Ripley - Quý ngài tài ba (nhưng tài nhất là lừa đảo, thao túng) | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
09 Thg 04, 2024
Điện Ảnh

Ripley - Quý ngài tài ba (nhưng tài nhất là lừa đảo, thao túng)

Nếu lừa đảo là nghệ thuật thì Tom Ripley là nghệ sĩ. Còn Andrew Scott, anh là một 'tài tử' tài ba.
Ripley - Quý ngài tài ba (nhưng tài nhất là lừa đảo, thao túng)

Andrew Scott vào vai Tom Ripley trong series Ripley | Nguồn: Showtime/ Netflix

Ripley bắt đầu bằng những phân cảnh tĩnh làm liên tưởng tới các bức ảnh đen trắng, như bằng chứng cho thấy một sự việc đã xảy ra mà không có sự can thiệp của người đằng sau ống kính. Tiếng chuông nhà thờ điểm báo nửa đêm lớn dần lên. Những khung cảnh vẫn giữ nguyên trạng thái câm lặng, một chiếc đồng hồ, một mái vòm, một thiên sứ ôm thập giá.

Một người đàn ông nằm trên sàn, chỉ để lộ đôi bàn chân đang đi giày. Hình như anh ta đã quá chén ở trong một căn hộ nào đó tại Rome (Ý) vào năm 1961. Chỉ một vài giây sau, khán giả nhận ra mình đã lầm. Người đàn ông đó không say, anh ta đã chết. Xác anh ta được kéo lê xuống từng bậc thang: Bịch, bịch, bịch.

Ripley của đạo diễn Steven Zaillian bắt đầu như thế. Rất lặng lẽ và đầy ám ảnh, tựa như tội ác không tạo ra tiếng động. Nó gợi lại sự giật gân trinh thám trong những thước phim noir đen trắng thập niên 60. Từ đây, câu chuyện về thiên tài lừa đảo được yêu mến bậc nhất trong văn chương dần lộ nguyên hình: Tom Riley trong khuôn mặt của diễn viên Scott Andrew.

Lưu ý: Phần sau có thể tiết lộ nội dung phim.

Khó mà tìm được một người tốt

Khi Flannery O'Connor viết Khó mà tìm được một người tốt (A Good Man is Hard to Find), bà đã mang cả không khí miền Nam nóng rẫy bạo lực, tội phạm vào trong một câu chuyện ngắn chỉ vài chục trang. Yếu tố giật gân cùng sự trào lộng của chất hài đen đã làm nên một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của văn chương Mỹ thế kỷ 20.

Tập truyện ngắn A Good Man is Hard to Find được in lần đầu năm 1955 đưa tên tuổi của O'Connor lên hàng tác gia. Và cùng năm đó, một nữ tác giả cũng đến từ miền Nam nước Mỹ - Patricia Highsmith, xuất bản một tiểu thuyết tâm lý giật gân "kinh điển", The Talented Mr. Ripley.

O'Connor chết trẻ vì bệnh, Highsmith thì sống thọ rồi qua đời khi về già. Hai nữ tác giả gần như chẳng liên quan gì đến nhau, ngoại trừ, họ cùng sống ở miền Nam nước Mỹ trong những năm tháng khi tội phạm cùng nạn phân biệt chủng tộc leo thang; và cả hai cùng theo đuổi những câu chuyện có màu sắc bạo lực, giật gân.

Nhắc đến Highsmith ở đây là bởi series Ripley do Steven Zaillian biên kịch, được chuyển thể dựa theo cuốn tiểu thuyết The Talented Mr.Ripley. Còn Flannery O'Connor được gợi đến, bởi lẽ tựa đề của tập phim đầu tiên trong 8 tập của Ripley, Zaillian đã đặt tên là "Rất khó để tìm được anh" (A Hard Man to Find.)

Chính tên tựa đề của tập phim đầu tiên, cùng màn đối thoại giữa Tom Ripley (Andrew Scott) và thám tử Alvin McCarron (Bokeem Woodbine) đã mang đến một điềm báo (foreshadow). Rằng Ripley là một người khó tìm thấy và khó đoán. Và anh sẽ liên quan đến các phi vụ, tội ác.

alt
Andrew Scott ở một những phân cảnh đầu tiên của Ripley | Nguồn: Showtime/ Netflix

7 tập phim tiếp theo theo chân Ripley rời Mỹ để đến Ý, theo lời hứa hẹn của Herbert Greenleaf (Kenneth Lonergan) nhằm thuyết phục con trai Dickie Greenleaf (Johnny Flynn) về nhà kế nghiệp. Ripley chắc chắn sẽ nhận lời, dù ngay cả chính anh, có lẽ, không biết sẽ gây ra những tội ác gì so với vài ba thói lừa đảo vặt vãnh trước đó.

Và 7 tập phim sau đó đã chỉ ra: Người thì đã tìm thấy, nhưng người tốt thì không.

Mỹ cảm của... tội ác

Khi một câu chuyện đã trở nên quen thuộc (loạt tiểu thuyết gốc thành hiện tượng, cùng 5 phiên bản phim trước đó), thẩm mỹ và cảm giác về bộ phim nên được chú trọng hơn chỉ là kể chuyện.

Vì thế, biên kịch Zaillian đã vận dụng hết các yếu tố để tạo nên một bộ phim tâm lý tội phạm chứa đựng những chi tiết giật gân tới ám ảnh khán giả. Các yếu tố từ màu phim, góc máy, bối cảnh, cho đến âm nhạc... phải được sử dụng cẩn thận, nhằm mang lại hiệu quả tối đa nhất.

alt
Từ trái sang: Dakota Fanning, Johnny Flynn và Andrew Scott | Nguồn: Showtime/ Netflix

Về lâu dài, mọi tính toán và lựa chọn của Steven Zaillian trong Ripley đều khá khôn ngoan. Từ việc lựa chọn màu phim đen trắng, đến những cảnh tĩnh tựa như những bức ảnh liên tiếp trong khuôn hình đều gợi lên sự đen tối, giật gân như trong những tác phẩm điện ảnh tâm lý tội phạm kinh điển.

Zaillian cũng sử dụng âm nhạc một cách khôn ngoan, không chỉ gợi lên sự êm ả trong những bản nhạc jazz mà còn mang đến những lời dự báo. Những cảnh quay Ripley nhìn vào trong gương, những hành lang và cầu thang dốc tựa như mê cung cũng ám chỉ chiều sâu tâm trí nhân vật rất khó để tìm cận.

Những góc quay đơn sắc đẹp như tranh vẽ cho thấy chủ đích của Zaillian. Việc lồng ghép các yếu tố về danh hoạ và tác phẩm của Caravaggio (Michelangelo Merisi xứ Caravaggio) đầy cuốn hút. Caravaggio là "giáo chủ" trong tài năng hội họa thuộc trường phái Baroque với đời tư bê bối. Ripley cũng vậy, anh là một "cao thủ" trong tài năng lừa đảo, thao túng người khác với đời tư uỷ khúc.

alt
Nguồn: Showtime/ Netflix

Kết quả là, Ripley giống như một tác phẩm điện ảnh theo trường phái Caravaggio, đầy cảm xúc và gây sốc, khiến người ta dễ mê muội. Việc nhuần nhuyễn sử dụng các yếu tố điện ảnh đã giúp Zaillian tạo ra mỹ cảm về tội ác một cách cuốn hút như vậy trong Ripley.

Màn hoá thân tuyệt vời của Andrew Scott

Ripley là một con artist chính hiệu. Anh ta có thể làm giả danh tính và giấy tờ một cách tinh vi để kiếm tiền. Vì thế, anh ta có thể đóng giả bất kỳ ai, kể cả nạn nhân xấu số mang tên Dickie Greenleaf (Johnny Flynn).

Biên kịch Zaillian đã tạo nên một Ripley lọc lõi ngay từ đầu, thay vì một quý ngài tài năng như phiên bản The Talented Mr. Ripley (1999) với màn diễn xuất của Matt Damon. Nhưng để tăng thêm phần hợp lý và ám ảnh, Zaillian đã hướng vào cách xây dựng nhân vật này một cách hoàn hảo.

alt
Andrew Scott có màn hóa thân tuyệt vời với bậc thầy lừa đảo Tom Ripley | Nguồn: Showtime/ Netflix

Ripley của Zaillian và Andrew Scott có dấu hiệu của cả ba tính cách trong "The Dark Triad" gồm cả ái kỷ (narcissism), thái nhân cách (psychopath) và mưu mô (machiavellianism.) Từ việc ám ảnh về hình ảnh và đặc quyền của Dickie đến việc trở thành Dickie cho thấy tài "lèo lái" nhân vật tuyệt vời của Zaillian.

Ripley hiện lên một cách chân thật, quái gở nhưng cũng hệt cuốn hút còn ở màn hoá thân tuyệt vời của Andrew Scott. Những vai diễn và thử thách của Andrew trong sự nghiệp trước đây đã giúp anh toả sáng trong vai diễn này.

Ánh mắt của Scott ở Ripley, trong một phút nào đó có thể khiến người xem nhớ lại sự gian xảo, mưu mô trong vai James Moriarty từ series Sherlock anh đóng đã nhiều năm. Khả năng một mình "cân" 7 vai trong vở kịch Vanya của Andrew Scott khiến những trường đoạn thái nhân cách của Ripley (lúc này đã trở thành Dickie) trở nên chân thực và ám ảnh.

alt
Nguồn: Showtime/ Netflix

Nhưng Scott còn mang đến cho vai Ripley những khía cạnh khác. Sự luống cuống, đôi khi bất lực, cùng sự đa diện trong biểu cảm gương mặt khiến cho Ripley trở thành một nhân vật khó cảm nhận và dò xét. Nếu không phải là Scott, Ripley đã không có màn lừa lọc khán giả đỉnh cao như vậy trong phim.

Tạm kết

Ripley vẫn chưa đạt được sự hoàn hảo để trở nên độc nhất, dù tài năng biên kịch và đạo diễn của Steven Zaillian đã được chứng minh; khả năng diễn xuất tuyệt vời của Andrew Scott đã được công nhận.

Ngoài Ripley, các nhân vật dường như chưa có nhiều phát triển về chiều sâu tâm lý dù họ diễn tròn vai một cách khá kinh ngạc. Đáng tiếc nhất phải kể đến vai diễn Marge Sherwood của Dakota Fanning khá chưng hửng, và lãnh đạm.

Ngoài ra, sự xuất hiện của John Malkovich (Tom Ripley trong Ripley's Game, 2002) trong vai Reeves Minot cũng hứa hẹn mở ra phần phim tiếp theo. Chưa kể, thanh tra Pietro Ravini (Maurizio Lombardi) cũng đã phát hiện ra "mánh" của Ripley ở cuối phim.

Điều gì xảy ra sẽ xảy ra, bởi Tom Ripley là một nhân vật tiềm năng để tạo nên những câu chuyện thú vị. Và dường như, hành trình lừa đảo của Ripley mới chỉ bắt đầu.