Phan: Mình đâu định chữa lành ai, mình chỉ đi tìm người cùng tần số thôi | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Phan: Mình đâu định chữa lành ai, mình chỉ đi tìm người cùng tần số thôi

Phan, Mèo Trắng và hành trình từ “than vãn” đến viết sách cho những người “bất ổn”.
Phan: Mình đâu định chữa lành ai, mình chỉ đi tìm người cùng tần số thôi

Phan, tác giả sách "Cuộc sống nhiệm mầu của Mèo Trắng", "Thị trấn Hoa Mười Giờ", "Về nơi có nhiều cánh đồng",...

“Nếu bán chè thì mình sẽ nấu một nồi chè nhạt thật nhạt, rồi để bên cạnh một hũ nước đường để khách tự thêm vào.”

Qua 3 năm, Phan vẫn là người mà ở đó tôi thấy có nhiều điểm đối lập thú vị. Anh không hảo ngọt, nhưng là tác giả của Mèo Trắng, một nhân vật truyện tranh có đời sống rất “đậm đà” đang nói hộ tiếng lòng của hàng ngàn bạn trẻ. Anh bảo mình ham vui, nhưng (nhờ làm việc có khoa học nên) nếu đếm tất cả các bản thảo anh đã viết cho tới hiện tại thì con số đã lên đến gần 20.

Phan xuất bản cuốn đầu tiên vào năm 2017, đến bây giờ đã 6 năm và anh vẫn duy trì được mục tiêu “mỗi năm xuất bản (ít nhất) một cuốn”. Cuộc sống nhiệm mầu của Mèo Trắng là tác phẩm mới nhất được xuất bản của Phan.

Nếu bạn đã từng cười ngặt nghẽo hoặc gật gù đồng cảm với những câu chuyện từ “cảm lạnh” đến cảm động của Mèo Trắng thì hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu hơn về tác giả đứng sau nó. Hoặc nếu chưa thì mời bạn “chuẩn bị cho mình một tâm hồn đẹp cùng một nụ cười dễ thương” để bước vào cuộc sống nhiệm mầu, với đủ yếu tố lãng mạn, kịch tính, kinh dị, tâm linh, hành động của Mèo Trắng nhé.

Điều gì mọi người hay hiểu lầm về Phan nhất?

“Phan chắc deep lắm.” Sự thật là Phan cũng vô tri lắm, trời ơi. Chỉ cần được cho ăn cá trích ép trứng là quên mọi sự đời.

Đúng là hồi đại học mình “deep” dữ lắm, nhưng giờ đỡ nhiều lắm rồi.

Có lẽ hồi còn trẻ ai cũng có một giai đoạn khủng hoảng, muốn chối bỏ con người cũ, trông có vẻ “emo” suy tư về cuộc đời. Nhưng khi trưởng thành hơn rồi thì mình nghĩ, thật ra mình muốn làm gì thì làm cái đó thôi. Hồi xưa ăn mặc cứ đơn giản trắng - đen, giờ thì thích màu gì mặc màu đó – hồng, xanh, đỏ, vàng đủ hết.

Người khác cho rằng mình “deep” vì những gì mình viết, mình vẽ ra. Nhưng mình nghĩ các tác giả chỉ là người nắm bắt và lưu giữ lại những khoảnh khắc trong quá trình trưởng thành. Còn thật ra trải nghiệm sống của mọi người đâu đó đều tương đương nhau. Không đau khổ theo kiểu này thì cũng khổ đau theo kiểu khác. Trong một giai đoạn nào đó ai cũng “deep deep” hết cả thôi.

Và mình nhận thấy mọi người thường định hình một thứ mà tác giả tạo ra là chính con người của tác giả. Điều này với mình là hơi nguy hiểm.

Mèo Trắng có thể là Phan, nhưng Phan không phải là Mèo Trắng.

Thậm chí ngoài kia, có rất nhiều trường hợp tác phẩm là một đằng, còn con người tác giả là một nẻo. Thế nên mình nghĩ hãy tách bạch giữa tác giả và tác phẩm, vì con người thay đổi theo thời gian, và sự thay đổi đó ảnh hưởng đến ngòi bút của tác giả. Nếu bạn gắn họ với một hình tượng cố định nào đó thì khi sự thay đổi xảy ra, bạn sẽ dễ thất vọng.

Caacutec bước đơn giản để saacuteng taacutec truyện tranh
Các bước đơn giản để sáng tác truyện tranh

Nhưng có một điều mình tin chắc chắn đúng – đó là sức sáng tác của Phan rất bền bỉ. Phan có tin vào câu “khi đã rất muốn điều gì thì mình sẽ có đủ kiên trì và kỷ luật để làm điều đó”?

Hmm, mình chưa nghĩ về điều này bao giờ, nhưng cũng có vẻ đúng.

Mình may mắn vì chưa từng có cảm giác mơ hồ về thứ mình thích. Hồi tiểu học dù chưa nghĩ tới việc sẽ trở thành hoạ sĩ, nhưng mình có ước mơ là mở tiệm bán truyện tranh. Học vẽ thì được cô khen, rồi một phần cũng vì ganh tị với anh trai vẽ đẹp mà mình chịu khó vẽ liên tục.

Nhưng mặt khác, mình cũng là người cứ nghĩ hoài về chuyện thôi không vẽ nữa ấy chứ. Mình không chắc 10 năm nữa mình có còn vẽ hay không. Mình không đoán trước được, nhưng mình nghĩ cũng không nên kỳ vọng sự chắc chắn.

Mình luôn làm hết sức mình, nhưng tâm niệm rằng tác phẩm mới của mình sẽ bán ế (cười). Ngay cả với Mèo Trắng, nếu không được yêu thích trên mạng trước như bây giờ thì mình vẫn sẽ in sách thôi. Mình không đặt kỳ vọng nhiều để đến khi nó bán ế thiệt thì mình không buồn, nhưng khi bán được nhiều một xíu thì mình thấy vui.

Và thực tế là làm cái gì lâu cũng chán, nhưng mình nghĩ thứ để kéo mọi người thoát khỏi sự nhàm chán trong việc làm nghề đôi khi là những cú hích, dù rất nhỏ. Nhiều khi mình cũng chán vẽ Mèo Trắng lắm. Cả năm rồi mình chưa đăng cái gì lên Instagram ngoài Mèo Trắng. Nhưng mình luôn giữ một folder lưu lại những lời khen của mọi người, mỗi khi chán mình lại mở nó ra.

Hay có những truyện mình vẽ cũng lâu rồi, nhưng một ngày lại nhận được thư của độc giả nói về nó. Chẳng hạn có một bạn từ Mỹ về, vào nhà sách mua tập 1 của cuốn Thị Trấn Hoa Mười Giờ. Đọc xong tập 1 bạn thấy hay nên mua tập 2, tập 3. Rồi thấy chưa đủ bạn còn viết email để khen tác giả. Lúc đó mình cảm thấy nghề mình chọn là đúng. Nó có ý nghĩa đối với mình là một chuyện. Nó còn ý nghĩa với một vài người khác làm mình thấy vui thêm.

Những kẻ dại khờ
Những kẻ dại khờ

Những câu chuyện tình yêu buồn của Mèo Trắng thường hút nhiều tương tác hơn. Phan có nghĩ mình cần phải trải qua đau khổ tột cùng mới sáng tác được những câu chuyện “chạm” tới được nhiều người?

Đúng là trải nghiệm thực tế thường giúp các tác phẩm có chiều sâu hơn. Và đúng là chuyện yêu đương dang dở “câu” được nhiều like hơn. (cười)

Nhiều chuyện của Mèo Trắng cũng chính là chuyện xảy ra với mình. Nhưng mình tin người sáng tác còn là người biết cần tham khảo cái gì, ở đâu. Nếu mình chưa, hoặc không thể nào trực tiếp có một trải nghiệm nào đó thì cần tìm nguồn tham khảo và đưa vào góc nhìn cá nhân, vì đâu thể nào cứ phải phạm tội thì mới viết được truyện trinh thám đúng không.

Chẳng hạn với cuốn Về nơi có nhiều cánh đồng, mình viết về khoảng thời gian lên núi làm nông nghiệp với một nhóm bạn. Ngoài đưa vào sách những trải nghiệm thực tế của bản thân, mình còn đọc thêm các sách khác liên quan, như sách về núi, rừng, về làm nông. Hoặc khi viết về tình yêu, mình cũng phải đọc về tâm lý học, rồi nghiên cứu thêm về giới nam, giới nữ,...

Một cảnh trong phim quotMugravei đu đủ xanhquot của đạo diễn Trần Anh Hugraveng
Một cảnh trong phim "Mùi đu đủ xanh" của đạo diễn Trần Anh Hùng.

Phan nghĩ gì khi người khác nói tác phẩm của bạn “chữa lành”?

Mình cảm thấy biết ơn, nhưng thật lòng, mình cũng sợ. Nó như đặt lên mình một sứ mệnh quá lớn lao.

Ban đầu viết Mèo Trắng mình không tính viết truyện chữa lành gì đâu. Mình chỉ đơn giản là than vãn thôi, vì lúc đó mình vừa phải bỏ đi một tập bản thảo 100 trang và cảm thấy hơi mệt mỏi trong việc sáng tác truyện tranh.

Mình cũng không định sẽ vẽ theo thể loại comic strip luôn. Trước nay sách của mình đều theo thể loại dài hơi hơn. Nhưng cuối cùng cách vẽ này lại phù hợp nhất để mình dễ lan tỏa sự mỏi mệt của bản thân tới nhiều người hơn. (cười)

Thế nên các bạn mới follow Mèo Trắng khoảng 1, 2 tháng sẽ không biết Mèo Trắng khoảng thời gian đầu chỉ toàn vẽ chuyện cảm lạnh, chứ không phải cảm động, deep deep gì hết.

Nhưng càng vẽ Mèo Trắng, mình càng tin rằng, than thì than, nhưng đến cuối cùng nói ra được càng nhiều lời tốt đẹp càng tốt.

Có chủ đề nào đó mà Phan sợ vẽ không?

Hmm, không có chủ đề nào cả. Chỉ có chủ đề mình không dám làm vì sợ bị kiểm duyệt thôi.

Chẳng hạn mình luôn muốn vẽ một câu chuyện kinh dị rùng rợn, nhưng không biết đâu là giới hạn bị kiểm duyệt.

Một điều mà mãi Phan không làm được?

Đu trend. Nhiều bạn bảo Mèo Trắng chọn hướng đi bền vững, không theo trend, nhưng thật ra mình cũng muốn thử mà không làm đượccc. Còn nếu bạn có thấy truyện Mèo Trắng “bắt đúng xu hướng chữa lành” thì mình nghĩ chỉ là một sự trùng hợp thôi.

Một cuộc phỏng vấn
Một cuộc phỏng vấn

Hành trình tiếp theo của Phan sẽ như thế nào?

Trong thâm tâm, mình luôn khao khát bán được 1 triệu cuốn. Và mình nghĩ bất kỳ tác giả nào, dù khiêm tốn tới đâu cũng nằm mơ tới ngày sách mình bán siêu chạy. Mình ước chừng con số 1 triệu cuốn vì đó có thể là ngưỡng giúp tác giả có nguồn thu nhập ổn định, từ đó có thêm niềm vui và nền tảng vững chắc hơn để duy trì việc sáng tác.

Và nếu một ngày không còn vẽ nữa thì mình hy vọng bản thân vẫn còn viết.

Mình thích xem bản thân là một người làm nội dung, một tác giả, hơn là một hoạ sĩ truyện tranh. Mình vẫn luôn muốn tìm ai đó có thể đồng hành với mình. Mình viết và bạn ấy vẽ. Nhưng vẫn chưa tìm được một nguồn năng lượng tương ứng, nên thôi hiện tại mình tự vẽ luôn.

Còn khi mình không viết, không vẽ thì mình… dạy vẽ. Nhìn thấy niềm vui của mọi người khi vẽ, mình lại có thêm động lực để đi tiếp. Với mình, đôi khi một tác phẩm được tạo ra không phải để phân định xấu-đẹp, hay-dở, mà là để chúng ta đi tìm những người cùng tần số.

Và mình thì luôn muốn kết nối với những người cùng tần số. Vì cuộc đời… vô nghĩa rồi, nên phải kiếm một thứ gì đó ý nghĩa cho nó thôi. Chắc đó cũng là lý do mà dù hiện tại nguồn thu nhập chính của mình không đến từ sách, nhưng mình vẫn thích làm sách.

quotMỗi ngagravey migravenh cứ vẽ một iacutetquot
Phan: Mình vẽ Mèo Trắng, mình không phải là Mèo Trắng.

Nếu một ngày sách của bạn bán được 1 triệu bản, bạn có tiếp tục giữ mục tiêu “mỗi năm xuất bản một cuốn” nữa không?

Thực sự thì mình không biết mình có sáng tác được tiếp sau đó không. Nhưng nếu không thì mình cũng không sợ lắm. Chắc chắn mình vẫn có sách để xuất bản. Vì mình đã vẽ xong 9 cuốn khác và đang đợi xuất bản đây.

Ngoài ra thì mình đang viết một cuốn mới về người ngoài hành tinh và một cuốn dạy vẽ.

Thời học đại học mấy bạn cùng lứa cũng hay áp lực vì mình, rằng “sao mày đi làm sớm, rồi có nhiều tiền”, hay bây giờ là “sao thành công sớm, in được quá trời sách”. Đi làm sớm rồi in nhiều sách thì đúng rồi, nhưng không có nhiều tiền nha. (cười)

Mình nghĩ thành công nằm ở định nghĩa của mỗi người. Thành công của mình là đến bây giờ mình vẫn còn điều kiện để tiếp tục sáng tác tiếp.