Mùa lễ hội đến mà bạn chẳng vui, làm sao để đối mặt? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
08 Thg 12, 2023
Tâm Lý Học

Mùa lễ hội đến mà bạn chẳng vui, làm sao để đối mặt?

Làm sao khi lễ hội đến mà mình chẳng được vui như mọi người?
Mùa lễ hội đến mà bạn chẳng vui, làm sao để đối mặt?

Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Nhắc đến mùa Giáng sinh và năm mới, bạn nghĩ đến điều gì? Những cửa tiệm trang trí rực rỡ, những cuộc gặp mặt, những bài hát Giáng sinh vang vọng khắp nơi hay các đôi tay trong tay dạo phố đêm Noel?

Tất cả những điều ấy vẽ nên một câu chuyện cổ tích mùa lễ hội, mà truyền thông vẫn kể cho chúng ta bao đời nay. Có điều câu chuyện ấy đã bỏ quên những con người, mà hạnh phúc vốn dĩ đã là điều xa xỉ với họ. Đối với nhiều người, mùa lễ hội cuối năm là thời điểm “ác mộng”, bởi nó gây ra nỗi lo mang tên festive anxiety (tạm dịch: nỗi lo mùa lễ hội).

Festive anxiety là gì?

Đây là hiện tượng căng thẳng, lo lắng kèm tâm trạng ủ dột khi mùa lễ hội cuối năm tới gần. Một số biểu hiện của festive anxiety có thể kể đến đau đầu, đau bụng, toát mồ hôi, ăn ngủ thất thường và cảm xúc không ổn định. Một số người có xu hướng dùng đồ uống có cồn hay chất kích thích nhiều hơn, nhằm “thoát ly” khỏi thực tại.

Festive anxiety thực ra phổ biến hơn bạn nghĩ. Theo báo cáo của Đại học UCL (Anh), tình trạng này ảnh hưởng tới khoảng 40% dân số thế giới, chủ yếu tập trung ở Bắc bán cầu. Một khảo sát của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) cũng cho thấy, 45% người tham gia có cái nhìn tiêu cực về mùa lễ hội cuối năm.

Điều gì dẫn đến festive anxiety?

Trời tối nhanh, thiếu sáng ảnh hưởng tới cơ thể

Ở Bắc bán cầu, lễ Giáng sinh rơi vào mùa đông - thời điểm tiết trời lạnh giá, ngày ngắn đêm dài. Những yếu tố này đã đủ làm rối loạn một số hormone trong cơ thể, gây ra trầm cảm theo mùa.

Một nghiên cứu của NIH cũng cho thấy, những môi trường tối nhưng có lượng lớn ánh sáng nhân tạo và màu sắc rực rỡ có thể gây căng thẳng nếu tiếp xúc quá nhiều. Nguyên nhân bởi nó tạo ra sự tương phản cực độ khiến thị lực khó điều tiết, tạo cảm giác rối loạn trong não. Và những ánh đèn, quả châu trang trí Noel trong đêm tối chính là một ví dụ như vậy.

Không phải ai cũng có gia đình hạnh phúc

Dù là mùa Giáng sinh ở phương Tây, hay mùa Tết ở Việt Nam đều có chung đặc điểm là những cuộc tụ họp với người thân, bạn bè ở quy mô lớn và thường xuyên. Vì vậy nếu đến từ gia đình mất chức năng, mùa lễ hội có thể thực sự trở thành ác mộng với bạn.

Với một số người, chỉ riêng nghĩ đến việc phải gặp mặt những thành viên gia đình độc hại là đã đủ khiến họ stress. Số khác lại mệt mỏi khi bị “chất vấn” về công việc, tình duyên hoặc bị so sánh với các anh chị em khác trong nhà.

Một nguyên nhân khác mà nghiên cứu của NIH chỉ ra là tư duy hồi quy (regression). Theo đó khi trở về căn nhà thời thơ ấu và dành thời gian bên bố mẹ/anh chị em, não bạn “reset” về trạng thái tư duy khi còn nhỏ. Nhưng giờ bạn đã là người lớn, đã có những quan điểm trái ngược với cách tư duy ấy. Sự mâu thuẫn nội tâm này có thể dẫn tới nghi ngờ và hiểu lầm lẫn nhau.

Căng thẳng vì vấn đề tài chính

Mùa lễ hội là thời điểm bạn có 7749 khoản phải chi: tiền quà cáp cho gia đình, bạn bè và đối tác công việc; tiền sửa chữa, trang trí nhà cửa hay “tút tát” lại nhan sắc chính mình.

Những khoản này cộng lại là một số tiền không hề nhỏ, khiến nhiều người đau đầu. Điều này đặc biệt đúng trong bối cảnh kinh tế suy thoái, làm nhiều người mất đi nguồn thu nhập.

01dec2023intext1jpg
Năm nay là một năm kinh tế buồn, và sẽ càng “sầu” hơn với nhiều người trong mùa lễ hội

Bạn trải qua biến cố lớn trong năm

Nếu năm vừa qua bạn gặp phải biến cố lớn như mất người thân, mất việc hay đổ vỡ tình cảm, thì có lẽ bạn không còn tâm trạng để ăn mừng cái gì.

Theo chuyên gia tâm lý Sheri Jacobson, lúc này bạn có thể bị tê liệt cảm xúc, không còn khả năng cảm nhận niềm vui. Điều này mâu thuẫn với không khí lễ hội buộc bạn phải “thấy vui”, khiến nỗi lo âu trở nên tồi tệ hơn.

Bản thân bạn có vấn đề về sức khỏe tinh thần

Nếu mắc các chứng bệnh như trầm cảm hay rối loạn lo âu, bản thân cảm xúc của bạn đã không ổn định. Vì vậy việc phải đối mặt với áp lực về chi tiêu hay tụ tập mùa lễ hội giống như “giọt nước tràn ly”, làm tăng nguy cơ bị khủng hoảng tinh thần.

Bí quyết “sống sót” với cảm xúc ngang trái mùa lễ hội

Sau khi mất người thân và gặp một loạt biến cố gia đình, bản thân tôi cũng đã trải qua một mùa Giáng sinh và một cái Tết không mấy vui vẻ. Dù vậy, tôi đã tìm ra cho riêng mình vài bí kíp “sống sót” khi mùa lễ hội đến, mà bạn có thể tham khảo và điều chỉnh tùy theo hoàn cảnh:

Chọn thời điểm nói có (hoặc không) với các cuộc gặp mặt

Đây là bí quyết nếu bạn có gia đình không hạnh phúc. Việc gia đình tụ tập là điều bạn không thể ngăn cản, nhưng bạn có quyền quyết định có tham gia hay không, và tham gia ở mức độ nào.

Đứng trước một lời mời tụ họp, bạn có thể tự hỏi xem: nếu mình không tới thì có sao không? Liệu có cách nào khác để “góp mặt” mà không cần đến nơi hay không? Từ đó bạn có thể từ chối khéo và đề nghị “góp mặt” bằng cách gọi điện thoại. Bạn cũng có thể gửi quà, hoặc đóng góp tài chính nếu gia đình chuẩn bị có khoản chi lớn (chẳng hạn sửa nhà thờ tổ).

Nếu buộc phải tham gia, bạn xác định những ai cần hạn chế tương tác, và những ai “an toàn” để tập trung nói chuyện nhiều hơn. Cố gắng tìm một không gian trống, ít người qua lại (chẳng hạn nhà vệ sinh hay bãi đỗ xe). Như vậy nếu không may mất bình tĩnh, bạn có thể chạy ngay tới đó đến khi bình tĩnh lại.

Quy tắc này cũng áp dụng cho các cuộc gặp mặt bạn bè. Nếu tài chính eo hẹp, bạn chỉ nên gặp gỡ những người bạn thực sự thân thiết, và đề nghị gọi điện nếu là bạn xã giao. Và nếu không thể mua quà, bạn cân nhắc làm quà hoặc thiệp handmade là đủ thể hiện lòng chân thành.

“Chạy trốn” khỏi không khí lễ hội

Nếu có điều kiện, bạn có thể “thoát ly” khỏi mùa lễ hội bằng cách xách valy lên và đi đến một nơi ấm áp hơn, hoặc ít có không khí lễ hội. Bản thân tôi đã thử cách này và thấy nó hiệu quả.

01dec2023intext2jpg
Nếu có thể, hãy xách valy đi trốn khỏi không khí lễ hội.

Tôi quyết định “chạy trốn” đến Campuchia mùa Giáng sinh năm ngoái, bởi việc chứng kiến cảnh gia đình khác sum vầy giống như cứa sâu thêm vào nỗi đau mất người thân của tôi.

Đây là đất nước Phật giáo nên không khí Noel không quá rõ ràng, ít trang trí và tụ tập hơn. Điều này giúp tôi bớt đi cảm giác phải “thấy vui” khi bị không khí lễ hội bao trùm khắp nơi ở quê nhà.

Thêm vào đó, khi ở một vùng đất lạ, bạn buộc phải chú tâm hơn đến mọi thứ xung quanh để đảm bảo mình đi đúng nơi và được an toàn. Việc này khiến bạn bớt tập trung vào cảm giác cô đơn và lạc lõng, kể cả khi bạn đi một mình. Nói cách khác, khi bạn phải “căng não” để ý xung quanh, bạn không còn thời gian để buồn và suy nghĩ vẩn vơ.