Làm sao để mở lòng mà không gây phiền lòng? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
09 Thg 05, 2021
Thương

Làm sao để mở lòng mà không gây phiền lòng?

Nhiều người lầm tưởng mở lòng là thao túng hoặc là phương tiện để trút cảm xúc. Điểm khác nhau giữa chúng là gì?

Làm sao để mở lòng mà không gây phiền lòng?

Nguồn: Unsplash

Tiếp nối phần “Mở lòng: Khi bạn sẵn sàng chấp nhận khả năng bị tổn thương”, dưới đây là phần tiếp theo của bài viết “Vulnerability: The Key to Better Relationships” đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Nhiều người sau khi đọc hết phần trước vẫn chưa hiểu rõ thế nào mới thật sự là mở lòng. Có hai kiểu nhầm lẫn thường thấy: 1) lợi dụng việc mở lòng như một “chiến thuật" để khiến người khác thích bạn/thấy bạn thu hút/lên giường với bạn/cho bạn tiền/… hoặc 2) xem việc trút cảm xúc ra là một cách để mở lòng.

Hãy cùng giải quyết từng vấn đề một.

Mở lòng không phải là một “chiến thuật"

Một vấn đề mà mọi người thường gặp đó là họ xem mở lòng như một chiến thuật mà họ có thể “lợi dụng" để khiến người khác nhìn họ theo cách họ muốn.

Họ sẽ nghĩ, “À, Mark nói rằng mình chỉ cần kể với một ai đó về những điều mà mình không thường nói với người khác, và rồi họ sẽ thích mình/tăng lương cho mình/muốn ngủ với mình/…”

Sai.

Nếu bạn nói cho người khác biết cảm xúc khi chú chó nhà bạn chết, về mối quan hệ căng thẳng với bố mình, hoặc bạn trở nên thân thiết hơn với bạn bè ra sao sau chuyến leo núi… nhưng chỉ để họ thích bạn nhiều hơn – vậy thì đó không phải là mở lòng. Đó là thao túng.

Vấn đề ở đây là nó thiếu sự chân thành, nên đó không phải là mở lòng đúng nghĩa. Bạn không chỉ đang giả dối mà còn lợi dụng những ký ức trân quý nhất đời để cố khiến người khác thích bạn.

Hiểu lầm khi mở lòng
Mở lòng không phải một chiến thuật mà chúng ta có thể “lợi dụng" để khiến người khác nhìn ta theo cách ta muốn.

Mở lòng một cách chân thành không phải là bạn làm gì, mà là lý do bạn làm thế. Là động lực đằng sau thúc đẩy bạn thật sự mở lòng (hoặc không).

Bạn nói một câu đùa vì nghĩ nó hài hước (đó là mở lòng), hay vì bạn muốn chọc cười người khác và muốn họ nghĩ bạn hài hước (đó là cần sự chú ý)?

Bạn tâm sự với một người bạn để ý về những sở thích ngớ ngẩn của mình chỉ đơn thuần là để chia sẻ về bản thân (đó là mở lòng), hay bạn đang muốn cho họ thấy “khía cạnh nhạy cảm" của mình (đó là thao túng)?

Bạn bắt đầu tự kinh doanh bởi vì bạn quá ngán công việc cũ và cần thứ gì đó mà bạn thật sự muốn thử (đó là mở lòng), hay chỉ bởi bạn đọc một cuốn sách nói rằng cách duy nhất để thành công là tự mở công ty và qua đó bạn muốn gây ấn tượng với người khác (thế thì thật đáng buồn)?

Mục đích của việc thật sự mở lòng không phải vì để trông có vẻ cởi mở hơn, mà chỉ đơn giản là bộc lộ bản thân theo cách chân thành nhất có thể.

Trút bỏ cảm xúc khác với mở lòng

Một vấn đề khác mà mọi người thường đâm đầu vào, đó là xem việc trút cảm xúc ra như một cách để mở lòng.

Để cho cảm xúc tuôn trào là khi bạn bỗng nhiên trút một mớ cảm xúc và quá khứ cá nhân không phù hợp vào cuộc trò chuyện, thường sẽ khiến người nghe khó chịu.

Bày tỏ cảm xúc là một chuyện khó, bởi vì nó cũng cần mở lòng một cách chân thành, nhưng mặt khác, nó lại gây khó chịu và mất thiện cảm. Bởi vì khi đó bạn đang thể hiện ra mình thống thiết và đòi hỏi đến thế nào. Và dù có che giấu hay để lộ thì chuyện đòi hỏi chưa bao giờ là một nét thu hút.

Tôi nhận được rất nhiều email nói rằng, “Tôi đã cởi mở lắm rồi, tôi luôn nhắc đi nhắc lại mình yêu người yêu cũ đến mức nào, nhưng lại khiến họ mất hứng. Sao vậy?”

Cái khó trong việc trút bỏ cảm xúc là nếu bạn che giấu quá nhiều nhu cầu, đến một lúc nó cũng cần phải tuôn ra ngoài bằng cách nào đó, để bạn còn tìm cách giải quyết nó. Đây là giai đoạn mà tôi gọi là giai đoạn đau khổ.

Hiểu lầm khi mở lòng 1
Trút bỏ cảm xúc đúng là cũng cần mở lòng chân thành, nhưng mặt khác nó khiến người nghe mất thiện cảm.

Tôi đã từng than vãn về người yêu cũ vài lần với vài người khác nhau, và hầu như lần nào cũng chỉ đổi lại sự thương hại, và nếu người nghe là phụ nữ thì họ hoàn toàn mất hứng thú.

Sai lầm mà nhiều người mắc phải với việc bày tỏ cảm xúc đó là họ mong rằng một hành động đơn giản như là “xả" nó ra sẽ giải quyết vấn đề của họ ngay lập tức. Nhưng ích lợi của việc bày tỏ cảm xúc là giúp bạn nhận ra vấn đề của mình, từ đó chính bạn có thể sửa chữa nó.

Khi tôi cứ nhắc đi nhắc lại việc người yêu cũ dối trá và ngu ngốc thế nào, chừng ấy tức giận cũng không đủ để bù đắp cho sự thiếu thốn của tôi. Nhưng nó lại cho tôi thấy mình đã trở nên giận dữ và khó ưa cỡ nào, điều mà trước đó tôi không hề hay biết.

Khi đang bị cô lập trong buồng vang của tâm trí, chúng ta càng dễ tin rằng mọi suy nghĩ và cảm nhận của mình đều có lý do. Chỉ khi phơi bày những suy nghĩ và cảm nhận đó ra ngoài sáng, chúng ta mới nhận ra mình đã đi xa tới đâu, nhờ vậy ta có thể điều chỉnh nó trong tương lai.

Đó là những gì tôi nhận thấy. Rằng mình đã giận dữ thế nào, đương nhiên cũng không “quên đi" người cũ như tôi tưởng. Thời gian đó tôi đã phải đi trị liệu, nhờ vậy tôi nhận ra cơn giận của mình đối với người yêu cũ đã lún sâu tới đâu và liên quan thế nào đến các vấn đề từ gia đình mình.

Cuối cùng, sau nhiều lần tự soi xét và lấy lại bình tĩnh, tôi đã có thể nhận ra rằng mình từng đặt quá nhiều kỳ vọng vào người yêu cũ, trong khi tôi cũng chẳng phải một người bạn trai tuyệt vời gì cho lắm. Nó giúp tôi giải quyết phần lớn vấn đề mà tôi hiện có, bao gồm phần lớn cơn giận dữ mà tôi trút lên cô ấy và phụ nữ nói chung. Nhưng phải qua biết bao khó khăn và đau khổ thì mới đến được bước này.

Việc bày tỏ cảm xúc giúp tôi nhận thức về việc chữa lành bản thân, nhưng không thể giúp tôi chữa lành nó. Suy cho cùng, bạn phải là người chịu trách nhiệm cho suy nghĩ và cảm nhận của mình và giải quyết chúng. Nếu không, bạn vẫn sẽ tiếp tục giận dữ và thất vọng, để rồi chối bỏ tất cả những ai tiến vào cuộc đời bạn.

Sức mạnh của việc mở lòng

Nếu chịu để ý, bạn sẽ nhận ra rằng việc mở lòng một cách chân thành và đúng nghĩa đại diện cho một nguồn sức mạnh, dưới một hình thái sâu sắc và tinh tế.

Brene Brown cũng nói về điều này trong cuốn sách “Daring Greatly" của mình. Khi một người có thể mở lòng mình, phơi bày điểm yếu mặc kệ người khác nghĩ sao, thì người đó đang nói với cả thế giới rằng: “Tôi không quan tâm bạn nghĩ gì về tôi. Đây là chính tôi, và tôi từ chối trở thành bất kỳ ai khác.”

Đây là quy tắc "lấy lùi làm tiến" trong hành động: để trở nên kiên cường hơn, đáng gờm hơn, trước tiên bạn cần phải bộc lộ những thiếu sót và khiếm khuyết của mình trước mọi người. Nhờ đó, họ mất đi quyền lực lên bạn, và đành phải để bạn sống cuộc đời của mình đúng nghĩa và đúng ý.

Mở lòng ra để chấp nhận khả năng bị tổn thương, rèn luyện bản thân thoải mái trước cảm xúc, lỗi lầm của mình và thể hiện bản thân mà không cần kìm nén không phải chuyện một sớm một chiều. Nó là cả một quá trình và chưa bao giờ dễ dàng.

Nhưng tôi có thể đảm bảo với bạn, khi đã bắt đầu quá trình đó – nếu bạn phải trải qua những cuộc trò chuyện khó khăn, nếu bạn thể hiện bản thân chân thành dù vẫn cảm thấy mạo hiểm, nếu bạn nói với cả thế giới rằng “đây là chính tôi và tôi từ chối thay đổi" – bạn sẽ tìm được mức độ sâu sắc mới cho các mối quan hệ của mình, thậm chí là tất cả mối quan hệ.

Và đến khi hoàn thành quá trình đó, bạn sẽ không còn xấu hổ về thiếu sót của mình và về chính mình nữa.