Holiday Click-off: Tuần lễ làm việc "kém hiệu quả" nhất năm bắt đầu | Vietcetera
Billboard banner

Holiday Click-off: Tuần lễ làm việc "kém hiệu quả" nhất năm bắt đầu

Chào mừng đến với “Tuần Trước Tết” nơi tin nhắn sếp thì chưa mở nhưng tâm trí đã lỡ mơ đến chuyến bay về quê tưng bừng khí thế.
Holiday Click-off: Tuần lễ làm việc "kém hiệu quả" nhất năm bắt đầu

Nguồn: Linh Thảo @in_prairie cho Vietcetera.

Còn hơn 1 tuần nữa là nghỉ Tết. Công ty gửi mail thông báo lịch nghỉ lễ, gia đình từ phương xa vẫy gọi “Mua vé chưa con?”, bạn bè đứa đi làm tóc, làm nail, hứa hẹn trên trời dưới biển những chiếc kèo sắm Tết. Giữa bầu không khí mà mở mắt dậy đã thấy mai đào len lỏi trước nhà, ta khó mà toàn tâm toàn ý cho núi công việc vẫn còn dang dở.

Vì đâu mà ta nôn nao chểnh mảng công việc độ 1-2 tuần trước Tết? Và làm sao để giữ vững phong độ những ngày cuối năm đầy gấp rút này? Hiện tượng tâm lý Holiday Click-off sẽ lý giải và cho bạn giải pháp chống-lười những ngày cận Tết.

Holiday Click-off: Khi cảm giác nôn nao đến sớm hơn thường lệ

Holiday Click-off là hiện tượng bồn chồn háo hức trước mọi kỳ nghỉ Lễ Tết, ngày lễ càng đến gần, trạng thái nôn nao càng cao và hiệu suất công việc ta càng giảm.

Từ đó bạn sẽ có chuỗi ngày làm việc kém hiệu quả nhất trong năm dưới tác động của loạt suy nghĩ nôn nao đón Tết, như ngày mấy bay về quê, nên mua sắm gì, Mùng 1 đi đâu, thưởng tháng 13 tiêu sao cho thỏa,...

Ở phía bên kia bán cầu, khảo sát của Peakon trên 12.000 dân văn phòng Mỹ, Anh và Đức cũng cho ra kết quả lao đao không kém. Khi hơn 50% nhân sự Mỹ trước kỳ nghỉ Giáng sinh - Năm mới (New Year’s Eve) đã bắt đầu mất tập trung làm việc từ 15-16 tháng 12. Trong khi nhân sự Anh cố thủ thêm được 3 ngày và bắt đầu giảm hiệu suất từ ngày 18. Khảo sát này cũng cho thấy nhân sự trẻ, đặc biệt là Gen Z có khả năng bật chế độ ăn chơi sớm hơn các nhân sự lớn tuổi.

Holiday Click-off có thể được xem là một hiện tượng toàn cầu. Mặc dù cảm giác nôn nao mong ngóng nghỉ Tết có vẻ vô hại, nó sẽ sớm trở thành kẻ thù của công việc thậm chí đe dọa khả năng thăng tiến tương lai của bạn nếu lãnh đạo nhận ra tâm lý bạn quá dễ lung lay sao nhãng.

Biểu hiện khi bạn bắt đầu click-off giữa văn phòng?

Nhìn đâu cũng thấy “Tết”

Ta sẽ nhìn thấy “Tết” ngay cả trong suy nghĩ, giữa lúc lưng chừng mơ hồ làm việc thì không muốn mà nghỉ Tết cũng không xong. Ta dành nhiều thời gian để nghĩ về Tết và hoạt động đón Tết hơn là thực sự quan tâm đến núi công việc mới được giao.

alt
Bị "click off" khiến ta dành thời gian đắm chìm trong mọi kế hoạch ăn chơi sắm Tết, tất cả ngoại trừ công việc ra. Tại sao lại như vậy?

Một khi bạn đã click-off, bạn bắt đầu buông thả với thời cuộc, “vì kiểu gì chẳng sắp nghỉ rồi”. Bất kỳ một tín hiệu nào từ Tết cũng thu hút sự chú ý từ bạn, như nghe nhạc Tết trong siêu thị, nhìn thấy mai đào trên đường, hay các meme thịt kho trứng ngày Tết tràn ngập Facebook.

Não sập nguồn, cắt luồng suy nghĩ

Bạn đã bao giờ rời mắt khỏi màn hình laptop trong văn phòng, tự hỏi “Rút cục nãy giờ mình đang làm gì”? Cảm giác này sẽ trống rỗng hệt như não bạn vừa sập nguồn. Vì khi bạn bắt đầu bồi hồi nghĩ đến chuyến máy bay về quê ăn Tết, viễn cảnh sung sướng giúp dopamine được tiết ra và từ đó cảm xúc của ta dấy lên mạnh mẽ, lấn át lý trí.

Lúc này cán cân cảm xúc - lý trí đã mất cân bằng, khiến não sẽ khó đưa ra quyết định và khiến mọi tư duy công việc rơi vào trạng thái trì hoãn, ì ạch, với nhiều khoảng lặng "mất não" xen kẽ trong giờ làm.

Task nhiều cũng kệ, để mai rồi tính

Một số khác không nghĩ nhiều đến thế, họ chỉ đơn thuần mệt mỏi và bất cần muốn “dẹp ngang” công việc, dùng Tết như một liệu pháp chạy trốn thực tại. Đây là kết quả của cả một quãng thời gian dài áp lực, và bạn chỉ cần một lý do để được nghỉ ngay.

Holiday Click-off đe dọa công việc bạn như thế nào?

Holiday Click-off không dừng lại ở một hiện tượng tâm lý, nó còn giúp ta phán đoán nhiều chiều sâu nội tâm bên trong 1 nhân viên công sở.

Vậy, ta có thể đoán được gì từ một người hay “click-off” luôn thờ ơ sao nhãng công việc?

  • Họ có thể đang bất mãn một khía cạnh nào đó khi đi làm.
  • Họ không cảm thấy là một phần của tập thể, thường xuyên bị tách lẻ và không được tham gia vào dự án khiến họ bớt cảm giác muốn gắn bó.
  • Họ ít được công nhận công lao bỏ ra, do đó cũng không còn động lực cố gắng.
  • Họ sắp chạm ngưỡng burn-out và đang cố gắng cho bản thân được nghỉ ngơi ngay tại văn phòng.
alt
Phải làm sao để cân bằng cảm giác muốn nghỉ và muốn làm?

Ở góc độ quản lý, không một leader nào muốn nhân viên mình ì ạch chểnh mảng, đặc biệt là trong các giai đoạn cuối năm gấp rút. Một nhân viên hiệu suất kém liên tục sẽ phải đối mặt với:

  • Tâm lý dằn vặt cuối ngày khi không thể đạt được kỳ vọng trong công việc.
  • Năng lực bị thui chột và dậm chân tại chỗ.
  • Nguy cơ mắc lỗi, sai sót, chất lượng công việc đi xuống ảnh hưởng đến tập thể.
  • Tụt lại phía sau so với các đồng nghiệp đồng trang lứa còn lại.
  • Mất uy tín với cấp trên cả cấp dưới, ảnh hưởng đến quyết định sếp thăng chức cho bạn sau này.

Khi Holiday Click-off không mời mà đến, cấp trên có thể làm gì để vực dậy tinh thần cả team giúp nhân viên chấn chỉnh hiệu suất công việc?

  • Công nhận nỗ lực dù là nhỏ nhất vì mọi sự cố gắng “vượt qua cám dỗ” ở thời điểm cuối năm đều đáng được trân trọng.
  • Thay vì quá tập trung vào kết quả công việc yếu kém, bạn có thể nghĩ tích cực hơn “team mình cố gắng chạy nước rút cuối năm vậy là giỏi rồi!”
  • Lập kế hoạch chia các khoảng ngắt nghỉ ngồi trò chuyện xả stress để có thể quay lại làm việc tập trung hơn.
  • Làm tới nơi, chơi tới bến. Một số buổi tụ họp sau giờ làm hòa cùng không khí “tất niên” lễ hội cũng giúp nhân viên chung vui cùng bạn.
  • Đặt ra một số chính sách làm việc linh động để nhân viên thu xếp làm từ xa.

Kết

Có lẽ bất kỳ nhân viên văn phòng lâu năm nào cũng ít nhất một lần trải qua Holiday Click-off. Tết đến xuân về với việc nhà còn bề bộn, nhìn chung ngay cả leader cũng khó để tránh khỏi cảm giác lơ là trì hoãn công việc. Ở thời điểm nôn nao này, thấu hiểu nhu cầu bản thân để não nghỉ ngơi một thời gian cũng là cách để ta quay lại làm việc tích cực và năng suất hơn.