Lofi Girl miệt mài học bài 2 năm nay "nghỉ xả hơi" 48 tiếng | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
13 Thg 07, 2022
Âm NhạcTóm Lại Là

Lofi Girl miệt mài học bài 2 năm nay "nghỉ xả hơi" 48 tiếng

YouTube cho biết sẽ khôi phục video lofi hiphop radio - beats to relax/study của kênh Lofi Girl.
Lofi Girl miệt mài học bài 2 năm nay "nghỉ xả hơi" 48 tiếng

Nguồn: Lofi Girl

1. Chuyện gì vừa xảy ra?

2 năm miệt mài stream nhạc, hơn 668 triệu lượt xem - video lofi hiphop radio - beats to relax/study của kênh Lofi Girl (đứng sau là chàng trai Dmitri, người Pháp) đã tạo nên biểu tượng trên YouTube, được nhiều người yêu thích.

Nhưng mới đây, chương trình livestream của Lofi Girl đã bị YouTube tạm dừng do liên quan đến vi phạm bản quyền. Hãng thu âm FMC Music (Malaysia) khiếu nại bản quyền âm nhạc trong video này.

Kênh Lofi Girl nhanh chóng bày tỏ sự thất vọng và mong muốn "YouTube sớm xử lý tình trạng này." Ngay sau đó, hashtag #BringBackLofiGirl (đưa Lofi Girl trở lại) gây chú ý trên Twitter.

YouTube phản hồi rằng họ sẽ xử lý sự việc và mang video này sớm trở lại nền tảng.

2. Kênh Lofi Girl từng dính tranh chấp bản quyền nào?

Ra mắt năm 2015, Lofi Girl lúc đó có tên là ChilledCow, một kênh YouTube chuyên phát underground music (gồm cả lofi music.) Vào năm 2017, ChilledCow đã bị YouTube tạm dừng do nghi vấn sử dụng hình ảnh trái pháp của hãng hoạt hình Ghibli.

Cụ thể, ChilledCow đã sử dụng hình ảnh nhân vật Shizuku Tsukishima đang ngồi học trong phim hoạt hình Whisper of the Heart mà không xin phép.

Sau cáo buộc vi phạm bản quyền, kênh YouTube này đã kết hợp cùng nghệ sĩ người Colombia - Juan Pablo Machado vẽ nên hình tượng Lofi Girl hiện tại. Hình ảnh một cô gái đeo tai nghe mặc đồ mùa đông đang vừa nghe nhạc vừa học tập dần trở nên quen thuộc và trở thành biểu tượng trên Internet.

Vào hồi tháng 2/2020, kênh Chilled Cow (Lofi Girl) cũng bị dừng một video phát trực tiếp dài 13.000 giờ được cho là do vi phạm bản quyền. YouTube cho rằng việc dừng video là do lỗi của hệ thống và được khôi phục sau đó.

3. Tại sao YouTube lại xin lỗi Lofi Girl?

Cũng giống như vụ việc Quốc ca Việt Nam bị tắt tiếng, Lofi Girl được cho là bị "đánh gậy" bản quyền do Content ID, một công cụ tự động của YouTube. Mới đây, YouTube đã có ý xin lỗi kênh Lofi Girl trong 1 bình luận phản hồi trên Twitter.

Sở dĩ YouTube xin lỗi là bởi nền tảng này đã "đánh" bản quyền nhầm trong câu chuyện Lofi Girl. Bên cạnh đó, nó còn xuất phát bởi những phản ứng tiêu cực của dư luận, người hâm mộ xoay quanh câu chuyện.

Từ lâu, cảnh cáo vi phạm bản quyền đã là một vấn đề lớn của YouTube. Sau sự việc này, YouTube cho biết đã chia sẻ phản hồi (của Lofi Girl) với nhóm đánh giá của mình để ngăn các lỗi tương tự xảy ra trong tương lai.

4. Những thuật ngữ về bản quyền cần lưu ý trên YouTube?

Bản quyền là vấn đề nhảy cảm và có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong lĩnh vực sáng tạo, trên YouTube cũng như Internet.

Vietcetera đã từng gợi ý cho bạn 6 từ tiếng Anh về bản quyền. Và chúng tôi cũng từng giải thích vì sao luật bản quyền có thể bất lực trước nạn "vay nhạc"?

Tuy nhiên, bạn nên quan tâm đến 3 thuật ngữ/ công cụ chính giúp YouTube thực thi bản quyền sau đây:

DMAC (Đạo luật bản quyền kỹ thuật số thiên niên kỷ): Đây là luật bản quyền năm 1998 của Hoa Kỳ, thực hiện hai hiệp ước năm 1996 của tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO).

Copyright Match Tool: Sử dụng sức mạnh của công nghệ so khớp trong Content ID để tìm các video đăng tải lại trên YouTube.

YouTube cung cấp công cụ này cho hơn 1.500.000 kênh để giúp xác định bản đăng tải lại gần như toàn bộ video gốc của một nhà sáng tạo trên các kênh YouTube khác, đồng thời đưa ra biện pháp xử lý để nhà sáng tạo chọn lựa.

Content ID: Hệ thống cho phép các chủ sở hữu bản quyền phát hiện ra những video trên YouTube có chứa nội dung thuộc quyền sở hữu của họ. Được biết, nền tảng này khuyến cáo các tài khoản chỉ bật Content ID khi độc quyền phần lớn nội dung tác phẩm gốc.

5. Nghe nhạc khi làm việc có thực sự tốt như chúng ta nghĩ?

Nhạc lofi và nhạc không lời khác (underground music) ngày càng phổ biến và được sử dụng nhiều trong lúc học tập, làm việc. Theo một khảo sát của Webfx, những nhân viên nghe nhạc khi làm việc có sự cải thiện về hiệu suất và có độ chính xác cao hơn.

Tùy thuộc vào tính chất công việc mà việc chọn nhạc cũng cần phải có chiến thuật. Ví dụ như những bài tiết tấu nhanh phù hợp với những công việc lặp lại.

Hay nhạc lofi (nhẹ nhàng, gồm cả tiếng ồn trắng - white noise) sẽ giúp bình tĩnh, tập trung nên phù hợp với tính chất công việc tìm ý tưởng, giảm stress.

Trên thực tế, việc sử dụng âm nhạc trong khi làm việc đã có từ lâu. Từ năm 1940, âm nhạc đã được vào các nhà máy sản xuất súng đạn, vũ khí của Anh. Theo nghiên cứu, công nhân tại các nhà xưởng đã làm việc hiệu quả hơn và có năng suất cao hơn, để chuẩn bị vũ khí cho chiến tranh thế giới 2.

Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mà BBC trích dẫn, "nhạc nền (bao gồm cả nhạc lofi) là có thể làm rối loạn quá trình đọc, có một số tác động bất lợi nhỏ đến trí nhớ, nhưng có tác động tích cực đến phản ứng cảm xúc và cải thiện thành tích trong thể thao."

Bên cạnh đó, nghe nhạc giúp tập trung, giảm stress không phải lúc nào cũng áp dụng cho mọi người. Trong những năm 20 tuổi, tỷ phú Bill Gates đã từng không nghe nhạc, xem ti vi trong khoảng 5 năm. Lý do được tỷ phú đưa ra là bởi ông cảm thấy mất tập trung khỏi việc nghĩ về các phần mềm mà ông đang phát triển.

Vì thế, việc nghe nhạc trong khi làm việc có thể phù hợp với một số công việc có tính chất đặc thù thay vì cho toàn bộ như chúng ta vẫn nghĩ; và nó cũng tùy biến cho từng cá nhân cụ thể.