Những "bí kíp" từ editor nhà Vietcetera | Vietcetera
Billboard banner

Những "bí kíp" từ editor nhà Vietcetera

Trầy trật hàng ngày để viết nên những bài viết mà bạn đang đọc, giờ đây, các editors nhà Vietcetera truyền lại những "bí kíp vô công" mà họ đã tu luyện được.
Những "bí kíp" từ editor nhà Vietcetera

Nguồn: Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Bỏ, bỏ, bỏ và bỏ

Chu Ng - News Lead

Nếu chỉ có thể chia sẻ một lời khuyên cho việc viết, mình sẽ nói về chữ "Bỏ."

Một chủ đề có thể có nhiều cách tiếp cận khác nhau nhưng để có thể có được một bài viết cô đọng, người viết thật sự chỉ có thể khai thác triệt để chúng trong 1-2 góc độ.

Lắm lúc, trong quá trình nghiên cứu và lên ý tưởng, mình phải chấp nhận bỏ những thông tin, góc nhìn thú vị vì chúng không phục vụ cho cách mình muốn khai thác chủ đề. Hoặc ngược lại, đôi lúc mình phải chấp nhận buông bỏ những công sức, chất liệu mình đã chuẩn bị khi mình tìm thấy được một hướng đi mới hay hơn cho bài viết.

alt
Nguồn: Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Mình tin rằng khi viết, sẽ có lúc chúng ta cảm nhận được rằng bài viết chưa thật sự đạt đến chất lượng mong muốn dù đã viết đi viết lại 2, 3 lần. Những lúc như thế, biết cách bỏ cuộc đúng lúc thật sự là một điều rất tốt. Một khi đã đủ hiểu về chất liệu, bạn hẵng quay lại với bài viết. Khoảng nghỉ đó sẽ cho chúng ta có được một khoảng cách rất cần thiết để tiếp cận chủ đề.

Chữ “bỏ” cuối cùng là bỏ đi cái tôi cá nhân khi bài viết của mình nhận được những bình luận tiêu cực. Một khi sản phẩm của mình đã đi ra ngoài công chúng, chúng sẽ có hàng ngàn đời sống riêng qua góc nhìn và nhận định của người đọc. Việc bỏ đi cái tôi giúp mình có được một góc nhìn khách quan hơn để phân biệt giữa ý kiến đóng góp và chỉ trích cá nhân nhằm cải thiện bản thân.

Mình luôn luôn tin thứ mình viết, và viết thứ mình tin.

Để giải thích một khái niệm khó, hãy đi kèm ví dụ

Trân Lê - Editor mục Cuộc Sống

Là một editor thường viết nhiều về các khái niệm trừu tượng của Tâm Lý Học, bài học lớn nhất mà mình học được là hãy giải thích những khái niệm này bằng những ví dụ.

Mình xem tâm lý học là một lĩnh vực khoa học rất gần với đời sống của mỗi người. Chúng ta nhìn thấy và trải nghiệm những hiện tượng tâm lý mỗi ngày, nhưng đa số mọi người chưa biết cách gọi tên chúng. Vì thế, việc đưa những ví dụ vào bài viết sẽ tạo ra một sự liên kết rất rõ ràng giữa khái niệm trừu tượng và trải nghiệm thực tế cho người đọc.

alt
Nguồn: Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Thật ra, mình chỉ nhận ra điều này khi đọc bài của những người viết khác gửi về cho mình. Bài viết về hiệu ứng cheerleader là một ví dụ khá rõ. Đây là một hiệu ứng khá khó để miêu tả chỉ bằng từ ngữ, nhưng khi những ví dụ được đưa vào bài, chúng tạo ra một bức tranh rất dễ để khán giả hình dung.

Mình đặt mục tiêu khi viết là giải thích những hiện tượng tâm lý này một cách nhanh, gọn và dễ hiểu cho người đọc. Những ví dụ này giúp cho bài viết của mình có được một cấu trúc rất rõ ràng. Từ đó, một khái niệm khó, có vẻ nặng học thuật và xa tầm với sẽ trở nên cực kì gần gũi và liên quan đến cuộc sống cá nhân của mỗi người.

Tạo ra dấu ấn của bản thân từ những chất liệu có sẵn

Diep Khoa - Editor mục Thời Trang/Làm đẹp

Từ những ngày đầu bước chân vào con đường viết lách, mình gặp khá nhiều khó khăn để dung hòa giữa việc viết cho một tờ báo và đưa những góc nhìn cá nhân vào bài viết. Từ đó, mình phải học viết lại từ đầu.

alt
Nguồn: Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Trước tiên, mình đọc lại những bài viết của các tác giả khác đã được đăng trên báo, tìm ra những cấu trúc và cách viết thường được sử dụng và tạo ra template riêng dành cho bản thân. Một khi đã tự tạo cho bản thân một chiếc khuôn cấu trúc, mình xem chúng như một công cụ để đào sâu những vấn đề phức tạp, và bóc tách chúng một cách hiệu quả.

Ngoài ra, chiếc khuôn này còn cho mình một sự tự do và khoảng trống cần thiết để đưa những nhận định, ý kiến cá nhân vào bài viết. Mình phải học được việc tin tưởng rằng những cảm xúc và nhận định cá nhân là của riêng mình và chúng xứng đáng được đưa vào bài..

Tuy nhiên, những nhận định cá nhân này hoàn toàn có thể được đưa ra dựa trên những thông tin sai lệch, không đầy đủ. Vì thế, sau khi đã viết xong, mình luôn luôn xác thực lại những chứng cứ khoa học mà mình đã đưa vào bài nhằm kiểm chứng lại những nhận định của bản thân.

Khi kể chuyện, đừng bay

Vũ Hoàng Long - Managing Editor

Chúng ta hiểu về thế giới thông qua những câu chuyện, vì thế viết tức là kể ra thế giới. Đối với mình, kể chuyện là một việc khó khi chúng đòi hỏi ở người viết rất nhiều sự tính toán. Mỗi bối cảnh, mỗi nhân vật đều đóng một vai trò rất lớn trong việc xây dựng nên câu chuyện bạn muốn kể.

Mỗi chúng ta đều yêu cầu tính logic ở những câu chuyện. Câu hỏi “vì sao” luôn luôn hiện diện trong đầu mỗi người khi nghe kể chuyện: “Vì sao một người lại suy nghĩ và hành động như vậy?”

alt
Nguồn: Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Mình nghĩ khi kể chuyện, đừng nên bay bổng. Khi một câu chuyện hoàn toàn được tưởng tượng từ trí óc và lối suy nghĩ của bạn, chúng sẽ chỉ mang trải nghiệm của mình bạn trong đó nhiều điều bạn có thể bỏ qua. Vì thế, hãy tập cách lắng nghe và hỏi câu hỏi trong mỗi cuộc trò chuyện dù lớn hay nhỏ để làm dày phổ trải nghiệm của mình.

Bài viết Freelancer sống rủi ro trong "nền kinh tế tạm bợ’ là tập hợp câu chuyện mình thu thập được khi theo chân 6 người trong thời gian 2 tuần. Tuy chúng là những câu chuyện thật có sẵn, mình tin rằng một người viết tốt sẽ có thể truyền tải hiệu quả được thông điệp của bài viết qua những lựa chọn cá nhân của họ về cấu trúc, từ ngữ, và câu chuyện họ sử dụng.

Tất nhiên, khi bạn đi theo việc viết về con người thật, sự việc thật, hãy liên tục đặt ra câu hỏi quan trọng này: “Bạn muốn câu chuyện của mình được kể ra sao?" Bài viết cuối cùng vì vậy luôn là kết quả của sự thương thoả.