The Power of the Dog lột trần tính nam độc hại chinh phục Oscars | Vietcetera
Billboard banner

The Power of the Dog lột trần tính nam độc hại chinh phục Oscars

Bộ phim dẫn đầu cuộc đua Oscar năm nay là một tác phẩm đầy quyền năng, khám phá những di chứng của gã đàn ông mang trong mình những tư tưởng nam tính độc hại, kẻ phải thừa hưởng một di sản tật nguyền.
The Power of the Dog lột trần tính nam độc hại chinh phục Oscars

Nguồn: The Power of the Dog.

Vào mùa hè cách đây khoảng 30 năm (1993), Ban giám khảo của LHP Cannes đã phải trao giải Cành cọ vàng cho 2 bộ phim xuất sắc: Bá vương biệt cơ của Trần Khải Ca đến từ Trung Quốc và The Piano (Dương cầm) của Jane Campion đến từ New Zealand.

Đây là một việc hy hữu tại Cannes, đồng thời cũng lập nên những kỷ lục chưa từng có tại LHP quốc tế danh giá nhất hành tinh này. Lần đầu tiên một bộ phim đến từ Trung Quốc thắng giải Cành cọ vàng; và cũng là lần đầu tiên trong lịch sử của Cannes, giải lớn nhất được trao cho một nữ đạo diễn (Jane Campion).

Sau gần 30 năm, Jane Campion mang đến kiệt tác mới

The Piano sau đó còn giành thêm 3 giải Oscar trên tổng số 8 đề cử. Bộ phim đậm đặc tính nữ và tính bản địa, mang đến cho người xem một không khí mơ hồ, nhục cảm và bí ẩn xuyên suốt. Khán giả không thể đoán định được điều gì sắp xảy ra trong thế giới nội tâm của người đàn bà câm (Holly Hunter đóng). Nhân vật này phải dùng những thanh âm của cây đàn dương cầm để bộc lộ tâm hồn mình.

Cây bút phê bình danh tiếng Roger Ebert đã viết về The Piano rằng, “Đây là một bộ phim hiếm hoi không chỉ kể về một câu chuyện, hay một số nhân vật như những bộ phim thông thường, mà còn đem đến cho chúng ta một vũ trụ cảm giác.”

Jane Campion trở thành một tên tuổi được cả giới điện ảnh chờ đợi tác phẩm tiếp theo. Nhưng nữ đạo diễn này lại có một sự nghiệp điện ảnh khá bí ẩn và trồi sụt thất thường. Một số thành công, một số thất bại. Trong số gần 30 năm qua, bà cũng chỉ làm thêm 5, 6 bộ phim điện ảnh và một TV series.

Poster phim The Power of the Dog. | Nguồn: The Power of the Dog/Netflix.

Và trong năm 2021, tức sau 12 năm kể từ bộ phim gần đây nhất của bà là Bright Star (2009), phim tiểu sử lãng mạn kể về cuộc tình cuối đời của nhà thơ đoản mệnh John Keats; Jane Campion xuất hiện trở lại với The Power of the Dog.

Ngay từ khi The Power of the Dog được trình chiếu lần đầu tiên tại LHP Venice, những dàn đồng ca khen ngợi bộ phim đã xuất hiện trên các diễn đàn điện ảnh và báo chí. Sau gần 30 năm, Jane Campion đã mang đến một kiệt tác điện ảnh mới, một bộ phim tâm lý nặng nề về thế giới rạn vỡ của một gã đàn ông nghiệt ngã.

The Power of the Dog, nếu nhắc lại cái ý mà Roger Ebert đã viết về The Piano, tôi nghĩ cũng không sai – bộ phim này mang đến cho người xem một vũ trụ cảm giác.

Khác với cái nhìn đậm chất nữ tính và những màu sắc bản địa của thế kỷ 19 tại một hòn đảo hẻo lánh ở New Zealand trong The Piano, The Power of the Dog là một bộ phim chính kịch tâm lý nặng nề (slow-burning psychodrama) về miền viễn Tây của nước Mỹ đầu thế kỷ 20.

Nữ đạo diễn Jane Campion. | Nguồn: The Guardian.

Mạch phim chậm rãi và ngột ngạt đến khó chịu, có thể khiến người xem mất kiên nhẫn và bỏ cuộc bất cứ lúc nào. Nhưng nếu vượt qua được không khí tù đọng đó, hai tiếng đồng hồ của bộ phim này sẽ mang lại cho chúng ta một thứ đúng nghĩa: tinh túy của điện ảnh.

Đây cũng là một bản nghiên cứu, phân tích tâm lý bậc thầy về “toxic masculinity” hoặc chính xác hơn là “masculine crisis” - một thứ nam tính độc hại hoặc khủng hoảng nam tính được đặt trong bối cảnh viễn Tây đầu thế kỷ 20, nơi chủ nghĩa tư bản bắt đầu ảnh hưởng.

Con sói cô độc hay kẻ thừa hưởng di sản tật nguyền?

Bối cảnh của bộ phim diễn ra vào những năm 1920 tại Montana, một vùng đất hoang dã nhưng đẹp đến lộng lẫy với những rặng núi nơi hậu cảnh. Phil (Benedict Cumberbatch) và George (Jesse Plemons) là hai anh em nhà Burbank – những người được thừa kế một trang trại vật nuôi giàu có ở Montana.

Khác với cậu em trai George có tính cách ôn hòa, Phil là một kẻ có vẻ ngoài đáng sợ và chuyên bắt nạt người khác. Đôi mắt anh ta lạnh lùng như loài sói và dường như không bao giờ bộc lộ điều gì. Anh ta bắt nạt từ cậu em trai thật thà của mình (mặc dù cả hai ngủ chung giường) cho đến những người làm thuê và bất cứ gã đàn ông nào có vẻ ngoài yếu đuối xuất hiện trước mặt gã.

Trong bữa tiệc tối tại quán của một người phụ nữ góa bụa Rose (Kirsten Dunst đóng), Phil không ngần ngại bộc lộ bản năng dữ tợn của mình. Anh quát nạt những người địa phương gây ồn trong quán, mỉa mai chế giễu đứa con trai mới lớn có vẻ ngoài nữ tính của Rose.

The Power of the Dog khắc họa một câu chuyện khắc ngiệt về tính nam độc hại. | Nguồn: The Power of the Dog/Netflix.

Ánh mắt của gã lạnh như băng và luôn hằn học, miệt thị kẻ khác. Và khi biết những lời nói của gã gây tổn thương cho đứa con trai của Rose như thế nào, gã đáp lại: “Nói với con cô ta hãy thôi như vậy; và làm những việc giống với người hơn đi!”

Trong con mắt của Phil, chỉ có duy nhất một người mà gã coi là “role model”- hình mẫu người đàn ông vĩ đại nhất, đó là Bronco Henry, người dạy cho gã cưỡi ngựa, người trui rèn gã ý chí mạnh mẽ của loài sói. Người đàn ông đã qua đời từ lâu, nhưng luôn xuất hiện trên môi của Phil như một biểu tượng của nam tính mà gã tôn thờ.

Cũng vì thế, khi nghe George thổ lộ ý đính kết hôn với Rose, người phụ nữ góa bụa mà gã từng bắt nạt, Phil sững sờ và sau đó là giận dữ. Khi không thể thuyết phục được cậu em trai, gã trút căm hận lên chú ngựa tội nghiệp.

Khi cô em dâu gọi gã là anh trai, Phil đáp lại bằng giọng hằn học: “Tôi không phải là anh trai của cô. Cô chỉ là một kẻ mưu mô rẻ tiền”. Và khi không thể ngăn cản được tình cảm của em trai dành cho người vợ mới cưới và đứa con trai riêng của cô ta, Phil bắt đầu gây sức ép tinh thần lên Rose, bằng cái nhìn của con sói đối với con mồi.

Gã không từ bất cứ một cơ hội nào để khủng bố tinh thần người khác. Khi nghe Rose chơi một bản nhạc trên cây đàn piano sai nhịp, gã chơi lại bằng cây đàn banjo như để thể hiện sự miệt thị. Và gã đạt được mục đích của mình. Rose dần dần trở thành một người phụ nữ khủng hoảng tinh thần và mượn rượu để trấn áp tinh thần, rồi trở nên nghiện ngập lúc nào không hay.

Đối với những người xung quanh, Phil là một tên bạo chúa, một gã đàn ông thích kiểm soát, thích gây hấn và sẵn sàng đè bẹp người khác.

Thế nhưng, khi gã ở một mình, ta được chứng kiến một Phil khác – một gã đàn ông rạn vỡ từ bên trong. Kẻ gồng mình lên để chứng tỏ, nhưng thực chất chỉ là một kẻ ôm trong mình sự tổn thương vì người duy nhất thấu hiểu được gã đã qua đời từ lâu. Và gã ôm trong mình một mối tình vô vọng từ đó.

Kế thừa một di sản tật nguyền từ người đi trước, dĩ nhiên gã cũng là một kẻ tật nguyền về tâm hồn. Với một gã đàn ông độc hại như gã, Rose – người phụ nữ yếu đuối dĩ nhiên không phải là đối thủ. Nhưng chính lúc gã dồn Rose vào chân tường thì Peter (Kodi Smit-McPhee) – cậu con trai mới lớn từng bị Phil giễu cợt trước đó bỗng dưng xuất hiện.

Một miền viễn Tây khác, một khúc dương cầm khác

Miền Viễn Tây trong The Power of the Dog của Jane Campion mặc dù vẫn có những gã cao bồi trên lưng ngựa, nhưng nó khác hẳn với những bộ phim thuộc dòng “Western” kinh điển khác. Không có những cuộc đấu súng mà kẻ “bắn chậm thì chết”; không có những kẻ ngoài vòng pháp luật hay những cuộc truy tìm tội phạm để săn tiền thưởng của cảnh sát như các bộ phim cao bồi khác.

Miền viễn Tây trong phim vẽ ra một thế giới lạnh lẽo và khắc nghiệt, nơi gã đàn ông mang trong mình một tư tưởng nam tính độc hại, chuyên quyền và dùng sức mạnh của mình để đè bẹp người khác, đặc biệt là về mặt tinh thần.

The Power of the Dog mang đến chất viễn Tây khác biệt trên màn ảnh. | Nguồn: The Power of the Dog/Netflix.

Bên cạnh đó, The Power of the Dog có một cảnh cũng khiến tôi nhớ tới The Piano của Jane Campion trước đây, đó là cảnh những gã đàn ông lực lưỡng khênh trên vai chiếc đàn piano - một biểu tượng của vẻ đẹp âm nhạc, của thế giới văn minh đến với thế giới hoang dã và vô cảm của những gã đàn ông.

Trong The Piano, những thanh âm của chiếc dương cầm vang lên dẫn lối cho trái tim của người đàn bà câm để biểu đạt tâm hồn và tình yêu của mình, dù cô có bị gã chồng độc đoán và ghen tuông chặt đi ngón tay của mình đi nữa.

Nhưng trong The Power of the Dog, thanh âm của chiếc đàn dương cầm tắc nghẽn giữa chừng, khi gã đàn ông nghiệt ngã tìm cách phá bĩnh và khinh miệt tiếng đàn của người đàn bà tội nghiệp. Từ đó cô sợ hãi đến mức không bao giờ dám đàn nữa.

Nguồn: The Power of the Dog/Netflix.

Và trong một đoạn thoại, Rose nói với đứa con trai của mình rằng: “Có âm thanh nào khiến trái tim của con rung lên không? Mẹ hi vọng chúng ta sẽ tìm thấy nó”.

Có lẽ vì sự khát khao đó của người mẹ tội nghiệp, chàng trai yếu đuối đã đi tìm thanh âm ngân rung cho người mẹ, bằng một hành trình tiêu diệt sự độc hại của nam tính mà chúng ta không thể ngờ đến, cho đến khi hình ảnh cuối cùng của bộ phim khép lại bằng một câu trích từ Kinh thánh. Và ta hiểu The Power of the Dog” thực sự là gì?

Màn lột xác ngoạn mục của tài tử Benedict Cumberbatch

Jane Campion là một nhà làm phim không giống với bất kỳ đạo diễn nào khác. Dù chuyển thể từ một cuốn tiểu thuyết cùng tên của Thomas Savage, cách xử lý của bà khiến ngay cả những người đã đọc tiểu thuyết cũng phải bất ngờ.

Nghệ thuật dẫn chuyện theo kiểu chương hồi với những lát cắt sắc lạnh, cách dồn nén tâm lý nhân vật rồi từ từ bóc tách qua những chi tiết đắt giá khiến khán giả dần dần hiểu ra những lớp vỏ bọc bên ngoài lẫn thế giới nội tâm của họ.

Việc xây dựng và phát triển tâm lý nhân vật của nữ đạo diễn kỳ cựu cho thấy bà là một nhà tâm lý bậc thầy, người chỉ cho ta biết được bí mật ẩn giấu khi hành trình đã kết thúc. Và đó cũng là cơ hội tuyệt vời cho những diễn viên thể hiện khả năng diễn xuất của họ.

Từ trái sang, Kirsten Dunst, Benedict Cumberbatch và Kodi Smit-McPhee với ba vai diễn xuất sắc: Rose, Phil và Peter. | Nguồn: The Power of the Dog/Netflix.

4 nhân vật trong bộ phim mang 4 tính cách khác biệt và cũng được thể hiện bởi 4 diễn viên tài năng. Giống như The Piano của gần 30 năm về trước từng mang lại 2 giải Oscar nữ chính và nữ phụ cho Holly Hunter và Anna Paquin; The Power of the Dog cũng là cơ hội để chạm đến tượng vàng Oscar của Benedict Cumberbatch, Kirsten Dunst và Kodi Smit-McPhee với ba vai diễn xuất sắc: Phil, Rose và Peter.

Màn đối đầu giữa Phil và Rose mang đến những trường đoạn diễn xuất sáng chói của Cumberbatch và Dunst. Đó là cuộc đối đầu câm lặng giữa bọn họ đã dệt nên màn diễn xuất không cần nhiều lời mà vẫn chạm được vào chúng ta, bằng tài năng diễn xuất nội tâm của họ.

Cụ thể, một gã đàn ông nghiệt ngã, tàn bạo, thích thao túng và nghiền nát cuộc đời kẻ khác, nhất là dám đụng vào thế giới của y và một người đàn bà nhiều thương tổn rơi vào vòng xoáy của nghiện rượu và trầm cảm trước sự tàn phá của gã đàn ông quyền lực.

Trên trường quay của bộ phim này, cả Cumberbatch và Dunst đều không nói với nhau một lời nào, cả trên set cho đến ngoài đời, để giữ cho hai vai diễn của họ đi đúng quỹ đạo tinh thần của nhân vật. Đôi khi không dùng lời (vô ngôn) lại có sức mạnh biểu đạt hơn tất cả mọi lời nói.

Chẳng phải Jane Campion đã chứng minh điều này qua The Piano rồi sao, nơi Holly Hunter đóng vai một cô gái câm và đoạt giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất, tại LHP Cannes lẫn giải Oscar?

Benedict Cumberbatch nắm giữ linh hồn của bộ phim. | Nguồn: The Power of the Dog/Netflix.

Người nắm giữ linh hồn của bộ phim tất nhiên là Benedict Cumberbatch. Từng một lần được đề cử Oscar nam chính với vai nhà toán học thiên tài đồng tính Alan Turning trong The Imitation Game, Cumberbatch một lần nữa vào vai một người đàn ông đồng tính trong The Power of the Dog.

Nếu vai diễn trong bộ phim trước mang lại cho người xem sự cảm thông và đồng cảm, thì trong bộ phim mới nhất, hình ảnh của Phil hiện lên như một gã đàn ông tồi tệ và luôn phải che giấu khía cạnh tăm tối của bản thân. Và chính điều đó càng bóp nghẹt anh ta.

Còn gì thảm hơn một tên bạo chúa luôn bỉ bai ức hiếp kẻ khác, lại trần trụi vùi mình vào đống bùn nhơ, phủ cái khăn của gã nhân tình trong mộng đã chết từ bao giờ và rên rỉ thủ dâm để thỏa mãn chút bản năng còn sót lại mà gã cố tìm cách giết đi?

Chính ở khía cạnh tăm tối đó của nhân vật, tài năng diễn xuất của Cumberbatch càng tỏa sáng.