệt trong suy thoái kinh tế, nhiều người mất đi nguồn thu nhập. Bên cạnh đó, bạn cũng có nguy cơ gặp festive anxiety cao hơn nếu gặp biến cố lớn trong năm, hoặc đến từ một gia đình không mấy hạnh phúc.

Đơn cử việc phải đối mặt với những câu hỏi về thu nhập, tình duyên, hoặc bị so sánh với những anh chị em khác trong các cuộc họp gia đình đã đủ khiến chúng ta căng thẳng. Và với những ai còn độc thân, việc chứng kiến người khác tay trong tay đi dạo phố đêm Noel cũng là một niềm đau không hề kém cạnh.

Thế phải làm sao khi mùa lễ hội ta chẳng được vui như bao người?

Đọc thêm: Mùa lễ hội đến mà bạn chẳng vui, làm sao để đối mặt?

4. Cách dùng festive anxiety?

Tiếng Anh

A: I think I'm suffering from festive anxiety. Tet is coming, and there are so many things to buy.

B: No worries. I have heard that our company would have a big Tet bonus for employees.

Tiếng Việt

A: Chắc mình bị lo âu mùa lễ hội. Sắp Tết rồi mà có bao nhiêu thứ phải sắm sửa.

B: Không cần lo đâu, mình vừa nghe được năm nay công ty mình tưởng Tết to mà.