Lớn rồi thì có kết thêm được bạn mới không? | Vietcetera
Billboard banner
11 Thg 06, 2023
Chất Lượng Sống

Lớn rồi thì có kết thêm được bạn mới không?

Theo Mark Manson, việc kết bạn khi trưởng thành không đơn giản. Để vun đắp những tình bạn ý nghĩa, bạn cần vượt qua nỗi sợ bị từ chối, mở lòng và dành cho chúng thời gian.
Lớn rồi thì có kết thêm được bạn mới không?

Nguồn: Phim Tháng Năm Rực Rỡ

Được chuyển ngữ từ bài viết “How to Make Friends as an Adult”, đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Chúng ta luôn dành nhiều sự chú ý cho tình yêu lãng mạn. Nhưng cho phép tôi bổ sung thêm rằng, tình bạn cũng quan trọng không kém, thậm chí còn có phần quan trọng hơn với sức khỏe và hạnh phúc của chúng ta.

Cũng giống như tình yêu, việc xây dựng được tình bạn trọn vẹn và bền vững không hề dễ dàng, đặc biệt nếu bạn là người lớn. Nhưng… vì sao lại như vậy?

Về mặt logic, càng lớn cuộc sống của bạn càng phức tạp và thêm nhiều trách nhiệm. Chúng khiến bạn khó tìm thấy thời gian và năng lượng để xây dựng những mối quan hệ mới. Bạn cũng trở nên “đóng khung” với lối sống, lối suy nghĩ của mình, từ đó khó cởi mở hơn với những con người và trải nghiệm mới.

Nhưng có một thế giới cảm xúc mà khi lớn lên, bạn quên mất hoặc hoàn toàn phớt lờ. Bởi khi là người lớn, bạn không cho phép mình có những “vấn đề cảm xúc” như vậy nữa.

Bạn có thể thấy kỳ cục khi ngồi đọc một bài viết hướng dẫn cách kết bạn, bởi đáng nhẽ bạn phải biết từ lâu rồi. Nhưng giống hầu hết mọi thứ trên đời, việc kết bạn không đơn giản như thế.

Vì sao càng lớn, bạn càng khó kết bạn?

Sự thật là khi lớn lên, bất kỳ vấn đề cảm xúc nào bạn đã có sẽ trở nên phức tạp hơn. Cảm xúc mới chồng lên cảm xúc cũ, rồi lại chồng lên gánh nặng cảm xúc từ quá khứ. Và chồng lên những điều này là mọi thứ kỳ vọng hỗn loạn mà xã hội đã đập vào mặt chúng ta suốt nhiều thập kỷ.

Khi nhìn từ góc độ này, không có gì ngạc nhiên khi càng lớn, ta càng khó kết bạn. Theo kinh nghiệm của tôi, đây là một vài thách thức chúng ta thường gặp khi kết bạn tuổi trưởng thành:

Bạn sợ bị từ chối

Là người lớn, có lẽ thử thách cảm xúc lớn nhất khi kết bạn (hoặc xây dựng bất kỳ mối quan hệ mới nào) là nỗi sợ bị từ chối.

Khi tiếp cận người khác và cố gắng tạo dựng quan hệ, bạn cũng tiếp cận luôn với khả năng bị từ chối - một cảm giác đau đớn và nản lòng khó tả. Thế nên sự lo lắng hay hồi hộp khi kết bạn mới là phản ứng tự nhiên, thậm chí lành mạnh. Sau cùng thì, nếu bạn thực sự không quan tâm người khác nghĩ gì, bạn hẳn phải là một kẻ tâm thần từ lâu rồi.

Nhưng tất cả áp lực xã hội mà bạn phải đối mặt để hòa nhập, hoặc ít nhất để không trở nên “dị thường” sẽ gây hậu quả khi bạn vào tuổi 30 trở đi. Chúng ta được dạy từ nhỏ rằng, bị bạn bè đồng trang lứa từ chối là điều phải tránh bằng mọi giá.

06jun2023pexelscottonbro7407376jpg
Thời đi học, không gì đáng sợ hơn là bị bạn bè khác từ chối. | Nguồn: Pexels

Dù vậy bạn nên hiểu rằng, sự từ chối không phản ánh giá trị con người bạn. Nó chỉ đơn giản là dấu hiệu cho thấy hai bạn không tương thích với nhau.

Đây thực tế lại là điều tốt, dù cảm giác bị từ chối vô cùng đau đớn. Bởi như vậy bạn mới có thể tiếp tục tìm kiếm những người bạn tôn trọng và chấp nhận con người thật của bạn.

Đây là một phần tất yếu trong quá trình “thanh lọc” đời sống xã giao của bạn, dù nó mang lại cảm giác không mấy dễ chịu.

Bạn cố gắng che đậy khuyết điểm của mình

Để xây dựng mối quan hệ sâu sắc với người khác, bạn phải sẵn sàng mở lòng và chia sẻ con người thật của mình với họ, bao gồm cả những khuyết điểm của bạn.

Việc này khá đáng sợ. Nó buộc bạn phải “phơi bày” bản thân mình nhiều hơn, từ đó mạo hiểm với khả năng bị từ chối hay phán xét. Bạn phải can đảm để có thể mở lòng, nhưng sẽ nhận lại một phần thưởng xứng đáng: những tình bạn sâu sắc và ý nghĩa.

06jun2023pexelsthisiszun1139641jpg
Khi can đảm mở lòng, bạn sẽ nhận về những kết nối ý nghĩa. | Nguồn: Pexels

Tôi có một anh bạn khá tệ trong việc giữ bí mật, nhưng anh rất cởi mở về việc đó. Nếu bạn định kể cho anh điều gì cần giữ bí mật, anh sẽ “cảnh báo” cho bạn trước.

Chính bởi anh rất cởi mở và thẳng thắn về điều này, tôi thấy anh dễ mến. Một phần bởi tôi không thực sự coi trọng việc “giữ bí mật”, và tôi cũng không muốn có một đống bí mật cần phải giữ. Theo cách này, chúng tôi tự chọn cho mình một tình bạn không có bí mật mà cả hai đều thoải mái.

Nếu anh ấy gặp một người kín tiếng, coi trọng người biết giữ bí mật thì chắc chắn sẽ không tương thích. Một trong hai người sẽ từ chối tình bạn này, và như vậy sẽ tốt hơn cho cả hai.

Bạn không dành thời gian/không gian cho các mối quan hệ mới

Càng lớn, cuộc sống của bạn càng bận rộn và phức tạp. Hệ quả là thời gian và sự chú ý của bạn bị hạn chế hơn nhiều so với trước đây. Trong khi đó, thời gian dành cho nhau lại là yếu tố quan trọng và cốt lõi khi xây dựng tình bạn. Những ai dành nhiều thời gian ở bên nhau thường trở nên thân thiết một cách tự nhiên.

Bạn dễ dàng làm điều này khi còn nhỏ - thực tế là bạn buộc phải như vậy. Ở trường phổ thông, bạn phải dành hàng giờ mỗi ngày ở bên một đám trẻ, trong suốt 9 tháng mỗi năm. Lên đại học, bạn lại ở chung kí túc với các bạn cùng lớp. Nhưng khi trưởng thành, ai cũng có cuộc sống riêng, gia đình riêng, công việc riêng, sở thích riêng và cả những kỳ nghỉ riêng.

Thế nên khi vào giai đoạn này, bạn cố gắng dành thời gian và không gian cho tình bạn. Điều đó có nghĩa là chủ động lên kế hoạch cho các hoạt động xã giao, thành lập hoặc tham gia các hội nhóm sinh hoạt định kỳ. Nên cố gắng hết mình để đảm bảo rằng, bạn gặp những người này thường xuyên nhất có thể.

4 Nguyên tắc “phản trực giác” để kết bạn khi trưởng thành

Theo kinh nghiệm của tôi, một số cách hiệu quả nhất giúp người lớn kết bạn nghe có vẻ hơi… phản trực giác, thậm chí nghịch lý. Song chúng thực sự giải quyết các vấn đề cơ bản nhiều người gặp phải khi kết bạn ở tuổi 30, 40 và hơn thế nữa. Đây là 4 cách giúp bạn thực sự vun đắp những tình bạn lâu dài trong cuộc sống tuổi trưởng thành:

Tập trung vào bản thân mình trước

Cái này nghe thì có vẻ ích kỷ. Nhưng khi bạn thực sự đầu tư thời gian và năng lượng cho sở thích của mình, bạn sẽ trở nên thú vị và dễ mến hơn trong mắt người khác.

Người ta bị cuốn hút bởi những ai tự tin, có đam mê và biết dấn thân trong cuộc sống. Chỉ cần theo đuổi các mục tiêu và đam mê của mình, bạn sẽ tự khắc thu hút những người khác cùng chung chí hướng.

06jun2023pexelsaminafilkins5414320jpg
Đầu tư cho bản thân mình trước, bạn sẽ trở nên thú vị hơn trong mắt người khác. | Nguồn: Pexels

Bên cạnh đó, không có gì tệ hơn trong một tình bạn (hay bất cứ mối quan hệ nào) là một cá nhân luôn cần phải “sửa chữa”. Chăm sóc tốt bản thân mình trước để có thể giúp đỡ người khác khi cần, và họ cũng sẽ làm điều tương tự với bạn. Việc này sẽ giúp thu hút những người thực sự yêu thương và hỗ trợ bạn - điều giúp bạn trở nên tốt hơn về lâu dài.

Bị từ chối nhiều hơn thay vì ít hơn

Khi bước ra khỏi vùng an toàn để xây dựng các kết nối mới, bị từ chối là điều bạn không thể tránh khỏi.

Nhưng thay vì sợ sệt, bạn hãy thử đón nhận nó. Một khi nhận ra sự từ chối không phản ánh giá trị con người bạn, hãy tận dụng nó làm cơ hội học hỏi và phát triển.

Khi chấp nhận rủi ro và đặt mình vào những tình huống có khả năng bị từ chối, bạn sẽ trở nên kiên cường hơn. Từ đây, bạn tìm được cho mình những mối quan hệ phù hợp và bỏ qua những kết nối không nên ở trong đời.

Kết bạn theo cách chọn lọc hơn

Đây là luận điểm mà nhiều lời khuyên kết bạn thông thường hay bỏ sót: Bạn thực sự nên kỹ tính hơn khi kết bạn.

Ý tôi không phải là trở nên kiêu căng hợm hĩnh, rằng bạn giỏi hơn tất cả những người khác. Mà là thay vì cố gắng kết nối với tất cả mọi người, hãy tập trung vào các kết nối sâu sắc và ý nghĩa với một vài người quan trọng. Việc có một nhóm nhỏ bạn thân thực sự hiểu và hỗ trợ bạn sẽ tốt hơn một mạng lưới rộng nhưng toàn mối quan hệ hời hợt.

Chỉ cần kỹ tính hơn, bạn sẽ tìm được những mối quan hệ đúng đắn, những người chia sẻ cùng hệ giá trị và đam mê với bạn.

06jun2023ttdjpg
Có một nhóm nhỏ bạn thân luôn tốt hơn một mạng lưới lớn toàn các mối quan hệ hời hợt. | Nguồn: Phim Tiểu Thời Đại

Bỏ bớt kỳ vọng của bạn ở người khác

Mọi mối quan hệ lành mạnh dưới mọi hình thức đều không đi kèm sự ràng buộc nào. Nếu tiếp cận người khác với mong muốn nhận lại điều gì đó, bạn dễ bị coi là thiếu chân thành, thậm chí có ý muốn thao túng.

Thay vào đó, bạn nên tập trung vào việc cho đi mà không mong đợi họ đáp lại. Cung cấp thời gian, nguồn lực và kinh nghiệm của mình một cách vô tư, bạn sẽ thu hút những người đánh giá cao và trân trọng tấm lòng mình.