NSƯT Lê Thiện, muốn thành công phải có 'máu liều' và 'máu lì' | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

NSƯT Lê Thiện, muốn thành công phải có 'máu liều' và 'máu lì'

Hành trình của “bà nội quốc dân” Lê Thiện đầy ắp thú vị và bất ngờ, với những khoảnh khắc hiếm có, không phải ai làm nghệ thuật cũng có thể nếm thử. 
NSƯT Lê Thiện, muốn thành công phải có 'máu liều' và 'máu lì'

Nguồn: Bobby Vũ/ Trăm Năm Sân Khấu.

Được khán giả trẻ ưu ái gọi là “bà nội quốc dân” trong các bộ phim điện ảnh và tác phẩm truyền hình, thế nhưng ít người biết NSƯT Lê Thiện từng có thời gian phục vụ quân đội dưới nhiều vai trò, trong các đoàn văn công kháng chiến.

Trong tập mới nhất của series podcast Trăm năm sân khấu, bà đã kể lại những kỷ niệm xưa ở trong thời chiến, cũng như rất nhiều nhân vật và các sự kiện ảnh hưởng sâu sắc đến bản thân mình.

Vừa hát vừa canh "tử thần"

Sinh tại Bình Định, năm 13 tuổi, NSƯT Lê Thiện đã bén duyên với nghệ thuật bằng một định mệnh vô cùng bất ngờ. Theo đó bà đã trúng tuyển vào Đoàn văn công Quân đội Nam Bộ tập kết ra Bắc để thế chỗ cho một bạn khác, và không thể ngờ chỉ sau một tuần thì cuộc đời mình đã rẽ sang một hướng khác.

Nhớ lại hành trình băng rừng Trường Sơn từ gần nửa thế kỷ trước, bà nói rằng mình vẫn nhớ như in những ngày hành quân mệt đến rã người. Là một nghệ sĩ cũng chiến sĩ, bà đã trải qua lằn ranh sống – chết chỉ trong gang tấc mỗi khi đứng hát trước những chiến sĩ.

Bà kể lại rằng trong giai đoạn đó, các đoàn văn công vẫn thường biểu diễn tuân theo quy luật bom đạn ở Trường Sơn, rằng giờ nào sẽ có bom nào, và họ sẽ tránh những lần “rải thảm”. Sân khấu của cả đoàn hát sẽ được đặt liền kề với giao thông hào, để khi nếu có biến cố thì cũng sẽ được an toàn.

Một lần khi đang phục vụ Bài ca may áo, thì một quả bom không theo quy luật bỗng dưng phát nổ, dẫn đến 7 người trong đoàn đã cùng ngã xuống đường mương hẹp đó. Nhưng bà chia sẻ mình không biết sợ, mà đó chỉ như cảm giác nhất thời, không thể kình được với thứ khí thế lôi cuốn mang tính cách mạng.

NSƯT Lê Thiện trong podcast Trăm Năm Sân Khấu. | Nguồn: Bobby Vũ.

Và cũng trong những ngày này mà một nghệ sĩ đa tài ở nhiều lĩnh vực cũng được sinh ra. Bà chia sẻ rằng vào giai đoạn đó nghệ thuật cải lương rất được yêu thích ở phía miền Bắc, dẫn đến bà đã có được cơ hội học hỏi và rồi sau này có những vai diễn gắn liền tên tuổi, như Hạc chiều, Rạng ngọc Côn Sơn…

Tuy thế ít người biết rằng trước khi là một diễn viên cải lương, thì bà cũng từng là diễn viên múa, xiếc cũng như có kỹ năng hát, diễn kịch. Đó là đòi hỏi tất yếu trong một giai đoạn còn nhiều thiếu thốn, dẫn đến nghệ sĩ phải thật đa tài, cũng như cáng đáng thật nhiều kỹ năng vào cùng một lúc.

Diễn muôn nơi, gặp những người quan trọng

Sau đó khi Đoàn văn công Quân đội Nam Bộ giải thể, bà đã chuyển sang công tác ở Đoàn văn công Tổng cục Chính trị, và cũng từ đây bà có cơ hội tiếp xúc với nhiều yếu nhân (người có vai trò quan trọng) của thời đại đó, cũng như được học thêm múa ba lê, thanh nhạc, chèo… và còn nhiều loại hình nghệ thuật khác nữa.

Nói về kỷ niệm với Hồ Chủ Tịch, NSƯT Lê Thiện kể rằng, Bác rất yêu quý thiếu nhi, đặc biệt là những đứa con đến từ miền Nam. Lần đầu gặp Bác là khi bà 13 tuổi, trong cuộc đón tiếp Đoàn văn công văn nghệ Liên Xô. Ở lần gặp đó, bà đã mạnh dạn xin Bác một cọng râu, từ lời một người bạn khác mách nhỏ cho mình.

Bà cũng nói rằng Bác rất thích nghe bài Lý Thượng DuLý Năm Canh, và cũng rất hay đến gặp nghệ sĩ ở Phủ Chủ Tịch. Trong một lần diễn vở Khuất Nguyên, khi đang hóa trang thì Bác đã đến và bà có xin bắt tay. Nhưng Bác hài hước đã đáp lại rằng “Khuất Nguyên thì làm gì biết bắt tay”; và đó cũng là kỷ niệm bà vẫn còn nhớ cho đến ngày nay.

Nguồn: Bobby Vũ.

Ngoài Hồ Chủ Tịch, bà cũng có dịp được gặp những lãnh tụ khác, như Thủ tướng Kim Nhật Thành hay nhà lãnh đạo Fidel Castro. Trong giai đoạn này bà thuộc về Đoàn văn công quân Giải Phóng, và đã trình diễn rất nhiều bài hát của đất nước bạn, bằng các ngôn ngữ của đất nước họ. Do đó bà có cả một bộ sưu tập kẹp, khi được tặng cho trong nhiều lần đi.

Bà cũng kể lại kỷ niệm với ông Castro, khi bà tặng ông chiếc nón tai bèo, mà do chênh lệch chiều cao, bà đã phải kéo ông xuống. Tuy thế, sau này ông Castro cũng đã nói rằng cách mạng Việt Nam chắc chắn thắng lợi, bởi lẽ người Việt cũng như cô bé NSƯT Lê Thiện ngày nào, luôn “chủ động trong mọi tình huống”.

Một sự kiện khác cũng tương đối lớn đó là NSƯT Lê Thiện cũng từng sang đến Pháp để diễn phục vụ trong Hội nghị Paris về Việt Nam vào năm 1973, để dựng lại vở Sát Thát. Ở đây bà đã được gặp lần đầu tiên NSND Phùng Há nổi tiếng.

Phải có "máu liều" và "máu lì"

NSƯT Lê Thiện cho rằng sân khấu luôn luôn đòi hỏi ở người diễn viên mọi thứ toàn diện, ngay cả là tâm – tài – đức. Bà nói rằng những nghệ sĩ cải lương ở vào thời điểm khởi đầu như bà chỉ có thể có được sự thành công bằng tính cần cù cũng như chịu khó.

Xuất thân miền Trung và rồi di chuyển ra Bắc phục vụ văn nghệ, NSƯT Lê Thiện đến với cải lương bằng sự học hỏi cũng như nhọc nhằn, khi phải trải qua rất nhiều chông gai cũng như khó khăn. Từ đó dẫn đến khi có cơ hội bà luôn trân trọng, cũng như thể hiện tốt nhất khả năng của mình.

Bà cũng chia sẻ nghệ sĩ muốn thành công phải có “máu liều” cũng như “máu lì”, và chính thời cách mạng gian khổ với tiếng đồng vọng của hồn thiêng sông núi đã cho bà nhiều cảm hứng cũng như cơ hội phát triển tài năng.

Nguồn: Bobby Vũ.

Sau thời chiến tranh, bà cũng có nhiều thời gian đảm nhận chức Phó giám đốc của Nhà hát Trần Hữu Trang, và có rất nhiều cải thiện cho đời sống của văn nghệ sĩ với nguồn thu nhập còn khá ít ỏi vào giai đoạn này.

Có thể kinh nghiệm từ trong thời chiến khi các vở diễn thì ít, diễn viên thì đông… đã giúp cho bà có sự điều tiết một cách phù hợp. Về cuối của cuộc trò chuyện, bà cũng kể lại những chuyện “dở khóc dở cười” khi cho phép nghệ sĩ “chạy show” kiếm thêm thu nhập khi trống sân khấu, từ đó cho thấy một tình nghệ sĩ vốn luôn hiệu hữu và cũng bền chặt trong bộ môn này.