“Nếu con điểm thấp, mẹ sẽ bỏ con à?” | Vietcetera
Billboard banner
02 Thg 04, 2022
Thương

“Nếu con điểm thấp, mẹ sẽ bỏ con à?”

Câu nói của cậu con trai 9 tuổi của tôi trước kỳ thi Mid Term, khiến tôi có nhiều suy nghĩ.
“Nếu con điểm thấp, mẹ sẽ bỏ con à?”

Nguồn: Unplash/charlesdeluvio

Sau điểm 5 Toán vào mấy tháng trước, chúng tôi giao hẹn nhau rằng con nên cố gắng được ít nhất 7 điểm rưỡi cho mỗi bài thi. Lý lẽ của tôi lúc ấy là, mẹ phải chi trả khá nhiều tiền cho học phí của con, nên con hãy, ít nhất cố gắng đủ.

Áp lực của cha mẹ

Ai chẳng đã từng là học sinh, đã chẳng phải chịu cảnh toát mồ hôi để học hành. Tôi nghĩ chính bố mẹ mình cũng vậy. Bà ngoại thường xuyên gọi điện để hỏi chuyện tại sao tôi không dành nhiều thời gian hơn để dạy con học.

Điểm cao không phải lý do lớn nhất tôi kỳ vọng vào con mình. Sau những ngày đi làm nhìn vào hoá đơn tiền học cao chót vót, tôi tự hỏi áp lực thực sự của tôi liệu của phải là số tiền và công sức nuôi con hay không? Nếu tôi mất ít tiền hơn vào sự nghiệp học hành, vào con cái, nếu tôi nuôi con nhẹ nhàng và ít vất vả hơn, liệu tôi có còn cáu nếu con bị điểm thấp?

Trong một website về tư vấn cha mẹ, người ta nói rằng có 3 loại áp lực chính:

Khi bản thân cha mẹ không hài lòng về cuộc đời hiện có của họ, những ước mơ mong muốn còn dang dở mà chính họ chưa thực hiện được. Tuy nhiên, ước mơ của họ không bao giờ trùng hoặc rất ít khi trùng với ước mơ của con!

Bản thân cha mẹ là những người có thành tích học tập tốt: Điều này khiến họ đưa ra yêu cầu rằng: “Con tôi đi học đương nhiên phải học giỏi, cũng phải đạt được những thành tích cao như bản thân tôi ngày trước. Con tôi có gen di truyền tốt thì chắc chắn con tôi phải học giỏi sao lại học kém? Nếu nó không học tốt thì rõ ràng do bản thân nó lười không chịu cố gắng.”

Bản thân cha mẹ phải gánh chịu những áp lực, rủi ro từ bên ngoài nên quay trở lại kỳ vọng vào con. Điều này thể hiện rõ nhất trong những lời hỏi han thường xuyên của người ngoài hoặc người trong gia đình về việc học của con, chẳng hạn như con học trường nào, học giỏi không, xếp thứ mấy… hay so sánh con với bạn hàng xóm hay anh em họ hàng.

Có thể ban đầu, họ chưa có kỳ vọng vào con nhưng do bị tác động bởi những lời hỏi han, họ lại đặt những kỳ vọng cao hơn vào con cái mình và khó chấp nhận khi con không hoàn thành được kì vọng đó.

Điểm số ở đây, không chỉ là việc con cái học hành ra sao, mà chính là điểm số của việc chúng ta làm cha mẹ giỏi bao nhiêu!

Nguồn UnplashKelly Sikkema
Nguồn: Unsplash/Kelly Sikkema

Áp lực của trẻ em

Trong tâm lý học có một khái niệm mà tôi nghĩ quan trọng cho các bậc cha mẹ: positive punishment. Đây là kiểu hình phạt tích cực, khi bạn thêm một hậu quả cho hành vi không mong muốn. Nó ngược lại với negative punishment. Đó là khi chúng ta không thay đổi kết quả, mà thêm hậu quả. Thay vì phạt con bằng cách bớt không được chơi game vì điểm số thấp, chúng ta thêm việc nhà cho chúng. Đây là cách chúng ta khuyến khích trách nhiệm, thay vì đưa ra những áp lực không đáng có.

Mỗi cha mẹ cần học cách nuôi con ở định dạng stress-free. Một cuộc khảo sát trực tuyến của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA), được thực hiện bởi Harris Interactive vào tháng 8 năm 2010, cho thấy 73% cha mẹ cho rằng trách nhiệm gia đình là một nguồn căng thẳng đáng kể.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy rằng hơn 2/3 các bậc cha mẹ nghĩ rằng mức độ căng thẳng của họ có ảnh hưởng nhẹ hoặc không ảnh hưởng đến con cái mình. Tuy nhiên, chỉ 14% thanh thiếu niên cho biết họ không bị làm phiền khi cha mẹ của họ căng thẳng.

Thế nhưng chỉ 10 năm sau, khi chúng ta có 1,2 tỷ trẻ vị thành niên từ 10-19 tuổi sống trên thế giới, ước tính chỉ ra rằng hơn 13% trong số đó bị rối loạn tâm thần. Trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đối với trẻ em trai và trẻ em gái vị thành niên trong độ tuổi 15-19, năm 2019, tự sát đứng thứ 6.

Theo ước tính mới đây của WHO trong báo cáo này, mỗi năm có gần 46.000 trẻ em và trẻ vị thành niên trong độ tuổi từ 10 đến 19 kết liễu cuộc đời mình - tức là cứ khoảng 11 phút lại có một trẻ tự sát.

"Không điều gì khiến mẹ có thể bỏ con!"

Người ta rất dễ lan truyền những lời trách móc mà những em bé đã chọn ra đi. Nhưng đã làm mẹ rồi, tôi chỉ nghĩ đến người mẹ và người bố ấy. Tôi đặt mình vào vị trí của họ và nỗi đau thắt lại trong trái tim. Nếu em bé đấy chính là con tôi?

Tôi trả lời cho cậu con trai mình ngắn gọn. Bởi đó là sự thực. Không một bậc cha mẹ nào, nếu biết trước rằng mình có thể làm tổn hại đến trẻ con, lại không ước mình được làm lại từ đầu, cho tới khi nào mình nuôi con đúng mới thôi. Để nuôi dạy một đứa trẻ hạnh phúc là điều khó nhất trên đời. Chúng ta cần chính mình phải hạnh phúc. Việc trở thành người hạnh phúc, cũng khó nhất trên đời.

Xem thêm:

[Bài viết] “Nếu lỡ rớt đại học thì không biết làm sao nhìn mặt ba nữa.”

[Bài viết] Người thân của người trầm cảm cũng có thể là nạn nhân