1. Lofi là gì?
Lofi, hay lo-fi /ˈləʊ.faɪ/ (tính từ) là tên viết tắt của low fidelity, dùng để chỉ thể loại âm nhạc có chất lượng âm thanh thấp. Nhạc lofi sử dụng những âm thanh bị bóp méo, nhiễu, rè, giật, hoặc lẫn một số tạp âm khác như tiếng trò chuyện, tiếng điện thoại, tiếng động vật,...
Nhạc lofi thường có phần tiết tấu chậm, giai điệu nhẹ nhàng, bay bổng mang âm hưởng của soul, jazz và cả hiphop. Vì vậy nó giúp người nghe thư giãn và cảm thấy bình yên. Michael Viega, một nhà trị liệu âm nhạc cho biết, nhạc lofi có thể giúp các bệnh nhân tâm lý giảm lo âu về những thứ ngoài tầm kiểm soát của họ. Tần số âm thanh trong một số bài nhạc lofi cũng có thể giúp não bộ tập trung.
Tại Việt Nam, lofi bắt đầu thịnh hành từ năm 2018, trở thành một thể loại nhạc được giới trẻ gọi là “thánh địa âm nhạc” của những kẻ mộng mơ.
2. Nguồn gốc của nhạc lofi
Khoảng thời gian từ những năm 1970 đến 2000 được cho là giai đoạn nhạc lofi bắt đầu phát triển.
Không rõ ai là người đặt tên cho nhạc lofi. Thuật ngữ này lần đầu được đưa vào trong từ điển Oxford vào năm 1976. Trong giai đoạn đầu, lofi không được lòng giới chuyên môn do chất lượng âm thanh kém. Họ cho rằng lofi được tạo ra từ những thiết bị rẻ tiền.
Nhiều ý kiến cho rằng lofi phổ biến là nhờ công của William Berger. Ông đã sử dụng từ lofi thường xuyên trong một chương trình radio vào năm 1986.
Đến những năm 90, nhạc lofi mới thực sự được công nhận và trở nên phổ biến. Điều này cũng khiến Oxford phải bổ sung định nghĩa cho lofi thêm tận 2 lần. Lần một vào năm 2003, rằng lofi là “một thể loại thuộc nhạc rock, với âm thanh chân thực, thô mộc, đơn giản,” và lần hai vào năm 2008 với định nghĩa “không cầu kỳ, nghiệp dư nhưng có tính thẩm mỹ.”
3. Sử dụng lofi như thế nào?
Tiếng Anh
A: What do you listen to when studying?
B: Lofi. It helps me concentrate more.
Tiếng Việt
A: Ông hay nghe nhạc gì khi học bài vậy?
B: Lofi. Nó giúp tôi tập trung hơn.
4. Các từ liên quan
- Hi-fi (tính từ): viết tắt của high fidelity, từ trái nghĩa của lofi, chỉ âm nhạc chất lượng cao.
- Indie music (danh từ): dòng nhạc được tạo ra bởi nghệ sĩ độc lập, không chịu sự tác động của nhà đầu tư hay chiến lược truyền thông.
- Cover (danh từ): một bài hát của một nghệ sĩ được thu âm hoặc trình diễn bởi một nghệ sĩ khác, thường là để tận dụng sự thành công của bài hát gốc.
- Remake (danh từ): một bài hát (thường là nhạc xưa) được tái sản xuất nhằm nâng cao chất lượng âm thanh. Một bản remake có thể theo phong cách của bài gốc, hoặc được biến tấu để phù hợp với xu hướng âm nhạc đương thời.
5. Đọc thêm về lofi tại Vietcetera
Vì sao giới trẻ ngày càng chuộng các dòng nhạc "hoài cổ"?
Bên cạnh việc cập nhật liên tục các bản nhạc thị trường sôi động, hào hứng, rất nhiều bạn trẻ hiện đại vẫn thường chia sẻ với nhau về những thể loại “ẩn dật” hơn, sâu lắng hơn nhưng đầy sức hút. Đó chính là Indie, Lofi, Jazz và các bản remake nhạc xưa.
Nhạc không lời để bạn không lười
Tận dụng hiệu ứng của nhạc không lời sẽ giúp bạn làm việc tập trung, hiệu quả và thoải mái hơn. Ngoài chọn nhạc theo gu, chọn nhạc dựa trên công việc trước mắt sẽ hỗ trợ bạn qua những tác vụ khó.
Nghe pop gõ mail, nghe jazz tìm ý tưởng: Chọn nhạc cũng cần chiến thuật?
Không phải thể loại nhạc nào cũng có tác động giống nhau tới năng suất. Vậy làm thế nào để tận hưởng những cảm xúc tuyệt vời cùng âm nhạc mà vẫn duy trì một trí óc nhanh nhạy để làm việc hiệu quả?
#GiảiNghĩa là series giải thích ý nghĩa những từ ngữ mới đang thịnh hành cùng Vietcetera.