Hội chứng siêu đồng cảm là gì? Tại sao bạn không thể từ chối mọi người? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
25 Thg 10, 2023
Tâm Lý Học

Hội chứng siêu đồng cảm là gì? Tại sao bạn không thể từ chối mọi người?

Bạn có bao giờ cảm thấy tội lỗi khi người quen hỏi mượn tiền nhưng bạn lại không có và sợ họ sẽ trách móc mình?
Hội chứng siêu đồng cảm là gì? Tại sao bạn không thể từ chối mọi người?

Nguồn: @hi.amyanh cho Vietcetera

Hội chứng siêu đồng cảm là gì? Bạn có đang đồng cảm quá mức với người khác?

Hội chứng siêu đồng cảm (Hyper empathy syndrome) là một mức độ cao của chứng rối loạn đồng cảm. Hiện tại, hội chứng này được chẩn đoán dựa trên tính cách và hành vi cho thấy dấu hiệu của người quá nhập tâm vào cảm xúc tiêu cực của người khác.

Bên cạnh đó, họ làm nhiều hành động để giúp đối phương giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, đây vẫn chưa được công nhận là một dạng rối loạn tâm lý.

Theo bác sĩ Lorenzo Norris: "Người siêu đồng cảm không chỉ cảm nhận được cảm xúc của bạn mà họ còn cảm nhận nó mạnh mẽ đến mức nó có thể ở lại trong họ hoặc có thể khiến họ đánh mất cảm xúc của chính mình."

Ví dụ: Bạn thân của bạn chia tay người yêu, bạn cũng đau khổ, khóc lóc như thể người chia tay là bạn.

Bạn có phải là người đồng cảm quá mức?

Bạn quá nhập tâm: Khi nghe người khác chia sẻ câu chuyện của họ, bạn có phản ứng mạnh mẽ và có cảm giác đau buồn như thể mình là nhân vật chính, kéo theo đó là những triệu chứng cơ thể như buồn nôn, nhức đầu, chóng mặt.

Theo nhà tâm lý học Elizabeth Perry: “Sự đồng cảm làm tăng mức độ hormone căng thẳng cortisol và gây tổn hại cho hệ tim mạch.”

alt
Tâm trạng của bạn lên xuống thất thường, có thể đang rất vui vẻ nhưng bỗng dưng lại cực kỳ buồn bã

Bao che cho sai lầm của người khác: Bạn nghĩ mình hiểu bản chất vấn đề và câu chuyện của họ nên cố gắng thuyết phục bản thân rằng họ làm như vậy vì có nỗi khổ của riêng mình và bao che cho những hành vi không đúng đắn.

Hy sinh bản thân để hài lòng đối phương: Bạn hầu như không có ranh giới và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người cho dù điều đó có thể ảnh hưởng tiêu cực và làm lãng phí thời gian, công sức của bạn.

Ví dụ: Bạn luôn đồng ý mọi kèo đi chơi vì sợ bạn bè sẽ giận và cô lập nếu bạn không đi, mặc dù bạn đang rất mệt và không có hứng thú.

Phân biệt giữa đồng cảm và siêu đồng cảm

Việc đồng cảm với người khác là một điều tích cực và hữu ích, cho phép bạn đặt mình vào vị trí của người khác thấu hiểu và chia sẻ với họ một cách trung lập.

Trong khi đó, siêu đồng cảm mang khía cạnh tiêu cực, khiến cuộc sống của bạn đảo lộn và mất cân bằng vì lúc nào cũng phải suy nghĩ cho những vấn đề không liên quan đến bản thân.

Tại sao bạn lại đồng cảm quá mức?

Sự phản chiếu những nỗi đau trong quá khứ và hiện tại

Bạn thấy câu chuyện của mình trong vấn đề của người khác. Có thể là việc bị bỏ rơi hoặc những sự mất mát trong quá khứ. Qua đó, những cảm xúc mãnh liệt của khoảng thời gian ấy hiện lại một lần nữa có thể hình thành sự đồng cảm quá mức.

Ví dụ: Bạn thấy crush đau khổ vì thất tình và bạn tự cho rằng nếu anh ấy đang buồn thì mình cũng không xứng đáng được hạnh phúc vì bạn hiểu cảm giác đau khổ khi bị từ chối là như thế nào.

alt
Bạn sẽ thăng trầm theo cảm xúc của họ, cố gắng làm gì đó để bù đắp và giúp họ vượt qua khó khăn dù bạn không phải nguyên nhân gây ra vấn đề

Thiếu thốn tình cảm

Những người thiếu đi tình yêu sẽ luôn cố gắng dành được sự chú ý bằng việc thỏa mãn người khác, sự đồng cảm quá mức là một trong những cách để có được sự quan tâm.

Theo chương trình Liên văn hoá AFS-USA: Việc bị bỏ rơi trong quá khứ hoặc yêu phải "red flag" sẽ khiến bạn luôn lo lắng và hi sinh bản thân chỉ để làm hài lòng đối phương.

Chúng ta chỉ nên đồng cảm vừa đủ

Ai cũng cần được đồng cảm và chia sẻ, với điều kiện thấu hiểu ở mức độ vừa phải. Mỗi người có quyền làm chủ cuộc sống và sẽ phải tự chịu trách nhiệm cho hành động của mình.

Khi quá đồng cảm, bạn có thể bước qua ranh giới của người khác và can thiệp vào đời sống riêng tư, khiến họ mất đi quyền tự chủ.

Kết quả, họ sẽ cảm thấy sợ hãi, khó chịu và yêu cầu được tự giải quyết vấn đề. Những cách sau đây có thể giúp bạn cân bằng trạng thái đồng cảm quá mức:

  • Tập đồng cảm với bản thân: Hãy tử tế với chính mình. Hiểu rằng bạn cũng có vấn đề và câu chuyện của riêng bạn và phải ưu tiên xử lý chúng trước khi can thiệp vào vấn đề của người khác. Việc không thể giải quyết vấn đề của đối phương không phải là lỗi của bạn, và bạn không thể gánh vác cảm xúc của tất cả mọi người.
  • Thiết lập ranh giới: Hãy biết đâu là giới hạn của bản thân và học cách từ chối những thứ bạn không muốn làm. Thêm vào cuộc sống một vài quy tắc để cho mình không gian thư giãn như: Không làm việc sau 6 giờ tối, chỉ tham gia những cuộc hẹn quan trọng...
  • Hạn chế tiếp cận những thứ tiêu cực: Việc liên tục đọc nội dung buồn bã hoặc lo lắng trên mạng xã hội hoặc trang tin tức sẽ khiến chứng siêu đồng cảm của bạn trở nên trầm trọng hơn.

Việc thấu hiểu và sẻ chia với mọi người là một điều đáng quý, chứng tỏ bạn là người sâu sắc và biết cảm thông. Tuy nhiên, đồng cảm chỉ nên được duy trì ở mức độ vừa phải và đừng quá nhập tâm vào thế giới của người khác, mải mê giải quyết các vấn đề của họ mà quên mất dành sự ưu tiên cho bản thân.