Một người dùng điện thoại, cả hội bị lây là do đâu? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu
19 Thg 01, 2022
Tâm Lý HọcBổ Não

Một người dùng điện thoại, cả hội bị lây là do đâu?

Vì sao việc nhìn người khác sử dụng điện thoại lại làm chúng ta vô thức bắt chước theo?
Một người dùng điện thoại, cả hội bị lây là do đâu?

Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Đó là một buổi cà phê cùng đám bạn, khi cả hội đang trò chuyện rôm rả thì bỗng dưng một trong số đứa bạn lấy điện thoại ra lướt. Và như một loại virus lây truyền qua đường wifi, từng người một lần lượt làm điều tương tự.

Cuối cùng, tất cả mọi người đều chúi mũi vào điện thoại và cuộc hội thoại bị bỏ ngỏ, cho đến lúc ai đó ngẩng mặt lên để kéo mọi người ra khỏi không gian số.

Liệu có lời lý giải nào cho sự lây lan của hành vi này không?

Hiệu ứng tác kè hoa (chameleon effect)

Hiệu ứng tắc kè hoa mô tả xu hướng lặp lại hành động, biểu cảm và phong thái của người khác một cách vô ý. Theo các nhà cứu, các loài động vật có vú tiến hóa để bắt chước hành vi của nhau trong tiềm thức mà không hề hay biết, một ví dụ dễ thấy nhất chính là hiện tượng “ngáp lây” (theo dailymail).

Chúng ta bắt chước để hòa hợp với môi trường xung quanh.

Hiệu ứng tắc kè hoa giúp con người thích nghi với môi trường hoặc hòa hợp với đối tượng mà họ bắt chước. Trong trường hợp sử dụng điện thoại, việc bắt chước sẽ giúp cho bạn cảm thấy được hòa mình vào đám đông hơn khi ai nấy đều đang làm vậy.

Tuy nhiên, khác với ngáp lây, cười lây hoặc khóc lây bắt nguồn từ sự thấu cảm, việc lây hành vi sử dụng điện thoại không mang lại nhiều lợi ích xã hội. Điều này khá dễ hiểu khi trong một buổi gặp mặt, thay vì trò chuyện với nhau thì mọi người lại cắm cúi vào thế giới của riêng mình.

Cảm giác mình đang bỏ lỡ điều gì đó

Trong thời đại thông tin ồ ạt như hiện nay, rất dễ để bạn cảm thấy áp lực rằng mình biết chưa đủ. Khi nhìn thấy người khác đang lướt điện thoại, bạn sẽ có cảm giác họ đang biết những gì mà mình không biết. Điều này vô tình khiến bạn có cảm giác “thua kém” và muốn đuổi kịp.

Hiện tượng này có một cái tên quen thuộc là “hội chứng sợ bị bỏ lỡ” (fear of missing out, hay FOMO).

Nhìn người khác dùng điện thoại khiến chúng ta cảm thấy mình đang bỏ lỡ thông tin gì đó.

Đối với người càng gần gũi, chúng ta lại càng dễ cảm thấy FOMO hơn (hãy tưởng tượng bạn vừa đi vệ sinh ra thì thấy nhóm bạn xì xầm to nhỏ thứ gì đó). Tương tự khi bạn nhìn thấy người đang ngồi uống cà phê cùng bỗng dưng lôi điện thoại ra.

Ngoài ra thì đôi khi vì mải nói chuyện, chúng ta cũng tạm thời ngừng chú ý đến điện thoại. Việc nhìn thấy người đối diện cầm điện thoại vô tình nhắc ta nhớ rằng mình cũng phải kiểm tra xem bản thân có bỏ lỡ cuộc gọi, tin nhắn, hay thông tin “sốt dẻo” nào không.

Xóa bỏ sự ngại ngùng

Đôi khi bắt chước người khác dùng điện thoại cũng đến từ thiện ý. Đây là một cách xóa bỏ cảm giác ngượng ngùng trong trường hợp cuộc trò chuyện xuất hiện khoảng lặng khi người kia đang sử dụng điện ngoại.

Trong tâm lý học, việc phản chiếu lại hành động của người khác giúp bạn xây dựng mối quan hệ và lòng tin (theo Medium), đồng thời đây là một chiến thuật hiệu quả khi bạn gặp lúng túng trong giao tiếp (socially awkward). Điều này cũng giúp người đối diện cảm thấy bớt khó xử hơn khi họ đang bận giải quyết công việc còn bạn thì ngồi bơ vơ.

Bắt chước người khác dùng điện thoại giúp xóa bỏ sự ngại ngùng khi cuộc trò chuyện xuất hiện khoảng lặng.

Bên cạnh đó, việc lướt điện thoại còn là cách để bạn tạm ngắt giao tiếp bằng mắt trong không gian gần. Bởi một cách bản năng, chúng ta vẫn coi việc bị nhìn chằm chằm ở khoảng cách gần là một tình huống nguy hiểm (động vật thường nhìn vào con mồi trước khi chuẩn bị tấn công).

Ngoài ra trong nhiều các nền văn hóa, giao tiếp bằng mắt không được khuyến khích (theo The Travel). Chẳng hạn ở Trung Quốc, việc này được coi là dấu hiệu của sự thách thức và thiếu tôn trọng. Hay ở Việt Nam, bạn chỉ làm vậy khi đang muốn tán tỉnh đối phương hoặc muốn gây hấn.

Đó là lý do mà mọi người luôn hạn chế tối đa việc nhìn vào mắt nhau trong thang máy bằng cách sử dụng điện thoại, nhìn xuống sàn nhà hoặc nhìn lên bảng chỉ số tầng.

Kết

Nhìn chung, việc nhiều người đồng loạt cắm cúi vào điện thoại khi gặp nhau dù gây cản trở giao tiếp xã hội nhưng thực chất lại bắt nguồn từ hành vi xã hội. Cũng tương tự như nhiều hành vi bắt chước khác, điều này giúp chúng ta giảm bớt cảm giác bị “lạc quẻ”.

Dù không bắt nguồn từ ý xấu, nhưng vì độ tiện lợi của điện thoại thông minh nên đôi khi nó cũng khiến cho chúng ta trở nên lười hơn. Bạn hẳn là cũng từng trải qua tình huống khi “bí” chủ đề trò chuyện, mọi người lại thi nhau lấy điện thoại ra lướt thay vì cố gắng tìm một chủ đề khác.

Nếu trót rơi vào hoàn cảnh này, bạn có thể “lấy độc trị độc” bằng cách sử dụng bất kỳ thứ gì hay ho mà bạn nhìn thấy khi đang lướt mạng để “hồi sinh” cuộc trò chuyện.